Hôm qua còn lấm tấm
Chen lẫn màu lá xanh
Sáng nay bừng lửa thẫm
Rừng rực cháy trên cành.
Nhà thơ Lê Huy Hòa đã viết một bài văn như thế. Có người học trò nào lại không thương, không nhớ sắc màu đỏ rực của những cánh phượng hồng và âm thanh râm ran của những tiếng ve gọi hè da diết? Và như quy luật của tạo hóa muôn đời này, tuổi học trò, phượng vĩ và tiếng ve luôn gắn với mùa thi, mùa hạ.
Trong sân bất cứ ngôi trường nào trên đất nước Việt Nam yêu dấu bạn cũng có thể tìm được một cây phượng, phượng là loài hoa gắn bó nhiều nhất với tuổi học trò. Và tuổi thơ của tôi và các bạn cùng trường cũng gắn bó với một cây phượng như thế.
Cây đã được trồng từ lâu nên cao và to lắm. Nhìn từ xa, trông cây phượng như một người khổng lồ với mái tóc xanh mướt. Dáng phượng nghiêng nghiêng duyên dáng. Rễ cây ngoằn ngoèo bò trên mặt đất như một con bạch tuộc khổng lồ bám chặt vào nền đất. Gốc cây phượng xù xì mốc thếch. Cây phượng đã già, thân cây to hơn cả một vòng tay ôm của một cô học trò lớp 6 như tôi. Thân cây to, vỏ màu nâu xỉn – màu của quê hương đất mẹ. Chạm vào thân cây, tôi thấy sần sùi, nhám, nó chai sần như bàn tay của bác nông dân lao động cần cù. Người mẹ thiên nhiên đã đã cho thân chiếc áo giáp cứng cáp khiến mỗi thân cây như một chàng hiệp sĩ. Nhưng ít ai biết rằng trong lớp vỏ xù xì đó dòng nhựa mát lành đang cuồn cuộn chảy để nuôi cây. Tán nó xòe rộng cả một khoảng sân. Từ thân chẽ thành nhiều nhánh nhánh giống như cái chạc. Cành vươn ra tứ phía, uyển chuyển la đà.
Mùa xuân, cây phượng ra lá. Lá phượng xanh non, mát rượi, ngon lành như lá me. Lá ban đầu xếp lại như còn e ngại điều gì. Nhưng khi được tắm nắng xuân, lá lại xòe ra cho gió đưa đây, rồi lá ánh lên một màu xanh nhũn nhãn, đậm đà. Theo dòng thời gian, lá mỗi ngày một sẫm hơn, dày hơn, cứng cáp hơn giống lá me, màu xanh thẫm mọc song song hai bên cuống trông xa như đuôi con chim phượng, chắc vì thế mà cây có tên là phượng.
Xuân qua, hè tới, phượng bắt đầu nở hoa. Phượng nở đồng loạt, kết thành từng chùm đỏ rực trông như những mặt trời bé con tinh nghịch trên những vòm lá xanh tươi. Hoa phượng có năm cánh, bốn cánh đỏ tươi và một cánh có đốm trắng. Trên những cành cây, những cánh phượng tươi thắm như những nàng công chúa bướm xinh đẹp đang khoác lên mình chiếc váy màu lửa. Phượng có mùi hương hoa chẳng giống loài hoa nào, một mùi hương mà chỉ đám học trò chúng tôi mới hiểu. Lúc này, những tán cây rợp mát, kết lại với nhau thành một cái cổng vòm mang sắc đỏ rực rỡ như một chiếc cổng diệu kì dẫn tới một cung điện nguy nga trong những câu chuyện cổ tích thần tiên. Vào những ngày hè oi bức, còn gì thú vị hơn khi được vui đùa cùng đám bạn dưới cái cổng vòm mát rượi này cơ chứ! Chúng tôi thường kể cho nhau nghe những câu chuyện tuổi học trò. Mấy bạn nam nghịch ngợm thì lấy nhị phượng chơi chọi gà,những bạn nữ thì lại tách những cánh phượng làm thành chú bướm xinh ép vào trang vở. khi mà tiếng gọi thân thương của mùa hè như vang lên trên từng cành cây, từng bụi cỏ là lúc phượng nở nhiều nhất. Một màu đỏ nồng nàn trên cây. Màu hoa phượng đỏ thắm như máu, như màu máu của biết bao đồng bào dân tộc đã hy sinh vì Tổ quốc mến yêu. Màu máu đó như đã hòa quyện với màu phượng, để nhắc nhở chúng tôi phải nhớ đến những chiến sĩ, những đồng bào của dân tộc mà cố gắng học thật giỏi để mai sau xây dựng Tổ quốc giàu đẹp. Lúc ấy, phượng già trẻ lại, bừng bừng sức sống. Và chúng tôi đã vào hẳn trong mùa phượng. Tôi lại nhớ đến câu chuyện kể của bà:
- Ngày xưa, khi mặt đất còn lạnh lẽo, Ngọc Hoàng đã đưa các con mình xuống trần gian để đem hơi ấm cho muôn loài. Nhưng các con ngài bị kẻ ác hãm hại, Ngọc Hoàng đã chọn cây phượng để treo Mặt Trời.
Ôi ! Phượng có một quá khứ tuyệt vời. Một quá khứ vinh quang, hào hùng và đáng yêu đến thế! Và đáng yêu hơn khi thực tại phượng luôn làm đẹp cho đời.
Mỗi lần nhắc đến mùa hè, đến cây phượng đỏ rực thì mọi người lại không thể không nhắc đến sinh vật tuyệt diệu của tạo hóa, của thiên nhiên: loài ve mùa hạ. Hàng trăm chú ve nhỏ náu mình trong những cành cây phượng và mải miết hòa tấu cho dàn đồng ca. Tiếng ve không hay như tiếng hót của chị Sơn Ca, chị Họa Mi mà đơn giản tiếng ve chính là lời ca của mùa hè. Tiếng ve vang lên khắp nơi: ở góc trường, ở trong từng lùm cây, từng bụi cỏ, và cả ở những cái cửa sổ của lớp học. Tiếng ve như mang một ý nghĩa sâu kín mà người lớn không thể nào hiểu được, chỉ có đám học trò này mới có thể hiểu được vì tiếng ve có biệt danh rất dễ thương là “lời ca học trò” mà. Đã là lời ca của học trò thì phải rất gắn bó với học trò chứ. Vậy cho nên từ trước đến nay tiếng ve như một người bạn thân của các cô, cậu học trò. Tiếng ve cũng thúc dục đám học trò chúng tôi một mùa thi cuối cùng của năm học, chuẩn bị nghỉ hè với bao dự định đầy ắp niềm vui. Nhưng điều quan trọng nhất là tiếng ve báo hiệu đã đến lúc xa trường, xa bạn bè, xa thầy cô. Nhưng dù có xa cách mấy, nó vẫn luôn ở trong tim, trong tâm trí của mỗi học trò.
Qua hè, hoa phượng tàn dần, Mỗi làn gió thổi, cánh phượng rơi lả tả trên sân giống như xác pháo. Sân trường đẹp lắm, giống cái thảm hoa. Chúng tôi quét sân nhưng luyến tiếc muốn giữ lại cánh phượng thân yêu. Hết hoa, phượng lại để trái non dài, mỏng, xanh, đung đưa nhè nhẹ trên cành.
Sang đông, cây phượng cũng ào ạt thay lá, cành cây trở nên khẳng khiu. Dáng cây trầm ngâm nhìn vẻ héo tàn của mùa đông giá rét. Lúc này, cây phượng trông như không còn sức sống, nhưng tôi có ngờ đâu dòng nhựa trong cây vẫn tràn trề tuôn chảy, những lộc non đang giấu mình, chờ ngày vươn lên, sinh sôi nảy nở và hẹn ngày đơm bông, làm đẹp cho sân trường.
Cứ mỗi lần nhìn thấy cây phượng, nghe tiếng ve kêu thì lòng học trò sao nao nức quá. Chính vì vậy mà cây phượng và tiếng ve luôn là kí ức tươi đẹp mà học trò còn giữ lại. Ôi, hoa phượng đỏ rực và cả tiếng ve rộn ràng, tất cả đã tạo nên một mùa hè tuyệt vời, một mùa hè mà sẽ mãi khắc ghi trong tim tôi như một hồi ức tuyệt đẹp của tuổi thơ.