Không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của hình tượng. Vậy không gian nghệ thuật là hình tượng không gian trong tác phẩm (Trần Đình Sử - giáo trình thi pháp học). Trong tác phẩm nghệ thuật con người xuất hiện với tư cách là hình tượng con người và không gian tượng trưng cũng chỉ là hình tượng không gian.
Trong thơ Đường tuy có hai kiểu không gian nghệ thuật, không gian vũ trụ và không gian đời thường,nhưng không gian vũ trụ vẫn chiếm ưu thế. Đặc trưng của không gian nghệ thuật trong thơ Lý Bạch là không gian vũ trụ - thiên nhiên. Điều này phù hợp với tâm hồn và phong cách thơ lãng mạn của ông. Tình yêu thiên nhiên và một tâm hồn luôn hướng đến khao khát giao hoà chiếm lĩnh thiên nhiên đã tạo nên một tâm hồn phóng khoáng, một phong cách lãng mạn bay bổng trong thơ Lý Bạch.
Tinh thần du hiệp kết hợp với tư tưởng coi thường lợi danh, ghét thói tục đã làm cho Lý Bạch quay về với thiên nhiên và tư tưởng này cũng chi phối trong toàn bộ các sáng tác của ông một cách mạnh mẽ. Theo Trang Tử , “chí nhân thì không kể mình, thần nhân thì không kể công, thánh nhân thì không kể danh” . Vậy nên để đạt tới hạnh phúc tối cao, thánh nhân phải thực hiện sự vũ trụ hóa con người mình, tâm linh hòa cùng vạn vật.
Đó là lý do tại sao Lý Bạch tìm thấy sự tự do tuyệt đối ở cõi rong chơi non nước. Đó là không gian vô cùng vô tận của vũ trụ, là núi cao, sông thẳm mây ngàn, hạc nội.Với tầm nhìn cao thẳm xa vời, với những cánh cửa thần tiên lộng lẫy vừa thực vừa mơ, không gian của các mối quan hệ của con người với thiên nhiên.
Lý Bạch do vậy cũng căm ghét những gì tầm thường. Cái đẹp trong thơ ông phải là cái gì cao cả, siêu phàm, tự do trong tinh thần phải là sự bay bổng tuyệt đích.Thơ trăng Lý Bạch huyền ảo vô cùng,… Trăng trên núi, trăng trên sông, trăng với lữ khách, trăng ở quán trọ và trăng trong cả lúc cô đơn nhất. Với bài Tĩnh dạ tứ ta cũng đủ xao lòng cùng Lý Bạch trước trăng.
Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đấu tứ cố hương
Cả không gian ngập tràn ánh trăng. Ánh trăng rọi vào đầu giường, đánh thức thi nhân dậy, khơi gợi một nguồn thơ. Ánh trăng và cố hương gắn với nhau trong mạch cảm hứng trữ tình của tác giả hoà quyện thành một liên tưởng thấm thía, cảm động. Ánh trăng gợi nhớ, gợi sầu, vấn vương một hoài niệm, làm sống dậy hồn thơ và một tình quê. Đên thanh tĩnh, nhà thơ không ngủ được, có biết bao nỗi niềm hoài cảm đến với ông. Trăng rọi nơi đầu giường, trăng phủ tràn mặt đất khiến Lí Bạch ngỡ là sương sa. Nhưng chắc không hẳn chỉ có thế. Nhìn ánh trăng mà ngỡ là sương khói nói được những điều ẩn thật sâu xa sau câu chữ. Đó là lẽ "hóa sinh, sinh hóa" của vạn vật, lẽ biến dịch ở đời mà nhà thơ đã từng trải nghiệm, để rồi trong cái đêm thanh tĩnh này, chúng lần lượt trỗi dậy, dù lời thơ đã cố giữ thật đằm, mà cảm xúc thì dường như không kìm nén nổi...Trăng trong cái đêm thanh tĩnh này là trăng trĩu nặng suy tư. Câu thơ "Ngẩng đầu nhìn trăng sáng" cho thấy Lí bạch không thờ ơ với trăng. Ông "ngẩng đầu" ngắm trăng như đã bao lần từng ngắm. Nhưng vầng trăng đêm nay, cái "đêm thanh tĩnh" này có sức lay động tới niềm sâu thẳm nhất trong ký ức nhà thơ về một vầng trăng quê hương thuở nào...