I/ XÂY DỰNG LỚP HỌC TỰ QUẢN TỐT
Xây dựng lớp học tự quản là một hoạt động mà giáo viên chủ nhiệm biến quá trình quản lí giáo dục của giáo viên thành quá trình tự giáo dục, tự quản lí của học sinh.
Xây dựng lớp học tự quản nhằm:
- Phát huy ý thức tổ chức kỉ luật, ý thức tự giác, tính năng động của mỗi cá nhân trong tập thể.
- Phát huy sức mạnh tập thể và sức mạnh cá nhân nhằm thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục đã đặt ra.
- Xây dựng và hình thành cho học sinh kỷ năng sống, kỉ năng giao tiếp, ý thức làm chủ tập thể của học sinh. Đáp ứng nhu cầu tâm sinh lý lứa tuổi và sở thích cá nhân.
- Tiết kiệm về mặt thời gian cho giáo viên nhưng vẫn thu được hiệu quả giáo dục cao.
Muốn xây dựng lớp học tự quản tốt thì cần phải có những biện pháp sau:
1. Xây dựng đội ngũ ban cán sự lớp vững mạnh.
Biết phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có năng lực tốt để tuyển chọn làm lớp trưởng và ban cán sự lớp. Những em được chọn làm lớp trưởng thục sự phải là những học sinh học khá trở lên, có ý thức trách nhiệm cao, có năng lực tổ chức và có khả năng vận động quần chúng. Lớp trưởng được xem như con chim đầu đàn, tổ chức, động viên, lôi kéo các thành viên khác trong lớp thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục đặt ra.
Cần bồi dưỡng năng lực tự quản cho học sinh, phải có sự hướng dẫn, giúp đở của GVCN để các em biết cách giải quyết những công việc tự quản từ đơn giản đến phức tạp. Không được khoán trắng toàn bộ công tác tự quản cho học sinh.
Đề cao năng lực của lớp trưởng và ban cán sự lớp, tin tưởng vào khả năng hoạt động của các em. Nếu không, sẽ làm cho các em bị động, lúng túng trong công việc.
2. Phân công nhiệm vụ cho ban cán sự lớp
Để các em phát huy hết năng lực của mình trên từng cương vị thì GVCN cần có sự phân công rõ ràng nhiệm vụ cho từng chức danh.
Nhiệm vụ của lớp trưởng (kiêm bí thư chi đoàn):
- Lớp trưởng là người chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ các hoạt động của lớp.
- Tổ chức lớp thực hiện các nhiệm vụ học tập và rèn luyện.
- Theo dỏi đôn đốc các thành viên trong lớp chấp hành đầy đủ và nghiêm túc quy chế, quy định của nhà trường, của Đoàn thanh niên...
- Chủ trì các buổi sinh hoạt lớp, đánh giá và phổ biến các hoạt động giáo dục.
Nhiệm vụ của lớp phó học tập:
- Phụ trách quản lý nhiệm vụ học tập của lớp.
- Theo dõi và chỉ đạo cán sự bộ môn hoạt động trong các buổi sinh hoạt 15 phút đầu giờ.
- Điểm danh, ghi sổ đầu bài đầy đủ, rõ ràng.
Nhiệm vụ của lớp phó lao động:
- Theo dõi, quản lý công việc lao động của lớp.
- Nhận nhiệm vụ, phổ biến kế hoạch lao động và phân công lao động cho từng thành viên.
Nhiệm vụ của lớp phó văn thể mỹ:
- Phụ trách công tác văn nghệ, thể dục thể thao của lớp.
- Phụ trách thu chi quỹ lớp và các hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Các tổ trưởng:
- Có trách nhiệm quản lý theo dõi các thành viên trong tổ của mình.
- Phân công, theo dõi trực nhật của tổ.
Mỗi thành viên trong ban cán sự lớp đều phải có một cuốn sổ ghi chép cẩn thận các hoạt động do mình phụ trách. Cuối tuần GVCN có kiểm tra, theo dõi, đánh giá.
3. Công tác theo dõi, kiểm tra đánh giá
Vai trò của GVCN là người hướng dẫn chứ không làm thay công việc tự quản của học sinh, phải thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, giám sát công tác tự quản.
Có rất nhiều cách theo dõi hoạt động tự quản của học sinh. Đôi khi cần có sự kiểm tra trực tiếp các hoạt động trên lớp nhưng đôi khi chỉ cần kiểm tra gián tiếp qua sổ ghi đầu bài, sổ ghi chép của lớp trưởng, qua giáo viên bộ môn trực tiếp giảng dạy....
Tổ chức tốt các giờ sinh hoạt lớp cuối tuần, qua đó thấy được vai trò tự quản của ban cán sự lớp và không khí dân chủ của các thành viên trong lớp.
II/ PHỐI HỢP GIỮA NHÀ TRƯỜNG VÀ GIA ĐÌNH TRONG VIỆC GIÁO DỤC HỌC SINH
Nhà trường là môi trường giáo dục toàn diện, là nơi thực hiện chức năng giáo dục chuyên nghiệp và có vai trò định hướng, tạo ra sự thống nhất tác động đến học sinh. Nhà trường, giáo viên, gia đình và các đoàn thể là những lực lượng giáo dục thông qua đầu mối liên kết là GVCN.
GVCN là người đại diện cho các lực lượng giáo dục trong nhà trường nên cần nắm được những chủ trương, kế hoạch hoạt động và những thành tích đạt được của nhà trường trong từng năm học, trong từng thời kì. Thông qua các cuộc họp phụ huynh GVCN cần truyền đạt những vấn đề này cho cha mẹ học sinh biết và GVCN kịp thời giải thích những thắc mắc của phụ huynh.
GVCN thu nhận những ý kiến, tâm tư nguyện vọng của phụ huynh rồi phản ánh lại cho nhà trường qua đó gắn kết được trách nhiệm giữa nhà trường và gia đình trong việc giáo dục học sinh.
GVCN cần có mối quan hệ gần gũi với phụ huynh học sinh. Nắm rõ địa chỉ liên lạc với gia đình của từng học sinh trong lớp. Khi cần thiết GVCN mạnh dạn trao đổi, thông báo với phụ huynh những kết quả học tập và rèn luyện của học sinh. Ngược lại phụ huynh cũng cần thông báo cho GVCN biết được những sự việc bất thường xãy ra của học sinh như ốm đau hay một lý do khác. Qua đó GVCN hiểu rõ được học sinh và phụ huynh tin tưởng vào GVCN hơn trong việc giáo dục con em mình.
GVCN thông qua cha mẹ học sinh để nắm được những tâm tư nguyện vọng của học sinh. Có những vấn đề mà trên lớp học sinh không dám nói với GVCN hoặc giáo viên bộ môn nhưng các em có thể trao đổi trực tiếp với cha mẹ của mình, qua đó GVCN tiếp thu có chọn lọc và chuyển tiếp nguyện vọng của học sinh đến với giáo viên bộ môn, với nhà trường nhằm có giải pháp hợp lý...Mặt khác GVCN của thông qua giáo viên bộ môn để nắm được tình hình học sinh lớp mình như thái độ học tập, ý thức tổ chức kỷ luật, học lực của từng học sinh...từ đó GVCN có sự nhìn nhận và đánh giá khách quan về chất lượng giáo dục của từng học sinh và có biện pháp giáo dục phù hợp.
GVCN cần phát huy vai trò của BCH hội phụ huynh của lớp trong việc vận động, tạo ra sự đồng thuận cao với các kế hoạch hoạt động của lớp và của nhà trường.