Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã khai sinh ra chế độ xã hội chủ nghĩa đầu tiên và mở ra một thời đại mới - thời đại quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH). V.I.Lê-nin đã nhận định về ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga 1917:... “Chúng ta có quyền tự hào và quả thật chúng ta tự hào là đã có cái hân hạnh được bắt đầu việc xây dựng nhà nước Xô-viết và do đó, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử thế giới…”.
Cùng với việc dựng cột mốc cho thời đại mới, sự nghiệp xây dựng CNXH đầu tiên trong lịch sử, dưới sự lãnh đạo của V.I. Lê-nin cũng được bắt đầu ở nước Nga Xô-viết.
Sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước Nga giai đoạn này diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt. Về bối cảnh chính trị, chính quyền Xô-viết trong những tháng năm đầu tiên, giữa vòng vây của chủ nghĩa đế quốc, phải liên tục đương đầu với những vụ nổi loạn, can thiệp của “thù trong, giặc ngoài”. Thêm vào đó, với những kinh nghiệm chính trị, cầm quyền còn ít ỏi, giai cấp công nhân và hệ thống chính trị Xô-viết gặp rất nhiều khó khăn trong tổ chức và xây dựng chế độ mới. Chỉ trong một thời gian ngắn, V.I.Lê-nin đã nhận ra sự khác biệt căn bản là “giành chính quyền đã khó nhưng xây dựng chính quyền còn khó hơn nhiều”.
Về bối cảnh kinh tế, nước Nga Xô-viết bắt tay vào xây dựng CNXH từ những tiền đề kinh tế thấp kém: Chủ nghĩa tư bản (CNTB) ở Nga mới phát triển ở giai đoạn đầu, trình độ sản xuất phổ biến của đất nước là tiểu nông, nhiều tàn tích của chế độ phong kiến nông nô, chế độ chuyên chế chưa được xóa bỏ; nền kinh tế kiệt quệ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất; chế độ mới lại bị CNTB bao vây kinh tế, cấm vận… Thêm vào đó, năng lực tổ chức quản lý còn yếu kém của chính quyền Xô-viết, “bệnh ấu trĩ tả khuynh” trong cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội mới cũng khiến cho bối cảnh kinh tế của nước Nga Xô-viết những năm đầu tiên gặp nhiều khó khăn.
Bối cảnh nước Nga khi bắt tay vào xây dựng CNXH có nhiều nét đặc thù so với lý luận chung của chủ nghĩa Mác về xây dựng CNXH. C.Mác quan niệm rằng, những tiền đề vật chất do CNTB phát triển ở trình độ cao làm chín muồi nguyên nhân kinh tế cơ bản của các cuộc cách mạng XHCN; tình thế để cách mạng thắng lợi là nó phải nổ ra đồng loạt cùng lúc ở nhiều nước, chí ít là những nước tư bản phát triển cao như Anh, Mỹ, Pháp, Đức… Nhìn chung, bối cảnh và đặc điểm kinh tế xã hội của Nga đương thời cần rất nhiều đến sự sáng tạo khi vận dụng lý luận của C.Mác về cách mạng XHCN. V.I. Lê-nin chính là con người mà lịch sử cần đến và đã tạo ra trong sự nghiệp xây dựng CNXH hiện thực đầu tiên của nhân loại.