Câu 2 :
Cuối năm 1257, khi được tin quân Mông Cổ chuẩn bị xâm lược, nhà Trần đã ban lệnh cho cả nước sắm sửa vũ khí, các đội dân binh được thành lập, ngày đêm luyện tập võ nghệ, sẵn sàng đánh giặc.
Tháng 1 - 1258, 3 vạn quân Mông cổ do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy tiến vào xâm lược nước ta. Quân giặc theo đường sông Thao tiến xuống Bạch Hạc (Việt Trì, Phú Thọ), rồi tiến đến vùng Bình Lệ Nguyên (Vĩnh Phúc) thì bị chặn
lại ở phòng tuyến do vua Trần Thái Tông trực tiếp chỉ huy. Tại đây, một trận đánh quyết liệt đã diễn ra.
Do thế giặc mạnh, vua Trần cho lui quân để bảo toàn lực lượng. Triều đình tạm rời kinh thành Thăng Long, xuôi về vùng Thiên Mạc (Duy Tiên, Hà Nam).
Nhân dân Thăng Long, theo lệnh triều đình, nhanh chóng thực hiện chủ trương "vườn không nhà trống" để đánh giặc, tạm rút khỏi kinh thành. Ngột Lương Hợp Thai kéo quân vào Thăng Long trống vắng, không một bóng người và lương thực.
Quân Mỏng cổ điên cuồng tàn phá kinh thành, lùng bắt, giết hại những người còn sót lại.
Trước thế giặc mạnh, tàn bạo, vua Trần lo lắng hỏi ý kiến của Thái sư Trần Thủ Độ. Ông trả lời : "Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo." (Đại Việt sử kí toàn thư).
Đóng giữ kinh thành Thăng Long chưa đầy một tháng, quân Mông cổ lâm vào tình thế khó khăn vì thiếu lương thực trầm trọng, phải cho quân lính đi cướp thóc gạo, hoa màu của dân, nhưng nhân dân các làng, xã đã chống trả quyết liệt nên lực lượng của chúng bị tiêu hao dần.
Nắm được thời cơ, quân đội nhà Trần mở cuộc phản công lớn ở Đông Bộ Đầu (bến sông Hồng, ở phố Hàng Than - Hà Nội ngày nay).
Ngày 29-1-1258, quân Mông cổ thua trận, phải rời khỏi Thăng Long. Trên đường rút chạy, chúng bị quân đội nhà Trần truy kích. Đến vùng Quy Hoá (Yên Bái, Lào Cai), lại bị quân của Hà Bổng chặn đánh, quân giặc hốt hoảng tháo chạy về nước. Cuộc kháng chiến chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy một tháng đã kết thúc thắng lợi.