II. Làm văn: Suy nghĩ về câu nói: Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học
Con người ta có thể phân hơn thua nhau ở học vấn, trình độ một cách rạch ròi, nhưng khó thể chắc rằng hiểu biết hơn nhau, bởi tri thức của nhân loại là vô tận, có vô vàn thứ trên đời mà có người biết về lĩnh vực này, người lại biết về lĩnh vực khác, khó có thể so bì. Chính vì vậy, chúng ta không ngại việc không biết cái người ta đã biết, chỉ ngại ta không chịu học để biết được cái đó, người xưa đã có câu "Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học". Tri thức vô biên của nhân loại đang chờ đợi chúng ta tìm đến, ai cũng phải học mới biết đến chúng, chúng ta không thể trách mình không biết, chỉ trách bản thân chúng ta không chịu học.
"Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học", trong câu nói này, "xấu hổ" được nhắc đến trong hai hoàn cảnh khác nhau nhưng lại cùng mang một ý nghĩa, đó là một trạng thái của cảm xúc tự thấy khó chịu, thẹn thùng trước một điều gì đó, các cảm xúc này thường liên quan đến những đánh giá, nhận xét tiêu cực về bản thân hoặc tự bản thân nhận thấy kém cỏi hơn so với những người khác. Sự xấu hổ thường bắt nguồn từ việc so sánh hành động của bản thân với tiêu chuẩn của bản thân hay tiêu chuẩn của bối cảnh xã hội đương thời. Trong câu nói, "không biết" được hiểu là kém hiểu biết, chưa có kiến thức về một vấn đề, lĩnh vực nào đó, "không học" là trạng thái không muốn tìm hiểu, học hỏi và tiếp thu tri thức, kiến thức. Như vậy, câu nói trên đã chỉ ra rõ sự khác nhau giữa không biết và không học, không nên xấu hổ nếu không biết, nhưng đã không học thì nên xấu hổ, đồng thời nhắc nhở con người về ý nghĩa của việc học, đừng để bản thân phải xấu hổ vì không học. Vậy tại sao lại "đừng xấu hổ khi không biết"? Thực ra rất dễ hiểu, bởi tri thức của nhân loại suốt hàng nghìn năm nay rất bao la vô tận, ngược lại khả năng nhận thức và tiếp thu của con người lại có hạn, không ai có thể biết hết được tất cả những tri thức. Con người cũng không tự nhiên nắm được tri thức nếu không học, tri thức không tự đi vào đầu nếu con người không tiếp thu, ghi nhớ và học hỏi, nếu chưa học thì điều dĩ nhiên là chưa biết, và đó là một điều phù hợp với lẽ tự nhiên, không có gì khiến ta phải xấu hổ. Nhưng đặt vào trường hợp không học, quả thực chúng ta rất đáng phải tự xấu hổ về bản thân mình. Học là quá trình tự tìm kiếm, thu nhận và tiếp thu tri thức, nó có vai trò rất quan trọng trong việc hoàn thiện con người và đóng góp cho cộng đồng, xã hội. Toàn bộ những tri thức của nhân loại đều có thể tiếp thu được nếu con người chịu học hỏi, chỉ khi không học mới nằm ngoài luồng tri thức, khi người ta đã học và biết đến còn ta vì không học mà "mù thông tin", "mù tin tức" đó mới là lỗi ở chính ta, ta phải xấu hổ vì bản thân quá lười nhác, không có ý thức học tập. Việc chúng ta không học đồng nghĩa với việc chúng ta mãi tụt hậu, không có sự tiến bộ, không theo kịp được xu thế của xã hội thì sớm muộn chúng ta cũng bị đào thải bởi xã hội. Bản thân chúng ta muốn phát triển, cầu tiến và có tương lai xán lạn, bắt buộc phải không ngừng học tập, nếu không học là ta đang vô trách nhiệm với chính mình. Xã hội đang thay đổi từng ngày, nếu ta không học cũng không thể biết được tầm hiểu biết của mình đến đâu, đang thiếu sót những gì và cần phải học tập thêm những gì. Khi không biết cái gì phải học cái đó, không được bỏ qua, không được giấu dốt, tuy nhiên, cũng phải biết lựa chọn cái hay, cái tốt để học tập, tránh học tập những thứ tiêu cực, đồi bại và vô văn hóa. Có nghĩa là phải học tập một cách có chọn lọc, có phương pháp và toàn diện.
Câu tục ngữ như một lời động viên và nhắc nhở chúng ta hãy tự tin thú nhận những thứ mình chưa biết và phải cố gắng học tập để tìm đến với những thứ đó. Người học sinh chúng ta đang được đặt trên vai nghĩa vụ học tập cao cả, nếu như không chịu học tức là chối bỏ nghĩa vụ đó, khi ấy chính chúng ta khiến mình phải xấu hổ với bạn bè, thầy cô, có lỗi với chính mình, gia đình và xã hội.