Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Ngữ văn - Lớp 6
26/10/2016 09:27:12

Trình bày cảm nghĩ của em về ý nghĩa truyện Thánh Gióng?

3 trả lời
Hỏi chi tiết
5.251
25
11
Trần Lan
27/10/2016 14:11:55
Trong truyền thuyết Thánh Gióng, Thánh Gióng là hình tượng tiêu biểu của người anh hùng chống giặc ngoại xâm. Chàng được sinh ra từ một người mẹ nông dân nghèo, điều này chứng tỏ Gióng sinh ra từ nhân dân, do nhân dân nuôi dưỡng. Gióng đã chiến đấu bàng tất cả tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc của nhân dân. Sức mạnh của Gióng không chỉ tượng trưng cho sức mạnh của tinh thần đoàn kết toàn dân, đó còn là sức mạnh của sự kết hợp giữa con người và thiên nhiên, bằng cả vũ khí thô sơ (tre) và hiện đại (roi sắt). Từ truyền thống đánh giặc cứu nước, nhân dân ta đã thần thánh hoá những vị anh hung trở thành những nhân vật huyền thoại, tượng trưng cho lòng yêu nước, sức mạnh quật khởi. Bên cạnh giá trị biểu tượng, tác phẩm cũng có một số sự thật lịch sử. Thời kì lịch sử được phản ánh trong tác phẩm là thời đại Hùng Vương. Trên cơ sở một nền kinh tế nông nghiệp trồng lứa nước đã khá phát triển, người dân Văn Lang đã tạo nên cả một nền văn minh rực rỡ, đồng thời cũng luôn luôn phải chống giặc ngoại xâm phương Bắc để bảo vệ đất nước. Bên cạnh việc cấy trồng lúa nước, nhân dân thời bấy giờ đã có ý thức chế tạo vũ khí chống giặc từ chất liệu kim loại (bằng sắt). Truyền thuyết cũng phản ánh: trong công cuộc chống ngoại xâm, từ xa xưa, chúng ta đã có truyền thống huy động sức mạnh của cả cộng đồng, dùng tất cả các phương tiện để đánh giặc.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng ký tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
20
10
NGUYỄN THỊ THU HẰNG
20/04/2017 13:53:37
Việt Nam vốn có truyền thống hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân Việt Nam luôn anh hùng, kiên cường trong chống giặc ngoại xâm, và trước sức mạnh ấy thì các thế lực bạo tàn cũng đã lật lượt bị đánh đuổi ra khỏi bờ cõi của Việt Nam, làm nên những chiến thắng lừng lẫy, oai hùng đó không chỉ bởi sức mạnh lớn lao, tinh thần đoàn kết của quân dân ta mà còn bởi những vị tướng tài giỏi, có tài mưu lược và cầm quân, như Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lí Bí, Trần Quốc Tuấn….Trong nền văn học viết, các nhà văn, nhà thơ cũng đã thể hiện thái độ tôn trọng cũng như sự đề cao đối với các nhân vật này, còn trong sự phát triển của văn học dân gian, khi văn học viết còn chưa ra đời thì hình tượng của những người anh hùng được phản ánh thông qua các tác phẩm của truyền thuyết, thông qua các nhân vật hư cấu, thể hiện được khát vọng của nhân nhân về người anh hùng cứu nước chống giặc ngoại xâm. Và nói đến truyền thuyết về người anh hùng thì không thể không nhắc đến truyền thuyết “Thánh Gióng”.

Thánh Gióng là một trong những truyền thuyết tiêu biểu của nền văn học dân gian Việt Nam, truyện kể về nhân vật chính, đó chính là người anh hùng chống giặc ngoại xâm Thánh Gióng, đó là một nhân vật mang sức mạnh phi thường, kì diệu và chính sức mạnh siêu nhiên đó đã quét sạch quân xâm lược Ân ra khỏi bờ cõi nước ta. Và sau khi đã giúp cho dân chúng dẹp loạn giặc cỏ thì Thánh Gióng đã cùng ngựa bay về trời xanh. Ngay từ phần mở đầu thì các tác giả dân gian đã nói về sự ra đời kì lạ của Thánh Gióng, bố mẹ của Thánh Gióng vốn là những người hiền lành, phúc đức nhưng mãi mà vẫn chưa có một mụn con.

