Toà nhà lưu niệm nằm ở cuối vườn hoa, gần mé sông. Từ cổng đi vào phải qua khu vườn hoa ngoài mới tới.
Phía trước toà nhà, chạy dọc theo sông Sài Gòn là một vườn hoa thứ hai, rộng hơn. Trong vườn hoa, ngay trước bậc tam cấp lên toà nhà, có dựng tượng Bác Hồ khi còn là người thanh niên Nguyễn Tất Thành!
Bước lên bậc tam cấp, chúng ta đứng trước một hành lang rộng trên 1 mét chạy quanh ngôi nhà, đi thẳng là cầu thang lên lầu. Rẽ sang phải là gian đặt bàn thờ Bác, các gian bên giới thiệu về gia đình, về cuộc sống nơi vùng quê của Bác. Rẽ sang tay trái, ta sẽ gặp gian giới thiệu về mối quan hệ quốc tế của Bác. Theo cầu thang lên lầu trên, chúng ta sẽ gặp những gian giới thiệu về hoạt động của Bác qua từng giai đoạn của cuộc đâu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước. Mỗi gian giới thiệu một thời kì hoạt động. Những hiện vật, tranh ảnh, mô hình, tượng ... sẽ đưa chúng ta trở lui quá khứ để nhớ lại những ngày gian khổ mà vô cùng oanh liệt đã qua.
Đứng trên hành lang nơi lầu cao của toà nhà, chúng ta thoải mái phóng tầm mắt dõi theo hoạt động của tàu thuyền trên sông Sài Gòn, ngắm nhìn cảnh đường phố Sài Gòn bình yên, tấp nập xe chạy lại qua phía bên kia sông - trung tâm của thành phố.
Bước xuống lầu, từ vườn hoa phía trước toà nhà nhìn lên, chúng ta mới thây hết vẻ đặc sắc của toà nhà. Kiểu kiến trúc Pháp những năm cuối thế kỉ XIX thật thích hợp với vị trí bên sông, đem lại cho toà nhà vẻ tươi mát, thoáng đãng trái ngược với những toà nhà hộp, cao tầng đang ngày một mọc nhiều trong thành phố’ hiện nay. Toà nhà được gắn hình rồng trên nóc - vì thế mới có cái tên Nhà Rồng. Ở giữa hai con rồng là hình "đầu ngựa và chiếc mỏ neo" được thay thế cho hình mặt trời vẫn thường thấy ở nóc các đình chùa. Và cũng khác với hình rồng trên mái đình chùa: hai con rồng ở đây không chầu vào giữa mà lại xoay đầu ra hai phía (!?). "Đầu ngựa" nhắc lại giai đoạn xưa ở bên Pháp, công ty này lãnh chuyên chở đường bộ với phương tiện là xe ngựa. Còn "mỏ neo" tượng trưng cho tàu thuyền. Đây là biểu trưng của Công ty Vận tải Hoàng gia Mét-sa-giơ-ri Im-pê-ri-an mà viết tắt là hai chữ MI. Hồi trước, từ mé sông Sài Gòn nhìn lên toà nhà sẽ thấy 2 chữ MI, hiện giờ không còn nữa.
Toà nhà là một công trình kiến trúc tiêu biểu cho một thời đại, còn là một nhân chứng lịch sử nhắc nhở chúng ta về một danh nhân lịch sử, về một thời kì đấu tranh trên con đường xây dựng đất nước của dân tộc.