Câu2: Tổng khởi nghĩa T8.1945 diễn ra ở Hà Nội và các địa phương khác như thế nào? Kết quả ra sao?
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Sự kiện ngày 17/8 cho thấy sự yếu thế của chính quyền thân Nhật và sự chia rẽ sâu sắc giữa các nhóm phái, họ không có khả năng tập hợp quần chúng. Quần chúng nhân dân Hà Nội đã tin và hướng về ngọn cờ cứu nước của Mặt trận Việt Minh, giúp cho Ủy ban khởi nghĩa ở Hà Nội càng vững tin vào lực lượng quần chúng và thấy rõ tình hình của địch. Thời cơ giành chính quyền cho cách mạng đã chín muồi và quyết định đã phát động nhân dân Hà Nội nổi dậy giành chính quyền vào ngày 19/8/1945.
Theo kế hoạch của Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội, ngày 18 ở hầu hết các xã ngoại thành đều biểu tình tuần hành và chính quyền cách mạng được thành lập. Các đồn lính nhỏ lẻ ở ngoại thành đều bị quần chúng cách mạng chiếm giữ, nhân dân nô nức sắm cờ, vũ khí chuẩn bị tiến vào thành phố tham gia giành chính quyền. Điều đó tạo thuận lợi cho khởi nghĩa ở nội thành vào ngày hôm sau.
Ngay từ sáng sớm ngày 19/8, Hà Nội đỏ rực màu cờ cách mạng. Hàng vạn nông dân, dân nghèo, với các vũ khí thô sơ từ Láng, Mọc kéo ra chiếm đại lý Hoàn Long tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng khu vực Ngã Tư Sở, mở đầu cho cuộc khởi nghĩa ở nội thành.
Hàng vạn quần chúng nhân dân ngoại thành, từ các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Hoài Đức, Đan Phượng (Hà Đông), Gia Lâm (Bắc Ninh) mang theo cờ Việt Minh, gậy gộc, mã tấu, dao phát bờ...tiến vào nội thành với sức mạnh như thác đổ. Tất cả đều tập hợp trước Nhà hát lớn. Cả Thành phố Hà Nội như rung chuyển trong tiếng hô khẩu hiệu: "Ủng hộ Việt Minh", "Chính quyền nhân dân cách mạng", "Cách mạng thành công muôn năm", "Việt Nam hoàn toàn độc lập"...
Đúng 11 giờ, trước hơn 20 vạn người tập trung trước Nhà hát lớn, Uỷ ban Khởi nghĩa đọc lời kêu gọi khởi nghĩa, nêu rõ chủ trương của Mặt trận và kêu gọi nhân dân đứng lên giải phóng dân tộc:
"Hỡi quốc dân đồng bào!
Hãy tự tin, tự cường, hãy tỏ cho thế giới biết đến sức sống dồi dào, đến ý chí chiến đấu cường liệt của dân tộc Việt Nam luôn luôn vươn tới một cảnh đời phóng khoáng và độc lập" (ĐCSVN, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7)
Sau đó cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình vũ trang giành chính quyền. Quần chúng cách mạng có các đơn vị vũ trang tự vệ dẫn đầu chia thành hai khối lớn đi chiếm các vị trí trọng yếu: Phủ Khâm sai, Sở Bưu điện, Sở Cảnh sát...
Phủ Khâm sai chính là Phủ Thống sứ được xây trên vị trí rộng lớn của chùa Báo Thiên trở thành trụ sở của chế độ thuộc địa ở Bắc Kỳ. Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945, phủ Thống sứ đổi tên thành phủ Khâm sai của Chính phủ Trần Trọng Kim.
Phủ Khâm sai - cơ quan đầu não của chính phủ bù nhìn, quân dân Hà Nội đã tước vũ khí lính bảo an và phân phát cho tự vệ, nhanh chóng làm chủ toàn bộ khu vực này. Lính bảo vệ Phủ đã hạ vũ khí mà không có bất kỳ hành động kháng cự nào trước sức mạnh của nhân dân Hà Nội.
Trước sức mạnh áp đảo của quần chúng và lực lượng tự vệ kiên cường, hầu hết các công sở chính quyền địch đều nhanh chóng về tay nhân dân trừ Đài phát thanh Bạch Mai và ngân hàng Đông Dương.
Đến tối ngày 19/8 khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn. Điểm nổi bật của khởi nghĩa ở Hà Nội là do chính sự tự lực của nhân dân Hà Nội tập hợp nhau lại, cùng tiến hành theo chính cương của Việt Minh, hầu như không vấp phải sự chống đối từ chính phủ bù nhìn hay quân Nhật, cũng chưa hề có lực lượng vũ trang và cũng không có sự hỗ trợ của đội quân giải phóng từ các chiến khu hay Trung ương.
Sáng 20/8/1945, tại Vườn hoa Con cóc (còn gọi là Vườn hoa Diên Hồng), Ủy ban nhân dân cách mạng Bắc bộ ra mắt nhân dân trong niềm hân hoan vui sướng của nhân dân Hà Nội.
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội có ý nghĩa rất lớn bởi suốt hơn nửa thế kỷ, Hà Nội là thủ phủ của Đông Dương thuộc Pháp. Sự thất bại của chính quyền tại đây tượng trưng cho sự sụp đổ của chế độ thực dân trên đất nước ta, việc giành chính quyền nhanh gọn, không đổ máu đã tiếp thêm sức mạnh cho nhân dân cả nước tiến lên giành chính quyền.
Thắng lợi ở Hà Nội đã tạo điều kiện để Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển về Hà Nội chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa trong cả nước đi đến thắng lợi hoàn toàn, chuẩn bị các điều kiện đón tiếp quân Đồng minh.
Ngày 20/8 tại Thừa Thiên Huế, Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh được thành lập. Ủy ban quyết định lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền vào 23/8. Ngày hôm đó, hàng chục vạn nông dân từ các huyện đổ về thành phố Huế, biểu tình thị uy và chiếm các công sở.
Chiều 30/8 lễ thoái vị của Bảo Ðại - vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến cuối cùng đã được tổ chức tại lầu Ngọ Môn trong kinh thành Huế.
Ðúng 13 giờ, vua Bảo Ðại mặc triều phục Hoàng đế bào cùng một số bộ trưởng trong chính phủ Trần Trọng Kim và đại diện hoàng gia đứng ra phía trái lầu Ngọ Môn. Ðoàn đại biểu của chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng bên phải gồm Trần Huy Liệu - trưởng đoàn và Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận – vừa từ miền Bắc vào. Vua Bảo Ðại đọc chiếu tự nguyện thoái vị và trao lại cho đại diện chính phủ Quốc ấn bằng vàng và một thanh gươm bằng vàng nạm ngọc tượng trưng cho quyền lực của chế độ phong kiến. Vua Bảo Đại tuyên bố "Thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ".
Sự kiệnVua Bảo Đại tuyên bố thoái vị có một ý nghĩa quan trọng, chính thức đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền phong kiến lỗi thời; nhân dân ta đã thực hiện được một bước quan trọng đường lối cách mạng dân chủ mà Đảng ta đề ra từ năm 1930. Việc Bảo Đại tuyên bố thoái vị cũng đã triệt tiêu một đầu mối mà các thế lực đế quốc, phản động muốn duy trì, sử dụng để mưu toan chống phá chính quyền cách mạng, đặt lại ách thống trị lên đất nước ta.
Giành chính quyền tại Sài Gòn, 25/8/1945
Chấp hành Mệnh lệnh khởi nghĩa của Ủy ban Kháng chiến toàn quốc và kế hoạch của Xứ ủy Nam Kỳ, ngay từ đêm 24/8/1945, quần chúng cách mạng ở Sài Gòn-Chợ Lớn và các tỉnh lân cận mang theo giáo mác, tầm vông… bằng mọi phương tiện, rầm rập kéo về nội thành tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Lực lượng đoàn viên công đoàn và thanh niên tiền phong có mặt ở khắp mọi nơi sẵn sàng chiếm lĩnh những mục tiêu được phân công.
Từ 19 giờ ngày 24/8, lực lượng khởi nghĩa chiếm sở công an, cảnh sát, nhà ga, bưu điện, nhà đèn, các quận, bót… Đến 22 giờ, đoàn Lê Lai thuộc Thanh niên Tiền phong chiếm được dinh Khâm sai. Cờ quẻ ly bị hạ xuống, cờ đỏ sao vàng được kéo lên giữa rừng người hừng hực khí thế cách mạng. Cuộc tiến chiếm “Soái phủ Nam kỳ" không vấp phải sự kháng cự nào vì hầu hết những viên chức cao cấp đã tham gia Thanh niên Tiền phong.
Sáng sớm hôm sau (25/8), hơn một triệu quần chúng Sài Gòn – Chợ Lớn và các tỉnh lân cận ào ạt kéo vào nội thành với khí thế sục sôi cách mạng. Đoàn người hô vang như sấm dậy khẩu hiệu: “Việt Nam hoàn toàn độc lập!”, “Tất cả chính quyền về tay Việt Minh!”, “Mặt trận Việt Minh muôn năm!”, “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”, “Độc lập hay là chết!”. Cờ đỏ sao vàng tràn ngập đường phố, phấp phới bay trên các công sở.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |