Hãy nhận xét đánh giá về phong trào Nghệ Tĩnh(Quy mô, tính chất, mức độ khốc liệt, quan hệ công nông trong đấu tranh )
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Những năm 1930-1931 ở Việt Nam một cao trào đấu tranh quyết liệt của công nông cả nước mà đỉnh cao là phong trào ở Nghệ An và Hà Tĩnh do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã bùng nổ quyết liệt.
Đối với chỉnh phủ Pháp, cao trào này vừa bất ngờ, vừa mới lạ, vừa lan tràn nhanh chóng. Theo những báo cáo liên tiếp gửi về chính quốc của mật thám Pháp ở Đông Dương thì đây là một cao trào do Đảng lãnh đạo, vừa có tổ chức, vừa có phương pháp, có cơ sở nhân dân rộng rãi. Chính quyền thực dân ở Đông Dương đã cay đắng thú nhận rằng: “ từ khi nước Pháp đặt đô hộ trên đất nước này chưa bao giờ có một nguy cơ nào đe dọa an ninh nội bộ lớn hơn, thực sự hơn” (Báo cáo của RoBin ngày 1-6-1931. Nhận định và phản ứng của Pháp trước phong trào cộng sản 1930-1931. Nghiên cứu lịch sử. Số 4 1978, Tr 33). Trải qua kinh nghiệm nhiều năm và ở nhiều châu lục khác nhau trong quá trình xâm lược và nô dịch thuộc địa thực dân Pháp đã tự nhận định khá đúng và tỏ rõ sự hốt hoảng cực độ với một phong trào có tổ chức, có sự lãnh đạo và có cơ sở nhân dân rộng rãi trên phạm vi cả nước Việt Nam.
Cao trào đấu tranh của công nông toàn quốc những năm 1930-1931 được Quốc tế cộng sản chăm chú theo dõi tổng kết và đánh giá cao như là “ những hình thức chủ yếu của phong trào cách mạng dân tộc”(Biên bản hội nghị lần thứ 11 của BCH Quốc tế cộng sản. M 31. Tiếng Nga. Tr.437) Mở các nước thuộc địa và phụ thuộc, rằng nó đã “ giáng một đòn trực diện vào hệ thống đế quốc chủ nghĩa”, mở đầu cho một thời kỳ đấu tranh không khoan nhưọng giữa toàn thể nhân dân Đông Dương với bọn đế quốc xâm lược, rằng cao trào công nông toàn quốc 1930-1931 và Xô Viết Nghệ Tĩnh đã đóng góp “ những thành tích đặc biệt to lớn”( Biên bản hội nghị lần thứ 11 của BCH Quốc tế cộng sản. M 31. Tiếng Nga. Tr.437-438) về nhiều phương diện cho phong trào cộng sản, công nhân và giải phóng dân tộc trên thế giới. Chính vì vậy tại Hội nghị toàn thể lần thứ XI Ban chấp hành Quốc tế cộng sản họp đầu năm 1931 tại Matxcơva các đại biểu đã biểu quyết công nhân Đảng cộng sản Đông Dưong là một chi bộ dự bị, độc lập trực thuộc Quốc tế cộng sản và chủ trương phát động trên toàn thế giới một phong trào đấu tranh ủng hộ mọi mặt cho những người cách mạng Việt Nam vì “việc củng cố phong trào cộng sản ở ba nươc Phưong Đông… có một ý nghĩa cực kỳ to lớn đối với cuộc đấu tranh của nhân dân thuộc địa cho sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như đối với toàn bộ phong trào cộng sản quốc tế”( Biên bản hội nghị lần thứ 11 của BCH Quốc tế cộng sản. M 31. Tiếng Nga. Tr.72)
Phong trào đấu tranh của công nông toàn quốc những năm 1930-1931 nổ ra là kết quả của những mâu thuẫn không thể điều hòa được giữa toàn thể dân tộc Việt Nam trong đó chủ yếu là giữa công – nông với bọn thực dân Pháp xâm lược và mâu thuẫn giữa giai cấp nông dân với bọn địa chủ phong kiến, giữa giai cấp công dân với bọn tư sản. Các mâu thuẫn này vốn âm ỉ và các cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc đã diễn ra liên tiếp trong nhiều thập niên trước đó. Tuy nhiên chỉ đến năm 1930 khi Đảng cộng sản, đội tiên phong của giai cấp công nhân ra đời phong trào đấu tranh của công nông mới có những định hướng mới, có sắc thái, có quy mô mới và nổ ra như là một phản ứng dây chuyền thành một cao trào.
Phong trào công – nông toàn quốc thực sự bùng nổ từ tháng 2, thực sự rầm rộ vào tháng 5/1930. Phong trào phát triển lan tỏa từ Nam ra Bắc và đỉnh cao là phong trào Nghệ An và Hà Tĩnh ( Trung Kỳ) vào tháng 9/1930. Là ủy viên đoàn chủ tịch Hội đồng nông dân quốc tế chuyên trách theo dõi phong trào nông dân các thuộc địa toàn thế giới, trong một bức thư gửi Quốc tế Nông dân Nguyễn Ái Quốc nêu rõ “ở Nam kỳ mặc dầu bị đế quốc Pháp đàn áp đẫm máu nhưng nông dân 7 tỉnh ( Gia Định, Chợ Lớn, Vĩnh Long, Sa Đéc, Bến Tre, Thủ Dầu Một, Mỹ Tho) vẫn đấu tranh liên tiêp và anh dũng…phong trào lan sang Trung Kỳ bắt đầu bằng nhiều cuộc biểu tình chính trị lớn nổ ra trong ngày 1/8, tuy có chậm hơn các nơi nhưng ở đây phong trào rộng lớn và mãnh liệt…Mặc dù bị đàn áp dã man, phong trào vẫn tiếp tục phát triển: chứng cớ là nông dân ở Bắc Kỳ từ trước vẫn im lặng nay cũng bắt đầu đấu tranh (tỉnh Thái Bình, Hà Nam và Kiến An)”.
Như vậy có thể thấy cao trào 1930-1931 diễn ra ở cả nước, bắt đầu từ công nông Nam Kỳ lan ra Trung Kỳ và Bắc Kỳ mà đỉnh cao là cao trào công nông Nghệ Tĩnh vào tháng 9/1930. Phong trào ngày càng mạnh mẽ và quyết liệt.
Nghiên cứu cao trào công nông toàn quốc có thể rút ra mấy nhận xét bước đầu sau đây:
1. Phong trào bùng nổ và lan rộng khắp cả nước tương đối đồng đều ở cả ba kỳ mà đỉnh cao là phong trào ở Nghệ An và Hà Tĩnh với việc xuất hiện các “xã bộ nông” - một hình thức của chính quyền Xô Viết.
Khảo sát phong trào 1930-1931 ở cả nước cho đến nay chúng tôi thấy phong trào nổ ra ở cả ba kỳ - mở đầu là phong trào ở Nam Kỳ, trong đó mạnh mẽ nhất là phong trào công nông ở Sa Đéc, Cần Thơ, Thủ Dầu Một, Gía Định. Toàn Nam Kỳ đã có 14 tỉnh có phong trào nổi dậy của công nông với các hình thức đấu tranh và quy mô khác nhau. Phong trào lan sang Trung Kỳ và phát triển thành đỉnh cao cả về số lượng cuộc đấu tranh, quy mô, hình thức đấu tranh. Phong trào nổi lên không chỉ mạnh mẽ, quyết liệt ở Nghệ An, Hà Tĩnh mà còn nổ ra liên tục ở Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Nha Trang, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Thanh Hóa…hàng chục tỉnh phong trào công nông đã nổ ra trong đó ngoài phong trào Nghệ An, Hà Tĩnh thì đáng chú ý là cuộc đấu tranh bằng hình thức biểu tình có võ trang ở Quảng Ngãi. Đó là cuộc biểu tình ngày 8/10/1930 của 5000 huyện Đức Phổ phá huyện lỵ, treo cờ Đảng với nhiều khẩu hiệu chính trị quyết liệt phối hợp với phong trào Nghệ Tĩnh.
Phong trào ở Bắc kỳ tuy có muộn hơn song cũng nổ ra khá rầm rộ ở Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hải Phòng, Kiến An, Hà Nội, Vĩnh Phú, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Lạng Sơn trong đó đáng chú ý nhất là cuộc biểu tình của hàng nghìn nông dân thuộc 18 xã của hai huyện Duyên Hà và Tiên Hưng ngày 1/5/1930 và cuộc biểu tình có võ trang kéo lên huyện ngày 14/10/1930 của nông dân 3 làng Nho Lâm, Thanh Giám, Đông Cao (Thái Bình) với các khẩu hiệu chính trị ủng hộ Nghệ Tĩnh đỏ.
Rõ ràng là phong trào 1930-1931 nổ ra liên tục, đều khắp ở cả nước và trở thành một cao trào đấu tranh của công nông do Đảng lãnh đạo. Đã có 31 tỉnh trong cả nước có phong trào đấu tranh. Trong 262 cuộc đấu tranh thống kê được có tới 170 cuộc đấu tranh của nông dân. Chính phong trào cả nước đã hòa nhập, tạo đà cho phong trào Nghệ Tĩnh trong cao trào 1930-1931.
2. Hình thức và quy mô của các cuộc đấu tranh phong phú, đa dạng và quyết liệt.
Sự chín muồi trên phạm vi cả nước cho sự bùng nổ một cao trào đấu tranh rộng khắp chống đế quốc và chống phong kiến tương đối đồng đều cả về hình thức, phưong pháp đấu tranh. Từ hình thức ôn hòa như biểu tình đưa yêu sách, đòi giảm sưu, thuế, không được đưa lính Pháp đến đàn áp công nông phong trào đã tiến dần đến hình thức biểu tình có võ trang, bạo động, kết hợp hai lực lượng chính trị và võ trang, hai hình thức đấu tranh chính trị và võ trang, tiến công các đồn bổt, các công sở, các cấp với các yêu sách không chỉ kinh tế mà còn có các yêu sách chính trị rõ rệt trong đó nổi bật là khẩu hiệu chống đế quốc giành độc lập dân tộc và chống phong kiến giành ruộng đất cho dân cày. Các cuộc đấu tranh lúc đầu lẻ tẻ với quy mô làng, xóm, thôn đã tiến tới quy mô xã, tổng, huyện hoặc liên thôn, liên xã, liên huyện ở nhiều nơi. Hình thức đốt phá công sở, thủ tiêu ấn tín đã diễn ra ở nhiều nơi làm cho bộ máy của địch hoang mang cực độ. Số lượng cuộc đấu tranh ở cả 3 kỳ đều ngày càng tăng và đỉnh cao nhất của phong trào đạt được vào tháng 8, tháng 9 và tháng 10 năm 1930, sau đó giảm dần mà không bị dập tắt một lúc. Phong trào lùi dần và gần như lắng xuống vào tháng 6/1931 trên phạm vi toàn quốc.
3. Cao trào 1930-1931 và Xô Viết Nghệ Tĩnh là một cao trào đấu tranh của công nông do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo.
Khác với các cuộc đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp trước đó cao trào 1930-1931 đã có sự phối hợp đấu tranh của công nhân với nông dân trên phạm vi cả nước. Sự phối hợp này hoặc là trực tiếp như các cuộc đấu tranh của công nông ở Thủ Dầu Một, ở đồn điền cao su Phú Riềng, ở Vinh - Bến Thủy, ở Nam Định hoặc là sự phối hợp gián tiếp nhằm chia lửa, nhằm phối hợp hành động để dồn dập tấn công địch ở khắp nơi. Sự phối hợp này còn thể hiện khá rõ rệt trong các khẩu hiệu của các cuộc đấu tranh thể hiện không chỉ quyền lợi của bộ phận, của giai cấp mà của cả dân tộc. Phân tích diễn biến của cao trào cho phép chúng ta đi đến một kết luận là những nơi Đảng ta ra đời sớm và lực lượng đảng viên đông đảo thì phong trào phát triển sớm, phát triển nhanh và mạnh mẽ.
Theo báo cáo “ Sơ đồ sự hình thành các đảng phái chính trị ở Đông Dương từ 1917” thì khi thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (Hội nghị hợp nhất) lúc đó Đảng có 565 Đảng viên sinh hoạt trong 40 chi bộ. Nếu tách 300 đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện sinh hoạt trong các chi bộ ở Đông Dương thì Đảng viên người Việt lúc đó là 265 đảng viên, trong đó Tân Việt chiếm gần một nửa và hoạt động chủ yếu ở Trung Kỳ. Những nơi Đảng ra đời sớm, có Đảng viên hoạt động phong trào đấu tranh của công nông hầu hết là do Đảng lãnh đạo. Đảng đã tuyên truyền, giác ngộ lý tưỏng và tổ chức lãnh đạo các cuộc đấu tranh với đế quốc và phong kiến vì vậy khi đế quốc mở chiến dịch khủng bố trắng đàn áp khốc liệt phong trào Nghệ Tĩnh Đảng đã phát động một phong trào ủng hộ Nghệ Tĩnh đỏ trong toàn quốc. Phong trào đã nổ ra mạnh mẽ ở khắp nơi trên mọi địa bàn và mọi lĩnh vực. Sự lãnh đạo của Đảng cộng sản là nhân tố quyết định nhất cho sự bùng nổ phong trào công nông, liên kết phong trào công nông những năm 1930-1931.
Cao trào công nông 1930-1931 với đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh là một bản anh hùng ca mở đầu thời dựng Đảng. Trong cao trào này công nông đã vung ra nghị lực phi thường của mình thể hiện rõ tính quyết liệt với khí thế xung thiên của trận cuồng phong cách mạng chống đế quốc, chống phong kiến và cho dù còn phạm không ít sai lầm ấu trĩ tả khuynh của một đảng còn trẻ tuổi thì nó đã đi vào lịch sử hiện đại Việt Nam như là một cuộc tổng diễn tập đầu tiên cho thắng lợi của cách mạng. Nhiều bài học kinh nghiệm của nó giúp cho Đảng ta những năm tiếp theo và ngày nay vẫn còn cập nhật trong công cuộc đổi mới. Đó là bài học về sự khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, bài học về Đảng gắn bó máu thịt với nhân dân, phát huy năng lực cách mạng của quần chúng nhân dân, bài học về thời cơ cách mạng, bài học về liên minh công nông trong cách mạng Việt Nam.
Cao trào công nông 1930-1931 là cuộc nổi dậy của quần chúng do Đảng lãnh đạo. Nó khác tất cả các phong trào yêu nước trước đó là ở chỗ về nội dung nó thanh toán dứt khoát với các quan điểm cải lương tư sản trong việc lựa chọn con đường cứu nước. Nó kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ sống còn của cách mạng Việt Nam là chống đế quốc, chống phong kiến. Về động lực cao trào thể hiện rõ động lực là công nông, lôi kéo các tầng lớp nhân dân tham gia do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Qua cao trào này đã chứng minh được cuộc đấu tranh của vô sản Đông Dương đã chuyển từ tự phát sang tự giác, từ vì mình sang cho mình thông qua các yêu sách đấu tranh đòi quyền lợi bộ phận của giai cấp, tầng lớp tiến tới đòi quyền lợi cho cả dân tộc. Vế hình thức và phương pháp từ biểu tình ôn hòa đưa yêu sách kinh tế tiến lên biểu tình có vũ trang bạo động với các yêu sách chính trị, khẳng định tính tất yếu của con đường cách mạng bạo lực trong cuộc đấu tranh cho hòa bình, độc lập, dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Ngày nay, trong công cuộc đổi mới vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh các thế lực chống cộng, chống đảng đang từ những diễn biến lịch sử cụ thể mưu toan phủ nhận nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, phủ nhận đấu tranh giai cấp, phủ nhận cách mạng bạo lực mà lộ trình tất yếu là đến cái đích xóa bỏ con đường tiến đến chủ nghĩa xã hội. Những bài học của cao trào 1930-1931 và Xô Viết Nghệ Tĩnh chẳng những không mất đi mà mãi mãi tỏa sáng trên mỗi chặng đường đi lên của dân tộc ta.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |