LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Quan niệm về lối sống nhàn trong nho giáo?

Quan niệm về lối sống nhàn trong nho giáo (có thể so sánh với đạo giáo và Phật giáo so sánh với bài cảnh ngày hè) các bạn giải hộ mk với mk đang cần
1 trả lời
Hỏi chi tiết
346
1
0
Cún ♥
07/11/2019 11:26:34
Triết lý nhân sinh là nét đặc thù của văn hóa Việt, triết lý đó thể hiện đậm nét trong Folklore (Văn hóa dân gian), mà văn học là một bộ phận cấu thành. Trong lịch sử văn học Việt Nam, triết lý nhân sinh của Nguyễn Trãi nổi lên như một ánh Sao khuê, tỏa sáng khắp bốn phương trời từ giữa thế kỷ XIV đến tận ngày nay. Bài tham luận của chúng tôi ngoài việc khắc họa đôi nét chân dung Nguyễn Trãi, phần chủ yếu còn lại tập trung phân tích nội dung cơ bản triết lý nhân sinh của ông.
1. Một số phận vinh quang và oan trái
Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, sinh năm 1380, quê gốc ở làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang (nay thuộc Chí Linh, Hải Dương), về sau sau gia đình dời đến làng Ngọc Ổi, xã Sơn Nam Thượng, huyện Thương Phúc (nay thuộc xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội). Thân phụ là Nguyễn Ứng Long,thân mẫu là Trần Thị Thái. Nguyễn Ứng Long học giỏi nhưng nhà nghèo, không có điều kiện thể hiện tài năng ở chốn trường thi, đành phải đi dạy học. Quan tư đồ Trần Nguyên Đán mời Nguyễn Ứng Long về nhà dạy cho con gái Trần Thị Tháivà sau đó đồng ý cho “Thầy - trò” thành thân. Cảm động về lòng độ lượng của nhạc phụ, Nguyễn Ứng Long ngày đêm đèn sách, kết quả là thi đỗ bảng nhãn. Tuy đỗ cao nhưng không được bổ làm quan vì thân phận nghèo hèn. Mãi đến khi nhà Trần bị Hồ Quý Ly lật đổ, Nguyễn Ứng Long đổi họ tên thành Nguyễn Phi Khanh mới được mời làm quan với chức Tư nghiệp Quốc tử giám.
Thời niên thiếu, Nguyễn Trãi sống cùng ông ngoại ở Côn Sơn, nơi sơn thủy hữu tình, điều này đã ảnh hưởng lớn đến sự hình thành nhân cách cậu bé. Cũng vào năm cha mình được bổ nhiệm làm quan, Nguyễn Trãi tham gia khoa thi, đỗ thái học sinh (tiến sĩ), ông được Hồ Quý Ly bổ nhiệm làm Ngự sử đài chánh trưởng. Cả hai cha con giúp vị vua này canh tân đất nước. Nhưng rồi quân Minh kéo đến xâm lược, Hồ Quý Ly tuy lũy cao, thành dày nhưng bị mất nước một cách nhanh chóng vì không xây được tường thành trong lòng dân. Cả vua và tôi đều bị bắt sống đưa về Trung Quốc, trong số đó có Nguyễn Phi Khanh. Nguyễn Trãi cùng em là Nguyễn Phi Hùng tìm đến ải Nam Quan, định đi theo hầu cha; thấy vậy, Nguyễn Phi Khanh gọi con lớn đến và bảo rằng: “Con là người có học, có tài, nên tìm cách rửa nhục cho nước, như thế mới là đại hiếu”. Nghe lời cha dặn, Nguyễn Trãi về thành Thăng Long, ngày đêm đèn sách tìm phương kế giải phóng dân tộc khỏi họa xâm lăng.
Lịch sử không ghi chép từ năm 1407 Nguyễn Trãi ở đâu, làm gì. Người ta chỉ thấy khoảng năm 1416 - 1420 ông xuất hiện ở Lỗi Giang dâng Bình Ngô sách yết kiến Bình Định Vương Lê Lợi, trong đó Nguyễn Trãi vạch ra ba kế sách đánh quân Minh mà chủ yếu là tâm công - đánh vào lòng người. Lịch sử chép rằng, khi được Lê Lợi chấp nhận làm quân sư, ông đề xuất diệu kế dùng nước cơm trộn mật viết lên lá cây tám chữ Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần, kiến ăn mỡ khoét thành chữ trên mặt lá, rồi theo dòng nước trôi đi các ngả như tin báo từ trên trời xuống. Tin Lam Sơn khởi nghĩa theo ý trời truyền đi khắp nơi, khiến mọi người hết sức tin tưởng vào tương lai nghĩa quân.
Năm 1428, khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi, lấy niên hiệu là Thuận Thiên. Nguyễn Trãi được phong chức thượng thư bộ lại. Nhưng lịch sử thật trớ trêu, khi chiến tranh thì “tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”, nhưng khi đất nước thanh bình, Vua tôi nghi kỵ lẫn nhau, nhiều bề tôi bị diết, một số tức mình tự vẫn, số khác bị hạ ngục, trong đó có khai quốc công thần Nguyễn Trãi. Bị nhà vua hạ ngục một thời gian, ông lại đượctha và phục chức.
Dưới thời Lê Thái Tôn, Nguyễn Trãi hết lòng phụng sự quốc gia, trung thành với đất nước. Ông tố cáo bọn gian thần, vạch mặt chỉ tên những bề tôi xu nịnh. Ông đã giúp thiếp yêu của vua là Ngô Thị Ngọc Dao bụng mang dạ chửa đi trốn, thoát khỏi nanh vuốt hận thù ghen ăn tức ở của hoàng hậu Nguyễn Thị Anh, cứu sống cho dân tộc một vị Vua anh minh bậc nhất triều Lê là Lê Thái Tông sau này. Nhưng cũng vì thế mà ông bị vạ lây, Nguyễn Thị Anh và bè đảng của thị căm ghét, tìm mọi cách trả thù ông bằng được khi có cơ hội. Một cơ hội đã đến. Sự việc bắt đầu từ ngày 1 tháng 9 năm 1442, vua Lê Thái Tônđi thị sát việc binh ở Chí Linh, ghé qua Côn Sơn thăm Nguyễn Trãi. Trên đường về cung có thiếp yêu Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ hộ giá. Khi thuyền xa giá đến Lệ Chi Viên tức Trại Vải, làng Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh thì bị cảm và mất đột ngột. Nhân cơ hội đó, Nguyễn Thị Anh và bè đảng vu oan cho Nguyễn Thị Lộ đầu độc vua. Nguyễn Trãi và thiếp yêu bị bắt và tru di tam tộc, lịch sử gọi đó là nghián bi thảm “Lệ Chi Viên”[1].
Nhưng lịch sử luôn vô tư vạch ra một ranh giới giữa thực và hư, đúng và sai, giả và thật để trả lại sự công minh và công bằng cho những người làm ra nó. Hai mươi hai năm trôi qua (1464), sau vụ án Nghi Dân, Lê Tư Thành (người mà Nguyễn Trãi cứu mạng khi còn trong bụng Ngô Thị Ngọc Dao) lên ngôi, gọi là Lê Thánh Tông đã giải oan cho ân nhân của mình. Và cũng chính vị vua này đã bình phẩm về Nguyễn Trãi với câu nói đi vào lịch sử: “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”.
2. Những nội dung cơ bản trong triết lý nhân sinh Nguyễn Trãi
Triết lý nhân sinh Nguyễn Trãi chịu ảnh hưởng của nhiều luồng văn hóa, trong đó tư tưởng Nho, Phật, Đạo và bản sắc dân tộc là chủ đạo.
2.1. Chủ nghĩa yêu nước và tinh thần độc lập dân tộc
Nguyễn Trãi sinh ra phải thời loạn lạc, trong triều đình vua chúa tranh dành quyền lực, ngoài biên cương thì giặc ngoại xâm dày xéo “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ dưới hầm tàn bạo” còn nhân dân thì trăm cực ngàn khổ “nào lên rừng đào mỏ, nào xuống biển mò trai”. Bối cảnh lịch sử đó cộng thêm với thù nhà (cha bị bắt làm con tin), nợ nước nên càng khơi dậy chủ nghĩa yêu nước trong ông.
