Cô bé bán diêm’ là chuyện kể về số phận của một em bé nghèo khổ, phải đi bán diêm để sống. Vào một đêm giao thừa tuyết rơi, bầu trời tối tăm, em bé phải đi chân đất trên tuyết lạnh, chân em đỏ ửng tồi tím bầm lại. Em cố tìm nơi nhiều người qua lại để bán diêm, nhưng mọi người chẳng ai đoái hoài đến em, họ vội vã về nhà để tránh cái lạnh ghê người. Vừa đói, vừa rét, nhưng không thể trở về khi không bán được bao diêm nào vì em sợ bố đánh. Mệt mỏi quá, em đành ngồi tựa vào góc tường cạnh ngôi nhà sáng rực ánh đèn có mùi ngỗng quay thơm nức!
Đói, rét, em bé nảy ra ước mơ, mộng tưởng qua mỗi lần quẹt diêm. Trong ánh sáng của que diêm, những giấc mơ của em thật đẹp, nhưng cũng thật mong manh vì một que diêm phỏng cháy được bao lâu? Cuối cùng khi tất lửa thì mọi thứ đẹp đẽ (chẳng qua là ảo ảnh) đều vụt tan biến đi ngay.
Và cuối cùng em bé đã chết dưới lớp tuyết dày khi mơ thấy bà nội cầm tay em bay vụt lên cao, cao mãi, chẳng còn đói rét đau buồn đe doạ nữa.
Tác giả như muốn đối chiếu cảnh đói rét khôn cùng của em bé bán diêm với cảnh sống sung túc, hoan hỉ của mọi nhà vào đêm giao thừa. Dường như tất cả đều quay lưng lại, thờ ơ với cuộc đời của em. Em đã thực sự bị bỏ rơi giữa cuộc đời no đủ, giàu sang. Đó là ý nghĩa nhân đạo của tác phẩm, là tấm lòng của An-đec-xen với những cuộc đời khốn cùng khổ đau.