Và sự kì diệu đã xảy đến, trong một lần ra đồng, thấy vết chân to, bà đặt lên ướm thử thì về nhà có thai và sinh ra Thánh Gióng. Ta có thể thấy ngay sự xuất hiện của Thánh Gióng cũng không giống người thường mà mang chút gì đó huyền kí, kì ảo. Có lẽ chính từ những chi tiết đầu tiên các tác giả dân gian đã làm cho Thánh Gióng khác thường để báo hiệu về một con người đầy phi thường. Nhưng sự kì lạ chưa kết thúc ở chi tiết đó, bởi khi Thánh Gióng được sinh ra thì dù đã ba tuổi nhưng không hề biết nói, biết cười, đặt đâu ngồi đấy. Đây quả thực là một trường hợp rất lạ lùng, bởi trước nay hầu như không có những trường hợp ba tuổi nhưng không nói, không cười như vậy.

Nhưng những chuyện kì lạ đã xảy ra, khi nghe tiếng sứ giả rao tìm người tài giỏi cứu nước thì Thánh Gióng bỗng cất tiếng dõng dạc nói với mẹ: “Mẹ mời sứ giả vào đây”. Đây thực sự là một chuyện rất kì lạ, gây ra sự bất ngờ không chỉ với chính bố mẹ Thánh Gióng mà còn đối với chính những độc giả theo dõi câu chuyện. Vì một đứa bé bình thường cũng khó có thể nói được những lời dõng dạc, nghiêm túc đến vậy, nói chi đến Thánh Gióng một đứa trẻ mà ba năm không nói, không cười. Mẹ của Thánh Gióng tuy cũng rất bất ngờ nhưng cũng theo lời Thánh Gióng mà mời sứ giả vào. Khi sứ giả vào thì chàng cũng không hề vòng vo mà nói thẳng vào việc chính: “Ông về tâu với vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này”.

Ở trong truyền thuyết này, các tác giả dân gian có lẽ không quá miêu tả vào sự kì lạ của Thánh Gióng, cũng như đề cập đến những sự bất ngờ, hoài nghi của sứ giả khi nghe những lời Thánh Gióng yêu cầu về việc đánh giặc. Bởi mục đích chính của các tác giả dân gian đó chính là xây dựng hình ảnh của người anh hùng chống giặc ngoại xâm. Và những người anh hùng này thường mang những nét phi thường, những đặc điểm kì lạ của những con người có tầm vóc. Quay trở lại với câu chuyện, ngay sau khi đưa ra những yêu cầu với sứ giả về những vật dụng cần thiết mà mình cần để chống giặc, thì chú bé Thánh Gióng bỗng chốc trở nên nhanh nhẹn,linh hoạt khác hẳn với dáng vẻ của một chú bé ba tuổi.

Chàng lớn nhanh như thổi, cơm ăn bao nhiêu cũng không no, áo mới mặc nhưng cũng bị bục chỉ. Bố mẹ của Thánh Gióng dù có làm ra bao nhiêu cũng không đủ cơm gạo để nuôi. Thấy sự tình kì lạ bà con láng giềng cũng chung tay góp sức gom góp gạo để nuôi Thánh Gióng, vì ai cũng muốn chàng giết giặc, cứu nước. Khi giặc Ân đã kéo đến chân núi Trâu, tức đã xâm phạm vào lãnh thổ của nước ta, người người đều vô cùng hoảng hốt, lúc bấy giờ thì Thánh Gióng đã “vươn vai một cái, bỗng chốc trở thành một tráng sĩ, mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt”. Thánh Gióng mặc áo giáp sắt, cưỡi ngựa sắt cầm roi sắt đơn phương độc mã mà lao vào trận chiến.

Tuy chỉ có một mình nhưng trước sức mạnh phi thường của Thánh Gióng thì lũ giặc ngoại xâm cũng bị đánh cho tơi bời : “Ngựa phun lửa, tráng sĩ thúc ngựa phi thẳng đến nơi có giặc, đón đầu chúng đánh hết lớp này đến lớp khác, giặc chết như rạ”. Khi đang chiến đấu thì roi sắt bị gãy, Thánh Gióng đã nhổ những cụm tre bên đường mà quật vào lũ giặc làm cho lũ giặc sợ hãi hoảng hốt giẫm đạp lên nhau mà chạy trốn. Ngay khi đã diệt xong giặc Ân, Thánh Gióng không về triều đình lĩnh thưởng, cũng không trở về thăm lại bố mẹ, làng xóm mà lên đỉnh núi Sóc rồi cả người lẫn ngựa bay lên trời.

Như vậy, Thánh Gióng là một nhân vật mà tác giả dân gian đã sáng tạo ra để thể hiện khát vọng về hình tượng anh hùng chống giặc ngoại xâm anh dũng, phi thường. Tuy có mang những sức mạnh kì lạ, bởi đó là sự hư cấu, tưởng tượng của nhân dân, nhưng qua truyền thuyết này ta có thể thấy các tác giả đã tái hiện được phần nào sức mạnh của con người Việt Nam xưa, kiên cường, anh dũng, đoàn kết một lòng chống giặc ngoại xâm.
13
3
Ho Thi Thuy
20/04/2017 15:08:36
​Truyền thuyết Thánh Gióng xuất hiện từ thời Hùng vương dựng nước và được nhân dân ta lưu truyền từ đời này sang đời khác cho đến tận ngày nay. Đây là một truyền thuyết hay vào bậc nhất trong những truyền thuyết nói về truyền thống giữ nước của dân tộc ta.

Hình tượng Thánh Gióng với nhiều yếu tố thần kì là biểu tượng rực rỡ của ý thức và sức mạnh bảo vệ đất nước, đồng thời thể hiện quan niệm và ước mơ của nhân dân ta về người anh hùng cứu nước chống ngoại xâm.

Người xưa cho rằng đã là anh hùng thì phải phi thường, phải có khả năng như thần thánh, do trời sai xuống giúp đời. Do đó mà cậu bé làng Gióng là một nhân vật kì lạ. Bà mẹ Gióng có thai cũng khác thường: Một hôm, bà ra đồng trông thấy một vết chân rất to, liền đặt bàn chân mình lên ướm thử để xem thua kém bao nhiêu. Không ngờ về nhà bà thụ thai… Bà có thai không phải chín tháng mười ngày mà tròn mười hai tháng. Đây là sự tưởng tượng của dân gian về nhân vật phi thường của mình.

Điều kì lạ nữa là Gióng lên ba vẫn không biết nói, biết cười, cũng chẳng biết đi cứ đặt đâu thì nằm đấy. Những chi tiết kỳ ảo đó càng thu hút người nghe. Gióng không nói nhưng khi nghe sứ giả rao loa thì bỗng dưng cất tiếng nói. Tiếng nói đầu tiên của Gióng là tiếng nói tự nguyện đánh giặc. Lời nói yêu nước, cứu nước ấy cũng không phải là lời nói bình thường ở tuổi lên ba.

Chi tiết thần kì ấy ca ngợi ý thức đánh giặc, cứu nước của nhân dân ta được gửi gắm trong hình tượng Gióng. Ý thức trách nhiệm đối với đất nước được đặt lên hàng đầu với người anh hùng và tạo cho người anh hùng những khả năng hành động phi thường.

Còn năm ngửa trên chõng tre mà Gióng đòi có ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt để đánh tan quân giặc. Ba tuổi, Gióng vẫn chưa biết đi nhưng tới lúc giặc đến thì vươn vai hoá thành tráng sĩ, nhảy lên mình ngựa, phi thẳng ra chiến trường. Khi cần có sức lực, tầm vóc để cứu nước thì Gióng lớn nhanh như thổi, cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa may xong đã căng đứt chỉ.

Dân gian kể rằng: Gióng ăn một bữa bảy nong cơm, ba nong cà, uống một hớp nước cạn đà khúc sông. Dấy là cách nói cường điệu của dân gian để tô đậm tính chất phi thường cho nhân vật mà mình yêu mến. Mẹ Gióng nuôi không nổi, bà con trong làng nô nức gom góp gạo thóc nuôi cậu bé, vì ai cũng mong cậu lớn nhanh để giết giặc cứu nước. Gióng đã lớn lên bằng thức ăn, thức mặc, bằng sự yêu thương, đùm bọc của dân làng. Gióng đâu chỉ là con của một bà mẹ mà là con của mọi người, của nhân dân. Một người cứu nước sao đặng? Phải toàn dân góp sức chuẩn bị cho sự nghiệp đánh giặc. Như vậy mới đủ sức mạnh để chiến thắng quân thù. Gióng lớn lên từ trong lòng nhân dân và do nhân dân nuôi dưỡng. Sức mạnh dũng sĩ của Gióng được nuôi bằng cơm gạo quê hương và tình thương vô hạn của bà con.

