“Nói với em” là bài thơ giản dị, mơ mộng và tràn đầy tình yêu thương của nhà thơ Vũ Quần Phương dành cho nhân vật “ em”. Những vần thơ đơn sơ nhưng mang nhiều ý nghĩa sâu sắc đã giúp nó trở nên gần gũi và dễ tiếp cận hơn đối với đối tượng “ em” mà tác giả muốn hướng tới. Bài thơ mang đến một thông điệp ý nghĩa về việc biết trân trọng những điều bình dị, gần gũi xung quanh ta cũng như sự biết ơn, yêu thương đối với những người thân yêu của mình.
Bài thơ có cấu trúc ba đoạn, mỗi đoạn thơ được bắt đầu với một giả định “ nếu nhắm mắt” và được tác giả khéo léo dẫn dắt người đọc tới ba cảm nhận hoàn toàn riêng biệt: thế giới tự nhiên, một không gian cổ tích và một tình cảm gia đình thiêng liêng.
Nếu nhắm mắt trong vườn lộng gió,
Sẽ được nghe thấy tiếng chim hay,
Tiếng lích chích chim sâu trong lá,
Con chìa vôi vừa hót vừa bay.
Ở khổ thơ này, tác giả đặt người đọc vào trạng thái nhắm mắt, nhắm mắt là khi tâm hồn chúng ta trở nên thanh tịnh, là khi ta có thể cảm nhận một cách tinh tế nhất từng âm thanh, cảm giác, hương thơm. Nhắm mắt trong khu vườn lộng gió để rồi dùng thính giác của mình để thưởng thức tiếng chim hót líu lo. Tác giả thậm chí có thể cảm nhận và phân biệt được tiếng của từng loài chim trong khu vườn, tiếng chim sâu lích chích trong từng khe lá, tiếng chìa vôi hót cùng với âm thanh của gió tạo nên một bản hợp xướng tuyệt vời của tự nhiên. Những giai điệu vui tươi, những hình ảnh gần gũi quen thuộc ấy đã từng gắn bó với tuổi thơ của mỗi người, phải nói rằng Vũ Quần Phương vô cùng tinh tế mới có thể diễn tả những hình ảnh đó một cách tỉ mỉ, sinh động tới như vậy.
Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện,
Sẽ được nhìn thấy các bà tiên,
Thấy chú bé đi hài bảy dặm,
Quả thị thơm, cô Tấm rất hiền.
Nếu như đoạn thơ đầu tiên là vẻ đẹp của thế giới thiên nhiên thực tại thì ở đoạn thơ này, tác giả đã đưa người đọc tới một thế giới thần tiên cổ tích. Khi chúng ta còn bé, tuổi thơ của mỗi người có lẽ đều gắn bó với những câu chuyện cổ tích bà kể cho nghe, những đêm trưa hè gió lộng và câu chuyện của bà đã đưa bao thế hệ tuổi thơ chìm vào giấc ngủ. Khi nhắm mắt và lắng nghe bà kể chuyện, ta sẽ được "nhìn thấy" những hình ảnh và câu chuyện trong trí tưởng tượng, như các bà tiên, chú bé đi hài bảy dặm, quả thị thơm và cô Tấm hiền lành. Đây là những hình ảnh và câu chuyện quen thuộc trong văn hóa dân gian Việt Nam, mang đến cảm giác ấm áp, gần gũi, quen thuộc.
Nếu nhắm mắt nghĩ về cha mẹ,
Đã nuôi em khôn lớn từng ngày,
Tay bồng bế, sớm khuya vất vả,
Mắt nhắm rồi, lại mở ra ngay.
Khổ thơ cuối là khổ thơ ý nghĩa nhất, cũng là cảm hứng chủ đạo của toàn bài thơ, đó là tình cảm gia đình thiêng liêng. Nếu như ở hai khổ trên, nhân vật “ em” nhắm mắt để cảm nhận thế giới xung quanh và những câu truyện thần tiên kì bí với sự háo hức, say mê thì ở đoạn thơ này, khi nhắm mắt lại đó lại là hình ảnh cha mẹ sớm khuya vất vả, tay bồng tay bế nuôi em khôn lớn mỗi ngày. Sự hi sinh vất vả của cha mẹ trong việc nuôi dưỡng con cái là những kỷ niệm đẹp, thiêng liêng, khắc sâu trong lòng những đứa con của mình. Tình cảm gia đình ấy lớn đến nỗi, nó không chỉ xuất hiện trong khi nhắm mắt và tưởng tượng, mà nó hiện hữu ngay cả khi ta mở mắt, tình yêu và sự chăm sóc của cha mẹ luôn hiện diện trong từng khoảnh khắc, từ khi ta còn là những đứa trẻ cho tới khi trưởng thành, nó sẽ là những dấu ấn không thể nào quên. Khổ thơ trên cũng là lời gửi gắm của tác giả tới người đọc về chữ hiếu trong đạo làm con, về giá trị và ý nghĩa của hạnh phúc gia đình.
Bằng việc sử dụng các hình ảnh thơ sinh động, cụ thể, gần gũi với thế giới trẻ thơ và các biện pháp tu từ dẫn dắt người đọc và thế giới tưởng tượng đầy màu sắc, Vũ Quần Phương đã thành công gửi gắm những thông điệp quý giá tới mọi người về việc biết trân trọng những điều bình dị, gần gũi quanh ta, biết yêu thương và trân quý những giá trị tốt đẹp của tình cảm gia đình thiêng liêng cao cả.