Cuộc cải cách hành chính (CCHC) dưới triều vua Lê Thánh Tông (1460-1497) diễn ra trong bối cảnh đất nước sau một thời gian dài chiến tranh, khủng hoảng, bộ máy hành chính nhà nước yếu kém về nhiều mặt. Sau chiến tranh, bộ máy hành chính nhà nước thường do các quan võ nắm giữ, tổ chức lỏng lẻo, không thống nhất, hoạt động phân tán, kém hiệu quả. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, ông đã kiên quyết thực hiện CCHC, coi đó là điều kiện tiên quyết để đất nước phát triển và thực hiện các cải cách khác.
Đã xây dựng được chế độ quân chủ trung ương tập quyền mạnh, quyền lực trong nước thuộc về nhà vua. Vua có quyền tối cao trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Vua nắm trong tay quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và cả quyền thống lĩnh quân đội. Vua là biểu tượng của uy quyền tối thượng và toàn năng đối với các thần dân. Nhà nước được tổ chức thành một hệ thống thống nhất từ trung ương đến địa phương. Trong bộ máy ấy vai trò của nhà nước trung ương rất lớn, có sức chi phối mạnh mẽ tới bộ máy chính quyền ở các địa phương. Vua Lê Thánh Tông đã chú trọng xây dựng bộ máy hành chính nhà nước gọn nhẹ, được tổ chức chặt chẽ thành một guồng máy vận hành thống nhất từ trung ương đến địa phương. Trong hệ thống bộ máy hành chính nhà nước, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan được phân định cụ thể, không có hiện tượng dẫm đạp lên chức năng, nhiệm vụ của nhau, không có hiện tượng có tổ chức mà không có chức năng, nhiệm vụ rõ ràng. Quan tâm xây dựng đội ngũ quan lại hiền tài, trung thành với triều chính, coi đó là yếu tố quan trọng nhất để CCHC thành công. Để có được đội ngũ quan lại như vậy, ông đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau, như chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nhân tài; tuyển chọn, tiến cử quan lại; xây dựng bộ máy kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật khách quan, công bằng; đấu tranh không khoan nhượng với tệ nạn bè phái, hối lộ, tham nhũng...
Thực hiện nguyên tắc "trên dưới liên kết hiệp đồng, trong ngoài kiềm chế lẫn nhau" trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Dưới triều vua Lê Thánh Tông, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ hỗ trợ, giám sát lẫn nhau giữa các bộ, khoa, tự, giữa trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, trình tự, quy chế làm việc được phân định cụ thể, rành mạch. Trong "Hiệu định quan chế" năm 1471, vua Lê Thánh Tông đã dụ rằng: mục đích hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước là nhằm "trên dưới liên kết hiệp đồng", "quan to, quan nhỏ ràng buộc với nhau, chức trọng, chức khinh cùng kiềm chế lẫn nhau". Quan lại trong triều và các cấp hành chính hiệp đồng, kiềm chế lẫn nhau trong một tập thể liên đới trách nhiệm, đứng đầu là các trưởng quan trước nhà vua. Nguyên tắc này dưới triều ông được thực hiện ở tất cả các cấp hành chính: triều đình trung ương, lục bộ, các cơ quan chuyên trách và ở tất cả các cấp hành chính địa phương.
Thực hiện nguyên tắc "chức vụ và trách nhiệm nghiêm minh, quyền lợi và nghĩa vụ tương xứng". Nguyên tắc này bắt nguồn từ thuyết "chính danh" của Nho gia. Vật nào cũng vậy, cái "tên" phải xứng với cái "thực" của nó, chức vụ luôn đi cùng với trách nhiệm, quyền lợi luôn đi cùng với nghĩa vụ.Chức vụ và trách nhiệm nghiêm minh, quyền lợi và nghĩa vụ tương xứng là nguyên tắc được vua Lê Thánh Tông rất coi trọng. Ông đã vận dụng nguyên tắc này trong việc tổ chức, điều hành bộ máy hành chính nhà nước, đặt ra các quy định cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi đối với từng quan lại. Mỗi chức quan đều có quyền hạn và nghĩa vụ cụ thể. Ngoài chức tước, quan lại còn được quy định theo phẩm hàm, từ nhất phẩm đến cửu phẩm, mỗi phẩm hàm lại phân chia thành các trật chánh và tòng cụ thể. Nếu nguyên tắc "chức vụ và trách nhiệm nghiêm minh" nhằm giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, ngăn tiếm quyền và lạm quyền thì nguyên tắc "quyền lợi và nghĩa vụ tương xứng" là để khuyến khích, động viên quan lại. Thực tế cho thấy, nếu quan lại nào làm tốt một việc, thì sẽ được ban thưởng, ngược lại, sẽ bị phạt.
Kết hợp "đức trị" và "pháp trị" trong quản lý nhà nước. Nghệ thuật cai trị của vua Lê Thánh Tông là sự kết hợp hài hòa giữa đức trị và pháp trị. Trong khi coi "pháp luật là phép công của nhà nước, ta cùng các ngươi đều phải tuân theo", thì đồng thời ông cũng nói: Người ta khác với loài cầm thú là vì có lễ để làm khuôn phép giữ gìn". Ông dùng pháp luật để bảo vệ thuần phong mỹ tục và dùng thuần phong mỹ tục để đưa con người hướng về chữ nhân, chữ nghĩa, biết phục tùng và sống theo pháp luật. Dùng đức - hình kết hợp để trị nước, ông đã tìm thấy được hiệu quả trong phương thức cai trị "đức chủ - hình bổ". Ông yêu cầu đội ngũ quan lại phải "lấy chữ lễ, nghĩa, liêm, sĩ mà dạy dân, khiến cho dân hướng về chữ nhân, chữ nhường, bỏ hết lòng gian phi, để cho dân được an cư, lạc nghiệp, giàu có và đông đúc". Không chỉ răn dạy quan lại, bản thân ông cũng là tấm gương về đạo đức cho đội ngũ quan lại và thần dân noi theo. Tuy làm vua nhưng ông luôn tự khép mình theo kỷ cương phép nước, không cho phép mình đứng trên pháp luật, làm trái pháp luật.
Quản lý nhà nước bằng pháp luật, đề cao pháp luật. Vua Lê Thánh Tông luôn đề cao vai trò của pháp luật, chú trọng xây dựng và thực hiện pháp luật. Ông cho rằng: "Trị nước phải có pháp luật, không có pháp luật thì sẽ loạn. Đặt ra pháp luật là trên để răn dạy quan lại, dưới là để dân chúng trăm họ biết mà thực hiện. Mọi rối loạn đều bắt đầu từ sự rối loạn kỷ cương".
Chính vì thấy được vai trò to lớn của pháp luật mà ông đã dành nhiều thời gian xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, cụ thể. Dưới triều vua Lê Thánh Tông có Bộ luật Hồng Đức nổi tiếng. Ngoài các bộ tổng luật, ông còn ban hành nhiều sắc chỉ về các quy định kiện tụng, tuyển dụng, kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật đội ngũ quan lại...Luật pháp dưới triều của ông được ban hành đầy đủ, chi tiết, cụ thể nên mọi quan lại, thần dân đều dễ hiểu, dễ áp dụng, kẻ xấu khó có cơ hội để "lách luật". Căn cứ vào các văn bản luật, ông kiểm tra, giám sát, khen thưởng và xử phạt quan lại chính xác, hiệu quả.
Thực hiện tuyển chọn quan lại công khai, minh bạch. Vua Lê Thánh Tông hiểu rằng: "Trăm quan là nguồn gốc của trị, loạn"; nước thịnh hay suy đều do "vua hiền - tôi sáng" quyết định. Để tuyển chọn được đội ngũ quan lại hiền tài, ông đã thực hiện tuyển chọn quan lại chủ yếu bằng hình thức khoa cử. Các kỳ thi được tổ chức đều đặn, đối tượng dự thi mở rộng đến tất cả mọi tầng lớp nhân dân. Chế độ thi cử được đảm bảo bằng các quy chế thi, kỷ luật phòng thi và cả chế độ chấm thi nghiêm túc. Ngoài hình thức khoa cử là chủ yếu, ông còn tuyển chọn quan lại bằng hình thức tiến cử công khai nhằm khai thác những khả năng tiềm tàng, không để sót những người hiền tài trong dân chúng mà vì lý do nào đó không thể tham gia các kỳ thi. Ông khuyến khích quan lại tiến cử người hiền tài để triều đình xem xét, tuyển chọn. Người được tuyển chọn phải trải qua một thời gian làm "thí quan". Nếu làm tốt họ sẽ được bổ nhiệm làm chính quan, ngược lại nếu làm không tốt họ sẽ bị bãi miễn. Để tránh việc "tiến cử bừa" để tham nhũng và tạo lập phe cánh, ông quy định, nếu quan lại nào tiến cử đúng người tài giỏi thì được triều đình khen thưởng, ngược lại thì bị phạt rất nặng. Bằng con đường khoa cử và tiến cử minh bạch, công bằng, ông đã lựa chọn được những quan lại hiền tài, tránh được căn bệnh "chạy chức chạy quyền", "mua quan bán chức". Những quan lại được tuyển chọn minh bạch, bằng đúng tài đức của mình, không phải mất "chi phí đầu tư" để có chức này, chức nọ.
Tăng cường kiểm tra, giám sát quan lại. Cơ chế kiểm tra, giám sát quan lại dưới triều vua Lê Thánh Tông có thể chia làm hai nhóm: cơ chế tự kiểm tra, giám sát quan lại của mỗi hệ thống và cơ chế kiểm tra, giám sát quan lại từ bên ngoài hệ thống. Vì vậy, bộ máy kiểm tra, giám sát có khả năng kiểm tra, giám sát được toàn bộ hệ thống quyền lực nhà nước. Bộ máy kiểm tra, giám sát ấy không là bộ phận hợp thành bên trong của hệ thống quyền lực đang cần phải kiểm tra, giám sát mà nó đứng bên ngoài để kiểm tra, giám sát. Bộ máy kiểm tra, giám sát đó có tính độc lập cao, vì vậy việc kiểm tra, giám sát đảm bảo được yêu cầu khách quan. Các cơ quan kiểm tra, giám sát dưới triều của ông có quyền hành rất lớn, cơ chế hoạt động tương đối độc lập, không chịu bất cứ một sức ép nào, kể cả trong quá trình điều tra, xét xử và trong quá trình khảo khoá quan lại. Quyền hành rộng rãi và tính độc lập này đã tạo uy quyền thực sự cho các quan ngự sử, giúp họ đánh giá, xét xử quan lại khách quan, đúng với công, tội.
Dưới triều của ông, việc kiểm tra, giám sát quan lại được tổ chức thường xuyên và nhiều khi rất linh hoạt. Bộ máy kiểm tra, giám sát thường xuyên do các cơ quan chức năng như Ngự sử đài, Đô sát viện, Bộ hình, Lục tự... thực hiện. Khi ở một địa phương nào đó có tham nhũng hay những "vấn đề nóng" ông phái ngay những đoàn "Kinh lược đại sứ" của triều đình đến để xem xét, giải quyết. Những người dẫn đầu các đoàn "Kinh lược đại sứ" này đều là những người có uy tín, thường là rất công minh và nghiêm khắc. Không chỉ kiểm tra, giám sát từ "bên ngoài", mà còn có nhiều giải pháp để kiểm tra, giám sát từ "bên trong" tổ chức. Việc phát hiện những quan lại thanh liêm để khen thưởng và những quan lại tham nhũng, hối lộ để trừng trị không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm của các cơ quan hành chính các cấp. Những vụ án hối lộ, tham nhũng không chỉ do Ngự sử đài, Lục khoa, Đô sát viện... phát hiện, mà cơ quan hành chính các cấp như Lục bộ, Lục tự, các thừa tuyên, tỉnh, huyện... luôn có vai trò quan trọng. Chế độ "khảo thí" và "khảo khoá" quan lại định kỳ, nghiêm túc cũng là cách để kiểm tra, giám sát có hiệu quả từ "bên trong" tổ chức.
Thực hiện mở rộng diện và đối tượng áp dụng chế độ "hồi tỵ". Chế độ "hồi tỵ" được vua Lê Thánh Tông ban hành và thực hiện nghiêm túc đã mang lại những kết quả nhất định. Ông thực hiện chế độ này với mục đích đề phòng quan lại gây bè, kéo cánh, đem tình cảm riêng câu kết với nhau để thực hiện hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật.
Có thể thấy những quy định về chế độ "hồi tỵ" trong các văn bản luật và các chiếu chỉ dưới triều vua Lê Thánh Tông. Trong Bộ luật Hồng Đức, triều đình quy định những điều khoản phải "hồi tỵ": cha con, thầy trò, anh em, vợ chồng, thông gia... không được làm quan cùng một chỗ, không được tổ chức thi cùng một nơi. Để chế độ "hồi tỵ" được thực hiện nghiêm chỉnh, nhiều quy định cụ thể đã được đặt ra để răn đe, xử phạt những quan lại vi phạm các quy định về chế độ "hồi tỵ". Những quy định trong chế độ "hồi tỵ" được áp dụng rất cụ thể, đối tượng, phạm vi áp dụng rộng, chế tài áp dụng nghiêm khắc đã góp phần làm cho bộ máy nhà nước được củng cố, tránh được tình trạng cục bộ, bè phái, quan lại câu kết với nhau trong những vấn đề nhạy cảm của nền hành chính, như tuyển dụng, khen thưởng, đề bạt, thực hiện tham nhũng...
Trong khi tiến hành CCHC, vua Lê Thánh Tông đều rất kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, coi đó là điều kiện không thể thiếu để cải cách thành công. Xác định tham nhũng là loại tội phạm nghiêm trọng, nguy hiểm, gây tác hại về nhiều mặt cho xã hội nên các ông đã tìm mọi biện pháp để loại bỏ tệ nạn này. Vua Lê Thánh Tông đã từng nói với các quan đại thần trong triều rằng: "Làm quan mà tham nhũng thì dân ai oán, đem khí dữ trái khí hoà, mối tệ này phải kiên quyết loại bỏ". Để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, vua Lê Thánh Tông đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, lấy việc xử phạt nghiêm khắc những quan lại tham nhũng là một trong những biện pháp quan trọng. Ông trừng trị quan lại tham nhũng không câu nệ vào vị thế của người phạm tội, bất kể họ là những người thân cận, các quan đầu triều hay con cháu trong hoàng tộc. Trong hầu hết các trường hợp tham nhũng, dù là thường dân hay quan lại cấp cao của triều đình, đều bị xử phạt rất nghiêm theo pháp luật.
CCHC dưới triều vua Lê Thánh Tông tương đối toàn diện và đã mang lại sự hưng thịnh cho đất nước lúc bấy giờ, tình hình chính trị - xã hội ổn định, kinh tế đất nước phát triển, dân trí được nâng cao, năng lực quốc phòng được tăng cường, chế độ quân chủ trung ương tập quyền được củng cố, bộ máy hành chính nhà nước trong sạch, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn trước.