Tuổi thơ của mỗi người chắc chắn không thể thiếu những câu chuyện các bà, các mẹ kể mỗi tối. Là một thể loại thuộc nền văn học dân gian Việt Nam, truyện cổ tích luôn chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân, điển hình là truyện cổ tích Tấm Cám. Hình tượng nhân vật Tấm trong câu chuyện chính là hình tượng tiêu biểu cho những người hiền lành dù ở trong hoàn cảnh bi kịch vẫn luôn ngời sáng những vẻ đẹp nhân cách cao đẹp.
Cuộc đời Tấm từ khi còn bé đã thật vất vả. Từ nhỏ đã thiếu vắng tình thương và hơi ấm từ cả cha lẫn mẹ, mẹ Tấm chết từ hồi Tấm mới biết đi, sau đó ít năm cha cô cũng qua đời. Ở với dì ghẻ là mẹ của Cám, Tấm không những không được yêu thương mà còn bị dì ghẻ bóc lột sức lao động, phải làm lụng quần quật suốt ngày trong khi Cám lại được nuông chiều, chơi dông dài ngày nọ qua ngày kia. Còn bị Cám bắt nạt, phải chịu đủ mọi thiệt thòi, Tấm dường như đã trở thành người ở trong chính gia đình của mình. May mắn được nhà vua yêu mến, trở thành vợ vua, Tấm lại càng khiến mẹ con mụ dì ghẻ ghen ghét, đố kị. Không biết bao nhiêu lần Tấm bị mẹ con Cám rắp tâm hại chết. Ngày giỗ cha, Tấm tuy sống trong nhung lụa nơi hoàng cung nhưng vẫn hiếu thảo về nhà làm mâm cỗ cúng cha, lại bị dì ghẻ lừa trèo lên cây cau rồi chặt gãy cây cau. Tấm ngã xuống ao, chết đuối. Hóa thành chim vàng anh trở về bên nhà vua, được nhà vua yêu quý, cho ở lồng son, đi đâu cũng xách theo. Cám lúc này vào cung thay Tấm biết được điều đó lại sinh ra ghen ghét, tức giận. Nghe lời mẹ, Cám bóp chết con chim vàng anh, nướng cho mèo ăn rồi đem chôn sâu lông chim ở ngoài vườn. Hóa thân của Tấm bị giết chết, Tấm lại hóa thành cây xoan đào mọc lên ngay tại chỗ chôn lông chim. Vua thấy cây xoan đào đẹp, cành lá xum xuê liền mắc võng vào cây nằm nghỉ, kì lạ là mỗi khi nằm dưới gốc cây, nhà vua lại nhìn thấy bóng hình Tấm như hiện ra trước mắt, vì thế mà càng quấn quít cây hơn. Cám ghen ghét chặt cây xoan đào đi, lấy gỗ đóng khung cửi. Khi ngồi dệt vải, nghe thấy những âm thanh đáng sợ như tiếng nói của Tấm, Cám sợ hãi đốt khung cửi đi, đem tro vứt thật xa bên ngoài cung. Có thể nói, cuộc đời Tấm từ nhỏ đến lớn thật lận đận, bi kịch. Trên đời chẳng còn ai là người thân ruột thịt, đáng lẽ phải được người ta quan tâm, an ủi ít nhất cũng vì tình thương người, lòng trắc ẩn, thế nhưng Tấm lại phải chịu đựng tất cả những hành hạ, bóc lột, ghen ghét, đố kị của mẹ con Cám một mình.
Tấm luôn cố gắng để hoàn thành mọi công việc dì ghẻ giao. Hàng ngày phải làm biết bao việc nhà, việc đồng áng, Tấm vẫn luôn cẩn thận, chăm chỉ làm từng việc. Thực ra Tấm có quyền phản kháng lại sự bóc lột của dì ghẻ, có quyền bắt Cám làm việc nhà cùng mình, nhưng cô không làm thế. Hiền lành, chăm chỉ, thế nhưng có lẽ cũng đã có những lúc Tấm thật cam chịu, nhẫn nhục. Chịu đựng đủ mọi bắt nạt, bóc lột của mẹ con Cám mà không một lời câu ca, oán trách, Tấm dường như ý thức được thân phận của mình. Là phận gái, trong xã hội phong kiến xưa phải sống nương tựa vào gia đình. “Tại gia tòng phụ”, cha đã mất, Tấm đành phải nghe theo lời mụ dì ghẻ, hầu hạ, làm mọi việc mà mụ và cả đứa con gái của mụ yêu cầu, ra lệnh. Tấm như không còn sống trong căn nhà của chính mình nữa. Cô độc là vậy nên khi bị ức hiếp, gặp chuyện khó khăn không thể giải quyết, Tấm chỉ biết khóc một mình. Có lẽ, khi người ta đã mất niềm tin vào cuộc sống, người ta chỉ còn biết tin vào những thế lực siêu nhiên. Tấm đã được bụt giúp đỡ nhiều lần để từ đó, cô thay đổi, không còn là một người con gái cam chịu, nhẫn nhục, hy sinh nữa.
Tấm đã thay đổi, trở thành một người mạnh mẽ hơn. Ngày nhà vua mở hội, dù bị dì ghẻ trộn lẫn gạo với thóc, bắt nhặt thóc riêng, gạo riêng nhưng Tấm vẫn không từ bỏ ý muốn đi lễ hội. Tấm là một thiếu nữ xinh đẹp, đang ở độ tuổi đẹp nhất của đời người con gái, ai ai cũng đều được đi dự hội, chỉ có Tấm bị dì ghẻ ức hiếp, không cho đi. Tấm đã òa khóc vì bực mình và vì tủi thân. Lúc này đây, cô đã có ý thức về sự phản kháng dù chỉ trong thái độ. Khi đã trở thành hoàng hậu, lại bị mẹ con Cám hại hết lần này đến lần khác, Tấm chưa bao giờ chịu bỏ cuộc. Bị dì ghẻ hại chết đuối dưới ao, Tấm hóa thân thành chim vàng anh trở về bên vua. Tuy đã hóa thân thành chim nhưng từ tận trái tim mình, Tấm vẫn là một người phụ nữ, một người vợ, thấy Cám giặt áo cho vua, chim kêu:
-Giặt áo chồng tao
Thì giặt cho sạch
Phơi áo chồng tao
Thì phơi bằng sào
Chớ phơi bờ rào
Rách áo chồng tao!
Lời của chim vàng anh rõ ràng mang ý đe dọa, khẳng định với Cám rằng Tấm mới là vợ của nhà vua. Bị Cám bóp chết chim đem cho mèo ăn, Tấm lại hóa thành cây xoan đào tỏa bóng mát cho vua nằm nghỉ. Cây xoan đào bị chặt đem làm khung cửi, Tấm cũng không chịu khuất phục. Nhân lúc Cám ngồi dệt vải, con ác bằng gỗ trên khung cửi kêu lên, mà đây cũng chính là lời của Tấm từ trong tâm, trong suy nghĩ:
-Cót ca cót két
Lấy tranh chồng chị
Chị khoét mắt ra!
bởi chính mẹ con Cám đã năm lần bảy lượt bày mưu hại chết Tấm, để Cám được vào cung thay cho Tấm, hầu hạ nhà vua, sống trong nhung lụa, phú quý. Trải qua nhiều lần bị mẹ con Cám nhẫn tâm hại chết, Tấm mỗi lần hồi sinh lại trở nên mạnh mẽ hơn. Cho đến khi cuối cùng, khi trở lại trong hình dáng con người và trở về cung cùng với nhà vua, như một sự trừng phạt sau cùng cho tất cả những gì hai mẹ con Cám đã gây ra cho mình, Tấm đã lừa Cám xuống hố sâu và sai lính giội nước sôi xuống hố. Nghe tin Cám chết, mụ dì ghẻ quá đau đớn cũng ngã vật xuống đất chết theo con. Dù đây chỉ là một bản truyện đã được lược những chi tiết được cho là quá dã man nhưng chính cái kết này cũng gây ra nhiều tranh cãi, bởi nhiều người cho rằng Tấm là biểu tượng sự hiền lành, chăm chỉ hay thậm chí là cam chịu, vậy thì việc Tấm hại chết Cám như vậy có quá bạo lực và tàn độc không? Thế nhưng thiết nghĩ, người hiền lành mãi mãi chịu ức hiếp mà không có hành động phản kháng, đó chỉ là sự nhu nhược. Việc Tấm trả thù Cám chỉ là việc cô đáp trả lại những lần mẹ con Cám đã cố hại chết Tấm, phá vỡ hạnh phúc gia đình cô, đó là hành động mà chắc chắn bất kì ai rơi vào hoàn cảnh ấy cũng đều sẽ làm. Nó thể hiện sự mạnh mẽ, can đảm của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa- dám hành động để bảo vệ bản thân, bảo vệ hạnh phúc gia đình mình. Yêu thương gia đình nên dù có bị hại bao nhiêu lần, Tấm cũng đều quay trở về cung, luôn ở bên nhà vua; dù là chim vàng anh hay cây xoan đào, Tấm cũng đều đem đến cho nhà vua niềm vui, sự bình yên, thoải mái. Tất cả những điều đó đều chứng minh cho sự chung thủy, tình nghĩa của Tấm đối với nhà vua mà cũng chính là chồng mình. Là một người con gái hiền lành, nết na lại giàu lòng nhân ái, Tấm còn biết hàm ơn ơn cứu giúp và thương yêu của bà lão bán hàng nước. Mỗi ngày, khi bà ra khỏi nhà đi bán nước, Tấm ở trong quả thị lại chui ra quét tước, dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm ngon canh ngọt cho bà. Tấm coi bà như mẹ của mình và bà cũng yêu thương Tấm như yêu thương con đẻ.
Truyện cổ tích Tấm Cám đã khắc họa hình tượng một cô Tấm với những đức tính, phẩm chất cao đẹp, thể hiện quan niệm của dân gian: Ở hiền gặp lành. Cô Tấm hiền lành, thùy mị, nết na, chung thủy lại mạnh mẽ, can đảm với khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc mãnh liệt chiến đấu cái ác không chỉ là hình mẫu lí tưởng của dân gian xưa mà còn là nhân vật truyền cảm hứng cho lớp trẻ ngày nay. Truyện cổ tích Tấm Cám nói chung và nhân vật Tấm nói riêng đã đem đến cho mỗi chúng ta những bài học ý nghĩa về cuộc sống và con người mà cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị của nó.