Vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thứ nhất, Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc. Trong bối cảnh lịch sử đất nước đang bị thực dân Pháp kìm kẹp, các phong trào yêu nước đều thất bại thì Nguyễn Ái Quốc đã sớm tiếp thu những tư tưởng tiến bộ của nhân loại về "tự do, bình đẳng, bác ái", với tầm nhìn chiến lược và phương pháp tư duy sáng tạo đã sớm hình thành ý chí cứu nước, cứu đồng bào ở Người. Đồng thời, khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin, Người đã tìm thấy ở đó con đường đúng đắn giải phóng đất nước là con đường cách mạng vô sản, giải phóng dân tộc để tiến tới giải phóng con người. Người đã nhận thấy sự cần thiết của một Đảng lãnh đạo và chỉ có kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước thì mới có thể xây dựng được một Đảng cách mạng chân chính, đảm bảo cách mạng phát triển đúng hướng và đi đến thắng lợi.
Thứ hai, Nguyễn Ái Quốc tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác Lênin vào trong nước và chuẩn bị những điều kiện cho sự thành lập Đảng.
- Về chính trị: Người tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác Lênin vào trong nước. Người đã phác thảo những vấn đề cơ bản về đường lối cứu nước đúng đắn của cách mạng Việt Nam, thể hiện tập trung qua những bài giảng của Người cho những cán bộ cốt cán của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.
- Về tư tưởng: Nguyễn Ái Quốc đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác Lênin vào Việt Nam nhằm làm chuyển biến nhận thức của quần chúng, đặc biệt là giai cấp công nhân, làm cho hệ tư tưởng Mác Lênin từng bước chiếm ưu thế trong đời sống xã hội, làm chuyển biến mạnh mẽ phong trào yêu nước. Nội dung truyền bá là những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin được cụ thể hoá cho phù hợp với trình độ của các giai tầng trong xã hội.
Về tổ chức: Nguyễn Ái Quốc dày công chuẩn bị về mặt tổ chức cho sự ra đời của chính đảng vô sản của giai cấp công nhân Việt Nam. Đó là huấn luyện, đào tạo cán bộ từ các lớp huấn luyện do Người tiến hàng ở Quảng Châu để vừa chuẩn bị cán bộ, vừa truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin. Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập hội Việt Nam cách mạng thanh niên, ra báo Thanh niên, mở lớp đào tạo cán bộ cách mạng cho 75 đồng chí, từ đó giúp chõ những người Việt Nam yêu nước xuất thân từ các thành phần, tầng lớp dễ tiếp thu tư tưởng cách mạng của Người, phản ánh tư duy sáng tạo và là thành công của Nguyễn Ái Quốc trong chuẩn bị về mặt tổ chức cho Đảng ra đời.
Đồng thời, trong những năm 1928 - 1929, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta tiếp tục phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Chủ nghĩa Mác được Nguyễn Ái Quốc và những chiến sĩ tiên phong truyền bá về trong nước, cùng với phong trào "vô sản hoá" đã làm chuyển biến phong trào công nhân và giác ngộ họ. Thông qua phong trào "vô sản hoá", lớp lớp thanh niên yêu nước được rèn luyện trong thực tiễn, giác ngộ lập trường giai cấp công nhân sâu sắc, hiểu rõ nguyện vọng, lợi ích của nhân dân, thúc đẩy phong trào công nhân và phong trào yêu nước phát triển mạnh mẽ, tiến tới sự ra đời của tổ chức cộng sản đầu tiên ở Việt Nam, tạo điều kiện chín muồi cho sự ra đời của Đảng.
Thứ ba, Nguyễn Ái Quốc chủ trì thành công Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản. Năm 1929, Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Xiêm, mặc dù chưa nhận được chỉ thị của Quốc tế cộng sản về yêu cầu thống nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam, nhưng do sự nhạy bén về chính trị, Nguyễn Ái Quốc đã chủ động triệu tập Hội nghị hợp nhất, thực hiện sứ mệnh lịch sử của người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thứ tư, Nguyễn Ái Quốc trực tiếp soạn thảo những văn kiện quan trọng có ý nghĩa chiến lược. Trong bối cảnh lúc bấy giờ, sự thống nhất đường lối chính trị cấp thiết hơn bao giờ hết. Hội nghị hợp nhất đã thống nhất thông qua Chán cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt và Lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt, nội dung của Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt là do đồng chí Nguyễn Ái quốc soạn thảo được Hội nghị thông qua đã trở thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.