hãy viết một bài văn nghị luận về tinh thần đoàn kết của dân tộc ta trong việc phòng chống dịch bệnh Covid-19
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Nhờ sự huy động kịp thời, sự vào cuộc quyết liệt, không một phút chần chừ của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, đồng thuận, chung sức của nhân dân, việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh đã diễn ra ở quy mô chưa có tiền lệ và đạt được những kết quả thắng lợi bước đầu. Chiến thắng bước đầu này là chiến thắng của cả một quốc gia đoàn kết...
Gần 4 tỷ người, tức 1/2 nhân loại không được bước ra khỏi đường vì một loại virus nhỏ bé, vô hình. Chưa bao giờ hai từ “Đoàn kết” lại được nhắc đến nhiều như vậy bởi những nhà lãnh đạo các quốc gia, tổ chức quốc tế trong bối cảnh “cơn sóng thần” COVID-19 khiến toàn cầu chao đảo. Virus SARS-CoV-2, mà giới khoa học ngậm ngùi: “chúng ta chỉ biết rất ít về nó”, các chính trị gia gọi đó là “kẻ thù vô hình”, đã đặt các quốc gia vào tình trạng khẩn cấp như thời chiến với những mối đe dọa về sức khỏe, tính mạng và gây nên khủng hoảng đời sống, kinh tế toàn cầu nghiêm trọng. Vì không nhìn thấy “kẻ thù” bằng mắt thường, vũ khí chiến đấu của con người lúc này chỉ có thể là sự sáng suốt, bình tĩnh, ý chí, nhận thức và tinh thần đoàn kết. Để có thêm thời gian trong cuộc chạy đua tốc độ với virus, để chiến đấu lâu dài, hạn chế tình trạng lây lan, giảm thiểu bệnh nhân và đưa cuộc sống trở lại bình thường sớm nhất có thể.
CHIẾN THẮNG BƯỚC ĐẦU CỦA MỘT QUỐC GIA ĐOÀN KẾT
Sau 3 tháng rung lắc, sang chấn, các quốc gia dù phản ứng nhanh hay chậm cũng đã vào cuộc để bảo vệ công dân của mình, giảm tốc độ lây nhiễm, chữa trị các ca bệnh Nhiều nước đóng cửa biên giới. Những cái bắt tay, ôm hôn đang phải ghìm giữ. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo này, chúng ta được thấy một Việt Nam tuyệt vời, quả cảm, phát huy sức mạnh tổng hợp với những phẩm chất, căn tính tốt đẹp ngàn đời là tinh thần đoàn kết, bao dung, sự chia sẻ và sống có nghĩa có tình.
Dalia Research là một công ty truyền thông có trụ sở tại Berlin (Đức) có khả năng xỷ lý 1 tỷ câu trả lời trên hơn 150 nước trong 1 tháng. Cuối tháng 3, công ty này đã đưa ra kết quả khảo sát quy mô từ khi COVID-19 bùng phát. Câu hỏi đặt ra là: “Người dân đánh giá phản ứng của Chính phủ nước mình với COVID-19 ra sao”? 32.631 người tại 45 quốc gia đã đưa ra ý kiến. 62% người Việt được Daila hỏi đã cho rằng Chính phủ Việt Nam đã hành động “đúng mức” (right amount). Việt Nam được đứng ở cuối bảng, nghĩa là chỉ số niềm tin này cao nhất thế giới trong bảng nghiên cứu. (Thái Lan đứng đầu bảng với 79% người Thái nghĩ rằng chính phủ Thái đã làm quá ít).
Theo điều tra của Viện Dư luận và Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương với 21.277 lượt người tham gia trả lời, có 85% người dân hoàn toàn tin tưởng Việt Nam sẽ khống chế, dập tắt dịch COVID-19.
Niềm tin lúc này là một thứ tài sản vô cùng quý báu, bởi nó là nguồn lực và sức mạnh. Niềm tin cũng là minh chứng cho kết quả của sự đồng thuận xã hội, đoàn kết dân tộc, đồng lòng, chung sức trong cuộc chiến chống đại dịch.
Việt Nam không phải là quốc gia mạnh nhất thế giới nhưng trong cuộc chiến chống COVID-19, Việt Nam có được niềm tin cao nhất của nhân dân. Bởi vì, Việt Nam luôn đặt sức khỏe của người dân lên trên hết, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Việt Nam biết mình, biết ta, biết sự phức tạp và nghiêm trọng của dịch bệnh nên không chủ quan. Mỗi bước đi đều căng mình trong thận trọng nhưng vô cùng quyết liệt. Khi thế giới ở nơi này, nơi khác còn chưa có sự chuẩn bị, còn chần chừ chọn lựa giữa bảo vệ sức khỏe và bài toán kinh tế, Việt Nam đã sẵn sàng hành động.
Điểm lại tình hình, ngày 29-1, khi bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới gây ra mới chỉ lây lan ở 18 quốc gia trên thế giới, Trung ương Đảng đã nhận định đây là dịch bệnh mới, nguy hiểm, lây lan nhanh và chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu nên diễn biến phức tạp, có khả năng lan rộng và bùng phát rất cao. Ban Bí thư đã ban hành công văn số 79-CV/TW gửi các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương về công tác phòng, chống dịch bệnh, yêu cầu phải coi đây là nhiệm vụ “trọng tâm, cấp bách” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân khẩn trương thực hiện quyết liệt các biện pháp do Chính phủ và bộ, ngành đề ra. Bộ Chính trị kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa.
Nhờ sự huy động kịp thời, sự vào cuộc quyết liệt, không một phút chần chừ của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, đồng thuận, chung sức của nhân dân, việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh đã diễn ra ở quy mô chưa có tiền lệ và đạt được những kết quả thắng lợi bước đầu. Chúng ta đã kiểm soát tốt tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, ngăn chặn, cách ly triệt để, chăm sóc và điều trị tốt, phát hiện sớm và truyền thông hiệu quả, nâng cao tinh thần cảnh giác và sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân. Thế giới bày tỏ ấn tượng trước những kết quả Việt Nam đã làm được. Người dân tin tưởng, ủng hộ, đồng lòng, chung sức với Đảng, Nhà nước trong việc xử lý cuộc khủng hoảng toàn cầu này.
Chiến thắng bước đầu này là chiến thắng của cả một quốc gia đoàn kết. Là chiến thắng từ các quyết sách đúng và dứt khoát của Đảng, Nhà nước và từ sự đồng lòng hưởng ứng, nỗ lực hợp tác của người dân.
Người dân thôn Hạ Lôi thường xuyên được kiểm tra đo thân nhiệt. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
CHUNG SỨC, ĐỒNG LÒNG: “CHỐNG DỊCH NHƯ CHỐNG GIẶC”
Ngay từ đầu, Việt Nam đã chọn thái độ ứng xử đúng với dịch bệnh là “chống dịch như chống giặc”. Nhờ đó, ta có được tâm thế chủ động, đánh giá đúng tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh mà không chủ quan, lơ là, cả ở hai phía: chính quyền và người dân.
Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đoàn kết luôn là truyền thống quý báu, nguồn sức mạnh, động lực quan trọng, nhân tố quyết định mọi thắng lợi. Những thời điểm ra lời kêu gọi chính là những thời điểm cần huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết thư “Kính cáo đồng bào” ngày 6-6-1941, kêu gọi toàn thể nhân dân đoàn kết để đánh đuổi Pháp, Nhật: “Chúng ta phải đoàn kết lại...” Việc cứu nước là việc chung của mọi người Việt Nam, ai cũng phải gánh một phần trách nhiệm: “Người có tiền, góp tiền, người có của, góp của, người có sức, góp sức, người có tài năng góp tài năng...”. Dân tộc Việt Nam giành được thắng lợi, phần nhiều dựa vào tinh thần đoàn kết một lòng ấy của nhân dân cả nước.
Trong trận chiến chống dịch COVID-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đảng, Chính phủ Việt Nam đã sớm kêu gọi nhân dân quyết liệt, đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tập thể, cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh. Từ đó, đã huy động được sức mạnh hưởng ứng, chung tay của mỗi người dân, mỗi cá nhân trong phòng, chống dịch. Mỗi người dân, các tầng lớp nhân dân, các giới tùy khả năng của mình, người có tiền góp tiền, người có hiện vật góp hiện vật, người có sức giúp sức, người có ý tưởng góp ý tưởng... Với truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã tự nguyện vận động, ủng hộ một số địa phương, cơ sở, cá nhân và những trường hợp phải cách ly, điều trị. Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài, với tình cảm sâu sắc và trách nhiệm của mình đã tích cực tham gia ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19. Nhiều câu chuyện đẹp và cảm động đã được lan tỏa... Chúng ta càng thấy ý nghĩa sâu sắc và giá trị nhân văn lớn lao từ những quyết sách của Đảng và Chính phủ, từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành chức năng và nhân dân… Trong khó khăn, thử thách, những phẩm chất tốt đẹp của người Việt càng tỏa sáng.
Những ca bệnh COVID-19 nặng nhất hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và đều có những tiến triển tích cực. Trong ảnh: Thực hiện lọc máu liên tục (CVVH) cho một ca bệnh nặng. (Ảnh: TTXVN )
Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp trên khắp toàn cầu. Đến cuối tháng 3, thế giới đã có 72 vạn người nhiễm bệnh, 3,5 vạn người tử vong ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, con số này vẫn tiếp tục tăng lên nhanh chóng. Nhận định tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn nữa, ngày 30-3-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi: “Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch COVID-19”.
Lời hiệu triệu sâu sắc đã nhấn mạnh thông điệp về đoàn kết: “Toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”.
“Toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”.
MỖI NGƯỜI DÂN LÀ MỘT CHIẾN SĨ
Mỗi người dân lúc này là một chiến sĩ trên mọi mặt trận: thể lực, sức khỏe, tinh thần và công việc, trách nhiệm xã hội, ý thức xã hội... Chúng ta có những chiến sĩ áo xanh ngời sáng phẩm chất “bộ đội cụ Hồ”, chúng ta cũng có những y bác sỹ - chiến sĩ áo trắng đang căng mình ở tuyến đầu của trận chiến chống virus SARS-CoV-2... Chúng ta có những người dân bình dị mà cao quý với những nghĩa cử đẹp, hành vi đẹp, lời nói đẹp. Chúng ta chia sẻ cho nhau niềm yêu thương, sự cảm thông, nỗi lo lắng và tri thức, hiểu biết về dịch bệnh. Chúng ta ủng hộ, lan tỏa điều tốt và đấu tranh với những hành vi thiếu trung thực trong khai báo, thiếu trách nhiệm trong giao tế, tiếp xúc xã hội. Chúng ta lên án những kẻ tung tin giả, tin đồn, gây hoang mang và những kẻ đang ra sức lợi dụng tình hình dịch bệnh để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ. Chúng đang ngồi nhặt nhạnh, lắp ghép, tô vẽ những kịch bản tin tức giả mạo để hòng chia rẽ khối đoàn kết mà ta đang vun đắp. Chúng muốn Đảng ta suy yếu, Nhà nước ta suy yếu, đồng nghĩa với việc nhân dân ta mất đi niềm tin.
Cán bộ, chiến sĩ, nhân viên nhà ăn trong Trường quân sự (Bộ Tư lệnh Thủ đô) chuẩn bị các hộp xốp đựng suất cơm cho các công dân đang cách ly tại đây
Đoàn kết được nhắc đến nhiều lần, không phải là mỹ từ để hô khẩu hiệu, mà đoàn kết là thực tế hiển hiện sinh động và là yêu cầu gắt gao của thời cuộc. Đoàn kết là sức mạnh. Vậy sức mạnh đoàn kết từ đâu ra? Người Việt hiểu sức mạnh của mình từ đâu đến, bởi vì chúng ta có truyền thống, có lịch sử, có văn hóa và văn hiến làm điểm tựa, chúng ta có sự bền bỉ, kiên tâm vượt qua nghịch cảnh. Dân tộc Việt Nam đã trải qua chiến tranh, chiến thắng nhân tai, địch họa, thiên tai, dịch bệnh... Bài học của lịch sử để lại và di truyền trong máu chúng ta là tính cố kết cộng đồng được nâng lên thành đoàn kết. Mỗi khi gặp khó khăn thì truyền thống yêu nước, nhân nghĩa lại được lan tỏa, bồi đắp. Tất nhiên, trong thời đại ngày nay, đoàn kết phải được củng cố vững bền thêm ở những hình thái khác. Đó là ý thức công dân, là trách nhiệm xã hội, là kỷ luật, tự giác, là đồng lòng vì cái chung và cũng vì mối an nguy của riêng mỗi người. Mỗi người dân góp phần việc của mình, chia sẻ điều kiện của mình là đoàn kết. Rửa tay thường xuyên, tập thể dục, hạn chế đến nơi đông người, đeo khẩu trang, khai báo y tế trung thực, cập nhật thường xuyên thông tin, nhắc nhở người thân, gia đình biện pháp phòng dịch... là đoàn kết, là yêu nước.
Đoàn kết chính là cách thức mà quốc gia và công dân của mình liên kết với nhau để chung sức, chung lòng đẩy lùi dịch bệnh. Những chuẩn mực xã hội đang được thiết lập, sự tôn trọng dành cho những cá nhân biết tôn trọng quy tắc, kỷ luật và biết cách bảo vệ bản thân, cũng như bảo vệ cộng đồng. Nghịch lý thay nhưng lại rất hợp lý, những thuật ngữ được nhắc đến nhiều trong trận chiến này như “tự cách ly” (self-quarantine), “giãn cách xã hội” (social distancing), cô lập (isolation)... đang là biểu hiện quan trọng của đoàn kết xã hội. Chỉ “ai chỗ nào ở yên chỗ đấy” cũng có thể là biểu hiện của chung tay, của đoàn kết, của thái độ dũng cảm, biết hy sinh và hành động văn minh, kỷ luật, trách nhiệm. Lại nhớ chuyện, tháng 4 năm 1959, đến thăm các kỹ sư trẻ trường Đại học Nông Lâm Hà Nội, với chiếc đồng hồ quả quýt lấy ra từ túi áo, Bác Hồ nói, cái đồng hồ có nhiều bộ phận có chức năng làm việc riêng, nhưng đều có nhiệm vụ làm cho đồng hồ chạy và chỉ đúng giờ. Để tạo nên mối nối thật sự vững chắc thì mỗi người là một mắt xích phải thật sự đoàn kết, nỗ lực, cố gắng, phát huy khả năng, hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ.
“ĐOÀN KẾT Ở MỨC ĐỘ TOÀN CẦU LÀ THANG THUỐC GIẢI HỮU HIỆU”
Chiến thắng của quốc gia thuộc về cách thức mà mỗi quốc gia và công dân của mình liên kết với nhau để vượt qua đại nạn. Còn chiến thắng của nhân loại, của thế giới, phụ thuộc vào năng lực quản trị của từng quốc gia và khả năng đoàn kết, chia sẻ với nhau. Trong tuyên bố COVID -19 đã trở thành “đại dịch toàn cầu”, ngày 11-3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Guterres khẩn thiết: “Việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đại dịch ngày hôm nay là một lời kêu gọi hành động gửi tới mọi người, mọi nơi trên thế giới. Tuyên bố cũng là lời kêu gọi trách nhiệm và sự đoàn kết, các quốc gia cần đoàn kết lại và mọi người dân trên thế giới cần đoàn kết lại”.
Học giả Yuval Harari, tác giả của những cuốn sách: “Lược sử loài người”, “Lược sử tương lai” và “21 bài học của thế kỷ 21” nhận định, “thang thuốc giải hữu hiệu cho bệnh dịch không phải là chia rẽ mà là đoàn kết”, và phải là “với tinh thần đoàn kết ở mức độ toàn cầu”. Sự đoàn kết này thể hiện ở việc chia sẻ những nguồn thông tin khoa học đáng tin cậy, công khai minh bạch các thông tin vào dịch bệnh. Yuval Harari cho rằng, để có được sự đoàn kết, cần phải có niềm tin mạnh mẽ và sự hợp tác quốc tế cao độ giữa các quốc gia. Sự vắng mặt của niềm tin và gắn kết toàn cầu sẽ khiến dịch bệnh tiếp tục lây lan. Mỗi mối nguy đều tồn tại cơ hội. Dịch bệnh lần này hy vọng sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho nhân loại về sự nguy hiểm của chia rẽ toàn cầu.
Rõ ràng, đại dịch và khủng hoảng kinh tế là vấn đề của thế giới, của toàn thể nhân loại. Và với tầm mức đó, nó chỉ có thể được giải quyết hiệu quả nếu các quốc gia cùng hợp tác. Nhân loại đang chạy đua với virus để giành chiến thắng. Khi cuộc chiến này đi qua, chúng ta phải đối diện với những thảm họa tồi tệ về khủng hoảng kinh tế, tâm lý và nhiều điều khác nữa. Một thế giới bị tổn thương chỉ có thể hàn gắn và hồi phục bằng sự đoàn kết và chia sẻ.
Tinh thần quyết tâm cao của Việt Nam đã tạo nên sức mạnh kiên cường để chiến đấu và quyết chiến thắng đại dịch Covid-19.
Sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại phải đi cùng một nhịp. Trong Lời kêu gọi, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, trong tình hình hiện nay, sự đoàn kết và phối hợp hành động toàn cầu là cơ sở bảo đảm chắc chắn cho chiến thắng cuối cùng của thế giới trước đại dịch này. Trong điều kiện nguồn lực đất nước còn khiêm tốn, là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam cũng đã bày tỏ sự chia sẻ, cảm thông sâu sắc và đang hết sức nỗ lực, cố gắng, nỗ lực hợp tác thiết thực, phối hợp kịp thời với các nước, nhất là các nước bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Cuộc chiến còn lâu dài và phức tạp. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý: “Thời gian tới đây, chúng ta có thể sẽ còn phải đối mặt với khó khăn lớn hơn gấp nhiều lần, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa, kiên quyết hơn nữa”. Để vượt qua và chiến thắng, chỉ có thể đoàn kết, đồng lòng, đồng thuận, mới có thể biến nguy thành cơ. Ta lại nhớ đến lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”./.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |