Ý nghĩa lịch sử của sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2/1930
Đảng cộng sản Việt Nam là chính đảng duy nhất của đất nước. Mỗi chúng ta đều có thể khẳng định rằng sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam chính là một bước ngoặt có ý nghĩa và vai trò to lớn trong lịch sử cách mạng của toàn dân tộc Việt Nam. Đảng ra đời có tính chất quyết định đến sự phát triển của dân tộc cũng như thắng lợi của cuộc cách mạng toàn dân.
1. Bối cảnh ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam:
Vào năm 1917, với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga thì chủ nghĩa Mác – Lênin từ lý luận đã trở thành hiện thực, từ đó thì cũng đã mở ra một thời đại mới trên toàn thế giới. Đó là thời đại cách mạng chống đế quốc, thời đại giải phóng dân tộc. Cách mạng Tháng Mười Nga diễn ra cũng đã nêu tấm gương sáng trong việc giải phóng đối với các dân tộc hiện đang bị áp bức.
Cùng với đó là sự ra đời của Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) vào tháng 3 năm 1919 đã góp phần quan trọng giúp thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) đã trở thành ngọn đuốc lớn soi đường cho cách mạng Việt Nam sau này. Đối với Việt Nam, Quốc tế Cộng sản có ý nghĩa to lớn và vai trò quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin và góp phần thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Về chính trị thì thực dân Pháp đã áp đặt chính sách cai trị thực dân, thực dân Pháp cũng đã tước bỏ quyền lực đối nội và đối ngoại của chính quyền phong kiến nhà Nguyễn và tiến hành chia Việt Nam thành ba xứ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ cũng như thực hiện ở mỗi kỳ đó là một chế độ cai trị riêng. Thực dân Pháp cũng đã cấu kết với giai cấp địa chủ trên đất nước ta để nhằm mục đích dễ dàng bóc lột kinh tế và áp bức chính trị đối với nhân dân Việt Nam.
Khi đứng trước sự xâm lược của thực dân Pháp, các phong trào yêu nước của nhân dân ta nhằm mục đích để chống thực dân Pháp diễn ra liên tục và sôi nổi nhưng lại đều không mang lại kết quả. Phong trào Cần Vương là một phong trào yêu nước theo ý thức hệ phong kiến, do giai cấp phong kiến lãnh đạo đã chấm dứt ở cuối thế kỷ XIX với cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng (năm 1896).
Sang đầu thế kỷ XX, khuynh hướng này cũng đã không còn là khuynh hướng tiêu biểu nữa. Phong trào nông dân, tiêu biểu đó là cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám tuy đã kéo dài mấy chục năm nhưng rồi cũng đã thất bại vào năm 1913. Tiếp theo đó là các phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản do các sĩ phu yêu nước cụ thể như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh lãnh đạo thì cũng đã rơi vào bế tắc. Sau đó thì cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Nguyễn Thái Học lãnh đạo cũng bị thất bại.
Ta thấy được rằng: liên tiếp các phong trào yêu nước diễn ra từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX cũng chính là sự tiếp nối của truyền thống yêu nước, bất khuất của toàn dân tộc ta và điều này đã được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử. Nhưng bởi vì nguyên nhân là do nhân dân ta đã thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức và lực lượng cần thiết nên các phong trào đó tuy diễn ra mạnh mẽ những đã lần lượt thất bại. Cách mạng Việt Nam cũng vì thế mà chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước.