Truyện cười là thể loại văn học dân gian kể về những hiện tượng đáng cười trong cuộc sống nhằm tạo ra tiếng cười mua vui (truyện khôi hài) hoặc phê phán những thói hư, tật xấu trong xã hội (truyện trào phúng). "Tam đại con gà" là truyện cười thuộc thể loại truyện trào phúng, mượn tiếng cười để phê phán thầy đồ dốt nhưng lại hay khoe khoang hơm hĩnh. Tiếng cười tự bộc lộ qua lời nói của nhân vật thầy đồ, do đó lại càng hợm hĩnh và sâu cay.
Mở đầu truyện, tác giả dân gian giới thiệu nhân vật thầy đồ học hành dốt nát nhưng lại "xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ". Mâu thuẫn trái tự nhiên giữa dốt - giấu dốt được khắc họa qua các tình huống xuyên suốt câu chuyện, nhân vật càng gắng sức che đậy thì bản chất lại càng bộc lộ rõ nét. Trước tiên, đó là tình huống thầy đồ dốt đến một chữ tối thiểu trong sách cũng không biết. Khi gặp chữ "kê", thầy không biết là chữ gì mà học trò lại hỏi gấp, thầy đã giải quyết bằng cách nói liều: "Dủ dỉ là con dù dì". Không chỉ xử lí bằng cách che đậy dặn học trò đọc khẽ, thầy còn không tra lại sách vở để có căn cứ xác đáng mà lại tin vào may rủi bằng cách gieo đồng tiền sấp ngửa. Khi được thần đồng ý, đắc chí vì thấy mình đúng, thầy đồ tự cho mình giỏi và cho học trò đọc to câu nói trên. Các hành động mê tín, thận trọng giữ sĩ diện hão của thầy đồ cho thấy sự dốt nát của một kẻ ngay cả đến chữ tối thiểu cũng không biết.
Thế nhưng, mâu thuẫn giữa dốt - giấu dốt được đẩy lên cao trào hơn bao giờ hết và bật thành tiếng cười trào phúng lại được thể hiện qua tình huống người cha của học trò chất vấn thầy đồ. Khi được hỏi "Chữ "kê" là gà, tại sao thầy lại dạy thành "dủ dỉ là con dù dì", thầy đồ đã tự nhận thức được sự dốt nát của bản thân và ông thủ công: "mình đã dốt, thổ công nhà nó cũng dốt nữa". Ấy vậy mà, thầy lại phản ứng bằng cách lí sự cùn, vòng vo: "Tôi dạy thế là dạy cho cháu biết đến tam đại con gà kia". Đặc biệt, tiếng cười bật lên một cách giòn giã ở cuối truyện đã lật tẩy bản chất dốt nát của thầy đồ: "Dủ dỉ là con dù dì, dù dì là chị con công, con công là ông con gà". Câu nói vừa phi logic vừa vô nghĩa ấy là lời chống chế yếu ớt không thể che đậy được khả năng dốt nát nhưng vẫn thích khoe mẽ văn hay chữ tốt của nhân vật. Từ đầu đến cuối, thầy đồ càng cố gắng giấu dốt bao nhiêu thì lại càng tự bóc trần sự ngu dốt của mình bấy nhiêu.
Qua việc xây dựng mâu thuẫn trong các tình huống kịch tính, cách giải quyết mâu thuẫn bất ngờ, truyện cười "Tam đại con gà" đã phê phán thói giấu dốt, đặc biệt là những người đã giấu dốt lại còn cố tỏ ra khoe khoang, hợm hĩnh. Đó là tật xấu vẫn còn tồn tại trong nhân dân. Qua đó, tác giả dân gian gửi gắm lời khuyên tới tất cả mọi người, không nên giấu dốt mà phải không ngừng học hỏi, nên dựa vào nguồn tri thức trong sách vở và thực tiễn đời sống để hoàn thiện bản thân chứ không nên tin vào những điều mê tín, không có cơ sở. Đó là bài học đắt giá không chỉ trong quá khứ mà ngay cả trong thời hiện đại, tư tưởng ấy vẫn mang tính chất thời sự vĩnh hằng.