Tình yêu thương mãnh liệt của bé Hồng đối với người mẹ bất hạnh của mình được thể hiện từ hai góc độ. Câu chuyện mở đầu vào một thời điểm đặc biệt: sắp tới ngày giỗ đầu của bố Hồng, mà cho tới lúc đó, người mẹ - người không thể vắng mặt — do khốn khó, đã phải tha hương cầu thực để kiếm sống, vẫn chưa trở về và cũng chẳng có tin tức gì.
Những thông tin “nghe người khác nói” qua “người ta bắn tin” được thể hiện trong điều mà nhân vật bà cô thường nhắc đi nhắc lại, trở thành nỗi ám ảnh trong tâm hồn thơ dại của bé Hồng. Nhưng chú đã sớm nhận ra những thâm ý tàn nhẫn, thâm độc của bà cô “tốt bụng”. Sự tàn nhẫn đó lộ ra trên nét mặt, trong giọng điệu và cả cái cười rất kịch của bà ta. Phản ứng lại, bé Hồng chỉ “cười dài trong tiếng khóc”. Hình thức phản ứng đó, một mặt vừa cho thấy sự xót xa, tủi nhục của chú bé, mặt khác cũng cho thấy sự căm giận của Hồng trước sự tàn nhẫn của bà cô. Bé Hồng nhận ra “những ý nghĩa cay độc trong giọng nói và trên nét mặt khi cười rất kịch” của bà cô. Bà ta “cười hỏi” chú bé không phải vì thương yêu cháu, mà “cười hỏi” theo kiểu diễn kịch. Hồng “biết rõ, nhắc đến mẹ tôi, cô tôi chỉ có ý gieo rắc vào đầu óc tôi những hoài nghi để tôi khinh miệt và ruồng rẫy mẹ tôi”. Cái cười hỏi theo kiểu đóng kịch ấy được gia trọng bằng “giọng vẫn ngọt”, rồi lại “vỗ vai tôi cười mà nói rằng” cũng không che giấu được cặp mắt “long lanh”, cái nhìn “chằm chặp” như muốn ăn tươi nuốt sống chú bé của bà cô tàn nhẫn. Đây là cái nhìn của “thành kiến”, của “cổ tục”, cái nhìn ác ý, xoi mói, cái nhìn miệt thị khinh bỉ cho dù bà cô của Hồng chỉ biết tình hình của mẹ Hồng qua những câu chuyện “nghe đâu”, những câu chuyện tầm phào, bâng quơ.
Qua đó, sự độc ác và tàn nhẫn của bà cô được nhấn mạnh và khắc họa rõ nét: bà ta không những khinh bỉ người mẹ mà còn cô" tình châm chọc vào nỗi đau của chú bé để thỏa mãn thói quen hành hạ người khác. Cuộc đối thoại đạt tới đỉnh cao khi bà cô, qua câu chuyện được nghe từ cô Thông, đã dồn chú bé vào trạng thái đau khổ, uất ức: “cổ họng tôi đã nghẹn ứ, khóc không ra tiếng”. Nhưng bà cô vẫn không buông tha, tiếp tục bày mưu tính kế mà thực chất là ra lệnh cho bé Hồng: “Vậy mày hỏi cô Thông - tên người đàn bà họ nôi xa kia - chỗ ở của mợ mày, rồi đánh giấy cho mợ mày, bảo dù sao cũng phải về. Trước sau cũng một lần xấu, chả nhẽ bán xới mãi được sao?”. Đại từ “mày” mà bà cô dùng để nói với cháu mang trong nó sự khinh bỉ tột cùng, và mỗi lần đại từ ấy được phát ra từ cửa miệng bà ta thì kèm theo đó là một sự đay nghiến, chì chiết, như một nhát dao đâm vào trái tim đau đớn của chú bé. Đó là thành kiến của một thời gian, gắn với cách nhìn thủ cựu của những con người bị cột chặt trong vòng lễ giáo lạc hậu của xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Bà cô muốn sự hiện diện của mẹ bé Hồng sẽ minh chứng cho những gì bà ta nói, và nếu tất cả mọi điều xảy ra như vậy thì bà cô sẽ là người sung sướng nhất, bởi bà ta sẽ có được sự thỏa mãn trên nỗi đau của mẹ con bé Hồng. Đối với Hồng, người mẹ bao giờ cũng là một hình ảnh đẹp đẽ, thiêng liêng. Do đó, khi bà cô khuyên Hồng nên vào thăm mẹ vì mẹ “phát tài” và mẹ có “em bé” mà hai từ “em bé” ấy được bà cô “ngân dài ra thật ngọt”, thì Hồng đã chất vấn lại bằng cách “cười dài trong tiếng khóc”.
Còn khi bà mẹ trở về, một người mẹ thực sự, không còn là giấc mơ nữa, người mẹ ấy khác xa với những gì mà bà cô và họ hàng đã thêu dệt thì tình cảm của Hồng đối với mẹ được bộc lộ sinh động và mãnh liệt hơn bao giờ hết.