Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Văn học hiện thực Việt Nam đánh dấu sự thành công trên văn đàn của nhiều tác giả như Kim Lân, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố... và không thể không nhắc tới nhà văn Nam Cao. Nếu viết về chủ đề người tri thức, ông không chỉ khiến người đọc trăn trở, xót xa với bao số phận như Thứ, như Hộ,... những kẻ tri thức giàu ước mơ, khát khao nhưng bị cái nghèo, cái đói vùi dập, ghì sát đất. Thì viết về chủ đề người nông dân, Nam Cao cũng khiến cho ta phải thổn thức, đắng cay với số phận của những kiếp người đau khổ, nghèo đói nhưng giàu tình người. Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên là một nhân vật như thế.
Cũng như bao nhiêu người nông dân khác, chân lấm tay bùn quanh năm suốt tháng làm lụng nhưng cuộc sống lão Hạc rất nghèo khổ. Cả gia tài chỉ có túp lều nát làm chốn nương thân với ba sào vườn nhỏ, lão có một con chó mà lão hết mực yêu quý với cái tên thân thương là "cậu Vàng" và một thằng con trai độc nhất. Lão chân chất, nghèo khó, như bao nhiêu người nông dân khác, lão làm thuê kiếm sống qua ngày. Đứa con trai của lão vì mong có tiền cưới vợ mà đòi bán mảnh vườn đi nhưng lão không cho, bèn bỏ nhà đi lên đồn điền cao su không biết ngày trở về. Vậy là lão phải chịu cảnh sống thui thủi, một thân một mình, lấy con chó làm bạn. Tuổi già, lại cô đơn, lão ốm liền hơn hai tháng trời không ai chăm sóc, trận ốm khiến sức khỏe của lão ngày một yếu đi, không còn được khoẻ mạnh như trước nữa. Nhưng phận làm thuê đâu ai bỏ tiền ra mà thuê người già yêu bao giờ, việc nhẹ nhàng thì đàn bà con gái trong làng cũng làm vừa đủ, nơi đâu đến phần lão. Lão lâm vào cảnh thất nghiệp, không có nổi công việc kiếm đồng ra đồng vào nuôi thân.
Năm ấy, bão tố mạnh đã khiến mảnh vườn nhà lão không còn một chút hoa màu nào, cây trái bị phá tan hoang. Đã đói lại càng thêm đói, ngày ăn ba hào gạo mà người và chó cũng cứ đói nheo đói nhắt, tình cảnh thật bi thiết. Cuối cùng, trong tình cảnh túng bấn, lão buộc phải bán cậu Vàng đi, bởi "lấy tiền đâu mà nuôi được". Giá cả ngày một đắt đỏ, đói khổ ngày càng thêm nặng, lão phải ăn những củ ráy, củ sắn mài, ngọn rau má, có khi là bữa trai, bữa ốc để qua ngày. Lão dần xa cách với người hàng xóm thân thuộc nhất của mình là ông giáo. Cuộc sống ngày càng tù túng, đơn độc. Cuối cùng, lão chọn cái chết bằng bả chó để kết thúc cuộc đời của chính mình, một cái chết bất ngờ và đầy đau khổ.
Cuộc đời Lão Hạc thật bi thảm, nghèo đói nhưng trong lão ánh lên những phẩm chất tốt đẹp. Lão là một người cha tốt và có trách nhiệm. Với con, lão luôn dành hết tình yêu của mình cho hắn, dẫu đó là một đứa trẻ bồng bột, có phần nông cạn. Lão luôn lo lắng cho tương của con, nghĩ cho cuộc đời con. Lão buồn vì con không có tiền cưới vợ, lão đau đớn biết bao khi còn từ bỏ gia đình đi đồn điền cao su. Bao nhiêu tiền bán được cây trái trong mảnh vườn nhỏ lão đều để dành cho con, chắt chiu từng hào cũng là lo cho con. Tiền bán cậu Vàng lão cũng để cho con. Dù trong cái đói quay quắt, cái nghèo nàn bao trùm lấy bản thân thì lão cũng nhất quyết không bán đi bất cứ một sào vườn nào mà phải để trọn vẹn cho con. Cuộc đời lão luôn nghĩ về con, mọi việc lão làn đều là vì con, lo lắng cho con. Cái chết thầm lặng cũng là một hi sinh lớn lao của lão cho con.
Lão Hạc còn là một người hiền lành, tốt bụng và nhân hậu, giàu lòng yêu thương, tình nghĩa với hàng xóm, giàu tự trọng và hết mực yêu thương loài vật. Lão rất quý cậu Vàng, coi cậu như một người bạn, ăn cái gì cũng chia cho cậu, làm gì cũng có câu theo cạnh. Lão tâm sự với cậu Vàng như là tâm sự với những người thân yêu. Cậu Vàng như một phần trong đời sống của lão, là nguồn vui sống, là chỗ dựa tinh thần lớn lao của lão. Khi buộc phải bán cậu Vàng đi là khi lão quá túng quẫn bí bách, bán cậu là sự lựa chọn duy nhất lúc này vì lão làm gì còn cái gì nữa để cho Vàng ăn. Bán cậu Vàng, lão luôn cảm thấy tội lỗi vô cùng, vẻ mặt đau khổ đến dằn vặt của lão khi kể chuyện bán cậu vàng cho bọn thằng Xiên, thằng Mục thật thương cảm biết bao: "Mặt lão tự nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít"... Sự dằn vặt đến tội nghiệp khi nghĩ về cậu Vàng cho ta thấy cái đẹp về nhân cách trong con người Lão Hạc.
Trong xã hội, ta vẫn thấy đầy rẫy những người khi lâm vào đường cùng trở nên tha hoá, xấu xí nhân cách. Nhưng với Lão Hạc thì khác, càng trong túng quẫn ông lại càng rạng ngời lên những phẩm chất tốt đẹp, càng trong đói khổ lại càng ánh lên sự thanh cao, trong sạch. Lão Hạc như một hình ảnh đẹp tuyệt vời trong những trang văn của Nam Cao giúp thanh lọc tâm hồn con người khỏi những toan tính, nhỏ nhen, ích kỉ của đời sống.
Có thể nói, nhà văn Nam Cao bằng nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình với những chi tiết giàu sức gợi đã tạo nên một tượng đài văn học bất hủ. Qua đó thể hiện được tấm lòng cảm thương sâu sắc của nhà văn với lão Hạc nói riêng và những người nông dân Việt Nam xưa nói chung.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |