Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Hãy viết văn bản nghị luận trình bày ý kiến về vấn đề: Quan niệm về lòng vị tha. (10 mẫu)

Hãy viết văn bản nghị luận trình bày ý kiến về vấn đề: Quan niệm về lòng vị tha. (10 mẫu)
1 trả lời
Hỏi chi tiết
31
0
0
Phạm Minh Trí
12/09 15:36:48

Dàn ý nghị luận về lòng vị tha

I. Mở bài

- Gợi mở về vấn đề vị tha.

Ví dụ: để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc và thành công, mỗi người cần có nhiều đức tính. Một trong những đức tính cần có đó là lòng vị tha.

II. Thân bài

1. Vị tha là gì?

·        Vị tha có nghĩa là sống vì người khác, không ích kỷ, không vì riêng mình, không mưu lợi cá nhân. Lòng vị tha là sự hy sinh một điều gì cho ai đó không phải là bản thân mình (ví dụ hy sinh thời gian, tiền bạc, của cải) mà không kỳ vọng sẽ được ghi nhận hay sự đền đáp hoặc lợi ích dù là trực tiếp hay gián tiếp từ phía người nhận hoặc cộng đồng.

·        Lòng vị tha chính là biểu hiện cao đẹp nhất phẩm chất nhân hậu của con người. Nó không đòi hỏi gì nhiều ngoài một trái tim biết chia sẻ vui buồn, biết yêu thương đồng loại.

2. Những biểu hiện của lòng vị tha

a. Trong công việc

·        Người có lòng vị tha là người luôn đặt mục đích của mọi việc làm là vì người khác, vì xã hội. Nếu có vì mình cũng luôn cố gắn với lợi ích chung của mọi người.

·        Khi làm việc luôn giành phần khó khăn về mình, không lười biếng, tránh né, đùn đẩy công việc cho người khác. Khi gặp khó khăn biết đứng ra gánh vác trọng trách.

·        Khi gặp thất bại không đổ lỗi cho người khác. Phải nghiêm túc nhìn nhận những sai trái của bản thân. Khi thành công không khoe khoang, kể lể công trạng.

b. Trong quan hệ với mọi người

·        Người có lòng vị tha luôn sống hòa nhã, vui vẻ, thân thiện với mọi người. Họ dễ đồng cảm, chia sẻ và sẵn sàng giúp đỡ người khác. Họ cũng biết kìm nén cảm xúc của riêng mình để làm vui lòng người khác.

·        Luôn nghĩ về người khác trước khi nghĩ đến mình (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ).

·        Người có lòng vị tha dễ thông cảm tha thứ lỗi lầm của người khác. Họ ít khi bắt bẻ hay gây khó dễ cho người khác khi họ mắc lỗi lầm.

·        Người có lòng vị tha luôn trăn trở, day dứt về những hành động và lời nói, không bao giờ họ làm phương hại đến người khác.

3. Ý nghĩa của lòng vị tha trong cuộc sống

a. Đối với bản thân

·        Có lòng vị tha mới có được đức hi sinh, tinh thần xả thân, mới chiến thắng được lòng vị kỷ, chủ nghĩa cá nhân. Đó là cơ sở để hoàn thiện nhân cách. Cuộc sống luôn có những xung đột xảy ra. Hãy tha thứ cho những người đã làm bạn tổn thương. Vì đó là cách tốt nhất để kết nối tình cảm và tìm thấy sự yên bình cho tâm hồn.

·        Lòng vị tha giúp ta sống bình an và thanh thản tâm hồn. Sống bằng lòng vị tha giúp môi trường sống thân thiện, cuộc sống chung có chất lượng hơn.

·        Người có lòng vị tha được mọi người yêu mến, nể trọng. Bởi vậy, họ thường được giúp đỡ và dễ thành công trong cuộc sống.

b. Đối với xã hội

·        Lòng vị tha có thể cảm hóa được người tha hóa, giúp họ tìm lại được niềm tin vào chính mình và trở lại cuộc sống lương thiện. Lòng vị tha cũng có thể chuyển hóa những hoàn cảnh xấu trở nên tốt đẹp hơn.

·        Lòng vị tha là động lực xây nên những giá trị khoa học và nghệ thuật đóng góp cho con người. Nhà thơ Đỗ Phủ khi xưa ước mơ về ngôi nhà chung che bão tố khắp văn sĩ trên đời, Nam Cao coi tình thương đồng loại là nguyên tắc sống, là lẽ sống của con người. Trong khi tổ chức đời sống chưa hợp lý, chưa bình đẳng giữa con người thì tình yêu thương vị tha là phương cách duy nhất hữu ích để cân bằng. Yêu thương sẽ dành cho người thiệt thòi một cơ hội được học tập, vươn lên và bình đẳng nhau trong những giá trị chung tốt lành của xã hội.

·        Lối sống vị tha phù hợp với xu thế của thời đại mới, thời đại toàn cầu hóa, trên cơ sở hợp tác và chia sẻ.

4. Phê phán

·        Sống vị tha không có nghĩa là nuông chiều những thói hư tật xấu, bao biện dung túng những khuyết điểm, Sống vị tha phải có bản lĩnh cá nhân, luôn có chủ kiến cá nhân, không lệ thuộc vào người khác.

·        Phê phán lối sống vị kỉ, chỉ biết sống cho bản thân mình, lạnh lùng, dửng dưng trước nỗi đau của đồng loại. Lối sống ích kỉ sẽ gây ra sự mất đoàn kết, làm suy giảm sức mạnh tập thể, của động đồng.

·        Phê phán việc làm từ thiện nhưng không phải xuất phát từ tấm lòng mà là để nổi tiếng.

5. Bài học nhận thức

·        Rèn luyện đức tính vị tha bằng cách luôn tự hỏi bản thân đã làm gì cho người khác trước khi cho bản thân mình.

·        Biết tha thứ cho người khác và cũng tha thứ cho bản thân mình.

III. Kết bài

Vị tha không có nghĩa là sẽ tha thứ mọi lỗi lầm. Có những việc làm không thể tha thứ được, cũng có những người ta không thể tha thứ được. Sống có lòng vị tha là phải biết đấu tranh chống lại cái xấu, kẻ xấu, bảo vệ công lý.

Bài văn mẫu 1

Trong cuộc sống luôn có những điều mà ta chẳng bao giờ hài lòng, có những lời nói khiến ta bị tổn thương, có những cách đối xử làm ta buồn bã… Nhưng điều quan trọng là sau tất cả những điều đó,ta vẫn có lòng vị tha. Ngạn ngữ có câu: “Hãy tha thứ và hãy quên”. Nhưng phần lớn chúng ta thường cảm thấy quên dễ hơn nhiều so với việc tha thứ cho một người nào đó đã làm ta đau lòng, việc tha thứ đòi hỏi một người phải có tấm lòng nhân hậu sâu sắc,biết yêu thương mọi người và bỏ qua tất cả tội lỗi mà họ đã làm. Nhưng so với thực tế,chẳng mấy ai có thể làm được như vậy.

Song nếu nhìn lại, việc tha thứ cho một người nào đó có thể khiến ta cảm thấy thật sự thanh thản,nhẹ nhõm. Nếu cứ gặm nhấm những nỗi đau và âm ỉ sự phục thù, ta sẽ bị hao mòn cả về thể xác lẫn tinh thần. Tha thứ sẽ là một liều thuốc giải độc mạnh mẽ. Tha thứ được thể hiện qua nhiều hành động trong cuộc sống hằng ngày, vui vẻ nở nụ cười khi có ai đó vô tình giẫm phải chân mình,hay chẳng chấp người bạn ngồi cùng bàn hay có tính mượn đồ của mình trong giờ học… Những việc làm đó sẽ khiến cho mình đáng yêu hơn trong mắt của mọi người. Vì vậy, hãy học cách sống mà có lòng vị tha vì nó là đức tính quý báu của mỗi con người chúng ta.

Bài văn mẫu 2

Vị tha là sẵn sàng tha thứ, bỏ qua lỗi lầm của người khác, biết sống vì người khác. Không có gì cao quý hơn lòng vị tha của con người. Cũng không có gì khó khăn bằng việc phải vị tha cho lỗi lầm của người khác. Chính vì biết sống vị tha, xã hội mới ngày càng văn minh, tiến bộ và nhân văn. Người có lòng vị tha luôn đặt mục đích của mọi việc làm là vì người khác, không ích kỉ, vụ lợi cá nhân, cảm thông, chia sẻ và tha thứ lỗi lầm của người khác. Người không có lòng vị tha lúc nào cũng chỉ nghĩ cho mình, sống tham lam, ích kỷ, tự ràng buộc mình trong cuộc sống hẹp hòi, vị kỷ, cá nhân. Ai cũng cần có lòng vị tha bởi đó là cơ sở để hoàn thiện nhân cách con người, giúp con người xây dựng được các mối quan hệ xã hội tốt đẹp, thành công trong công việc và đời sống. Trong cuộc đời mình, ai cũng có thể xảy ra sai lầm, khi đó rất cần sự vị tha, đồng cảm, sẻ chia của người khác. Thế nhưng, vị tha không có nghĩa là sẽ tha thứ mọi lỗi lầm. Có những việc làm không thể tha thứ được. Cũng có những người ta không thể tha thứ được. Sống có lòng vị tha là phải biết đấu tranh chống lại cái xấu, kẻ xấu, bảo vệ công lý, lẽ công bằng. Khoan nhượng trước cái xấu, cái ác cũng chẳng khác gì làm việc xấu, việc ác. Cuộc sống có thể sẽ khó khăn hơn khi chúng ta sống vì người khác nhưng cũng sẽ đẹp đẽ hơn, hạnh phúc hơn.

Bài văn mẫu 3

Lòng vị tha là biểu hiện cao đẹp nhất của vẻ đẹp tâm hồn con người. Vậy vị tha nghĩa là gì và đóng vai trò như thế nào trong cuộc sống? Vị tha chính là sống vì người khác, không ích kỷ hay mưu lợi cá nhân với xuất phát điểm không gì khác ngoài một trái tim biết yêu thương đồng loại. Trong công việc, một con người có được đức tính này luôn đặt lợi ích tập thể lên trên tư lợi cá nhân, không lười biếng, ỷ lại hay tránh né, đùn đẩy trách nhiệm. Trong quan hệ với mọi người, họ luôn vui vẻ, hòa nhã, biết đồng cảm sẻ chia và sẵn lòng thứ tha cho lỗi lầm của kẻ khác. Bởi vậy, lòng vị tha giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống con người. Nó giúp ta tìm được sự bình an, thanh thản trong tâm hồn, giữ được cảm tình, sự tôn trọng từ những người xung quanh. Đồng thời, lòng vị tha cũng kéo người gần lại với nhau hơn, góp phần kiến tạo một xã hội lành mạnh và bác ái, nơi độc ác mưu toan không còn chỗ đứng. Và còn một điều ta luôn phải nhớ, sống vị tha không đồng nghĩa với việc nuông chiều, dung túng những thói hư tật xấu hay mượn hành động thiện nguyện để đánh bóng tên tuổi. Bởi chỉ những điều xuất phát từ sâu thẳm tâm hồn mới có thể chạm tới trái tim người khác. Mỗi chúng ta hãy học cách lắng nghe, chia sẻ và tha thứ cho người khác cũng như chính bản thân mình, để lòng vị tha có thể lan tỏa mạnh mẽ và giúp cho cuộc đời đẹp đẽ, hạnh phúc hơn.

Bài văn mẫu 4

“Chúng ta đầy khiếm khuyết và sai lầm; hãy để chúng ta cùng tha thứ cho sự nực cười của nhau - đó là luật đầu tiên của tự nhiên” (Voltaire). Cuộc sống sẽ bớt đi những điều nực cười nếu bạn và tôi biết nuôi dưỡng cho mình lòng vị tha. Chỉ là một cái gật đầu chấp nhận lời xin lỗi, một nụ cười là một lời tha thứ sau lỗi lầm của người khác hay hi sinh vì lợi ích chung nhưng cũng đủ để xóa tan những sắc màu ma mị đang làm sầu não tâm hồn con người. Vị tha không đơn thuần là một đức tính tốt mà còn là liều thuốc chữa lành vết thương, là chìa khóa mở cánh cửa cơ hội hoàn thiện bản thân mà ta nên trao cho người đang cần. Trong lớp có học sinh học kém hơn, bạn không dè bỉu, xa lánh mà sẻ chia, giúp đỡ bạn mình học tốt. Trong tập thể có thành viên mắc lỗi, làm điều sai trái, bạn không lên án gay gắt mà ngược lại, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để giúp họ sửa sai. Chắc chắn cuộc sống chúng ta sẽ tươi đẹp hơn, tập thể vững mạnh hơn, đó cũng chính là cách bạn đang gieo trồng một hạt giống tốt lành cho tâm hồn nhân loại, cho quá trình trưởng thành của nhân cách một con người. Song vẫn còn không ít cá nhân nhỏ nhen, khép mình vào khuôn khổ của sự khắc nghiệt, như mảnh đất cằn cỗi chẳng bao giờ chịu nuôi dưỡng hạt giống nào. Giữa thế giới lung linh vạn ánh sáng nhân ái và khu vườn tăm tối với hơi thở của sự lạnh lùng, đâu sẽ là nơi hạnh phúc được lớn dần? Học cách tha thứ là học cách sống đẹp cho người và cho bản thân. Đó cũng là cách bạn tận hưởng và tận hiến giữa cuộc đời.

Bài văn mẫu 5

Con người sống với nhau cần phải có lòng vị tha. Lòng vị tha có nghĩa là sống vì người khác, không ích kỷ, không vì riêng mình, không mưu lợi cá nhân. Lòng vị tha là sự hy sinh một điều gì cho ai đó không phải là bản thân mình (ví dụ hy sinh thời gian, tiền bạc, của cải) mà không kỳ vọng sẽ được ghi nhận hay sự đền đáp hoặc lợi ích dù là trực tiếp hay gián tiếp từ phía người nhận hoặc cộng đồng. Những người biết sống vị tha sẽ giúp con người sống bình an và thanh thản tâm hồn. Sống bằng lòng vị tha giúp môi trường sống thân thiện, cuộc sống chung có chất lượng hơn. Người có lòng vị tha được mọi người yêu mến, nể trọng. Bởi vậy, họ thường được giúp đỡ và dễ thành công trong cuộc sống. Ngược lại, những người chỉ biết sống vị kỷ sẽ gây ra sự mất đoàn kết, làm suy giảm sức mạnh tập thể, của động đồng. Như vậy, mỗi người hãy học cách sống vị tha để bản thân luôn cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc.

