Cả nước hiện nay có 6 Văn miếu lớn, ra đời sớm và có giá trị nhất là Văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội thì Văn miếu Mao Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương đứng thứ 2 chỉ sau Văn miếu Hà Nội về quy mô, kiến trúc cũng như giá trị lịch sử.
Tên gọi Văn miếu Mao Điền:
Chữ Văn miếu: chữ Văn có hàm nghĩa rất rộng bao gồm toàn bộ lĩnh vực khoa học xã hội. Chữ miếu là nơi thờ tự
Chữ Mao Điền là tên địa phương, chữ Mao có nghĩa là cỏ, cỏ thơm, cỏ thi. Chữ Điền nghĩa là ruộng. Xưa kia nơi đây là khu ruộng rất rộng nhiều cỏ thơm, cỏ thi người ta đã chọn nơi này để làm trường thi Hương của trấn Hải Dương, đến thời Tây Sơn Văn miếu được di chuyển từ Vĩnh Lại về sáp nhập với trương thi Hương và lấy tên địa phương đặt tên cho di tích do vậy có tên gọi là Văn miếu Mao Điền.
1. Lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam và Hải Dương
Lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam được tính từ năm 1075 dưới triều vua Lý Nhân Tông mở khoa thi "Minh kinh bác học", khoa cử phong kiến được khép lại vào năm 1919 dưới triều vua Nguyễn Hoàng Tông. Trải qua gần 9 thế kỷ, cả nước tổ chức được 185 kì thi, tuyển chọn được 2898 vị tiến sĩ thì Hải Dương có 637 vị và 12 Trạng nguyên (địa giới hành chính là Trấn) còn địa giưói hành chính là tỉnh, thành từ năm 1931 đến nay là 486 vị Tiến sĩ), chiếm 1/6 số tiến sĩ trong cả nước. Huyện Nam Sách có số Tiến sĩ nhiều nhất của Hải Dương cũng là nhiều nhất của cả nước với 125 vị đại khoa. Đặc biệt Hải Dương còn biết đến 1 địa danh nổi tiếng được mệnh danh là "Lò Tiến sĩ xứ Đông" thuộc làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang có tới 39 vị Tiến sĩ đỗ đạt qua các triều đại Trần, Lê. Đây là trường hợp "Độc nhất vô nhị" trong lịch sử khoa cử Hán học Việt Nam. Qua đây ta thấy rằng Hải Dương là tỉnh có số tiến sĩ nhiều nhất cả nước trên cả 3 cấp độ hành chính tỉnh, huyện, xã.
Về dòng họ có họ Nguyễn, họ Phạm, học Vũ là 3 dòng họ có số tiến sĩ nhiều nhất hải Dương và cũng là nhiều nhất của cả nước.