Vì sao Gióng lại lớn nhanh như vậy? Gióng lớn lên từ khi nào và lớn lên để làm gì? Trước khi có tiếng gọi cứu nước, Gióng chi nằm ngửa, không nói, không cười. Gióng mở miệng nói lời đầu tiên là để đáp lại lời kêu gọi cứu nước. Dường như việc cứu nước có sức mạnh làm cho Gióng vụt lớn lên. Việc cứu nước vô cùng to lớn và cấp bách, Gióng không lớn lên nhanh thì làm sao làm được nhiệm vụ cứu nước ? Cuộc chiến đấu đòi hỏi dân tộc ta phải vươn mình phi thườnq như vậy. Hình ảnh Gióng vươn vai là tượng đài bất hủ về sự trưởng thành vượt bậc, về hùng khí của một dân tộc trước nạn ngoại xâm. Khi lịch sử đặt vấn đề sống còn cấp bách, khi tình thế đòi hỏi dân tộc vươn lên một tầm vóc phi thường thì cả dân tộc vụt đứng dậy như Thánh Gióng, tự thay đổi tư thế, tầm vóc của mình. Hình tượng cậu bé làng Gióng tiêu biểu cho sức mạnh toàn dân trong cuộc chiến tranh cứu nước.

Gióng chính là hình ảnh của nhân dân. Nhân dân lúc bình thường thì âm thầm lặng lẽ, cũng như Gióng ba năm không nói, không cười. Nhưng khi nước nhà gặp cơn nguy biến thi họ rất mẫn cảm, tự nguyện đứng ra cứu nước cứu nhà. Cũng như Gióng, khi vua vừa phát lời kêu gọi, chú bé đã đáp lời cứu nước.

Giặc đến chân núi Trâu, thế nước rất nguy. Vừa lúc sứ giả đem ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt tới. Gióng vùng dậy vươn vai một cái, bỗng thành một tráng sĩ oai phong lẫm liệt. Chi tiết này có liên quan đến truyền thống của truyện cổ dân gian. Thời cổ, nhân dân quan niệm người anh hùng phải khổng lổ về thể xác, sức mạnh và chiến công. Thần Trụ Trời, Sơn Tinh… đều là những nhân vật khổng lồ. Cái vươn vai của Gióng là đạt đến độ phi thường ấy, Gióng nhảy lên mình ngựa, ngựa phun lửa, phi thẳng ra chiến trường. Ngọn roi của Gióng quật giặc chết như rạ. Roi sắt gãy, Gióng nhổ tre bên đường đánh tiếp. Gióng đánh giặc không chi bằng vũ khí vua ban mà còn bằng cả cây cối thân yêu của quê nhà.

Đánh tan giặc Ân, Gióng cưỡi ngựa lên đỉnh núi Sóc, cởi giáp sắt bỏ lại, rồi cả người lẫn ngựa từ từ bay lên trời. Gióng ra đời đã khác thường thì ra đi cũng khác thường.

Nhân dân trân trọng muốn giữ mãi hình ảnh người anh hùng nên đã để Gióng đi vào cõi bất tử, Gióng không quay về triều để được vua ban cho bổng lộc, vinh quang. Gióng biến mất vào cõi hư không. Sinh ra từ cõi lặng im, nay Gióng trở về trong im lặng, không màng phú quý, công danh. Tuy Gióng đã trở về trời nhưng thật ra Gióng luôn luôn ở lại với đất nước, cây cỏ, với dân tộc Việt. Vua phong cho Gióng là Phù Đổng Thiên Vương. Gióng được nhân dân Suy tôn là Thánh và lập đền thờ ngay tại quê hương để muôn đời ghi nhớ công ơn.

Gióng là hình tượng tiêu biểu, rực rỡ của người anh hùng đánh giặc cứu nước. Trong văn học dân gian Việt Nam, đây là hình tượng người anh hùng đánh giặc đầu tiên, tiêu biểu cho lòng yêu nước của nhân dân ta.

Gióng là người anh hùng mang trong mình sức mạnh của cả cộng đồng.Trong buổi đầu dựng nước, sức mạnh của thần thánh, tổ tiên thể hiện ở sự ra đời thần kì của chú bé làng Gióng. Sức mạnh của cộng đồng thể hiện ở việc bà con dân làng góp gạo nuôi Gióng.

Dân tộc Việt Nam anh hùng muốn có hình tượng khổng lổ, tuyệt đẹp và có ý nghĩa khái quát để phản ánh hết được lòng yêu nước, khả năng và sức mạnh quật khởi của dân tộc ta trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm suốt bốn ngàn năm lịch sử. Hình tượng Thánh Gióng với vẻ đẹp tuyệt vời rực sáng muôn đời đã đáp ứng được điều đó.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Gia sư Lazi Gia sư
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo