Ông Giuốc-đanh: – Kìa! Cái ấy ấy mà... Các thầy gọi nó là cái gì nhỉ? Cái trò hát đôi1, hay hát đối gì đó, vừa hát vừa múa ấy mà.
Thầy múa: – À! À!
Thầy nhạc: – Ngài trông, chúng tôi đã sẵn sàng cả rồi.
Ông Giuốc-đanh: – Tôi đã để các thầy phải chờ đợi mất một tí, chả là hôm nay tôi phải sắm sửa để ăn mặc ra người quý phái, và cái bác phó may của tôi đưa đến cho tôi đôi bít tất lụa tưởng chừng không bao giờ xỏ chân vào được.
[...]
Ông Giuốc-đanh: – Bác phó may của tôi bảo rằng những người quý phái buổi sáng đều mặc như thế này cả.
Thấy nhạc. – Ngài mặc thế này trông nổi lắm.
Ông Giuốc-đanh: – Hầu đâu! Ớ hai tên hầu của ta đâu!
Tên hầu thứ nhất: – Bẩm ông, ông gọi việc gì a?
Ông Giuốc-đanh: – Chả có việc gì. Để xem chúng bay có nghe thấy tao gọi không thế thôi. (nói với hai thầy) – Các thầy xem chế phục2 của nhà tôi thế nào?
Thầy múa: – Bẩm, rất lộng lẫy ạ.
Ông Giuốc-đanh: (Hé mở áo dài và cho xem cái quần cộc chẽn bằng nhung đỏ và cái áo lót bằng nhung màu lá cây mà ông đương mặc trong người.) – Và đây một bộ quần áo lót để tập tành buổi sáng đây.
Thầy nhạc: – Lịch sự lắm ạ.
[...]
Ông Giuốc-đanh: (Cởi áo dài buồng ngủ ra) – Cầm áo cho tao. Các thầy trông tôi mặc thế này có xinh không?
Thầy múa: – Xinh lắm ạ. Không thể nào xinh hơn.
Ông Giuốc-đanh: – Nào, thử xem cái trò vè các thầy một tí nào.
[...]
Ông Giuốc-đanh: – Bay đưa áo dài cho tao để tao nghe cho rõ hơn. Thong thả, có lẽ không mặc áo dài lại tốt hơn... Không, lại đưa cho tao đây, như thế hơn.
Ca sĩ: (Hát)
Tôi rầu rĩ đêm ngày, và đau thương cực độ.
[...]
Ông Giuốc-đanh: – Cách đây ít lâu, người ta có dạy cho tôi một bài hát cực kì là hay. Thong thả... đây rồi... lời hát nó nói thế nào rồi nhỉ?
Thầy múa: – Thật quả là tôi cũng chả biết.
Ông Giuốc-đanh: – Trong đó có món cừu mà.
Thầy múa: – Có món cừu?
Ông Giuốc-đanh: – Phải à! (Ông Giuốc-đanh hát)
Tôi cứ tưởng Gian-ne-tông
Đẹp bao nhiêu thì dịu hiền bấy nhiêu
Tôi cứ tưởng Gian-ne-tông
Dịu hiền hơn một con cừu
Than ôi! Than ôi!
Nàng trăm lần, nghìn lần độc ác hơn
Con hổ ở rừng xanh
– Hay đấy chứ?
Thầy nhạc: – Hay nhất trần đời.
Thầy múa: – Mà ngài lại hát hay nữa.
Ông Giuốc-đanh: – Ấy là tôi chưa bao giờ học âm nhạc đấy.
Thầy nhạc: – Thưa ngài, đáng lẽ ngài phải học âm nhạc, cũng như ngài đang học khiêu vũ. Đó là hai ngành nghệ thuật có liên quan chặt chẽ với nhau.
Thầy múa: – Và nó mở mang trí não cho con người hiểu biết những cái đẹp.
Ông Giuốc-đanh: – Thế những người sang trọng cũng có học âm nhạc chứ?
Thầy nhạc: – Thưa ngài có chứ.
Ông Giuốc-đanh: – Thế thì tôi sẽ học. Nhưng tôi không biết tôi có thể học vào thời giờ nào vì, ngoài thầy dạy kiếm thuật đến chỉ dẫn cho tôi, tôi lại còn mướn một thầy dạy triết lí, sáng hôm nay bắt đầu đây.
(Mô-li-e, Trưởng giả học làm sang, Tuấn Độ dịch NXB Kim Đồng,
Hà Nội, 2021, tr. 25 –30)
* Chú thích:
(1) Ý muốn nói hát song tấu
(2) chế phục: gọi nôm na là áo dấu, áo đồng phục của gia nhân nhà quyền quý thường có màu sắc, kiểu dáng riêng
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Liệt kê ít nhất ba lời chỉ dẫn sân khấu và nêu tác dụng của các chỉ dẫn đó.
Câu 2. Nội dung chính của đoạn trích là gì?
Câu 3. Vì sao chi tiết ông Giuốc-đanh băn khoăn không biết nên mặc áo dài buồng ngủ khi nghe nhạc hay không khiến chúng ta bật cười?
Câu 4. Hãy chứng minh văn bản trên là hài kịch.
Câu 5. Từ nhân vật hài kịch – ông Giuốc-đanh trong vở kịch, anh/chị có suy nghĩ gì về lối sống “học đòi làm sang” của một bộ phận con người trong xã hội
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).