Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Viết bài văn phân tích, đánh giá tình cảm của tác giả với thiên nhiên trong một bài thơ bạn đã học. (10 mẫu)

Viết bài văn phân tích, đánh giá tình cảm của tác giả với thiên nhiên trong một bài thơ bạn đã học. (10 mẫu)

1 trả lời
Hỏi chi tiết
5
0
0

Phân tích, đánh giá tình cảm của tác giả với thiên nhiên trong một bài thơ đã học (mẫu 1)

Huy Cận là một trong số những nhà thơ có nhiều đóng góp cho phong trào thơ Mới. Thơ ông mang nỗi buồn nhân thế, nỗi buồn của một người dân ý thức sâu sắc về cảnh ngộ của non sông đất nước và số phận con người. Bài thơ Tràng Giang là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của ông.

Mở đầu bài thơ là lời đề từ “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”, lời thơ ấy cho chúng ta thấy cảm hứng sáng tác của bài thơ đồng thời dẫn dắt độc giả bước vào không gian thiên nhiên rộng lớn mang tầm vóc vũ trụ. Cảm nhận đầu tiên là thiên nhiên bao la rộng lớn với những con sóng gợn lăn tăn, gối đầu lên nhau "điệp điệp" như không dứt. Điểm vào không gian bao la ấy là con thuyền bé nhỏ lênh đênh "xuôi mái song song" không phương hướng. Đứng trước thiên nhiên bao la, con người cảm thấy cô đơn, trôi dạt thông qua hình ảnh ẩn dụ “củi một cành khô lạc mấy dòng”.

Con người cô đơn, cảnh vật cũng nhuốm màu tâm trạng, cũng hoang vắng đến nao lòng: “lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu…sông dài trời rộng bến cô liêu”. Vẫn là sông nước mênh mông, vẫn là không gian bao la rộng lớn, nhưng chỉ thưa thớt vài cồn cát, hắt hiu vài ngọn gió lạ cùng với vài cánh bèo lặng lờ trôi. Hàng loạt từ láy “mênh mông”, “lặng lẽ” … kết hợp cùng điệp từ “không” và cụm từ “không một chuyến đò”, “không cầu” đã đẩy sự hoang vắng lên đến cực điểm, đưa độc giả đến tận cùng nỗi cô đơn, lạc lõng. Không gian càng rộng lớn bao la bao nhiêu thì con người càng cô đơn lạc long bấy nhiêu. Phải chăng đó là sự đồng điệu, giao cảm tuyệt diệu giữa thiên nhiên và con người.

Ở khổ thơ cuối cùng, đứng trước khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ: mây trắng chuyển động thành từng lớp, cánh chim nhỏ nhoi chao nghiêng bay về sau một ngày mệt nhọc, không cần chất xúc tác “khói hoàng hôn” nhà thơ cũng nhớ về quê hương, nhớ về cả thời đại. Với thể thơ 7 chữ cùng bút pháp chấm phá tả ít gợi nhiều, người đọc thấy rõ bức tranh thiên nhiên kì vĩ, bao la cùng với đó là tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước tha thiết của nhà thơ.

Bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận với sự kết hợp bút pháp hiện thực và cổ điển đã vẽ lên một bức tranh thiên nhiên u buồn, hiu quạnh. Gấp trang thơ lại, người đọc có thể thấy được tâm trạng cô liêu của con người và một tình yêu quê hương, mong ngóng về quê hương chân thành, sâu sắc của Huy Cận. Đồng thời người đọc cũng thấy được mối giao hòa, gắn bó đồng điệu giữa thiên nhiên và con người. Đúng như cụ Nguyễn Du từng nói “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

Phân tích, đánh giá tình cảm của tác giả với thiên nhiên trong một bài thơ đã học (mẫu 2)

Mùa xuân là một trong những đề tài quen thuộc trong thơ ca và trở thành nguồn cảm hứng bất tận của người nghệ sĩ. Bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của tác giả Thanh Hải là một trong số những tác phẩm thể hiện rõ điều này. Qua bài thơ, chúng ta thấy được tình yêu thiên nhiên của thi nhân khi miêu tả bức tranh mùa xuân xứ Huế với thái độ trân trọng, ngợi ca và tâm hồn giao hòa mãnh liệt với thiên nhiên. Đồng thời, tình yêu đối với thiên nhiên của tác giả còn gắn bó chặt chẽ với tình yêu quê hương, đất nước.

Qua những vần thơ của nhà thơ Thanh Hải, vẻ của thiên nhiên đất trời đã hiện lên đầy sinh động qua bức tranh mùa xuân xứ Huế:

"Mọc giữa dòng sông xanhMột bông hoa tím biếcƠi con chim chiền chiệnHót chi mà vang trời"

Nhà thơ Thanh Hải đã sử dụng biện pháp đảo ngữ bằng việc đưa động từ "mọc" lên đầu câu thơ để nhấn mạnh sức sống của "bông hoa tím biếc". Mùa xuân là mùa khởi đầu của một năm, là mùa của sự sinh sôi nảy nở, là thời gian cây cối đâm chồi nảy lộc, chim ca véo von. Tác giả đã nắm bắt đặc trưng này để làm nổi bật sức xuân đang tràn trề trên một nhành hoa nhỏ bé giữa dòng sông bao la, rộng lớn, mênh mông sóng nước để tạo nên sự hài hòa, sinh động của cảnh vật. Bức tranh đó cũng đậm sắc màu hội họa bởi hai gam màu: Sắc xanh của dòng nước biếc mùa xuân cùng sắc tím của đóa hoa đang bừng nở. Không chỉ dừng lại ở đó, tác giả còn tô điểm cho bức tranh thiên nhiên thanh âm trong trẻo của tiếng chim chiền chiện. Thi nhân đã sử dụng biện pháp nhân hóa qua từ gọi đáp "Ơi" để đón nhận và lắng nghe tiếng chim đang cao vút ngân trên bầu trời xuân cao rộng, trong xanh bằng tâm hồn giao hòa mạnh mẽ với thiên nhiên. Từ cảm thán "chi" được đặt sau động từ "hót" đã gợi lên chất giọng đầy thân thương, dịu ngọt của xứ Huế - mảnh đất gắn với sự bình dị và ngọt ngào. Như vậy, chỉ bằng bốn câu thơ ngắn gọn, bằng tình yêu thiên nhiên tha thiết, tác giả Thanh Hải đã gợi mở trước mắt độc giả bức tranh mùa xuân xứ Huế với vẻ đẹp bình dị, quen thuộc nhưng cũng rất đỗi trong trẻo và tràn đầy sức sống qua những hình ảnh, thi liệu chọn lọc và giàu sức gợi; tạo nên sự hòa hòa, cân xứng giữa màu sắc và thanh âm.

Tình yêu đối với thiên nhiên tạo vật của người thi nhân con được thể hiện qua những cảm nhận tinh tế và thái độ ngợi ca, trân trọng vẻ đẹp của thiên nhiên:

"Từng giọt long lanh rơiTôi đưa tay tôi hứng"

Qua hai câu thơ trên, sự giao hòa mạnh mẽ với vẻ đẹp của thiên nhiên trong tâm hồn của thi nhân đã được làm nổi bật. "Từng giọt" đang rơi xuống "long lanh" có thể là giọt sương mai, giọt mưa xuân còn đọng lại lấp lánh trên cành cây kẽ lá, tạo nên một hình ảnh đầy thi vị. Nhưng khi liên hệ với tiếng chim chiền chiện "Hót chi mà vang trời" thì câu thơ lại tạo ra một mỹ cảm độc đáo và mới lạ trong cách tiếp nhận. Chim chiền chiện là loài chim nhỏ hơn chim sẻ, nhưng tiếng hót của chúng lại có độ vang rất xa, được tạo ra từ việc bay vút lên cao. Như vậy, "từng giọt" đó có thể là tiếng chim chiền chiện vang xa trên bầu trời cao rộng nhưng không hề tan biến mà vẫn đọng lại đâu đó trong không gian, trở thành "từng giọt" âm thanh "long lanh", lấp lánh trong bức tranh mùa xuân. Nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác đã được vận dụng một cách sáng tạo để tô điểm cho bức tranh mùa xuân một thanh âm hữu hình mang đường nét, hình khối cụ thể. Dường như tác giả đã mở rộng mọi giác quan để cảm nhận và nắm bắt tất cả vẻ đẹp mà thiên nhiên tạo hóa ban tặng: "Tôi đưa tay tôi hứng". Đại từ "tôi" kết hợp cùng động từ "hứng" đã thể hiện thái độ trân trọng, nâng niu và muốn lưu giữ vẻ đẹp của thiên nhiên.

Trong bài thơ, chúng ta còn thấy được tình yêu thiên nhiên của thi nhân gắn bó với tình yêu quê hương, đất nước trong sự quyện hòa qua ước nguyện hóa thân, cống hiến.

"Ta làm con chim hótTa làm một nhành hoaTa nhập vào hòa caMột nốt trầm xao xuyến"

Từ vẻ đẹp của mùa xuân đất trời, mạch cảm xúc của bài thơ đã vận động hướng đến vẻ đẹp của mùa xuân đất nước với cảm hứng ngợi ca, và cuối cùng kết tinh thành ước nguyện cao đẹp. Thi nhân đã sử dụng những hình ảnh gần gũi, quen thuộc, nhỏ bé của thiên nhiên như "con chim hót", "cành hoa", "nốt trầm" cùng biện pháp điệp cấu trúc câu: "Ta làm... Ta làm.... Ta nhập..." để gửi gắm khát vọng muốn tô điểm, làm đẹp cho mùa xuân đất trời, mùa xuân đất nước của bản thân. Từ đó, chúng ta có thể thấy được ước nguyện giản dị, khiêm nhường nhưng hết sức cao đẹp và ngời sáng vẻ đẹp của tinh thần, cống hiến, hi sinh một cách tự nguyện của tác giả.

