a.
Với mỗi người, ai cũng có một làng quê - nơi cất tiếng khóc chào đời, một mảnh đất gắn với bao niềm thương nỗi nhớ. Và làng quê ấy đã đi vào thơ Tế Hanh một cách thuần hậu, mộc mạc với những người dân quê chân thật, chất phác. Ông được mệnh danh là nhà thơ của làng quê Việt Nam với rất nhiều sáng tác đã đi vào tâm thức người đọc .
Ông tên thật là Trần Tế Hanh, sinh ngày 20/6//1921 tại thôn Đông Yên, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Tham gia cách mạng từ tháng 8-1945, Tế Hanh đã trải qua các công tác văn hoá, giáo dục ở Huế, Đà Nẵng. Năm 1948, ông ở trong Ban phụ trách Liên đoàn kháng chiến Nam Trung Bộ; Uỷ viên Thường vụ cho Hội Văn nghệ Trung ương. Năm 1957 khi thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, ông là Uỷ viên Thường vụ Hội khóa I, II, Uỷ viên Thường vụ Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (1963), ông tham gia nhiều khóa Ban chấp hành Hội Nhà văn, giữ các chức vụ: Trưởng ban đối ngoại (1968), Chủ tịch Hội đồng dịch (1983), Chủ tịch Hội đồng thơ (1986).
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông để lại nhiều tập thơ có giá trị như: Hoa niên (1945); Hoa mùa thi (1948); Nhân dân một lòng (1953); Bài thơ tháng bảy (1961); Hai nửa yêu thương (1963); Khúc ca mới (1966); Đi suốt bài ca (1970); Câu chuyện què hương (1973); Theo nhịp tháng ngày (1974); Giữa những ngày xuân (1977); Con đường và dòng sông (1980); Bài ca sự sống (1985); Tế Hanh tuyển tập (1987)….. Ngoài ra ông còn xuất bản các tập tiểu luận, và nhiều tập thơ viết cho thiếu nhi. Ông cũng đã xuất bản nhiều tập thơ dịch của các nhà thơ lớn trên thế giới.
Làng quê của Tế Hanh là một vùng sông nước nằm ven bờ hạ lưu sông Trà Bồng, con sông đã "tắm mát” đời ông. Đó là thi liệu, là mạch nguồn cảm hứng dạt dào vô tận để ông viết lên những bài thơ nổi tiếng về sông nước quê hương như: Quê hương, Nhớ con sông quê hương, Trở lại con sông quê hương, Bài thơ mới về con sông xưa ... Trong đó, bài thơ được giới thiệu trong chương trình Ngữ văn 8 là Quê hương, in trong tập Hoa niên 1945 là một trong số những bài thơ xuất sắc của Tế Hanh. Bài thơ được sáng tác khi tác giả mới tròn mười tám tuổi, đang theo học trung học ở Huế. Bài thơ là nỗi nhớ, là tình yêu nồng nàn đối với quê hương. Tám câu đầu là hình ảnh làng chài và dân chài ra khơi, tám câu tiếp theo là cảnh thuyền cá về bến, cuối cùng tác giả bộc lộ tình cảm của mình dành cho quê hương ở những dòng thơ cuối.
Bài thơ là tiếng nói, tiếng lòng của một người con xa quê. Trong bức tranh ấy, làng chài ven biển hiện lên tươi sáng, đẹp đẽ, sống động với những người dân lao động khỏe khoắn và vui tươi trong việc của mình. Về mặt nghệ thuật, bài thơ có sự kết hợp hài hòa giữa miêu tả và biểu cảm. Nếu như miêu tả được thể hiện ở hệ thống hình ảnh, từ ngữ phong phú, gợi hình, với một loạt các nghệ thuật so sánh, nhân hóa, ẩn dụ... đã góp phần tái hiện một bức tranh rộng lớn về làng chài ven sông.
Có thể nói, bài thơ Quê hương tiêu biểu cho hồn thơ mang nặng lòng với mảnh đất quê hương ông, như nhận xét của Hoài Thanh, Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam: “Tế Hanh là một người tinh lắm. Tế Hanh đã ghi được đôi nét rất thần tình về cảnh sinh hoạt chốn quê hương. Người nghe thấy cả những điều không hình sắc, không thanh âm như mảnh hồn làng, trên cánh buồm giương, như tiếng hát của hương đồng quyến rũ con đường quê nho nhỏ.”