Thế nhưng sau 20 năm phát triển, đặc biệt sau 10 năm kể từ khi Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam được ban hành (năm 2002) cùng với đó là hàng loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ, song cho đến nay, ngành này chưa đáp ứng được kỳ vọng, trình độ công nghệ, thiết bị sản xuất vẫn còn lạc hậu so với thế giới, hàm lượng giá trị gia tăng nội địa tạo ra trong ngành rất hạn chế, các doanh nghiệp không tham gia được vào chuỗi cung toàn cầu...
Vậy, đâu là nguyên nhân và làm thế nào để vực dậy ngành công nghiệp quan trọng này?
Vẫn còn nhiều điểm nghẽn
Ông Đào Phan Long - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam
Theo quan điểm của chúng tôi, Việt Nam vẫn phải xây dựng, phát triển công nghiệp cơ khí của quốc gia. "Vẫn biết đây là việc hết sức khó khăn, nhưng Việt Nam không thể không làm, bởi khi quốc gia có nền sản xuất cơ khí không thua kém các nước khác mới có thể độc lập, tự chủ trong sản xuất, đảm bảo an ninh - quốc phòng để phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình thế giới đầy biến động".
Thực tế thời gian qua, với chính sách khuyến khích phát triển kinh tế cởi mở của Đảng và Nhà nước, ngành cơ khí Việt Nam vẫn sản xuất được một số sản phẩm đạt chất lượng tốt tương đương với nước ngoài và có thể cạnh tranh được với sản phẩm ngoại nhập.
Cụ thể như: Chế tạo được hệ thống thủy công xây dựng dự án thủy điện Sơn La, Lai Châu và nhiều nhà máy thủy điện khác; hình thành được một số doanh nghiệp cơ khí nội địa đầu tư sản xuất lắp ráp một số loại ô tô tải, ô tô bus, ô tô dưới 9 chỗ để đáp ứng thị trường nội địa và xuất khẩu; tự chủ đóng mới nhiều loại tàu viễn dương có trọng tải lớn;
Làm chủ công nghệ chế tạo một số loại động cơ, máy biến áp điện, khí cụ và dây điện cao áp, hạ áp, đặc biệt đã hoàn thành chế tạo được biến thế 500 KV, 3 pha đạt chất lượng để phục vụ ngành điện thay thế phải nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc và tự chủ dự phòng cho các nhà máy điện đang hoạt động...
Mặc dù đạt được một số thành tựu, song công nghiệp cơ khí chế tạo của Việt Nam phát triển chậm, thậm chí bị tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực, gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế.
Nguyên nhân ngành cơ khí không thể "bật lên được" trong thời gian qua là do vướng phải nhiều điểm nghẽn. Cụ thể, điểm nghẽn về thị trường, bất kỳ ngành sản xuất nào mà không có thị trường tiêu thụ sản phẩm, trước hết là thị trường nội địa, thì đều không thể phát triển được. Trong khi đó Việt Nam chưa có những biện pháp phù hợp để bảo vệ và khai thác thị trường nội địa cho ngành cơ khí.
Điểm nghẽn tiếp theo là từ các yếu tố vi mô là năng lực của doanh nghiệp. Theo đó, trình độ quản trị sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đa phần còn thấp, sau hơn 20 năm phát triển vẫn không có nhiều doanh nghiệp đạt trình độ quản trị sản xuất - kinh doanh tiệm cận thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 3 và ở rất xa thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ngoài ra, việc đầu tư đổi mới công nghệ trùng lắp, phân tán, gây lãng phí lớn và hiệu quả sản xuất kinh doanh kém...
Đối với điểm nghẽn từ các yếu tố vĩ mô là công tác quản lý nhà nước. Thời gian qua Chính phủ và chính quyền địa phương đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế đối với cơ khí nhưng các chính sách đó chưa thực sự đi vào cuộc sống; hệ thống chính sách quản lý phát triển kinh tế, công nghiệp của Nhà nước trong đó có cơ khí chưa đồng bộ.
Để xây dựng phát triển công nghiệp cơ khí nội địa Việt Nam, không thể chỉ là nhiệm vụ riêng của các doanh nghiệp cơ khí phải tự vươn lên để cạnh tranh tồn tại theo điều tiết thị trường của "bàn tay vô hình" mà các doanh nghiệp cơ khí luôn cần có "bàn tay hữu hình của Chính phủ" để làm bà đỡ thông qua hệ thống chính sách như các nước đã và đang thực hiện.