Bài thơ được sáng tác vào năm 1980 - thời điểm tác giả Thanh Hải đang nằm trên giường bệnh. Bởi vậy, tình yêu thiên nhiên của thi nhân còn thể hiện ý nghĩa đặc biệt về niềm lạc quan và sự giao cảm mãnh liệt với cuộc sống cùng khát vọng cao đẹp của tác giả.

Phân tích, đánh giá tình cảm của tác giả với thiên nhiên trong một bài thơ đã học (mẫu 3)

Giữa bộn bề mưu sinh của cuộc sống, chẳng mấy ai còn bận tâm hay dành thời gian để cảm nhận thời khắc giao mùa. Nếu mùa xuân là của của sự sống đâm chồi nảy lộc, mùa hạ là mùa của hoa thơm trái ngọt, mùa đông là mưa dầm gió bấc thì mùa thu là mùa của lá rơi và kỷ niệm. Bài thơ “Sang thu” của nhà thơ Hữu Thỉnh thực sự đã mang giây phút giao mùa sang thu chạm đến sự rung động của người đọc. Khoảnh khắc nhận ra thu về vừa ấn tượng lại dịu dàng và rất tinh tế.

Đối với Hữu Thỉnh, dấu hiệu để nhận biết mùa thu sang không phải là lá vàng rơi rụng mà là hương ổi chín thơm ngọt ngào. Một mùi hương tuy bình dị, dân dã nhưng lại rất đặc trưng và quen thuộc.

“Bỗng nhận ra hương ổiPhả vào trong gió seSương chùng chình qua ngõHình như thu đã về”

Từ “bỗng” mở đầu bài thơ cho thấy tác giả khi ấy rất ngỡ ngàng, bất chợt nhận ra một mùi hương thân thuộc từ trong ngọn gió se se lạnh. Động từ “phả” được đảo lên đầu câu không chỉ diễn tả sự giao thoa, hòa quyện giữa hương ổi và gió se mà còn gợi sự vận động, lan tỏa nhẹ nhàng của một hương thơm thanh mát, dịu nhẹ của hương ổi trong không gian. Tác giả Hữu Thỉnh đã cảm nhận được dấu hiệu mơ hồ của mùa thu bằng các giác quan: khứu giác, thị giác và bằng cả tâm hồn nhạy cảm của một con người tha thiết yêu đời, yêu cuộc sống.

“Sương chùng chình qua ngõHình như thu đã về”

Cách cảm nhận của tác giả thật khéo léo, những màn sương sớm được nhà thơ ví là đang “chùng chình” đi qua ngõ, mang vẻ ngập ngừng, thong dong, không chắc rằng thu đã về hay chưa, và để rồi cảm thấy bâng khuâng nhận ra “thu đã về”. “Hình như” đã diễn tả sự mơ hồ, không xác định trong cảm giác của nhà thơ khi bắt gặp những dấu hiệu chưa thực sự rõ nét của mùa thu.

Nếu trong khổ thơ đầu Hữu Thỉnh mơ hồ cảm nhận được những dấu hiệu của mùa thu thì sang khổ thơ thứ hai, sự thay đổi của đất trời khi thu sang được cảm nhận vô cùng rõ ràng. Quá trình chuyển biến của thiên nhiên khi sang thu hiện hữu ở mọi cảnh vật, khiến cho con người ta nhận ra mùa thu đang ngày càng hiện hình rõ nét chứ không còn mơ hồ nữa.

“Sông được lúc dềnh dàngChim bắt đầu vội vãCó đám mây mùa hạVắt nửa mình sang thu”

Có thể thấy, sự biến chuyển của không gian, thiên nhiên trong quá trình sang thu đã được nhà thơ cảm nhận tinh tế qua nhiều yếu tố và bằng nhiều giác quan, đặc biệt đó là sự cảm nhận từ chính sự rung động của tác giả trước mùa thu. Dòng sông bước vào mùa thu không còn nước dâng cao chảy xiết mà “dềnh dàng” một cách nhẹ nhàng, yên ả, gợi lên vẻ đẹp dịu dàng của bức tranh thiên nhiên mùa thu. Những cánh chim cũng bắt đầu “vội vã” bay về phương Nam tránh rét. Hình ảnh thú vị đám mây mùa hạ “vắt nửa mình sang thu” khiến người đọc liên tưởng đám mây kia không phải vật vô tri vô giác mà bỗng trở nên có hồn, có cảm xúc. Trong khoảnh khắc giao mùa, đám mây mùa hạ cuối cùng di chuyển một cách nhẹ nhàng, uyển chuyển “vắt nửa mình sang thu”, dường như đám mây ấy vừa mong chờ thu sang nhưng cũng như lưu luyến, nuối tiếc phải chia tay mùa hạ.

Nếu như cuộc đời con người cũng như bốn mùa trong năm thì mùa thu là mùa mà ở đó con người ta đã trưởng thành, đã đủ chín chắn để chiêm nghiệm ra nhiều điều.

