Với tôi, cũng như suy nghĩ của mọi người, nghề giáo luôn là một nghề cao quý. Lúc sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý bậc nhất trong các nghề cao quý. Nghề dạy học là một nghề sáng tạo bậc nhất trong các nghề sáng tạo vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo” Hay “Không thầy đố mày làm nên” câu phương ngôn ấy đã được truyền từ đời này sang đời khác để nói lên tầm quan trọng của nhà giáo trong việc truyền thụ kiến thức, giáo dục nhân cách cho học sinh, cũng nhắc nhở mọi người phải biết tôn sư trọngđạo. Nhà giáo có tầm quan trọng như vậy, càng làm cho tôi một giáo viên trẻ vừa mới ra trường với kinh nghiệm còn non nớt phải thật nỗ lực, cố gắng không ngừng. Có lẽ chính vì thế mà trong tôi luôn đầy ắp những câu hỏi tại sao? và làm thế nào?...Người giáo viên phải dạy thế nào để cho học sinh chán học thành ham học, làm thế nào để một bài phức tạp thành bài đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ và khó quên. Là giáo viên mới cũng khó tránh khỏi cái cảm giác lo sợ, lo sợ cho từng bước đi, từng cử chỉ, lời nói. Tôi sẽ đứng trên bục giảng với bao ánh mắt đổ dồn của học sinh về phía mình. Tôi sẽ không còn được ngồi gật gù trên ghế như thời học sinh, mặt cúi xuống bàn cười toe toét mà tôi phải nghiêm trang, đúng đắn vì tôi bây giờ là giáo viên. Lúc này tôi không còn là người nhận mà là người truyền đạt kiến thức, đến giờ tôi mới có thể cảm nhận được nỗi lo lắng của thầy giáo tôi ngày xưa khi tiếng tiếng trống tan học vang lên mà thầy vẫn không kết thúc bài giảng của mình. Thầy lo khi tiết học kết thúc chỉ nhận được cái lắc đầu và không hiểu bài từ học sinh, hóa ra điều đấy thật đáng lo đối với một nhà giáo dục. Nghề dạy học đòi hỏi người đứng trên bục giảng phải có bản lĩnh, biết chịu đựng và vượt qua khó khăn trước mắt, đem hết sức mình cống hiến cho những thế hệ tương lai của đất nước. Một nghề mà cho dù hoàn cảnh, cuộc sống chung có khó khăn hay cuộc đời riêng nhiều trắc trở, cũng chẳng ai cho phép mình được u sầu, bất mãn trước học trò của mình. Nhưng nhìn những ánh mắt hồn nhiên, trong sáng của các con đã làm sống dậy tâm hồn và tiếp thêm nguồn động lực cho tôi cố gắng vượt qua mọi khó khăn phía trước để thực hiện nhiệm vụ giáo dục của mình. Mỗi ngày lên lớp nhìn thấy học trò trong tôi có biết bao cảm xúc dâng trào, biết bao mơ ước về một ngày mai tươi sáng. Những người thầy giáo, cô giáo như những con đò cần mẫn chở khách sang sông mong đến ngày cập bến. Mỗi ngày trôi qua lại có thêm một niềm vui mới. Những con đò ấy cứ âm thầm lặng lẽ suốt ngày đêm bỏ lại sau lưng bao nỗi nhọc nhằn, bước qua mọi khó khăn phía trước với ý chí kiên cường lái con đò tri thức cập bến được bình an. Tôi ý thức được trách nhiệm của mình là phải bồi dưỡng tri thức, làm chủ công nghệ, khắc phục những khó khăn bằng sức lực, trí tuệ và lòng yêu nghề. Đặc biệt là đối với một giáo viên vừa mới bước vào nghề như tôi đòi hỏi phải nỗ lực phấn đấu, rèn luyện không ngừng để có được bản lĩnh, phẩm chất tốt đẹp của một nhà giáo đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về tri thức, về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ mà xã hội cần.
Được trở thành một nhà giáo với trách nhiệm cao cả mà xã hội giao cho tôi sẽ cố gắng để trở thành một người giáo viên tốt, tiếp thêm tay chèo để lái con đò tri thức được cập bến thành công. Để thực hiện được điều đó tôi phải lao động thật nghiêm túc, không ngừng học tập, rèn luyện, luôn tu dưỡng đạo đức và nâng cao trình độ của mình.