Bài văn mẫu 6

Vị tha nghĩa là vì người khác. Suy rộng ra đó là tấm lòng bao dung, độ lượng, không suy xét lỗi lầm của người khác. Người có lòng vị tha là người luôn hiền hòa, không bắt bẻ hay soi xét kĩ lưỡng những sai lầm của người khác nhưng lại nghiêm khắc với bản thân. Lòng vị tha xuất phát từ tấm lòng nhân hậu, luôn cho người khác cơ hội để làm điều đúng đắn, thiện lương.

Biểu hiện của lòng vị tha cũng rất đa dạng. Sống vị tha phải biết nhường nhịn người yếu hơn mình; giúp đỡ những người khó khăn; tha thứ cho những lỗi lầm. Lòng vị tha là một phẩm chất đáng quý, giúp con người nâng cao giá trị bản thân, cuộc sống dịu dàng, xã hội tốt đẹp hơn. Thế nhưng, không phải lúc nào cùng vị tha cho sai lầm. Có những lỗi lầm không thể tha thứ, không thể chuộc lại được. Tha thứ cho kẻ ác là tàn nhẫn với chính mình, đi ngược lại công lí.

Rèn luyện và thực hành lòng vị tha trước hết phải biết nghĩ và làm cho người khác, tập đứng ở hoàn cảnh của người khác, đó chính là vị tha. Vị tha cho người ta sức mạnh. Đó không chỉ là cho người khác cơ hội, mà là cho chính mình cơ hội được nhẹ lòng, để không còn phải so đo với những thiệt tha hơn. Nhường nhịn, yêu thương, tha thứ cho chính những người thân quanh mình, giúp đỡ họ trong khó khăn, hoạn nạn, hướng đến cuộc sống tốt đẹp. Đó là bài học đầu tiên về lòng vị tha.

Bài văn mẫu 7

Trong xã hội có muôn vàn người với đủ tính cách khác nhau và luôn có những tính cách đối lập với nhau. Một trong số đó là tính ích kỉ và lòng vị tha. Lòng vị tha cao quý đáng ca ngợi bao nhiêu thì tính ích kỉ nhỏ nhen cần phê phán bấy nhiêu vì nó trái ngược với truyền thống nhân ái có tự ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

Vậy thế nào là tính ích kỉ và tính vị tha? Chúng ta cùng tìm hiểu từng vấn đề một. Ích kỉ là chi biết vì lợi ích cho riêng mình. ích kỉ hại nhân là vì lợi ích riêng mình mà làm hại người khác. Tính xấu này là mục tiêu châm biếm của tục ngữ ca dao trào phúng ngày xưa: Của mình thì giữ bo bo, Của người thì thả cho bò nó ăn. Hoặc: Của người bồ tát, của mình lạt buộc… Được lợi ích, khúc khích ngồi cười. Trăm nhát cuốc hất cả vào lòng. Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại…

Kẻ có tính ích kỉ thường hay so đo, tính toán để trong bất cứ việc gì cũng không bị thiệt thòi. Phương châm sống của hạng người này là giành phần thuận lợi về mình, đùn đẩy khó khăn, nguy hiểm cho người khác. Khi hưởng thụ, họ sẽ có mặt đầu tiên. Khi cảm thấy bất lợi, nhất là lúc gian nan, nguy hiểm thì sẽ chẳng thấy họ đâu. Đúng như trong câu tục ngữ: Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau. Đó là cách sống mang nặng tính chất cá nhân tiêu cực, không nghĩ đến lợi ích của mọi người xung quanh và của cả cộng đồng. Chúng ta thử suy ngẫm xem nếu ai cũng ích kỉ như vậy thì xã hội sẽ ra sao? Cuộc sống sẽ ra sao?

Tính ích kỉ biểu hiện dưới nhiều hình thức, nhiều mức độ khác nhau. Thấp thì như lười biếng, tham ăn, ăn trộm, ăn cắp…; cao thì như dối trá, gian xảo, hối lộ, tham nhũng, biến của người thành của mình, biến của công thành của tư… Dân gian giễu cợt anh chàng tham ăn đi dự đám cưới, trong mâm có đĩa tôm sáu con, anh ta ăn hết năm con mới sực nhớ ra và mời người khác. Mấy người mỉa mai bảo anh ta ăn nốt cho khỏi “lạc đàn”. Hay như ông bố nọ tham ăn đến nỗi dứt khoát chẳng để cho đứa con nhỏ một con cá nào cả…

Trong học tập, tính ích kỉ thể hiện ở thái độ thiếu quan tâm đối với bạn bè. Chẳng hạn có bạn học giỏi nhưng không nhiệt tình giúp đỡ các bạn yếu kém hoặc không thích tham gia các hoạt động phong trào của lớp vì sợ ảnh hưởng tới thời gian và kết quả học tập của mình. Có bạn gia đình khá giả nhưng không sẵn lòng chia sẻ với những bạn có hoàn cảnh khó khăn…

Kẻ ích kỉ thường hay dối trá, lừa đảo, tham nhũng… để thu lợi bất chính mà không nghĩ đến thiệt hại ghê gớm do mình gây ra. Những kẻ buôn bán ma túy, buôn lậu, một số quan chức thoái hóa, tiêu cực của PMU18 tham ô tiền bạc của Nhà nước để cá độ bóng đá, ăn chơi sa đọa… đều xuất phát từ thói tư lợi. Thái độ của nhân dân ta đối với quan điểm sống cá nhân ích kỉ là thái độ phê phán và lên án.

Trái ngược với tính ích kỉ là lòng vị tha. Vị tha là có tinh thần chăm lo một cách vô tư đến lợi ích của người khác, có thể vì người khác mà hi sinh lợi ích của cá nhân mình. Thấm nhuần tư tưởng nhân ái, tổ tiên chúng ta đã nhắc nhở con cháu: Thương người như thể thương thân; Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn; Lá lành đùm lá rách; Nhịn miệng đãi khách đường xa, Cũng là của để chồng ta ăn đường…

Lòng vị tha là đức tính cần thiết mà mỗi người cần phải có. Mỗi người có một vị trí, vai trò trong xã hội, vì thế mà dù quen biết hay không quen biết, dù thân thuộc hay không thân thuộc, tất cả đều có mối quan hệ gắn bó với nhau. Mỗi cá nhân không thể chỉ biết đến quyền lợi của riêng mình mà phải nghĩ đến quyền lợi của người khác. Trong một gia đình, cha mẹ làm gì cũng phải nghĩ tới con cái; ngược lại, con cái làm gì cũng phải nghĩ tới cha mẹ. Nếu không mang lại lợi ích vật chất thì cũng phải mang lại niềm vui, niềm tự hào cho cha mẹ. Đó là cách đáp đền chữ hiếu thiết thực nhất.

Mỗi học sinh phải biết quan tâm đến các bạn trong tổ, trong lớp của mình. Bạn khá giúp đỡ bạn kém, bạn có điều kiện kinh tế đầy đủ giúp đỡ bạn có hoàn cảnh thiếu thốn, cùng chia vui sẻ buồn, động viên nhau phấn đấu để đạt thành tích cao trong học tập và tu dưỡng. Như thế là có lòng vị tha, biết sống vì người khác.

Truyền thống đoàn kết hình thành tự ngàn xưa của dân tộc ta chính là biểu hiện tốt đẹp nhất của lòng vị tha. Trong cuộc sống hằng ngày, không ai có thể tồn tại được nếu cách biệt với mọi người. Tách mình ra khỏi quan hệ với gia đình, giai cấp và dân tộc thì chẳng khác nào tự tiêu diệt vì cá nhân không thể làm nên sức mạnh: Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Sống trên đất nước này, dù kẻ trên rừng, người dưới biển, dù dân tộc Kinh hay Mường, Thái, Ba-na hay Xê-đăng… thì chúng ta cũng phải luôn nhớ rằng đều là con của mẹ Âu Cơ sinh ra từ bọc một trăm trứng (đồng bào). Vì thế nên tổ tiên chúng ta đã nhắc nhở con cháu hãy yêu thương, đùm bọc lẫn nhau để vượt qua mọi khó khăn, hoạn nạn: Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước thì thương nhau cùng. Chỉ có một cộng đồng thống nhất về ý chí, gắn bó chặt chẽ về tình cảm và quyền lợi mới có thể tạo nên sức mạnh to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, mới sáng tạo ra những của cải vật chất, tinh thần làm giàu cho xã hội.

Trong sử sách, có rất nhiều gương sáng về lòng vị tha. Ở thế kỉ XIII, Trần Quốc Tuấn đã gác thù riêng của gia đình sang một bên để cùng với vua Trần lo nghiệp lớn, ba lần đánh đuổi giặc Nguyên – Mông ra khỏi đất nước. Ở thế kỉ XV, Nguyễn Trãi đã nêu cao quan điểm sống tích cực: Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc (lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ). Mặc dù phải chịu nhiều thiệt thòi và oan khuất, song Nguyễn Trãi vẫn một lòng một dạ trung thành:

Bởi có một lòng trung với hiếu,Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông.

Nguyễn Trãi tiêu biểu cho lòng vị tha cao cả đến quên mình, ông đã đem hết nhiệt tình và tài năng cống hiến cho dân, cho nước. Với công lao vô cùng to lớn, tên tuổi Nguyễn Trãi đời đời sáng chói trong lịch sử giữ nước đau thương và oanh liệt của dân tộc Việt. Nguyễn Trãi xứng đáng với lời ban khen của vua Lê Thánh Tông: Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo (Ức Trai lòng sáng tựa sao Khuê).

Một gương sáng của lòng vị tha gần gũi chúng ta nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ cách mạng kiệt xuất – Người Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam. Điều cao quý nhất ở Bác chính là tinh thần nhân ái bao la, sâu sắc đối với con người. Suốt cuộc đời bảy mươi chín mùa xuân, Bác chấp nhận hi sinh hạnh phúc riêng để mưu cầu hạnh phúc chung cho dân tộc. Hạnh phúc chung đó chính là chủ quyền độc lập, tự do, là quyền được sống trong khung cảnh đất nước hòa bình. Tâm nguyện thiết tha nhất của Bác là: Đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Cuộc sống giản dị, thanh cao chứng minh cho quan điểm sống Mình vì mọi người của Bác.

Trong cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, tác giả Trần Dân Tiên kể rằng: Trên đường từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, Bác ngậm ngùi đau xót trước cảnh lũ lụt tràn ngập ruộng nương vùng trung du, đồng bào đói khổ, lầm than. Lập tức, chủ trương xóa đói được Bác phát động và Bác là người đầu tiên nghiêm túc thực hiện phong trào tăng gia sản xuất, tiết kiệm gạo giúp đồng bào bị đói. Mọi suy nghĩ, hành động của Bác đều hướng tới lợi ích lớn lao của nhân dân, Tổ quốc. Nhà thơ Tố Hữu đã ca ngợi lòng vị tha bao la như trời biển của Bác Hồ bằng những vần thơ dạt dào xúc động:

Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta,Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa.Chỉ biết quên mình cho hết thảy,Như dòng sông chảy nặng phù sa.

Bác Hổ nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải luôn luôn nhớ rằng mình là đầy tớ trung thành của nhân dân, không được đòi hỏi đặc quyền đặc lợi, phải đi sâu tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của dân chúng, phải thấm nhuần tư tưởng lấy dân làm gốc và không được quên lời thề trung với nước, hiếu với dân.

Lòng vị tha quý giá và cao cả như thế nhưng nó không đòi hỏi gì nhiều ở mỗi con người ngoài một trái tim nhân hậu, biết yêu thương, chia sẻ vui buồn với đồng bào, đồng loại. Trong cuộc sống hằng ngày, có những lời nói, hành động dù là nhỏ nhưng cũng thể hiện lòng vị tha như nhường chỗ cho cụ già, phụ nữ, trẻ em trên xe buýt; dẫn người khiếm thị qua đường; giúp đỡ người cơ nhỡ, tật nguyền, bất hạnh; chia sẻ với bạn nghèo từng cuốn sách, từng cây bút; quyên góp giúp đỡ đồng bào vùng bị thiên tai… Phong trào: Nhà nhà làm việc thiện, người người làm việc thiện trong những năm gần đây phát triển rộng rãi khắp đất nước là kết quả của việc giáo dục, thức tỉnh lòng vị tha ở mỗi con người.

Tính ích kĩ là thói xấu, học sinh chúng ta không nên mắc phải. Còn lòng vị tha là đức tính quý báu cần thiết mà mỗi người phải có. Nếu ai cũng có lòng vị tha, cũng sống đúng phương châm mà Bác Hồ đã dạy: Mình vì mọi người, mọi người vì mình thì xã hội sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.

Bài văn mẫu 8

Từ xa xưa, cha ông ta đã luôn căn dặn cháu con:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gươngNgười trong một nước phải thương nhau cùng”

Hay:

“Dù xây chín bậc phù đồKhông bằng làm phúc cứu cho một người”

Tất cả những lời khuyên ấy tựu chung lại, mong ước hậu thế mai sau sẽ biết sống vị tha giữa cuộc đời.

Vị tha là có tinh thần chăm lo một cách vô tư đến lợi ích của người khác mà hi sinh lợi ích của cá nhân mình. Như vậy, lòng vị tha ở con người chứng tỏ một tinh thần vô cùng bao dung, nhân ái.

Lòng vị tha thể hiện ở thái độ vô tư, không mưu toan tính toán khi giúp đỡ người khác làm một việc gì đó. Trong lớp có học sinh học kém hơn, bạn không dè bỉu, xa lánh mà lại gần. sẻ chia, giúp đỡ bạn ấy học tốt. Trong tập thể có thành viên mắc lỗi, làm điều sai trái, bạn không lên án gay gắt mà ngược lại, bạn giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để giúp họ sửa sai… Trong những hoàn cảnh ấy, nếu bạn làm được như vậy, có thể khẳng định rằng bạn là người có lòng vị tha. Trong đời Sống xã hội, ta có thể nhìn vào hoạt động tình nguyện của thế hệ thanh niên đất nước mỗi khi mùa hè đến. Họ không quản ngại gian khó đi về với vùng cao, vùng gặp khó khăn… để hòa mình với đồng bào, cùng đồng cam cộng khổ giúp đỡ họ vươn lên…

Có được lòng vị tha, con người sẽ cảm thấy thanh thản trước cuộc đời bởi thấy rằng mình có ích. Hơn thế, họ còn được mọi người mến yêu, quý trọng. Những việc họ làm đã giúp thêm đẹp, thêm giàu cho xã hội. Không ai có thể kể hết giá trị của sự bình yên mà những chiến sĩ công an biên phòng đang từng ngày từng giờ thầm lặng hi sinh cho đất nước. Không ai có thể nói hết được niềm hạnh phúc, lòng quyết tâm vươn lên và sự khởi sắc trong tương lai của những người chưa có thành công, những người lầm lỡ được lòng vị tha cứu giúp. Cuộc đời này cần đến những tấm lòng dù chỉ để gió cuốn bay đi nhưng là bay đi để gieo mầm, nở hoa trên đất lạ.

Trong hoàn cảnh đất nước ta hiện nay, còn rất nhiều gia đình nghèo khó, Lòng vị tha của học sinh chúng ta được thể hiện trong việc đóng góp ủng hộ những gia đình ấy. Thiết thực nhất, ta hãy sống vì những người thân yêu quanh mình: học tốt chăm ngoan để ông bà, bố mẹ, thầy cô vui lòng. Nếu có thể, chúng ta giúp đỡ bạn bè cùng trang lứa trong học tập, lao động,… Như vậy, sống vị tha không có nghĩa là phải làm những điều gì phi thường, lớn lao. Ngược lại, đức tính ấy được ghi nhận ở những việc làm đơn giản nhất. Vậy thì tại sao chúng ta không xây dựng cho mình một lối sống đẹp?

Bài văn mẫu 9

Không có gì cao thượng bằng lòng vị tha. Cuộc sống sẽ khó khăn hơn khi chúng ta sống vì người khác. nhưng chắc chắn cuộc sống ấy sẽ đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Biết tha thứ là chiến thắng đầu tiên đối với con giận dữ và thù hận.

Lòng vị tha là hành động vì lợi ích của người khác. Vì từ xa xưa, con người là những sinh vật sống theo bầy đàn. Thế nên, chúng ta có xu hướng giúp đỡ đồng loại. Có thể hiểu đơn giản lòng vị tha là khi ta cho một ai đó cơ hội để sửa chữa một lỗi lầm trong quá khứ. Đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng con người ta hạnh phúc hơn khi cho đi và khi ấy bộ não của họ hoạt hóa ở những khu vực báo hiệu niềm vui và phần thưởng, tương tự như khi họ ăn chocolate. Thậm chí khi ta chấp nhận tha thứ cho một ai đó thì ta đã thực hiện một hành động “vị tha”.

Ở đâu đó trong thế giới này, lòng vị tha chính là sức mạnh tái sinh của con người. Tất cả sức mạnh của lòng vị tha được minh chứng rõ ràng ở cuộc đời và hoạt động của Elizabeth Fry, một nhà cải cách người Anh.

Elizabeth Fry sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả. Nhưng thay vì chỉ sống cho bản thân mình thì cô lại chọn cách giúp đỡ các tù nhân. Cô đến nhà tù Newgate và cô thấy được những tù nhân ở đây bị đối xử rất tệ. Cô đã ngồi xuống nói chuyện với họ và cho họ thấy được sự quan tâm của cô.

Với các tù nhân nam, cô nói với họ rằng con cái họ cần được giáo dục và họ đã chọn ra một người để dạy cho con họ. Với các tù nhân nữ, cô dạy họ may và cung cấp cho họ nguyên vật liệu. Sản phẩm làm ra cô bán cho cửa hàng và để dành tiền cho họ khi họ ra tù. Bằng lòng vị tha, cô đã cảm hóa được những con người đã sai trong quá khứ, những người được cho là cặn bã xã hội.

Lòng vị tha, chúng mạnh hơn chúng ta nghĩ. Một tù nhân có thể trở thành một người tốt sau khi ra tù hay cũng có thể trở lại thành phạm nhân đều là do chúng ta cho họ sống trong những song sắt tối tăm lạnh lẽo hay cho họ thấy rằng họ vẫn còn có giá trị.

Chúng ta hãy cho đi trước nghĩ rằng mình sẽ được nhận lại. Khi chúng ta có thể dùng lòng vị tha để cảm hóa con người là khi tâm hồn ta thực sự sạch sẽ. Nhưng xin hãy làm điều đó khi bản thân mình thật sự muốn, hãy tha thứ trước khi vị tha. Đừng làm điều đó chỉ để chứng minh rằng mình là một người cao thượng.

Hiện nay, trong xã hội hiện đại, thì sự vô cảm và ích kỷ đang lớn dần trong mỗi con người. Khi có một tai nạn xảy ra, người ta có thể đứng lại xem đến tắc đường nhưng nạn nhân thì lại không được đưa đến bệnh viện kịp thời. Khi mà những mảnh đời bất hạnh sẽ được cứu vãn bằng “like, share, comment” chứ không phải những hành động thiết thực.

Một xã hội như vậy thì liệu rằng đến bao giờ chúng ta sẽ trở thành những cố máy. Nếu điều này vẫn cứ tiếp diễn thì ngày đó có lẽ sẽ không còn xa. Chúng ta dần mất đi lòng vị tha, điều mà mỗi đứa trẻ đều có.

Và chúng ta đổ lỗi rằng cuộc sống đã làm chúng ta như vậy. Ta trốn tránh. Nhưng thực sự ở đâu đó, lòng vị tha vẫn tồn tại. Những xe bánh mì miễn phí, thùng trà đá miễn phí, quần áo, đồ dùng được người không dùng để lại cho người cần đến lấy, những quán cơm 2000 đồng và rất nhiều nữa, đấy là lòng vị tha. Chúng sống trong đứa trẻ trong mỗi chúng ta nhưng ta lại hay để quên đứa trẻ ấy. Hãy để thời gian nuôi dưỡng đứa trẻ ấy vì chúng sẽ cho ta thấy được những điều mà khi làm “người lớn” ta lại không thấy. Như lòng vị tha chẳng hạn.

Lòng vị tha sống trong ta nhưng để hiểu và sử dụng được nó có khi ta phải dùng cả đời mới được. Vậy thì ngay từ bây giờ, bằng những hành động rất nhỏ, hãy thể hiện và nuôi dưỡng lòng vị tha, đừng để một ngày nó biến mất, ta sẽ trở nên vô cảm, trái tim hóa sắt đá thì khi đó ta sẽ chẳng thể cảm nhận được cuộc sống này tươi đẹp như thế nào.

Khởi nguồn của mọi đạo đức chính là lòng vị tha.Tất cả những gì có ý nghĩa trên cuộc đời này là những gì ta biết dành cho người khác. Cuộc sống không nên đóng khép cánh cửa tâm hồn mà hãy luôn rộng mở nó. Hãy để thế giới chan hòa trong bạn và bạn luôn là một phần quan trọng của thế giới. Hãy biết tha thứ cho những người đã làm bạn tổn thương và vì thế đừng làm tổn thương người khác. Không biết tha thứ cho lỗi lầm của người khác là tự đánh mất cơ hội hoàn thiện bản thân mình.

Biết tha thứ là tự giải thoát gánh nặng của tâm hồn. Bạn hãy biết tha thứ cho những lỗi lầm của bản thân và bước tiếp. Bởi lòng vị tha là thứ vũ khí duy nhất có thể ngăn chặn lòng vị kỷ. Đừng bao giờ kết án ai mà bạn chưa chắc chắn họ có tội. Tất cả đều cần được tha thứ, nâng đỡ để tìm kiếm cơ hội phục thiện. Những vết thương mà chúng ta nhận không bao giờ đau đớn bằng những vết thương mà ta gây ra.

Hãy yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho tất cả những người xung quanh bạn. Bởi không ai mà không có lỗi lầm và bạn chỉ có một lần để ở gần họ trong cuộc sống hữu hạn này. Đừng để lòng thù hận hay sự ích kỷ lấn chiếm con tim bạn. Ánh sáng của lòng vị tha là thứ ánh sáng dễ chịu nhất mà con người có thể cảm nhận được.

Bài văn mẫu 10

Có ai đó đã từng nói rằng: “Xung đột là căn bệnh trầm trọng của nhân loại và lòng vị tha là liều thuốc duy nhất”. Quả thật, lòng vị tha chính là phẩm chất mà con người cần có được trong cuộc sống.

Vị tha có nghĩa là sống vì người khác, không ích kỷ, không vì riêng mình, không mưu lợi cá nhân. Lòng vị tha là sự hy sinh một điều gì cho ai đó không phải là bản thân mình (ví dụ hy sinh thời gian, tiền bạc, của cải) mà không kỳ vọng sẽ được ghi nhận hay sự đền đáp hoặc lợi ích dù là trực tiếp hay gián tiếp từ phía người nhận hoặc cộng đồng. Lòng vị tha chính là biểu hiện cao đẹp nhất phẩm chất nhân hậu của con người. Nó không đòi hỏi gì nhiều ngoài một trái tim biết chia sẻ vui buồn, biết yêu thương đồng loại.

Người có lòng vị tha là người luôn đặt mục đích của mọi việc làm là vì người khác, vì xã hội. Nếu có vì mình cũng luôn cố gắn với lợi ích chung của mọi người. Khi làm việc luôn giành phần khó khăn về mình, không lười biếng, tránh né, đùn đẩy công việc cho người khác. Khi gặp khó khăn biết đứng ra ...

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan
Bài tập Ngữ văn Lớp 10 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k