“Vẫn còn bao nhiêu nắngĐã vơi dần cơn mưaSấm cũng bớt bất ngờTrên hàng cây đứng tuổi”

Tiết trời mùa thu vẫn còn vương vấn cái oi nồng của mùa hạ “còn bao nhiêu nắng”, tuy vẫn sáng nhưng không chói chang gay gắt mà nhạt dần, dịu dần. Vẫn có mưa, nhưng không còn là những cơn mưa rào đến bất ngờ và đi trong thoáng chốc “vơi dần cơn mưa”. Trời vào thu cũng đã bớt đi những tiếng sấm đột ngột và bất ngờ trên những hàng cây đứng tuổi. Hai câu thơ cuối bài được coi là câu thơ hay nhất cũng là kết tinh giá trị tư tưởng cho toàn bộ bài thơ:

“Nắng cũng bớt bất ngờTrên hàng cây đứng tuổi”

Nắng, mưa hay sấm đều là những tác động bất ngờ và bất thường tự nhiên. Từ hiện tượng bất thường của thời tiết, tác giả Hữu Thỉnh đã gợi cho người đọc những chiêm nghiệm sâu sắc về tác động của nghịch cảnh trong cuộc đời mỗi người. “Hàng cây đứng tuổi” là những hàng cây cổ thụ, đó cũng là biểu tượng cho những con người đã trưởng thành. Khi con người đã trưởng thành, đã từng đi qua những bão táp, giông tố sẽ vững vàng, kiên cường hơn hơn trước những biến cố bất ngờ của cuộc sống.

Đất trời cuối hạ sang thu chuyển mình một cách rất nhẹ nhàng nhưng rõ rệt, nhờ có nhà thơ Hữu Thỉnh với bài “Sang thu” mà người đọc đã có cơ hội lắng mình trong giây phút để cảm nhận thu về. Không chỉ là sự cảm nhận về thay đổi thời tiết, thiên nhiên mà còn để nhìn nhận về chính bản thân mình sau những đổi thay.

Phân tích, đánh giá tình cảm của tác giả với thiên nhiên trong một bài thơ đã học (mẫu 4)

Nhắc đến phong trào Thơ mới không thể không nhắc đến Huy Cận. Tràng giang là một bài thơ được trích trong tập thơ "Lửa thiêng", nổi tiếng của ông, được viết vào những năm trước Cách mạng tháng Tám. Bài thơ không chỉ bộc lộ được nỗi tâm trạng u sầu, nỗi buồn mênh mông của lòng người mà còn khắc hoạ hình ảnh thiên nhiên mang nét đẹp đượm buồn.

"Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,Con thuyền xuôi mái nước song song.Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;Củi một cành khô lạc mấy dòng."

Giữa dòng sông rộng mênh mông, dài vô tâm ấy, từng con sóng gợn lăn tăn, mênh mang, trùng điệp. Dòng nước cứ thế lững lờ trôi có chút gì đó chậm chạp, hững hờ, vô định. Con thuyền nhỏ bé lênh đênh xuôi theo dòng nước cuốn như một lẽ tự nhiên thuận theo ý muốn đất trời. Chiếc thuyền vẫn xuôi theo từng nhịp, sóng vẫn gợn nhẹ giữa dòng mà sao thấy cảnh vật như tĩnh lặng đứng yên. Dòng sông cứ bao la, mênh mang như thế, mang vẻ buồn vô tận của thời gian

"Thuyền về nước lại sầu trăm ngảCủi một cành khô lạc mấy dòng"

Cành củi nhỏ bé trôi vô định giữa những dòng nước cuốn, lạc lối đơn độc giữa dòng sông rộng mênh mông. Nhành củi khô ấy dường nhiều mất đi sức sống, vẻ tươi xanh vốn có, một hình ảnh cô độc, nhỏ nhoi giữa không gian sông nước bao la, rợn ngợp càng tô đậm thêm nỗi cô đơn trống vắng trong lòng người.

Giữa đất trời vũ trụ bao la mà thiên nhiên dành tặng, vậy mà đâu đó vẫn hiện lên cảnh hiu quạnh, vắng vẻ, lạnh lẽo:

"Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiềuNắng xuống, trời lên sâu chót vót;Sông dài, trời rộng, bến cô liêu".

Một khung cảnh tiêu điều hiện ra trước mắt, nhìn nơi đâu cũng thấy lạnh lẽo, hoang tàn. Tiếng vãn chợ xa xôi vọng lại càng tô đậm nét buồn nơi cảnh vật, chẳng thể xua bớt đi vẻ tĩnh mịch nơi thiên nhiên. Có sóng, có nắng, có đất trời, mọi cảnh vật dường như đang chuyển động trước thời gian. Không gian rợn ngợp ngút ngàn mà con người thì nhỏ nhoi, cô đơn, sầu muộn" bến cô liêu".

"Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;Mênh mông không một chuyến đò ngang.Không cầu gợi chút niềm thân mật,Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng."

Từ khung cảnh tổng quát, tác giả cảm nhận thiên nhiên một cách chi tiết hơn mong tìm thấy chút hi vọng nhỏ nhoi của niềm vui, nhưng càng nhìn lại càng buồn, càng soi thấu lại càng khắc khoải, từng cánh bèo hàng nối hàng trôi nổi, không đích đến giữa biển nước bao la. Nó như tượng trưng cho những kiếp người bạc bẽo, nổi trôi vô định giữa cuộc đời. Bờ xanh với bãi vàng song hành cùng nhau, nhìn đâu cũng mang vẻ buồn tư lự, ngước đâu cũng chẳng thấy bóng người qua chuyến đò ngang. Tất thảy, vẫn là thiên nhiên với thiên nhiên, vẫn là mình ta với đất trời rợn ngợp, với vũ trụ bao la trùm kín nỗi sầu nhân thế.

"Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.Lòng quê dợn dợn vời con nước,Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà."

Từng đám mây chuyển động theo từng lớp tạo nên vẻ đẹp của bầu trời xanh.Từng cánh chim nhỏ nhoi đã xuống dòng sông bay về nghỉ ngơi sau một ngày mệt nhọc lúc hoàng hôn buông xuống. Tất cả tạo nên một khung cảnh buồn vương vấn. Không gian mở rộng đến rợn ngợp, nỗi buồn cứ thế cũng dài bất tận, dằng dặc.

Thiên nhiên tuy đẹp đấy, hùng vĩ thật đấy nhưng lại lặng lẽ buồn. Phải chăng bởi được khúc xạ qua tâm hồn của một thi sĩ nhiều tâm sự với người, với đời, bởi vốn dĩ:" Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Bằng những nét vẽ tinh tế, bút pháp chấm phá đặc sắc, kết hợp giữa vẻ đẹp hiện đại và cổ điển, Huy Cận đã vẻ nên một bức tranh thiên nhiên rất riêng. Phải có một tình yêu tuyệt vời dành cho thiên nhiên, cho quê hương, Huy Cận mới viết nên những vần thơ đầy tinh tế, gợi cảm đến như thế.

Phân tích, đánh giá tình cảm của tác giả với thiên nhiên trong một bài thơ đã học (mẫu 5)

Nguyễn Trãi là một nhà thơ kiệt xuất của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Ông để lại cho đời sau nhiều tác phẩm có giá trị lớn. Nếu như “Bình Ngô đại cáo” của ông mang đầy nhiệt huyết, lòng tự tôn dân tộc thì bài thơ “Cảnh ngày hè” là một bức tranh về vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi.

Mở đầu bài thơ “Cảnh ngày hè” là sáu câu thơ miêu tả cảnh ngày hè:

“Rồi hóng mát thuở ngày trườngHòe lục đùn đùn tán rợp giươngThạch lựu hiên còn phun thức đỏHồng liên trì đã tiễn mùi hươngLao xao chợ cá làng Ngư phủDắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”

Tác giả đã đón nhận cảnh ngày hè trong tư thế ung dung, thoải mái khi ở ẩn. Bức tranh vào ngày hè được tác giả vẽ lên thật rực rỡ và tươi đẹp với nhiều màu sắc. Đó là màu xanh của cây hòe, màu đỏ của hoa lựu, màu hồng của hoa sen, màu vàng lung linh của ánh nắng chiều. Tất cả hòa quyện lại với nhau. Tạo nên cảnh vật đặc trưng của mùa hè. Không chỉ cảm nhận bằng thị giác, tác giả còn cảm nhận cảnh vật bằng thính giác và khứu giác. Ông thấy mùi hương của ao sen, thấy âm thanh “lao xao” của làng chài, “dắng dỏi” của tiếng ve. Bức tranh cảnh ngày hè đã trở nên sinh động hơn, đặc sắc hơn với âm thanh và mùi vị. Mặc dù khung cảnh mà tác giả miêu tả là cuối ngày, khi mặt trời lặn nhưng mọi vật vẫn tràn đầy sức sống với những từ ngữ "đùn đùn", "giương", "phun", "tiễn", "lao xao", "dắng dỏi". Những từ ngữ đó cũng góp phần thể hiện những điều trong lòng tác giả - ước mong được cống hiến cho nhân dân, cho đất nước. Nhiệt huyết đó như muốn phun ra, trào ra và lan tỏa đi khắp nơi. Trong sáu câu thơ này, tác giả đã thay đổi, không đi theo tính quy phạm của văn học phong kiến nữa. Ông miêu tả cảnh ngày hè với những sự vật vô cùng gần gũi với cuộc sống hằng ngày.

Hai câu cuối của bài thơ đã được tác giả gửi gắm trọn vẹn tâm tư và suy nghĩ:

“Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếngDân giàu đủ khắp đòi phương”

Tuy tác giả đón nhận cảnh ngày hè với tư thế ung dung trong một ngày nhàn rỗi nhưng ông vẫn luôn suy nghĩ, lo lắng cho nhân dân, cho đất nước. Cảm nhận cảnh ngày hè nhưng tác giả vẫn quan tâm tới cuộc sống của nhân dân. Thế nên ông nghe thấy âm thanh tấp nập, lao xao của làng chài. Ông quan tâm tới nhân dân, lo cho dân cho nước. Chính vì vậy, ông ước mong mình có cây đàn của vua Ngu Thuấn. Với cây đàn đó, Nguyễn Trãi có thể mang tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân và đất nước.

Bài thơ “Cảnh ngày hè” được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật có chen hai câu thơ lục ngôn. Tuy vậy, nhà thơ lại không tuân theo bố cục: đề - thực - luận - kết của thể thơ Đường luật. Chính vì thế, bài thơ mang nét đặc sắc riêng của một nhà thơ kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Không chỉ thế, bài thơ còn có hình ảnh hoa lựu khiến ta liên tưởng tới hai câu thơ của Nguyễn Du:

“Đầu tường hoa lựu lập lòe đơm bông”

Câu thơ của Nguyễn Du mang đậm chất tạo hình nhưng câu thơ của Nguyễn Trãi lại thể hiện được cá tính về nhiệt huyết của mình. Điều đó cho thấy rõ hơn tài năng của Nguyễn Trãi về thơ văn.

Bài thơ "Cảnh ngày hè" đặc sắc về cả nội dung và nghệ thuật. Qua đó, ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi. Ông là người yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước. Nhưng trên hết, ông là một người vừa có tài, vừa có tâm bởi ông luôn lo lắng cho nhân dân, cho đất nước. Ông muốn cống hiến nhiệt huyết của mình để nhân dân hạnh phúc, ấm no, đất nước giàu mạnh. Tư tưởng của Nguyễn Trãi như một bài học gửi gắm cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước, ước mong cống hiến cho đất nước.

Phân tích, đánh giá tình cảm của tác giả với thiên nhiên trong một bài thơ đã học (mẫu 6)

Mùa thu, mùa của sự lãng mạn. Nó gợi lên cho con người biết bao nhiêu cảm xúc dâng trào. Chẳng khó có thể lý giải lý do vì sao mà có nhiều bài thơ hay viết về mùa thu đến vậy. Vẻ đẹp của mùa thu chắc hẳn bất cứ ai cũng có thể nhìn ra. Nhưng cái khoảnh khắc sang thu có lẽ phải nhờ đến tâm hồn nhạy cảm của một thi sĩ mới có thể cảm nhận được. Bài thơ Sang thu của nhà thơ Hữu Thỉnh đã chỉ ra cho người đọc cái nhìn đầy tinh tế về sự chuyển giao giữa mùa hạ sang mùa thu.

Bài thơ được tác giả viết theo thể thơ 5 chữ. Toàn bộ bài cũng chỉ có 3 khổ, ngắn gọn nhưng súc tích. Bài thơ không chỉ vẽ lên được được cảnh đẹp của giây phút chuyển mùa mà còn thể hiện được tâm trạng và cảm xúc của tác giả trước cảnh đẹp thiên nhiên. Mở đầu bài thơ Hữu Thỉnh viết:

"Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về"

Khác với thơ xưa khi miêu tả mùa thu thường nhắc đến màu vàng của lá với hình ảnh lá rụng mùa thu. Ở thơ Hữu Thỉnh, ông cảm nhận mùa thu qua nhiều giác quan khác nhau. Đó là khứu giác, là xúc giác, là thị giác và là tri giác. Mùa thu trong Hữu Thỉnh đến từ mùi hương của những bông hoa ổi và những quả ổi chín vàng ươm. Mùa thu còn đến từ những cơn gió se, không lạnh như gió mùa đông cũng không nóng như gió mùa hè. Nó dịu mát và làm tâm hồn con người thêm thư thái. Mùa thu với đặc trưng sương mù cũng bắt đầu hiện hữu, chúng “chùng chình qua ngõ” và len lỏi khắp mọi ngõ ngách của đường phố. Tất cả những điều ấy khiến cho tác giả đặt ra một câu nghi vấn. Ông không khẳng định mà chỉ nói rằng “hình như thu đã về”. Từ “hình như” gợi lên cho người đọc một sự ngỡ ngàng, một sự bâng khuâng không dám tin rằng đây lại là sự thật.

Sau sự cảm nhận của các giác quan thì lúc này, dường như mùa thu đã hiện hữu rõ nét hơn thông qua những hình ảnh cụ thể:

"Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu"

Tác giả Hữu Thỉnh đã rất khéo léo khi sử dụng những tính từ để chỉ sự chảy trôi của dòng sông và của những cánh chim bay. Sông thì “dềnh dàng” bởi mùa thu những cơn gió sẽ khiến cho dòng nước lững lờ trôi. “Dềnh dàng” ý chỉ sự chậm rãi, ung dung, tự tại cũng giống như từ “chùng chình” khi miêu tả sương ở câu thơ trên. Nhưng đối lập với sự chậm rãi ấy lại là sự “vội vã” của những chú chim. Đó là sự nhạy cảm của tác giả khi nhìn cảnh vật xung quanh. Ông hiểu rằng, mùa đông là thời điểm lũ chim sẽ bay về phương nam tránh rét. Vì vậy mà khi trời chuyển sang thu, chúng sẽ bắt đầu chuẩn bị cho một hành trình dài bay về phương xa. Sự vội vã ở đây cũng là điều rất dễ hiểu. Nhưng hình ảnh đám mây mới là hình ảnh tinh tế nhất. Vì đây là khoảnh khắc sang thu nên tiết trời vẫn còn chút vấn vương của mùa hạ. Điều đó thể hiện qua hình ảnh đám mây “vắt nửa mình sang thu”. Một nửa của nó vẫn còn đang ở mùa hạ. Dường như giữa hai mùa chỉ cách nhau một ranh giới trên bầu trời. Chỉ cần đám mây kia di chuyển qua vạch ranh giới ấy là mùa thu sẽ chính thức gõ cửa.

