Châu Âu trong đống "đổ nát"
Chiến tranh kết thúc, hàng triệu người dân và người tị nạn châu Âu bị mất nhà cửa. Nền kinh tế cả châu lục sụp đổ, phần lớn các hạ tầng công nghiệp bị phá hủy. Liên Xô bị ảnh hưởng nặng nề nhất với thiệt hại của nền kinh tế lên đến 30%.
Những trận ném bom của Không quân Đức vào Frampol, Wieluń và Warsaw, Ba Lan năm 1939 đã hình thành khái niệm ném bom chiến lược nhắm hoàn toàn vào dân thường. Những trận ném bom tương tự sau đó của cả quân Đồng Minh và quân Trục đã khiến nhiều thành phố bị tàn phá nặng nề.
Những nỗ lực tham chiến đã làm nên kinh tế Vương quốc Anh kiệt quệ. Chính phủ liên minh tạm thời trong chiến tranh bị giải thể, bầu cử mới được tổ chức và đảng của tướng Winston Churchill thất bại với số phiếu áp đảo thuộc về Đảng Lao động.
Năm 1947, bộ trưởng quốc phòng Mỹ George Marshall đã triển khai kế hoạch phục hưng châu Âu (Kế hoạch Marshall), kéo dài từ năm 1948 - 1952. 17 tỉ USD đã được sử dụng để phục hồi lại nền kinh tế Tây Âu.
Hậu quả vô cùng nặng nề đối với nhân loại. Hơn 70 quốc gia với 1 700 triệu người đã bị lôi cuốn vào vòng chiến, khoảng 60 triệu người chết, 90 triệu người tàn phế và nhiều làng mạc, thành phố bị phá hủy, thiệt hại về vật chất gấp 10 lần chiến tranh thế giới thứ nhất, bằng tất cả các cuộc chiến tranh trong 1000 năm trước đó cộng lại.
Trung Quốc
Tổng tư lệnh Tưởng Giới Thạch. Cuộc chiến là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Trung Quốc, giúp nâng cao vị thế của quốc gia này trên trường quốc tế. Chính phủ trung tâm, dưới quyền Tổng tư lệnh Tưởng Giới Thạch, đã bãi bỏ được hầu hết những hiệp ước mang tính bóc lột của các nước thực dân đối với Trung Quốc. Trung Hoa Dân Quốc trở thành một trong những quốc gia thành lập Liên Hiệp Quốc và giữ một ghế vĩnh viễn trong Hội đồng bảo an. Trung Quốc cũng giành lại chủ quyền đối với đảo Đài Loan và tỉnh Mãn Châu. Tuy nhiên 8 năm chiến tranh đã làm chính quyền trung tâm kiệt quệ và phá hủy nhiều công trình quan trọng mang tầm quốc gia được xây dựng từ năm 1928. Việc điều hành những khu vực chiếm đóng được sau chiến tranh cũng trở nên đầy khó khăn khi hoạt động chống đối của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong những khu vực này ngày càng lan rộng.
Sự tàn phá nặng nề của chiến tranh và cuộc nội chiến vẫn tiếp diễn giữa Đảng Cộng sản và Quốc Dân Đảng đã làm nhân dân quá mệt mỏi. Tuy nhiên, sau 4 năm, Quốc Dân Đảng đã mất khả năng chống đỡ và bị Đảng Cộng sản đánh lui, phải chạy về đảo Đài Loan. Trên phần đất Trung Hoa đại lục rộng lớn, Đảng Cộng sản đã thành lập nên nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949. Quốc Dân Đảng chỉ còn kiểm soát đảo Đài Loan. Tuy nhiên, sự can thiệp của Mỹ đã khiến Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa không thể đổ bộ lên Đài Loan để thống nhất toàn bộ đất nước Trung Hoa.
Liên Xô mở rộng lãnh thổ ra Trung và Đông Âu
Vào giai đoạn cuối chiến tranh, Xô Viết đã chiếm được phần lớn các nước Trung Âu và Đông Âu. Trong tất cả các nước Trung Âu và Đông Âu, trừ Áo và Hy Lạp, chính quyền của các Đảng Cộng sản được thiết lập. Liên Xô còn sáp nhập các nước vùng Baltic như Estonia, Latvia và Litva trở thành nước cộng hòa thành viên.
Chiếm đóng và phân chia lãnh thổ Đức-Áo
Sau chiến tranh, phe Đồng Minh đã chia lãnh thổ Đức thành 4 phần do Anh, Pháp, Mỹ và Liên Xô kiểm soát. Sau đó lãnh thổ của Mỹ, Pháp và Anh hợp nhất lại vào năm 1949 với tên gọi Cộng hòa Liên bang Đức, còn phần lãnh thổ của Xô Viết trở thành Cộng hòa Dân chủ Đức.
Ở Đức, khủng hoảng kinh tế và sự sụp đổ của nước Đức Quốc xã kéo dài trong vài năm liền. Hội nghị Yalta và Potsdam với quyết định sáp nhập lãnh thổ Đông Âu vào quyền kiểm soát của Liên Xô đã khiến hàng triệu người Đức và Ba Lan sống trên những vùng đó bị trục xuất. Ước tính từ 1-2 triệu người đã thiệt mạng trong quá trình xua đuổi tàn bạo này. Áo bị tách ra khỏi Đức và chia thành 4 phần, nhưng năm 1955 lại được sáp nhập lại và trở thành nước Cộng hòa Áo.