Chủ nghĩa yêu nướccủa Nguyễn Trãi không trừu tượng chung chung mà gắn với những nhiệm vụ lịch sử cụ thể, trước hết đó là lòng căm ghét kẻ thù đến tận xương tủy: “Ngẫm thù lớn há đội trời chung/ Căm giặc nước thề không cùng sống”[2]. Chủ nghĩa yêu nước nơi ông có tính chiến đấu mạnh mẽ, yêu nước đồng nghĩa với việc đấu tranh không mệt mỏi, không khoan nhượng với kẻ thù: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo” (tr.79)
Xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước, Nguyễn Trãi đi đến quan niệm đúng đắn về tinh thần độc lập dân tộc. Theo Nguyễn Trãi, Đại Việt là một nước độc lập có chủ quyền xét trên cả bốn phương diện: Lãnh thổ, văn hóa, phong tục, lịch sử. “Bình Ngô đại cáo” là một bản tuyên ngôn độc lập tuyên bố chủ quyền của một đất nước tuy ít về người, hẹp về lãnh thổ song có thể đứng ngang hàng Trung Quốc về chính trị: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Cõi bờ sông núi đã riêng/ Phong tục Bắc - Nam cũng khác/ Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, đều chủ một phương/ Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau/ Mà hào kiệt không bao giờ thiếu” (tr.77)
2.2. Tư tưởng nhân nghĩa
Nguyễn Trãi sinh ra phải thời rối ren loạn lạc,nhân dân đói khổ lầm than. Tình cảnh đó sinh ra bởi lòng dạ của những kẻ bất nhân, vì lý do đó, Nguyễn Trãi đề cao tư tưởng nhân nghĩa. Theo ông, nhân nghĩa là cái gốc, là xuất phát điểm của tư duy và hành động. Nội hàm nhân nghĩa trong tư tưởng Nguyễn Trãi có thể hiểu bao gồm những yếu tố cốt lõi như sau:
Nhân nghĩa là cơ sở, chuẩn mực của cách đối nhân xử thế, là nguyên tắc trong giải quyết công việc. Trong thư gửi tướng Minh là Phương Chính, ông viết: “Đạo làm tướng lấy nhân nghĩa làm gốc, trí dũng làm của”(tr.105). “Phàm mưu việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm gốc, nên công to phải lấy nhân nghĩa làm đầu”(tr.106).
Nhân nghĩa là tình thương yêu giữa con người và con người, là sự chân thành, khoan dung, độ lượng, lấy ơn báo oán, tha tội chết cho những kẻ lầm lối lạc đường. Bởi vậy, khi giặc Minh thua trận, ông đã mở đường cứu sinh, cung cấp lương thảo đủ ăn cho họ trở về quê. Việc làm này đã tạo một dấu ấn lịch sử, trở thành truyền thống dân tộc trong những cuộc chống ngoại xâm sau này.
Nhân nghĩa là yêu hòa bình, lên án chiến tranh, mong muốn cho lòng dân được yên, đất nước thái bình thịnh trị. Nguyễn Trãi quan niệm rằng, hòa bình ấm no sống trong cảnh yên vui hạnh phúc là tâm lý chung của mọi người dân, là nguyện vọng thiết tha của mọi tầng lớp xã hội. Bởi vì, “đạo trời ưa sống, lòng người ghét loạn”. Trong thư gửi tướng giặc là Vương Thông, Nguyễn Trãi viết: “Đồ binh là thứ hung bạo, đánh nhau là việc nguy hiểm, việc hưng thịnh hay bại vong của một nước, nhân dân sống hay chết đều quan hệ ở điều đó” (tr.152). Trong thư gửi Hàng Phúc, ông viết: “Binh là bất đắc dĩ mới phải dùng” (tr.162). Có thể nói, yêu hòa bình, lên án chiến tranh là bức thông điệp mà Nguyễn Trãi muốn gửi cho hậu thế với lời nhắn nhủ rằng, cầm vũ khí là việc làm bất đắc dĩ, hãy giữ lấy hòa bình khi cơ hội vẫn còn.
Nhân nghĩa là sức mạnh tinh thần, tạo ưu thế lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều. Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi viết: “Lấy đại nghĩa mà thắng hung tàn. Lấy chí nhân mà thay cường bạo” (tr.79). Nhờ áp dụng phương châm chiến lược này mà cuộc kháng chiến chống quân Minh đi đến thắng lợi, đó là sự thắng lợi bằng sức mạnh tinh thần của một dân tộc luôn coi trọng lòng tốt con người.