Khổ thơ cuối cùng, tác giả đã cảm nhận mùa thu bằng lý trí của mình. Ông lồng ghép trong đó những tâm sự của con người trước thời cuộc:

" Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi"

Mùa thu mới chớm tới, nắng dù vẫn còn nhiều nhưng những cơn mưa đã thưa thớt dần, sấm chớp cũng không còn dữ dội và khiến người ta bất ngờ như những ngày đầu hè nữa. Ở đây, có thể hiểu câu thơ của tác giả theo hai lớp nghĩa, một là đơn thuần tả cảnh thiên nhiên, hai là nói đến cảm xúc của con người. Nếu những hàng cây cổ thụ không còn bất ngờ bởi tiếng sấm thì những con người đã trải qua biết bao biến cố của cuộc đời cũng không e ngại bất cứ một sóng gió nào nữa.

Bằng cách dùng tính từ chỉ con người để nói về cảnh vật, nhà thơ Hữu Thỉnh đã sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hóa một cách tài tình khiến cảnh vật trở nên sống động và có hồn hơn. Câu thơ đọc lên đến đâu là gợi mở cảm xúc cho con người đến đó. Bài thơ cho người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước khi mùa xuân về.

Phân tích, đánh giá tình cảm của tác giả với thiên nhiên trong một bài thơ đã học (mẫu 7)

“Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp

Mây gió, trăng hoa, tuyết núi sông”.

Thiên nhiên đã trở thành nơi chốn bình yên để tâm hồn thanh khiết của người nghệ sĩ nương náu, không vướng bụi trần. Đối với vị lãnh tụ Hồ Chí Minh – người chiến sĩ cách mạng cộng sản lại đến với thiên nhiên trong hoàn cảnh trớ trêu nhưng vẫn toát lên tình yêu sâu đậm dành cho thiên nhiên.

“Trong tù không rượu cũng không hoa

Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ”

Mở đầu thi phẩm là những vần thơ phác họa một cách chân thực cuộc sống trong tù khổ cực và gian lao của Bác. Điệp cấu trúc “không...không...” đã khắc họa cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nơi chốn ngục tù. Thời xưa, rượu và hoa đã trở thành thú vui tao nhã không thể thiếu cho những người lãng tử vì nghệ thuật, trong những buổi ngắm trăng đầy lãng mạn. Hình ảnh trăng lúc này càng trở nên rõ nét và sinh động hơn.

Bác đắm say trước cảnh đẹp đêm trăng. Vầng trăng ấy đã chiếu rọi tâm hồn thi nhân, khúc xạ những cảm xúc, những rung động với hoàn cảnh thực tại khiến bác có chút bối rối. Trăng luôn là nguồn cảm hứng bất tận của các thi nhân. Từ đó có thể thấy hoàn cảnh ngắm trăng của Bác khá đặc biệt, không được tự do, thoải mái. Tuy nhiên, hình ảnh vầng trăng đã xua đi mọi khó khăn đó. Ánh sáng của vầng trăng đối lập hoàn toàn với góc tối nơi ngục tù. Đó chính là ánh sáng duy nhất của người chiến sĩ cách mạng nên “khó hững hờ”.

Hai câu thơ kết, tác giả cho người đọc thấy rõ sự hòa quyện giữa thiên nhiên và con người.

“Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”.

Tuy có sự đối lập những khi tất cả hòa vào làm một lại tạo nên một bức tranh rất đỗi trữ tình và lãng mạn. Hình ảnh thi nhân được khắc họa nổi bật ở khía cạnh người chiến sĩ không chút vướng bận, khổ đau trước sự gò bó, thiếu thốn nơi nhà tù. Trước hoàn cảnh đó, Bác đã quên đi thế giới hữu hình xung quanh mình để thưởng nguyệt và vẫn giữ một phong thái ung dung, lạc quan, tự tại.

Biện pháp nhân hóa được sử dụng “Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”, vầng trăng trở nên tuyệt đẹp và thật có hồn. Ánh trăng “nhòm” qua khung cửa sổ nhà tù tối tăm với những khung sắt han gỉ để trở thành tri âm, tri kỉ của người tù binh, người chiến sĩ cách mạng.

Ngắm trăng chính xác là một bài thơ tiêu biểu trong tập Nhật kí trong tù. Đúng như nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã nói: “Thơ Bác đầy trăng”. Trăng hay thiên nhiên nói chung chính là nguồn cảm hứng vô tận trong thơ Bác.

Phân tích, đánh giá tình cảm của tác giả với thiên nhiên trong một bài thơ đã học (mẫu 8)

Nói đến thơ Xuân Diệu là nói đến những cảm xúc tột cùng mãnh liệt, những yêu thương tột độ đắm say, sôi nổi. Bởi vậy, đọc tập Thơ thơ, người đọc vừa ngạc nhiên vừa thú vị khi gặp một bài thơ rất dịu dàng, dịu từ ý đến lời: Thơ duyên.

   Xét cho cùng. Thơ duyên cũng là một bài thơ về tình yêu, nhưng là tình yêu theo nghĩa rộng lớn, tình yêu đối với cuộc sống, đối với con người, đối với mọi vẻ đẹp, sự hòa hợp ở đời. Đây là thơ về cái duyên, cái hài hòa tuyệt vời mà một ngày kia nhà thơ bỗng nhận ra, giữa vũ trụ với cuộc đời, giữa đất trời với cây cỏ muông thú, giữa thời gian với không gian, giữa vạn vật với con người.

   Điều ấy không phải bất kì lúc nào củng xảy ra nhưng đã có lần xảy ra. Lúc ấy, nhìn vào bầu trời đến mặt đất, nhà thơ cũng chỉ nhìn thấy cái đẹp:

   Chiều mộng hoà thơ trên nhánh duyên.    Cây me ríu rít cặp chim chuyền    Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,    Thu đến nơi nơi động tiếng huyền

   Chiều mộng hoà thơ trên nhánh duyên. Quả thật đây là lúc mà cả không gian lẫn thời gian đều thi nhau mà hiện ra trong vẻ tuyệt mĩ của mình. Bởi vậy mối quan hệ  nhánh duyên là một mối quan hệ tuyệt mĩ: hòa thơ. Từ mối liên hệ ấy, mọi điều đều trở nên hãi hòa tuyệt đẹp. Cặp chim đang chuyên cành hót vang ríu rít. Tiếng ríu rít hình như không chỉ vang lên từ cặp chim chuyền mà lên cả từ cây me nữa. Muôn lá vốn xanh, bầu trời vốn xanh, cả trời cùng muôn lá trở nên xanh hơn, xanh đến tuyệt đẹp: xanh ngọc. Trong khổ thơ, có đường nét, dáng hình, có cả màu sắc, âm thanh, mà điều nào cũng đến tột cùng của cái duyên, cái thơ, cái đẹp, cái đáng yêu. Kết thúc khổ thơ, Xuân Diệu phát hiện ra:

   Thu đến nơi nơi động tiếng huyền

   Có một điều gì đó thật là huyền bí, thật là đẹp đẽ, chi phối cả vũ trụ lúc này, tạo nên mọi vẻ đẹp lúc này. Nó như một âm thanh không nghe thấy được nhưng huyền diệu vô cùng, có sức mạnh vô cùng. Lắng nghe được tiếng huyền ấy của vũ trụ, nhà thơ nhìn vào cảnh vặt xung quanh mình: Tất cả những điều bình thường bỗng trở nên khác thường đẹp hơn, đáng yêu hơn, có tình hơn, hòa hợp hơn:

   Con đường nho nhỏ gió xiêu xiêu   Là lá cành hoang nắng trở chiều   Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn  Lần đầu rung động nỗi thương yêu.

   Con đường như nhỏ lại để trở nên đẹp hơn. Ngọn gió chiều thổi se sẻ hơn, nhưng nhẹ hơn bởi ngọn gió như ý thức được việc mình đang làm. Những cành hoang lả xuống trước ngọn gió xiêu xiêu nhưng cũng tự mình lả xuống để hòa hợp cùng ngọn gió. Từ cảnh vật ấy, nhà thơ nhìn lại chính lòng mình. Hóa ra điều kì diệu ấy cũng đang xẩy ra đến trong tâm hồn con người. “Lòng thu ý bạn”, đây là điều chỉ mới xảy ra lần thứ nhất trong đời. Một sự lắng nghe nhưng không lắng nghe bằng tai mà nghe bằng lòng người nói thà không nói bằng lời mà lại nói bằng ý, cho nên lòng ta nghe ý bạn. Đây là sự cảm thông, một sự hòa hợp tự nhiên của tâm hồn, không muốn, không đinh, mà vẫn xảy ra. Và kết quả của điều xảy ra ấy là một nỗi thương yêu. Xuân Diệu rất tinh tế khi dùng mấy tiếng “nỗi thương yêu" để xác định tâm trạng của mình. Đây không phải là yêu, là tình yêu, mà là thương yêu, một tình cảm về sự hòa hợp trọn vẹn, lại không phải là tình mà là nòi, một nỗi niềm xúc động, rung động cua trái tim, không dành riêng cho một đối tượng cá biệt nào cả, cũng không vì một mục đích ngẳn ngùi hay tư lợi nào. Từ nỗi thương yêu ấy nhà thơ muốn đi đến tột cũng tình cảm của mình. Lại cũng xảy ra điều rất lạ:

   Em bước điềm nhiên không vướng chân,    Anh đi lững thững chẳng theo gần,    Vô tâm - nhưng giữa bài thơ dịu,    Anh với em như một cặp vần.

  Đã "điềm nhiên" lại còn “không vướng chân” hình như nhà thơ dùng từ hơi ...

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan
Bài tập Ngữ văn Lớp 10 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Gia sư Lazi Gia sư
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo