Sau 175 năm tồn tại, nhà Trần vốn thịnh trị và nổi danh với nhiều những đấng minh quân tài giỏi và triều thần kiệt xuất, cuối cùng cũng đi và cơn bĩ cực, chịu cảnh diệt vong do vua quan thất đức, bất tài. Nhân cảnh đó một viên quan lớn trong triều là Hồ Quý Ly đã nhân cái chết của Trần Duệ Tông, nổi lên nắm giữ hoàn toàn triều chính, cuối cùng tiếm ngôi nhà Trần lập ra nước Đại Ngu. Tuy tài giỏi, có tham vọng, nhưng Hồ Quý Ly lên ngôi bất chính, vua tôi không đồng lòng, nhân dân còn nhiều dị nghị, thế nên căn cơ không vững, đứng trước âm mưu xâm lược của giặc Minh liền nhanh chóng sụp đổ. Tuy rằng chỉ tồn tại trong một giai đoạn ngắn ngủi từ năm 1401 - 1407, thế nhưng bản thân Hồ Quý Ly, cũng như nhà Hồ đã để lại cho lịch sử một công trình kiến trúc vô cùng có giá trị ấy là thành nhà Hồ, biểu trưng cho một thời đại có nhiều biến động trong ngàn năm văn hiến của dân tộc.
Thành nhà Hồ hay còn có các tên gọi khác là thành Tây Đô, thành Tây Kinh, thành Tây Giai, thành An Tôn, vốn là kinh đô của nước Đại Ngu (quốc hiệu nước ta dưới thời Hồ Quý Ly), trong một khoảng thời gian gần 7 năm. Tuy nhiên sau đó, nhà Hồ sụp đổ, tòa thành không còn được sử dụng với mục đích này nữa. Hiện tại di tích này đang nằm trên địa phận 2 xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam, cách trung tâm thành phố khoảng 45 km. Tuy chỉ được xây dựng trong một khoảng thời gian ngắn ngủi 3 tháng dưới sự chỉ đạo của Hồ Quý Ly vào khoảng đầu năm 1397, dưới thời vua Thuận Tông, để phục vụ mục đích chính trị của họ Hồ, thế nhưng công trình này đã tồn tại hơn 6 thế kỷ, mà cho đến nay một số đoạn thành vẫn còn giữ nguyên kiến trúc cũ. Nhờ sở hữu kiến trúc bằng đá độc đáo cũng như quy mô lớn, sự vững chãi kiên cố theo thời gian, thành nhà Hồ đã trở thành di tích thành cổ bằng đá hiếm hoi còn sót lại ở Việt Nam, cũng như ở Đông Nam Á và trên toàn thế giới, có giá trị lịch sử và văn hóa vô cùng sâu sắc. Năm 2011 thành nhà Hồ đã vinh dự được UNESCO công nhận là di tích văn hóa thế giới, đồng thời được thủ tướng chính phủ xem xét là 1 trong 62 di tích đặc biệt cấp quốc gia, cần phải bảo tồn chặt chẽ.
Về đặc điểm, thành nhà Hồ có kiến trúc bằng đá tảng độc đáo, theo như tiêu chí của UNESCO thì thành nhà Hồ đã "Trở thành ví dụ nổi bật về một loại hình công trình, một quần thể kiến trúc, kỹ thuật hoặc cảnh quan minh họa được giá trị của một (hoặc nhiều) giai đoạn trong lịch sử nhân loại". Được đánh giá cao về mặt thiết kế, cũng như các kỹ thuật xây dựng tinh tế, khéo léo, gắn liền với sự nghiệp cải cách táo bạo, toàn diện của Hồ Quý Ly và vương triều nhà Hồ. Có thể nhận thấy rằng, thành Tây Đô được dựng ở Thanh Hóa, không phải là một vị trí có địa thế thuận lợi "rồng cuộn hổ ngồi" như kinh thành Thăng Long, thế nhưng về chính trị, quân sự lại là nơi phòng ngự, tấn công tốt, thích hợp cho việc chuẩn bị các thay đổi giữa hai triều đại. Với địa thế sông nước bao quanh, núi non hiểm trở, duy ác, cũng như các công trình thành khác, thành nhà Hồ gồm hai phần chính, thành ngoại còn gọi là La thành, đóng vai trò bảo vệ được đắp bằng 10.000 khối đất, lại trồng thêm tre gai dày đặc, bên trong gồm những hào rộng gần 50m, giúp ngăn chặn sự tấn công bất ngờ của kẻ địch. Phần nội thành về quy mô, toàn bộ khu vực thành có hình dáng gần như vuông, mỗi cạnh dài xấp xỉ 860m, tọa lạc trên một khoảng đất có chu vi 3,5km. Phần chân thành dày tầm 20m, với bốn cửa theo 4 hướng đông, tây, nam, bắc, mỗi cổng cao tầm 10m. Nói rằng thành nhà Hồ có kết cấu đặc biệt bởi lẽ mặt bên ngoài thành được ghép bằng những khối đá tảng lớn kích thước 2x1x0,7m, bên trong tiến hành đắp bằng đất. Các cổng được xây dựng theo hình cuốn vòm, các khối đá tảng vuông vức được xếp sít nhau theo hình múi bưởi, vô cùng chắc chắn, mà theo các nghiên cứu hiện nay cách xây dựng này rất khoa học, giúp thành chống đỡ được những cơn rung chấn mạnh ví như động đất. Chính vì thế cho đến ngày hôm nay sau hơn 600 năm, trải qua nhiều cuộc bể dâu bom đạn, dù phần ngoại thành, các công điện kiến trúc bên trong đã bị phá hủy gần hết, thì riêng phần tường thành bằng đá, với lối kiến trúc "múi bưởi" này vẫn trường tồn cùng năm tháng. Thêm một chi tiết quan trọng nữa ấy là dù không hề sử dụng bất kỳ chất kết dính nào thế nhưng các phiến đá vôi màu xanh này vẫn liên kết với nhau một cách chặt chẽ, không hề suy chuyển trong ngần ấy thời gian. Đặc biệt với sức người và các kỹ thuật xây dựng thô sơ thời trung đại, việc đẽo gọt chạm khắc tỉ mỉ từng phiến đá nặng tới hàng chục tấn, cộng với việc đưa nó lên những độ cao vài mét rồi xếp thành hình "múi bưởi" quả là một thách thức cơ học lớn. Cũng đem đến cho các nhà nghiên cứu lịch sử, nhà khảo cổ học cũng như các nhà kiến trúc nhiều suy đoán và câu hỏi xung quanh vấn đề này. Đồng thời bản thân tôi cũng có chút liên tưởng, so sánh về cách xây dựng thành nhà Hồ với việc xây dựng các Kim tự tháp của người Ai Cập cổ đại. Thật rất đáng ngưỡng mộ và thán phục kỹ thuật xây dựng của con người trong lịch sử. Cuối cùng ngoài những phần tường đá còn sót lại nguyên vẹn cho đến ngày hôm nay thì hầu như các kiến trúc khác như Điện Hoàng Nguyên, Cung Diên Thọ (chỗ ở của Hồ Quý Ly), Đông cung, Tây Thái Miếu, Đông Thái Miếu,... đều đã bị phá hủy chỉ còn sót lại đền Nam Giao được xây bằng đá nằm ở phía trong nội thành.
Thành nhà Hồ tồn tại cho đến ngày hôm nay được đánh giá là một trong những di tích lịch sử quan trọng lưu giữ nhiều những giá trị cả về mặt văn hóa lẫn kiến trúc thời trung đại. Cũng đồng thời là một chứng tích lịch sự quan trọng đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc, một giai đoạn có nhiều biến động. Khi nhà Hồ lên nắm ngôi đã mang đến nhiều cải cách táo bạo và toàn diện về mọi mặt, tuy nhiên việc tiếm quyền bất chính đã khiến triều đại này nhanh chóng sụp đổ, để lại bài học lịch sử sâu sắc cho các thế hệ quân vương thời kỳ sau này. Tuy có thời gian tồn tại ngắn ngủi 7 năm thế nhưng vương triều nhà Hồ vẫn để lại trong lịch sử dân tộc nhiều dấu ấn quan trọng, đặc biệt là ý thức giữ gìn độc lập của dân tộc thông qua việc xây dựng một công trình kiến trúc độc đáo, vững chắc có nhiều giá trị quan trọng trong công cuộc chống quân xâm lược, phát triển kinh tế văn hóa chính trị trong suốt triều đại nhà Hậu Lê tại miền Trung.
Thành nhà Hồ là một công trình kiến trúc lịch sử độc đáo, cần được bảo tồn và giữ gìn một cách nghiêm túc, chặt chẽ. Nếu ai đã có dịp ghé thăm vùng đất Thanh Hóa, thì đừng tiếc chi một lần đến chiêm ngưỡng thành tựu kiến trúc bằng đá hiếm hoi may mắn còn sót lại này, để hiểu thêm về lịch sử cũng như nền văn hóa phong phú muôn màu của dân tộc Việt Nam ta nhé các bạn.