- So với cả nước, mức sống của người dân TP.HCM khá cao. Áp lực của nếp sống công nghiệp là một trong số nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ mắc các loại bệnh nguy hiểm như tim mạch tiểu đường, béo phì…
Đó là nhận định của Phó giáo sư – Tiến sĩ Đặng Văn Phước, Chủ tịch Hội Tim mạch học TP.HCM trong Hội nghị khoa học tim mạch khu vực phía Nam lần thứ X diễn ra vào ngày 25/11.
Liên quan đến cách sinh hoạt không lành mạnh làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, trong buổi hội nghị, các bác sĩ của Bệnh viện Tim Tâm Đức TP.HCM đã cho biết về nghiên cứu của mình.
Một em bé bị biến chứng tim mạch bẩm sinh phải cưa cụt tay chân. Ảnh: Thanh Huyền.
Thông thường, bệnh mạch vành rất hiếm gặp ở người trẻ, tuy nhiên Bệnh viện Tim Tâm Đức đã thu thập được thông tin của 30 bệnh nhân ở độ tuổi dưới 40 bị hội chứng động mạch vành cấp.
Điều đáng nói 38/40 bệnh nhân nói trên là nam giới và đều đang hút thuốc lá.
Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Nguyễn Vinh (Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) tăng huyết áp chiếm hàng đầu trong các bệnh về tim mạch. Và nguyên nhân của bệnh lý này cũng có sự liên quan từ khói thuốc.
Ngoài ra, tại Việt Nam thực trạng giới trẻ, bao gồm cả trẻ em đua đòi hút thuốc lá đang ở mức báo động. Khả năng ½ số trẻ em nói trên sẽ nghiện thuốc lá khi ở tuổi trưởng thành. Việc hút thuốc lá và hít phải khói thuốc thụ động sẽ không chỉ làm tăng 25% nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư phổi mà còn làm gia tăng nguy cơ bị đột quỵ khi đến độ tuổi 60.
Trước đó, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết Việt Nam hiện nay là 1/15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới.
Thống kê từ hơn 1000 bệnh viện trên toàn quốc gửi về, số ca bệnh không lây nhiễm chiếm hơn 62% (ung thư, tim mạch...). Đa số các bệnh này đều có nguy cơ do hút thuốc lá.
Khói thuốc không chỉ gây hại cho người hút mà còn ảnh hưởng tới cả thai nhi, khiến trẻ có nguy cơ bị các bệnh lý tim mạch bẩm sinh khi chào đời.