Nhân nghĩa gốc ở hòa, mà hòa là gốc của nhạc.Theo Nguyễn Trãi, trong một giàn nhạc, mọi nhạc cụ phải hòa âm, phối khí thì bản nhạc cất lên mới êm ái, du dương. Nếu trống đánh xuôi, kèn thổi ngược thì không còn là nhạc nữa. Đời sống xã hội cũng vậy, cần phải hòa đồng, lợi ích cân xứng, trên dưới đồng lòng thì mới yên bình. Xã hội bất hòa là nguy cơ của loạn lạc.Trong thư gửi Lê Thái Tông, Nguyễn Trãi viết: “Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc.Dám mong bệ hạ rủ lòng yêu thương và chăm sóc muôn dân, khiến cho thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu, đó tức là giữ được cái gốc của nhạc vậy”. Hòa cũng là thuận, là đoàn kết nhường nhịn lẫn nhau, không đôi co, ghen tỵ, hiềm khích. Bởi theo ông, “ngõ ốc nhường khiêm là mỹ đức, đôi co ai dễ kém chi ai”.
Nhân nghĩa là lấy thực làm gốc theo phương châm “có thực mới vực được đạo”. Nguyễn Trãi cho rằng, đời sống vật chất có đảm bảo thì trật tự xã hội mới ổn định. Ông viết: “Bần hàn cơ cực thì chẳng ai đoái hoài đến lễ nghĩa” hoặc: “Một buổi không có ăn, cha con hết tình nghĩa”. Điều làm cho Nguyễn Trãi trăn trở nhất là cảnh bần hàn cơ cực của dân chúng đương thời, phải đi lính mà không được cầm cày cày ruộng. Trong thư gửi quân lính ông viết: “Dẹp xong giặc, sẽ chia nửa số quân về làm ruộng”.
Nhân nghĩa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ tiến trình phát triển tư tưởng Nguyễn Trãi. Trong mọi hoàn cảnh, dù chiến tranh hay hòa bình, ông luôn giương cao ngọn cờ nhân nghĩa, coi đó như là đạo lý làm người, là phương châm đối nhân xử thế để đi đến một cuộc sống hòa bình, ấm no hạnh phúc. Tư tưởng nhân nghĩa đó đã khơi dậy trong ông quan niệm về đạo làm người và tình yêu thiên nhiênrộng lớn.
2.3. Quan niệm về đạo làm người
Quan niệm về đạo làm người của Nguyễn Trãi dựa trên nền tảng đạo đứcNho giáo, đặc biệt là đạo cương thường củaHán Nho: “Chữ học ngày xưa quên hết dạng/ Chẳng quên có một chữ Cương, thường”. Nhưng để phù hợp với hoàn cảnh lịch sử Việt Nam, Nguyễn Trãi đã bổ sung một số phạm trù của Nho giáo truyền thống.
Trong hệ thống “Tam cương”(Trung-Hiếu - Tiết), Nguyễn Trãi chú trọng “Trung” với “Hiếu”. Ông bộc bạch: “Bui có một lòng trung với hiếu/ Mài chẳng khuyết, nhuộm chẳng đen”, bởi theo ông, vua là người đứng đầu đất nước nên bề tôi cần phải có đạo trung.Chữ “Trung”ở đây không phải là ngu trung như “trung thần bất sự nhị quân”, “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”, mà trung một cách tỉnh táo có sự cân nhắc giữa quyền lợi nhà vua và quyền lợi đất nước.
Không chỉ có lý thuyết, cuộc sống của bản thân ông là một mẫu mực về đức trung, khi nhà Trần suy vong, ông bỏ nhà Trần theo nhà Hồ, khi giặc Minh sang xâm lược, cả triều đình nhà Hồ bị bắt, ông không tuẫn tiết mà tìm đường theo Lê Lợi. Khi Lê Lợi lên làm vua vì hiềm khích đã hạ ngục ông, nhưng ông vẫn một lòng trung thành vì quyền lợi đất nước. Lê Lợi mất, Lê Thái Tông lên thay (1433), triều đình lục đục, Nguyễn Trãi cáo quan về Côn Sơn ở ẩn, nhưng lòng dạ vẫn khôn nguôi nghĩ về đất nước. Năm 1440, lúc tuổi đã cao, sức yếu, Lê Thái Tông mời ra làm quan, ông không hề từ chối, cố gắng đem chút sức cùng lực kiệt cống hiến cho nước cho dân. Có thể tóm tắt lòng trung thành của ông bằng hai câu tự bạch khá tâm huyết: “Lưỡng nhãn hôn hoa, đầu cánh bạc/ Quyên ai hà dĩ đáp quân ân” (Hai mắt đã hoa, đầu đốm bạc/ Mảy may chưa báo đáp ơn vua). Nguyễn Trãi trung thần cho đến phút chót cuộc đời, ông không kêu oan vì biết điều đó là vô nghĩa mà hiên ngang bước lên đoạn đầu đài, làm cho những đồ tể phải dừng tay mấy lượt[3].
Chữ “Hiếu” trong tư tưởng Nguyễn Trãi hiểu theo nghĩa hiếu với dân, tức là đại hiếu - một lòng vì dân vì nước chứ không phải tiểu hiếu là hiếu với cha mẹ như trong Nho giáo Trung Quốc truyền thống. Chính vì vậy, khi cha bị bắt giải sang Trung Quốc, ông không đi theo phụng dưỡng mà ở lại nuôi chí lớn trả thù nhà nợ nước.
Trong hệ thống “Ngũ thường”(Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín), Nguyễn Trãi chú ý Nhân và Trí. Ông phát triển thêm đức “Dũng”. Theo ông, ba đức tính đó là chuẩn mực để đánh giá con người, bởi vì: “Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược/ Có Nhân, có trí, có anh hùng” (tr.440) .
Quan niệm về đạo làm người của Nguyễn Trãi chịu ảnh hưởng sâu sắc triết lý “Vô vi” (không tranh mà được, không đánh mà thắng) của Đạo Lão Trang. Ông thường nhắc nhở người đời: “Nhân sinh thức tự đa ưu hoạn” (Người càng hiểu biết thì càng lắm ưu buồn), “Trí thân vị tất độc thư đa” (Lập thân chưa hẳn cần đọc sách nhiều). Giống như một số Nho sĩ lớn khác của chế độ phong kiến (Bạch Vân cư sĩ - Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Gia Thiều, La Sơn Phu tử - Nguyễn Thiếp, Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác) Nguyễn Trãi không màng danh lợi, ông thấm nhuần câu trong “Đạo đức kinh”: “Công toại thân thoái”, đánh giặc xong, triều đình lục đục, ông lui về Côn Sơn ở ẩn, vui thú với thiên nhiên,với “bầu rượu túi thơ”.
2.4. Tư duy lý luận chính trị và sách lược trị nước
Nguyễn Trãi được hậu thế đánh giá cao không phải lĩnh vực thi ca mà chủ yếu là do những đóng góp về phương diện lý luận chính trị.
Trước hết, Nguyễn Trãi là một người có tư duy chiến lược, tầm nhìn lịch sử. Ông đã biết xâu chuỗi, liên kết những sự kiện lịch sử rời rạc, đúc kết chúng thành quy luật.Từ quy luật đó, ông đã phán đoán trước sự thất bại tất yếu của quân Minh.
Nguyễn Trãi là người kế thừa một cách căn bản tư tưởng “dĩ dân vi bang bản” (lấy dân làm gốc) của Nho giáo truyền thống. Nội dung quan niệm lấy dân làm gốc của Nguyễn Trãi thể hiện cụ thể: 1) Người làm Vua, làm Quan phải biết “kính trời, chăm dân”. Mọi chủ trương chính sách nhà nước phải hợp với lòng dân, xuất phát từ quyền lợi nhân dân và trở về với mục đích của họ.2) Nhân dân có một sức mạnh quyết định đối với sự thành bại của nghiệp vua, bởi “mến người có nhân là dân,chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”. Luận điểm: “Phúc chu thủy, tin dân do thủy” của ông đã trở thành khuôn vàng thước ngọc cho các chính khách từ xưa đến nay, đặc biệt trong thời đại ngày nay, khi vấn đề dân chủ đã trở thành nghệ thuật làm chính trị.3) Ý thức cộng đồng và tinh thần đoàn kết dân tộc là thành tố quan trọng trong tư tưởng lấy dân làm gốc. Do vậy, phát huy được ý thức cộng đồng là tập trung được sức mạnh dân tộc.
Là một người tinh thông Kinh dịch, am hiểu thuyết “Tam tài” (Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa), Nguyễn Trãi đã đề cao hai khái niệm “Thời” và “Thế”. Ông viết: “Người dùng binh giỏi là ở chỗ biết rõ thời và thế mà thôi. Được thời có thế thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn, mất thời không thế thì mạnh hóa ra yếu, yên lại thành nguy”. Trong các bức thư gửi tướng giặc, Nguyễn Trãi phân tích rõ thời và thế cả đôi bên, ông đi đến khẳng định rằng, sự thất bại của quân Minh là điều tất yếu, phù hợp với mệnh trời và lòng người.
Một đóng góp không kém phần quan trọng trong sách lược chính trị của Nguyễn Trãi là đường lối kết hợp giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, vừa đánh vừa đàm, nghệ thuật biết thắng từng bước để đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Trong lịch sử quân sự Việt Nam, Nguyễn Trãi là người viết nhiều thư cho tướng giặc, sau này, các bức thư đó gộp lại thành sách “Quân trung từ mệnh tập”, trong đó vị quân sư người Việt đề cao đường lối hòa bình, còn đánh nhau chỉ là bất đắc dĩ.
2.5. Tình yêu thiên nhiên rộng lớn bao la
Đọc “Ức Trai thi tập” và “Quốc âm thi tập” chúng ta cảm thấy Nguyễn Trãi sinh ra vốn để làm thơ chứ không phải làm quân sự và chính trị. Trong thơ ông thể hiện một tình yêu thiên nhiên rộng lớn bao la, dưới ngòi bút miêu tả của ông, thiên nhiên dường như hòa đồng với lòng người. Dựa trên bút pháp “văn dĩ tải đạo”, ông đã khôn khéo mượn cảnh tả người, tả cảnh là để bộc lộ nỗi niềm của con người mưu việc lớn chưa thành: “Giữa đêm thanh, tựa vào bầu trời xem vũ trụ/ Nhân gió thu, thừa cảm hứng cưỡi kình ngao”(Bài “Chu trung ngẫu thành”). “Vũ trụ mắt đưa ngoài biển cả/ Nói cười người ở giữa mây xanh”(Bài “Đề Yên Tử sơn”)
Một motif khá quen thuộc trong thơ ông là miêu tả hoa, nhất là những loài hoa gần gũi với đời sống con người như hoa xoan, vì đây là một loài hoa không chỉ đẹp về hình thức (màu tím nhạt), có hương thơm thoang thoảng mà gỗ xoan còn giúp con người dựng nên nhà cửa, làm đồ gia dụng: “Trọn ngày thong thả khép phòng văn, /Khách tục bên ngoài chẳng bén chân / Khắc khoải quyên kêu xuân đã muộn/ Hoa xoan mưa nhẹ nở đầy sân” (Bài “Mộ xuân tức sự”, tr.359)
Trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của ông, “Côn Sơn ca” (tr.377) xứng đáng đứng vị trí hàng đầu cả về giá trị tư tưởng lẫn nghệ thuật ngôn từ. Bài thơ được tuyển chọn đưa vào giáo trình giảng dạy văn học của nhiều thế hệ người Việt thời hiện đại. Trong “Côn Sơn ca”, cảnh vật thiên nhiên hiện lên với dòng suối chảy róc rách, rì rầm như tiếng đàn lúc khoan, lúc nhặt. Phiến đá phẳng phủ rêu xanh mướt, mịn màng. Thông, tùng, rừng trúc bạt ngàn xanh tươi mát. Qua nét vẽ tài hoa của Nguyễn Trãi, khung cảnh Côn Sơn hiện lên với những nét riêng, không lẫn với bất cứ bức tranh sơn Thủy nào. Đọc thơ ông, chúng ta thấy trong đó có cả nhạc và họa, cả niềm vui và nỗi buồn, sự vô tâm (Phật giáo) và nỗi ưu lo trước vật đổi sao dời (Nho giáo):
“Côn Sơn suối chảy rì rầm,
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
Côn Sơn có đá rêu phơi,
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm.
Trong ghềnh thông mọc như nêm,
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.
Trong rừng có bóng trúc râm,
Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.
Về đi sao chẳng sớm toan,
Nửa đời vướng bụi trần hoàn làm chi”
Theo một số nhà nghiên cứu thì “Côn sơn ca” được sáng tác trong khoảng thời gian hòa bình, khi Nguyễn Trãi chán ngán với cảnh tranh dành quyền lực trong triều đình bèn cáo quan về Côn Sơn ở ẩn.Gần trọn cuộc đời lo cho dân, cho nước, nhưng những năm cuối đời, Nguyễn Trãi lại phải sống trong sự đố kị, ghen ghét của đám nịnh thần. Vì vậy, khi trở về Côn Sơn, Nguyễn Trãi như con chim sổ lồng cảm thấy mình tự do giữa trời cao đất rộng. Chỉ có lúc này, ông mới được sống thật với chính mình và có thời gian để suy nghĩ về cuộc đời theo triết lý Phật giáo. Bài thơ không chỉ thuần túy tả cảnh, mà chủ yếu thông qua sự miêu tả đó, thi nhân muốn bộc lộ quan niệm sống của một người có cốt cách văn hóa giao thoa giữa Nho- Phật- Đạo. Cốt cách văn hóa đó tạo nên một lối sống cao thượng, một nhân cách chói sáng như sao Khuê.
“Trăm năm trong cuộc nhân sinh,
Người như cây cỏ thân hình nát tan.
Hết ưu lạc đến bi hoan,
Tốt tươi khô héo tuần hoàn đổi thay,
Núi gò đài các đó đây,
Chết rồi ai biết đâu ngày nhục vinh.
Sào, Do bằng có tái sinh,
Hãy nghe khúc hát bên ghềnh Côn Sơn”
Trong hai câu kết của bài thơ Nguyễn Trãi nhắc đến Sào Phủ và Hứa Do là hai hiền tài đời vua Nghiêu trong lịch sử truyền kỳ Trung Quốc thích sống ẩn dật vui với thiên nhiên mà không màng danh lợi. Ông đã mượn tích xưa để nói chuyện đời nay, vì bản thân ông đã vứt bỏ vòng danh lợi. Theo logic lịch sử, Nguyễn Trãi viết “Côn sơn ca” không lâu trước khi xảy ra “Vụ án Lệ chi viên”. Như một linh cảm đặc biệt, nỗi buồn vì thời thế, triết lý sống mà ông đề cập ở khổ cuối bài thơ là một nỗi buồn mang mác, thấm sâu vào lòng người. Từ sự chiêm nghiệm lịch sử dân tộc mà ông đã đọc trong sách vở, từ những gì mà ông đã trải nghiệm, từ thân phận của những người thân trong gia đình mà điển hình là thân phận “quan nhất thời” của người cha, ông đã thể hiện sự cảm thông cho số kiếp con người, nhất là những người anh hùng lâm nạn. Linh cảm thật đúng, vụ án Lệ Chi Viên đã kết thúc cuộc đời ông và người vợ trẻ yêu quý cùng với những người thân thích thuộc ba đời.
3. Kết luận
Nguyễn Trãi là một hiện tượng văn hóa đặc biệt trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Ông không chỉ là một danh nhânvăn hóa mà còn là chính khách, anh hùng giải phóng dân tộc. Sự nghiệp của ông chói sáng như sao khuê, nhưng cuộc đời và số phận không kém phần bi đát. Điều đó xảy ra hợp với triết lý về mối quan hệ giữa tai và tài như Nguyễn Du sau này đã nói: “Chữ tài đi với chữ tai một vần”. Tư tưởng cũng như con người ông trước sau như một - đó là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa lý trí và tình cảm, giữa lý luận và thực tiễn. Ông là con người sinh ra vốn để hành động, như lời ông tự thú: “Bui một tấc lòng ưu ái cũ, đêm ngày cuồn cuộn nước triều dâng”.
Cũng giống như bậc tiền nhân Trần Nhân Tông[4], Nguyễn Trãi là một trong những nhân vật lịch sử hiếm hoi nước Việt đạt danh hiệu “Tam bất hủ” (trọn vẹn ba điều: Lập Công, Lập Đức và Lập Ngôn). Cả ba điều đó trong con người ông đều sáng giá và có sức lan tỏa sâu rộng từ truyền thống đến hiện đại. Về phương diện Lập Đức, ông sống giản dị, đức độ như một người bình dân: “Góc thành nam, lều một gian/ No nước uống thiếu cơm ăn” (tr.395). “Đọc sách mười năm mà kiết xác/ Ăn tràn rau muống, chẳng chiên ngồi” (tr.273). Về phương diện Lập Công, một mình ông đã thủ nhiều vai chính trong triều đình, giữa ba quân và trong đời sống thường nhật. Lịch sử là những sự kiện đã qua không thể chối bỏ, nhưng hậu thế có thể đặt ra tình huống giả định cho lịch sử. Thật khó có thể tưởng tượng rằng, sự nghiệp khãng chiến chống quân minh của Lê Lợi sẽ như thế nào nếu không có Nguyễn Trãi với tư cách là một quân sư, một nhà chiến lược. Thêm vào đó, trong những năm làm quân sư cho minh chủ Lê Lợi, ông luôn có ý thức hướng cuộc chiến về phía hòa bình để quân lính đôi bên bớt phần xương máu.Về phương diện Lập Ngôn, ông đã để lại nhiều di sản phản ánh nhiều lĩnh vực khác nhau: thi ca, phú, lịch sử, dư địa chí. Thời cuộc không cho ông nhiều thì giờ nhàn rỗi sáng tác và sự oan trái của nhân tình thế thái không để ông sống thêm để viết. Nhưng những gì mà ông đã viết ra đều thấm đẫm tình người, đều mang tính nhân văn cao đẹp. Ông không chỉ cao thượng trong lối sống mà còn thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật.
Đọc Nguyễn Trãi trong bối cảnh xã hội hiện đại mới thấy hết giá trị nhân văn và chiều sâu tư tưởng của ông - một tư tưởng xuyên thấu mọi thời đại, sống mãi với thời gian. Câu thơ: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” như một thông điệp hòa bình gửi tới các chính khách hậu thế - những người thay mặt nhân dân nắm giữ chính quyền. Đối với ông, dân là tất cả, là người quyết định mọi thành bại của công cuộc giữ nước và dựng nước. Lòng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi ảnh hưởng to lớn trong lịch sử Việt Nam sau đó và kết tinh trong tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh, với những câu thơ thấu tình đạt lý: “Nước lấy dân làm gốc,… Gốc có vững, cây mới bền, Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”[5]. Nhân dân là nền tảng vững chắc để trên đó đất nước có thể nở hoa kết trái, là chủ thể chân chính sáng tạo ra lịch sử; bởi vì nếu không có nhân dân thì không có lịch sử đúng theo nghĩa của nó.
Theo trục tọa độ thời gian và không gian, lịch sử càng lùi xa, người đời sau càng có góc nhìn rộng,độ nhìn sâu và cái nhìn chân thật hơn về những gì diễn ra trong đó. Người đời thật công minh chính trực không lãng quên, không bỏ sót những ai có công làm nên lịch sử.Đánh giá sự công hiển của Nguyễn Trãi đối với lịch sử dân tộc Việt Nam và sự phát triển các giá trị nhân văn nhân loại, năm 1980 Tổ chức văn hóa, khoa học và giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã ghi nhận Nguyễn Trãi là Danh nhân văn hóathế giới. Từ đó lễ kỷ niệm ngày mất của ông trở thành ngày Hội Thu Côn Sơn, mở từ ngày 15 đến 20 tháng tám âm lịch. Nguyễn Trãi đi vào lịch sử dân tộc và in sâu trong tâm thức mỗi người dân Việt như một bậc minh triết ³
[1]Xem thêm, Nguyễn Tài Thư: Nguyễn Trãi - Nhà tư tưởng vĩ đại của thế kỷ XV và của lịch sử tu tưởng dân tộc, in trong Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội 1993, tập 1.
[2]Nguyễn Trãi, Toàn tập, Nxb. Khoa học xã hội 1976, tr. 78.Tất cả các đoạn trích văn bản của Nguyễn Trãi từ đây về sau đều lấy từ cuốn sách này, kể từ đây tác giả chỉ ghi số trang của sách bên cạnh.
[3] Xem: Vụ án Lệ Chi Viên, Nxb. Văn hóa thông tin 1998.
[4] Xem: Lê Công Sự, Trần Nhân Tông - Triết lý sống và tư tưởng yêu thương, hòa giải, in trong sáchĐạo làm người trong văn hóa Việt Nam, Nxb. Lý luận Chính trị 2014.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan
Bài tập Ngữ văn Lớp 10 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư