Cách đây 82 năm, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã diễn ra, đỉnh cao là cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 ở Hưng Nguyên. Xô Viết Nghệ Tĩnh được coi là đỉnh cao của phong trào Cách mạng trong những năm 1930 - 1931 và là cuộc khởi nghĩa đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ khi ra đời.
Xô viết Nghệ Tĩnh - tinh thần và năng lực cách mạng của nhân dân lao động
Xô Viết Nghệ Tĩnh là tên gọi cho phong trào đấu tranh của công nhân - nông dân Nghệ An và Hà Tĩnh trong năm 1930 - 1931. Tên gọi Xô viết Nghệ Tĩnh xuất phát từ sự hình thành các "xã bộ nông" mà các nhà lãnh đạo lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam gọi là "Xô Viết".
Dưới chế độ thực dân - phong kiến, tỉnh Hà Tĩnh không có công nghiệp. Còn tỉnh Nghệ An, tại ngã ba Vinh - Bến Thủy có một nhà ga xe lửa lớn, một nhà máy điện, một nhà máy diêm, 5 nhà máy cưa, 2 xưởng sửa chữa ô tô và một vài xưởng nhỏ, tất cả có 4.000 công nhân. Địa thế hai tỉnh nhiều rừng núi, đất đai cằn cỗi, thường xảy ra bão lụt. Do đó nhân dân, nhất là nông dân đói khát, khổ sở.
Xô Viết Nghệ tĩnh, cao trao cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo năm 1930 - 1931 Phong trào đấu tranh ở Nghệ An và Hà Tĩnh mở đầu bằng cuộc biểu tình lớn nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930 tại ngã ba thành phố Vinh - Bến Thủy và nông dân 5 xã ven thành phố Vinh, dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ Trung Kỳ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ đó đến tháng 8/1930, đã có đến 97 cuộc bãi công và biểu tình của công nông, nổi bật là cuộc bãi công của công nhân Nhà máy Diêm kéo dài đã dẫn đến cuộc tổng bãi công của toàn thể công nhân khu công nghiệp Bến Thuỷ.
Ngày 12/9/1930, thực dân Pháp cho máy bay ném bom xuống các đoàn biểu tình của nông dân huyện Hưng Nguyên (cách Bến Thủy mười cây số), làm chết 217 người và 120 người bị thương. Hai làng Lộc Châu và Lộc Hải bị triệt hạ, 217 nóc nhà bị đốt cháy, 30 người bị bắn chết. Cuối tháng 8/1930, hàng chục vạn nông dân các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Diễn Châu, Anh Sơn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Đô Lương, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh... nổi dậy với quy mô lớn, quyết liệt.
Từ tháng 5 đến tháng 12/1930, công nhân Nghệ An (Vinh) đã 8 lần bãi công và biểu tình, có 2.500 người tham gia. Cùng trong thời gian đó, 1307 cuộc biểu tình đã nổ ra bao gồm tất cả 300.000 nông dân tham gia. Có đến 625 nông dân bị máy bay ném bom và súng máy giết chết, 8 làng bị triệt hạ, hơn 1.000 chiến sĩ bị bắt giam, hàng trăm người bị đem đi đày.
Sự hy sinh của hàng trăm người như chất men đưa cuộc đấu tranh đến cao trào: đốt huyện đường, phá nhà lao. Hệ thống chính quyền của thực dân, phong kiến bị tê liệt, một số tan rã. Xô viết Nghệ Tĩnh - một hình thức mới về chính quyền của người lao động ra đời làm chức năng của chính quyền cách mạng do giai cấp công nhân lãnh đạo.
Chính quyền Xô Viết đầu tiên được hình thành hàng loạt tại nhiều xã thuộc các huyện, thị xã: Thanh Chương, Nam Đàn, Anh Sơn, Nghi Lộc, Vinh - Bến Thuỷ, Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ, Hưng Nguyên... Chính quyền Xô Viết một mặt thi hành các chính sách mới, mặt khác phá bỏ hệ thống chính quyền cũ, trưng thu đất, thóc gạo, tiền bạc của các địa chủ, đồng thời đòi yêu sách với các chủ xưởng, chủ tàu.
Nhưng chính quyền Xô Viết chỉ tồn tại sau bốn, năm tháng. Đến giữa năm 1931, thực dân Pháp trở lại khủng bố dã man, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh lắng xuống, rồi thoái trào. Hàng trăm người bị bắt, bị kết án tù giam trong các nhà tù ở Nghệ An, Đà Nẵng, Buôn Mê Thuột, Côn Đảo.
Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh có ý nghĩa lịch sử to lớn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào trong biển máu, nhưng Xô viết Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn luyện lực lượng cho cuộc Cách mạng tháng Tám sau này”.
Vang mãi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh
Xô viết Nghệ - Tĩnh đã gây tiếng vang lớn ra cả nước và trên thế giới. Ngày 14/10/1930, nông dân huyện Tiền Hải (Thái Bình) và ngày 20/10/1930 nông dân huyện Bình Lục (Hà Nam) đã tập trung tại các đình làng đấu tranh với các khẩu hiệu: “Không được đụng đến công nông Nghệ - Tĩnh”. Những ngày tháng này, báo chí cả nước hướng về Nghệ - Tĩnh với lời kêu gọi công nông cả nước đấu tranh với bọn thực dân đế quốc: Không được đụng đến công nông Nghệ - Tĩnh!... Ảnh hưởng của Xô viết Nghệ - Tĩnh còn chấn động dư luận toàn thế giới.
Ngày 27/2/1931, Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản ra lời kêu gọi các cấp ủy Đảng Cộng sản Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ huy động thợ thuyền, dân cày đấu tranh ủng hộ phong trào cộng sản Đông Dương bằng mọi phương diện. Đồng thời cỗ vũ cho cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam. Truyền thống cách mạng của Xô viết Nghệ -Tĩnh đã trở thành niềm tự hào không chỉ của những người con Nghệ - Tĩnh. Đã có nhiều địa danh lịch sử trên mảnh đất này trở thành những địa chỉ đỏ, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng như: Ngã ba Đồng Lộc, bến đò Thượng Trụ, Thái Lão, Đình Võ Liệt, Ngã ba Nghèn …
Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh dẫu đã lùi xa, song vẫn vang mãi khí phách kiên cường cách mạng, lòng yêu nước tha thiết của nhân dân ta, trước vận mệnh đất nước lâm nguy "dù phải hy sinh tính mạng cũng sẵn sàng". Giá trị lịch sử truyền thống của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh hết sức to lớn và quí báu. Vì thế trách nhiệm của các thế hệ con cháu ngày nay không chỉ giữ gìn, bảo vệ mà phải phát huy những giá trị của nó để góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp đổi mới của Đảng, đưa cuộc sống hôm nay ngày càng tốt đẹp hơn.