Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười 1917 ở Nga thắng lợi, cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) kết thúc đã mở ra một thời kỳ phát triển mới trong phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Tiếng vang của Cách mạng tháng Mười Nga đã vượt qua biên giới của nó, tác động mạnh mẽ đến hầu khắp các quốc gia – dân tộc trên hành tinh. Trong đêm dài đen tối đầy bất công của chế độ: phong kiến, tư bản thực dân, nhất là quan những năm tháng khủng khiếp của Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), nhân dân ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa, những người phải chịu đựng nhiều tai họa nhất của chiến tranh đã tìm thấy ở Cách mạng tháng Mười những niềm hi vọng to lớn, đối với mình, thúc đẩy họ vùng dậy đấu tranh giành quyền sống, giành độc lập dân tộc.
1. Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc ở châu Á
Châu Á là vùng đông dân cư nhất, bao gồm những nước có lãnh thổ lớn với nguồn tài nguyên thiên nhiên hết sức phong phú. Từ cuối thế kỷ XIX, các nước châu Á đã trở thành những nước thuộc địa, nửa thuộc địa và là thị trường chủ yếu của các nước đế quốc Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan…
Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước châu Á lên cao và lan rộng hơn cả so với châu Phi và Mĩ la tinh.
Ở Trung Quốc, ngày 4-5-1919, phong trào cách mạng rộng lớn chống chủ nghĩa đế quốc đã bùng nổ, mở đầu cho cuộc cách mạng dân chủ mới tiếp diễn trong suốt 30 năm sau đó. Phong trào Ngũ Tứ đã thúc đẩy phong trào công nhân Trung Quốc nhanh chóng kết hợp với chủ nghĩa Mác – Lênin và dẫn đến việc thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1921.
Năm 1921, cuộc cách mạng nhân dân Mông Cổ thắng lợi. Đến năm 1924, nước Cộng hòa nhân dân Mông Cổ, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở châu Á được thành lập. Với sự ủng hộ và giúp đỡ của giai cấp vô sản Nga, nước Cộng hòa nhân dân Mông Cổ đã đứng vững và từng bước tiến lên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong những năm 1918 - 1922, nhân dânẤn Độđã tăng cường đấu tranh chống thực dân Anh. Nhiều cuộc bãi công lớn của công nhân với hàng chục vạn người tham gia, kéo dài hàng tháng, đã lan lộng khắp cả nước. Đồng thời, phong trào nổi dậy của nông dân cũng liên tiếp bùng nổ chống lại bọn địa chủ phong kiến và đế quốc Anh.
Ở Thổ Nhĩ Kì, cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc 1919 - 1922 (do giai cấp tư sản lãnh đạo) đã kết thúc thắng lợi. Ngày 29-10-1923, chế độ cộng hòa được thiết lập Thổ Nhĩ Kì có điều kiện để trở thành một nước tư sản có chủ quyền và bước vào thời kì phát triển mới.
Năm 1919, nhân dân Ápganixtan thu được thắng lợi trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, buộc đế quốc Anh phải công nhận quyền độc lập chính trị của mình. Cũng vào năm 1919, nhân dân Triều Tiên đã nổi dây khởi nghĩa chống đế quốc Nhật Bản.
Những năm sau Cách mạng tháng Mười Nga, phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi và Mĩ la tinh cũng có những bước phát triển mới.