Học tập là công việc vô cùng cần thiết và quan trọng đối với mỗi con người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Học tập không những mang lại kiến thức về khoa học - kỹ thuật mà còn là tiền đề giúp mỗi người có hiểu biết về đời sống văn hóa, cách ứng xử trong gia đình, nhà trường và xã hội, về đất nước, về tự nhiên, xã hội, về thế giới đang sống. Học tập sẽ giúp con người có tri thức, có văn hóa, có tương lai, công dân có ích cho gia đình, Tổ quốc.
Quyền và nghĩa vụ học tập là một trong các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Công dân có quyền học văn hóa và học nghề bằng nhiều hình thức khác nhau: học tập trung, học không tập trung, học chính quy, học không chính quy tại chức, chuyên tu, bổ túc, học ban ngày hoặc học buổi tối. Nhà nước có các chủ trương, biện pháp thích hợp để thực hiện nguyên tắc ai cũng được học hành. Vì vậy, ở nước ta, mọi công dân đều có quyền học tập từ thấp đến cao, từ bậc tiểu học đến trung học, đại học và sau đại học, có thể học bất kì ngành nghề nào, bằng nhiều hình thức và có thể học suốt đời.
Mọi công dân có thể được học trước tuổi, vượt tuổi, học vượt lớp, học rút ngắn thời gian so với quy định chung, học lưu ban theo quy định. Trong những trường hợp cụ thể do phát triển sớm về trí tuệ thì học sinh có thể học trước tuổi, học vượt lớp, nhưng phải được các cấp có thẩm quyền, nhà trường đồng ý theo các trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
Mọi công dân trong độ tuổi quy định đều có nghĩa vụ học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập. Điều đó có nghĩa là, trẻ em trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ bắt buộc phải học, trước hết là học xong chương trình tiểu học, thực hiện phổ cập trung học cơ sở. Công dân có quyền được học tập và có bổn phận, nghĩa vụ học hết chương trình giáo dục phổ cập. Trẻ em trong độ tuổi 6 đến 14 có nghĩa vụ phải học xong tiểu học. Tuổi của học sinh vào học lớp 1 là 6 tuổi.
Luật Giáo dục có quy định về quyền và nghĩa vụ học tập của công dân. Theo đó, mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập. Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo điều kiện để ai cũng được học hành.
Nhà nước và cộng đồng giúp đỡ để người nghèo được học tập, tạo điều kiện để những người có năng khiếu phát triển tài năng. Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho con em dân tộc thiểu số, con em gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, người tàn tật, khuyết tật và đối tượng được hưởng chính sách xã hội khác thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập của mình.
Thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập có ý nghĩa lớn lao đối với mọi người, mỗi gia đình và toàn xã hội, là cơ sở để nâng cao dân trí, có nhiều lao động chuyên môn giỏi, tay nghề cao, tạo ra lao động có năng suất, chất lượng và hiệu quả, cuộc sống của mỗi người ngày càng ấm no, hạnh phúc, xã hội phát triển văn minh.