Trên cơ sở kế thừa quan điểm chỉ đạo ở các kỳ đại hội trước, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX, XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đại hội XII tiếp tục khẳng định: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo. Khắc phục triệt để những sơ hở, thiếu sót trong việc kết hợp kinh tế và quốc phòng, an ninh tại các địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược”1. Đây là quan điểm cơ bản của Đảng thể hiện sâu sắc vấn đề có tính nguyên tắc về mối quan hệ biện chứng trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thực tiễn,kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trên các địa bàn chiến lược đã, đang đạt hiệu quả thiết thực, trở thành điều kiện tiên quyết bảo đảm huy động tổng hợp mọi nguồn lực, tiềm năng, lợi thế,… để xây dựng, phát triển từng khu vực, địa bàn và đất nước nhanh, bền vững.
Thực ra, quan điểm trên không hoàn toàn mới, mà đã được Đảng ta nêu trong các kỳ đại hội trước. Việc Đại hội XII tiếp tục khẳng định là xuất phát từ tình hình và yêu cầu cao của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới, cũng như tính cấp thiết của việc kết hợp giữa kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh, nhất là trên các địa bàn chiến lược. Nhưng nói như vậy không có nghĩa quan điểm trên của Đảng không có gì mới. Trái lại, điểm mới mấu chốt là thể hiện tư tưởng nhất quán, sự nhạy bén, sáng tạo của Đảng về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trong bối cảnh mới của tình hình thế giới, khu vực và trong nước. Một điểm mới nữa được thể hiện ngay trong nội hàm quan điểm; tức là Đảng ta đề cập tổng quát, toàn diện, sâu sắc hơn và xác định rõ đó là sự kết hợp cần thiết, xuyên suốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta. Như vậy, nội hàm của quan điểm mà Đảng ta đưa ra được hiểu là toàn bộ sự kết hợp của các yếu tố cả về tự nhiên, lịch sử, xã hội cũng như chính trị, kinh tế,… với quốc phòng - an ninh có liên quan đến sự ổn định trên từng khu vực, địa bàn, trong đó có các địa bàn chiến lược. Điều đó cho thấy sự biến chuyển mau lẹ, phức tạp, khó lường của tình hình, cùng sự đan xen, hòa quyện các yếu tố, cả chủ quan, khách quan, trong nước và quốc tế tác động tới nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, thể hiện tư duy nhạy bén, tầm nhìn chiến lược và khả năng vận dụng sáng tạo của Đảng, nhằm tạo ra một trong những động lực có tính nền tảng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân vững chắc, ngày càng hiện đại. Không những thế, quan điểm của Đảng còn là phương hướng để các cấp, ngành, lĩnh vực, địa phương thực hiện tốt việc kết hợp này, tạo sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc từng khu vực, địa bàn và cả nước.
Trong những năm qua, nhất là trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, việc kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo. Nhờ đó, ở hầu hết các địa bàn chiến lược, chính trị - xã hội ổn định, kinh tế có bước phát triển khá, đời sống nhân dân được cải thiện, quốc phòng - an ninh được tăng cường, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, hiện tại, nơi đây vẫn là địa bàn còn nhiều khó khăn, hạn chế so với các vùng, miền khác của cả nước, nhất là hệ thống chính trị cơ sở ở một số nơi chưa vững chắc, kinh tế phát triển chậm, quốc phòng, an ninh có mặt chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Ở một số địa bàn còn tồn đọng những bức xúc trong nhân dân mà chưa được giải quyết một cách thấu đáo, như: vấn đề đất đai, đói nghèo, đạo giáo, lòng tin, chính sách xã hội, v.v. Trong khi đó, khu vực này đã, đang tồn tại nhiều nguy cơ có thể gây mất ổn định; là trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch cả ở trong nước và từ nước ngoài. Vì thế, quan điểm kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh nói chung, trên các địa bàn chiến lược nói riêng phải tiếp tục được quán triệt và thực hiện nghiêm túc; trong đó, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:
1. Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh phải phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa bàn chiến lược. Về cơ bản, việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh thường lấy mục tiêu kinh tế làm trung tâm để từ đó tăng cường các mặt cho quốc phòng. Tuy nhiên, do tính đặc thù của các địa bàn chiến lược - nơi rất nhạy cảm về quốc phòng - an ninh, nên trong sự kết hợp này phải hết sức linh hoạt, thậm chí ở một số địa bàn phải lấy mục tiêu tăng cường quốc phòng - an ninh làm chủ yếu. Vì thế, kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh trên địa bàn chiến lược, muốn có hiệu quả, phải phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa bàn, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Theo đó, việc kết hợp ở các địa bàn này cần căn cứ vào yêu cầu của quốc phòng - an ninh để xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, nhằm tăng cường quốc phòng - an ninh nhưng không coi nhẹ mục tiêu kinh tế - xã hội. Trong đó, việc kết hợp giữa các ngành, nghề phải bảo đảm tính lưỡng dụng cao để vừa tham gia xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân, vừa tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng lực lượng, thế trận quốc phòng - an ninh và phát triển công nghiệp quốc phòng ở địa bàn chiến lược.
Cùng với đó, trong triển khai kết hợp quốc phòng - an ninh với kinh tế - xã hội trên địa bàn chiến lược, phải hướng tới tăng cường các nguồn tiềm lực phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, trước hết là sự vững mạnh về chính trị, tăng cường dự trữ cơ sở vật chất để sẵn sàng huy động cho các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh; đồng thời, tạo điều kiện mở rộng hợp tác quốc tế về kinh tế và phát triển công nghiệp quốc phòng cho từng địa bàn. Thông qua sự kết hợp này, sẽ tạo ra những điều kiện cần thiết để xây dựng và phát triển lực lượng quốc phòng - lực lượng của nền quốc phòng toàn dân - bằng các chiến lược, kế hoạch kinh tế, nhằm điều chỉnh, bố trí lại dân cư, nhất là đối với địa bàn chưa có dân hoặc mật độ dân cư thưa thớt. Tiếp tục chú trọng phát triển các khu kinh tế - quốc phòng cả về bề rộng và chiều sâu, ở những vùng đặc biệt khó khăn, nhằm không chỉ thu hút lao động, tạo việc làm cho người dân, mà còn thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, các công trình quốc phòng, thành phần của khu vực phòng thủ,… để hình thành thế trận quốc phòng - an ninh vững chắc.