I. MỞ BÀI: Giới thiệu vấn đề cần nghị luận (luận đề).
Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân Nguyễn Đăng Tuyển từng nhận xét Nguyễn Du: “có con mắt trông thấu sáu cõi, có tấm lòng nghĩ đến muôn đời”. Bởi vậy mà người nghệ sĩ ấy đã từng khóc thương, đồng cảm sâu sắc với số phận của những con người tài sắc mà bất hạnh. Đó là Thúy Kiều – một thân phận chìm nổi, là Tiểu Thanh – người con gái hồng nhan bạc mệnh,…Đặt trong dòng mạch chung ấy, “Đọc Tiểu Thanh kí” có thể xem là một tiếng khóc lớn Nguyễn Du khóc cho Tiểu Thanh, cho tất cả những người tài hoa mà bất hạnh trên đời và cho chính bản thân mình.
II. THÂN BÀI:
1. Khái quát về tác giả, đề tài và cảm hứng chung:
Nguyễn Du (1765 – 1820) là đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Tuy xuất thân từ thành phần quý tộc nhưng Nguyễn Du trải qua một cuộc đời đầy thăng trầm, sóng gió trong một thời kì mà xã hội Việt Nam có nhiều biến động nên ông suy ngẫm nhiều và sâu sắc về số phận con người. Là nhà thơ có trái tim nhân đạo lớn, Nguyễn Du xót thương cho tất cả những nỗi đau đớn, bất hạnh của con người trong đó đối tượng được ông dành nhiều ưu ái nhất là phụ nữ và những người tài hoa mà bất hạnh. Tiểu Thanh là phụ nữ, lại là người tài sắc mà phải chịu nhiều nỗi đau đớn, uất ức nên dễ hiểu vì sao Nguyễn Du dành cho nhân vật này một tình cảm đặc biệt.
2. Phân tích, cảm nhận nội dung:
a. Nguyễn Du khóc người, thương người:
Nếu Thúy Kiều đến với Đạm Tiên qua nấm đất sè sè bên đường thì Nguyễn Du đến với Tiểu Thanh qua “mảnh giấy tàn” bên song cửa sổ:
“Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.”
(Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang,
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.)
Bài thơ mở đầu bằng bức tranh tương phản giữa Tây Hồ xưa kia cảnh đẹp và Tây Hồ ngày nay đã thành gò hoang. Từ “tẫn” gợi ra sự thay đổi khốc liệt, triệt để. Niềm thương cảm, ngậm ngùi còn nhân lên gấp bội khi nơi gò hoang ấy được đặt trong nghịch cảnh trớ trêu giữa quá khứ và hiện tại, giữa cái đẹp huy hoàng và sự hoang phế. Từ vườn hoa đến gò hoang là một sự thay đổi lớn khiến thi sĩ đau lòng nhận ra cái đẹp bị hủy diệt bởi sự vô tình của tạo hóa. Vì vậy, đọc hai câu thơ đầu ta như nghe thấy tiếng thở dài của nhà thơ trước lẽ “biến thiên dâu bể” của cuộc đời và niềm thổn thức của một tấm lòng nhân đạo lớn: vạn vật đổi thay, Tiểu Thanh bị vùi lấp quên lãng nhưng nhà thơ đã nhớ và viếng nàng qua “nhất chỉ thư”.
Tiểu Thanh là người con gái tài sắc mà bạc mệnh. Nàng sống ở đầu đời Minh, có chồng nhưng chỉ làm vợ lẽ. Nàng bị vợ cả ghen tuông nên đày đọa, bắt sống cô độc trên núi Cô Sơn. Cô đơn, buồn bã, Tiểu Thanh gửi gắm tâm trạng của mình vào những vần thơ rồi chẳng bao lâu, nàng từ giã cuộc đời khi mới mười tám tuổi. Tiểu Thanh chết rồi nhưng thơ của nàng vẫn bị vợ cả đem đốt hết. Những bài còn sót lại trong đống tro tàn được người đời tập hợp thành tập thơ và gọi là “Phần dư cảo”. Từ “mảnh giấy tàn” còn sót lại của Tiểu Thanh, Nguyễn Du nghĩ tới cuộc đời nàng. Cuộc đời Tiểu Thanh là điển hình của bi kịch hồng nhan bạc mệnh, tài mệnh tương đố. Di cảo của nàng cũng chính là di hận:
“Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lụy phần dư.”
(Son phấn có thần chôn vẫn hận,
Văn chương không mệnh đốt còn vương.)
Nguyễn Du nói đến Tiểu Thanh bằng những hình ảnh ước lệ, tượng trưng quen thuộc. “Son phấn” tượng trưng cho nhan sắc, “văn chương” tượng trưng cho tài năng. Hai vật thể vô tri ấy đã được nhà thơ nhân cách hóa, để trở nên có “thần”, có “hồn”. Tiểu Thanh là kết tinh của nhan sắc, trí tuệ, tâm hồn. Vậy mà nhan sắc thì bị chôn vùi dưới ba tấc đất, tài năng thì bị hủy hoại. Tạo hóa thật khéo trêu ngươi khi chính cái sắc, cái tài lại là nguyên nhân của những tai họa giáng xuống cuộc đời nàng. Giọt nước mắt xót thương Tiểu Thanh của Nguyễn Du bắt nguồn từ sự ngưỡng mộ sắc đẹp và tài năng của nàng. Có hiểu rằng xã hội phong kiến vốn phủ nhận tài hoa, trí tuệ của người phụ nữ thì mới thấy hết chiều sâu nhân đạo trong tiếng khóc của Nguyễn Du. Chính cảm hứng ngưỡng mộ sắc đẹp và tài năng là sợi dây kết nối Nguyễn Du với Tiểu Thanh và với những người tài hoa bạc mệnh trên đời.
b. Từ khóc người, thương người, Nguyễn Du trở về khóc thương cho chính thân phận mình. Trước nỗi đau của Tiểu Thanh, đại thi hào đặt ra những câu hỏi khắc khoải, xót xa:
“Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kì oan ngã tự cư.”
Nỗi hận của Tiểu Thanh cũng là nỗi hận muôn đời của những người tài sắc. Nỗi hận ấy dồn tụ lại như một câu hỏi treo lơ lửng giữa không trung. “Cùng một lứa bên trời lận đận” (Bạch Cư Dị), Nguyễn Du thấy mình, Tiểu Thanh và bao nhiêu người tài hoa khác trên đời đều mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã. Như vậy, bằng chính sự trải nghiệm của bản thân, Nguyễn Du thấu hiểu nỗi đau của Tiểu Thanh để rồi tự thương cho chính bản thân mình:
“Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”
(Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,
Người đời ai khóc Tố Như chăng?)
Hơn ba thế kỉ trôi qua sau cái chết của Tiểu Thanh, nàng đã tìm thấy sự đồng điệu, đồng cảm, xót thương của Nguyễn Du. Nhưng ba trăm năm sau, Nguyễn Du tự hỏi liệu ai sẽ là người khóc thương cho mình. Nhà thơ không hỏi quá khứ hay hiện tại mà hướng về tương lai và chính điều này gợi cho người đọc nhiều điều về cuộc sống hiện tại của Nguyễn Du: ông không tìm thấy sự đồng cảm, đồng điệu; không có ai là người tri âm tri kỉ. Nỗi trăn trở, day dứt của Nguyễn Du là vậy, nhưng không cần phải đợi đến ba trăm năm sau, năm 1965 nhân kỉ niệm hai trăm năm ngày sinh Nguyễn Du, nhà thơ Tố Hữu đã thay mặt các thế hệ hậu sinh khẳng định trước vong linh đại thi hào dân tộc:
“Tiếng thơ ai động đất trời,
Nghe như non nước vọng lời nghìn thu.
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du,
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.
Hỡi người xưa của ta nay,
Khúc vui xin lại so dây cùng Người.”
(Tố Hữu – Kính gửi cụ Nguyễn Du)
III. KẾT BÀI: Đánh giá chung.
“Đọc Tiểu Thanh kí” là một tiếng khóc lớn trải dài theo không gian và thời gian. Nguyễn Du vừa khóc thương cho người vừa khóc thương cho chính mình. Từ bao đời nay, lòng thương người vẫn là biểu hiện của tấm lòng nhân đạo cao cả, còn tự thương mình là sự thể hiện của ý thức cá nhân. Đây là một điểm mới mẻ, thể hiện sự trỗi dậy của ý thức cá nhân ở Nguyễn Du, đối lập với quan niệm văn học “phi ngã”, “vô ngã” thời trung đại. Xét ở khía cạnh này, đây cũng là một đóng góp đáng ghi nhận của Nguyễn Du trong bài thơ “Đọc Tiểu Thanh kí”.