Theo lời cô, hoạt động này giúp học sinh biết yêu mến và tự hào về một trong nhũng địa chỉ văn hoá quan trọng - nơi gìn giữ những dấu tích và hiện vật liên quan tới một nhà thơ vĩ đại của dân tộc, một danh nhân văn hoá của thế giới. Tôi cũng như nhiều bạn không giấu nổi vẻ háo hức, vì đây là lần đâu tiên được đến thăm khu di tích của đại thi hào ở mảnh đất Tiên Điền nổi tiếng.
Ba chiếc xe khách chở hơn 100 học sinh khối 8 xuất phát từ sân trường lúc 7 giờ sáng. Phía trước mỗi xe đều có một dải băng rôn màu trắng in dòng chữ xanh đậm “Học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi tham quan quê hương đại thi hào Nguyễn Du”. Trên xe, cô giáo phụ trách giới thiệu những vùng đất xe qua, không khác gì một hướng dẫn viên du lịch.
Đến gần phía nam cầu Bến Thuỷ, xe rẽ phải theo đường về trung tâm thị trấn huyện Nghi Xuân. Đi hơn chục cây số, đã thấy ở lề đường bên phải có một tấm biển khá to, với dòng chữ: Di tích quốc gia đặc biệt - Khu lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du. Xe vừa dừng, chúng tôi ùa xuống, từng tốp đi vào một sân rộng phía trước ba toà nhà lợp ngói kết hình chừ U. Chính giữa sân là bức tượng Nguyễn Du, tay cầm bút lông, nét mặt suy tư được đặt trên một bệ cao.
Sau khi trưởng đoàn đăng kí, chúng tôi được cô hướng dẫn viên dẫn đi và thuyết minh chi tiết về các hạng mục chính của khu di tích. Nhờ đó, chúng tôi biết rằng khuôn viên của khu di tích rộng hơn 4 héc-ta, với các công trình được bảo tồn, tôn tạo cẩn thận, chống lại sự bào mòn của thời gian và tàn phá của chiến tranh.
Nơi đầu tiên chúng tôi bước chân vào là căn nhà hai tầng nằm phía sau lưng tượng nhà thơ. Đó là nhà trưng bày các hiện vật gắn với cuộc đời và sự nghiệp của đại thi hào. Tất cả đều nằm yên lặng trong tủ kính, nhưng chúng như trở nên sinh động hơn qua những dòng ghi chú cụ thể. Đây là chiếc nghiên mực gắn với việc sáng tạo văn chương của Nguyễn Du kia là bộ khay chén uống rượu mà Cụ thường dùng khi ở Tiên Điền; kia nữa là cái giá gương bằng gỗ khảm từng được đặt trong ngôi nhà Cụ ở. Rồi đĩa mai hạc lưu bút tích của Nguyễn Du đề tặng thơ khi đi sứ Trung Quốc, chiếc la bàn nhà thơ thường dùng mỗi lần đi săn trên núi Hồng Lĩnh, chiếc gạc nai dùng để treo quần áo trong phòng ngủ,... Mọi vật không hề có cái vẻ sang trọng, xa hoa mà đều khá giản dị, nhỏ gọn, khiến người xem cảm thấy thật gần gũi.
Tôi rất thích hai bức tranh treo hai phía của bức tường bên phải. Một bức vẽ cảnh Nguyễn Du đi săn trên núi Hồng Lĩnh của hoạ sĩ Nguyễn Đức Nùng, bức kia vẽ cảnh Nguyễn Du câu cá trên sông Lam của hoạ sĩ Nguyễn Tiến Chung. Màu thời gian đã khiến hai bức tranh mang vẻ đẹp thâm trầm, cổ kính.
Cô hướng dẫn viên cho biết, hiện nhà trưng bày lưu giữ hơn 1 000 hiện vật gắn với cuộc đời Nguyễn Du. Những gì liên quan đến sự nghiệp sáng tạo văn chương của nhà thơ cũng hết sức phong phú. Đó là các bản Truyện Kiều được in từ xưa đến nay, cuốn sách Thơ chữ Hán Nguyễn Du in lần đầu và những lần tái bản; các bản dịch Truyện Kiều ra một số thứ tiếng trên thế giới; nhiều bộ tranh minh hoạ Truyện Kiều các công trình, luận văn, luận án nghiên cứu về Truyện Kiều và sáng tác của Nguyễn Du;... Độc đáo hơn cả có lẽ là độc bản Truyện Kiều viết tay trên giấy khổ lớn, chiều dài 1,6 m, chiều rộng 1,2 m, nặng 75 kg do ông Nguyễn Đình thực hiện. Cuốn sách kì lạ đó được đặt riêng trong một tủ kính giữa phòng trưng bày.
Sau khi tập trung chụp ảnh lưu niệm trước tượng Nguyễn Du và một số cảnh yêu thích, chúng tôi tản ra giữa khu vườn mênh mông, theo nhũng lối nhỏ như ô bàn cờ, lát gạch đó, hai bên là từng hàng nguyệt quế xén vuông tăm tắp. Chúng tôi lần lượt tham quan, thắp hương tại nhà thờ Nguyễn Du, thăm nhà bình văn, nơi các bậc khoa bảng danh nho ngày xưa bàn luận văn chương... Những ngôi nhà gỗ xinh xắn, mái cong lợp ngói, bốn phía hành lang rợp bóng cây xanh thật mát mẻ, yên tĩnh, tưởng như bóng người xưa còn dạo gót đâu đây. Từng lớp học sinh thay nhau chụp ảnh dưới cây cổ thụ do cụ Nguyễn Quỳnh, ông nội của Nguyễn Du trồng cách đây ngót 300 năm. Đó là những chứng tích của bao thay đổi trên mảnh đất của tổ tiên.
Rời khu di tích, chúng tôi đi trên con đường rãi nhựa quanh làng khoảng 3 km ra thăm mộ cụ Nguyễn Du. Khoảnh đất vuông bốn phía bao bởi tường thấp, năm giữa khu nghĩa trang của một vùng quê. Gần cổng khuôn viên là một nhà bia nhỏ bốn mái, không tường, giữa dựng tấm bia đá khắc dòng chữ: Danh nhân văn hoá thế giới - Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Chúng tôi từng tốp lần lượt thắp hương rồi tập trung chụp ảnh lưu niệm trước ngôi mộ ốp đá vuông vắn, giản dị của nhà thơ vĩ đại.
Trên đường về, dường như ai cùng trầm lắng hơn. Có bạn cầm cuốn sách vừa mua ở nhà lưu niệm Nguyễn Du mở ra đọc. Có người xem lại mấy bức ảnh đã chụp những cảnh yêu thích trong điện thoại. Tôi cũng mua được một cuốn Truyện Kiều về tặng bà, chắc bà sẽ vui lắm. Theo lời cô giáo, về trường, chúng tôi sẽ viết, vẽ về những gì để lại ấn tượng sâu sắc nhất qua chuyến tham quan. Vậy thì tôi sẽ vẽ, chắc chắn thế, bởi vì những cành vật được ngắm nhìn hôm nay bỗng lại hiện ra rõ mồn một trong tâm trí tôi, như một cuốn phim quay chậm.