Ở miền Bắc có loại chim chích, giống như con chim sẻ, nhưng nhỏ hơn lông màu sẫm hơn chim sẻ. Khác với chim sẻ, chích choè khi tụ lại thường kêu lên tíu tít và nhảy tới nhảy lui, xoay đuôi bên này xoay đuôi bên kia rất hoạt động. Có lẽ vì thế người miền bắc ví von người hay nói nhiều, nói chẳng có “chất lượng” gì cả, nói dài dài, nói dai, nói dở, giống như mấy cậu cán bộ cộng sản, là ba hoa chích chòe. Có khác là cán bộ không nhảy nhót xoay đuôi mà nói rất “nghiêm túc” mới là cái kẹt cho dân!! Ví thân mình nhỏ xíu, nên có truyện cổ tích Người nước chim chích, Liliput) người nào vóc dáng nhỏ quá, bị người ta gọi là con chim chích.
Nhân tôi được đọc một bài viết giảng ý sâu xa của bài thơ cổ hoặc ca dao:
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi! ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng
Có sáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con
Tác giả đại ý cho rằng con cò này là môt người đàn bà đã có con, nhưng nghèo quá, phải đi đêm ngủ với người khác để sống và nuôi con, bởi con vạc mới đi ăn đêm, con cò không bao giờ đi kiếm ăn ban đêm. Chẳng may người đàn bà này bị người có quyền thế bắt giữ (đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao). Người đàn bà, người mẹ đau khổ này van xin: Có bắt tôi, phạt tội tôi thế nào cũng được, nhưng xin đừng cho con tôi biết là tôi đi làm nghề xấu xa này, tôi đau lòng và con tôi cũng đau lòng nhục nhã lắm. Như thế câu: Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng chỉ có ý dẫn dụ rằng lòng đây không phải bộ lòng mà là tấm lòng người mẹ thành thực, gần bùn nhưng chẳng hôi tanh mùi bùn, kiểu như chữ trinh của nàng kiều. Tuy đã lâm vào vũng nước đục, nước bùn, nhưng con cò này vẫn muốn chết sạch, muốn bị bỏ tù không vì tội làm điếm, v.v..
Lời giải thích nghe cũng xuôi tai, vậy tôi cũng bắt chước tán cho vui về bài ca dao ông minh Di đã trích ra. Nghe có xuôi tai hay không tùy người đọc và nếu có lời tán nào khác , mong cứ viết ra cho vui.
Ở vùng Hải Dương, Bắc Giang hồi nhỏ tôi cũng được nghe bài này, nó hơi khác chút ít với bài của cụ Nguyễn Văn Ngọc:
Con chim chích chòe
Mà đậu cành chanh
Tôi ném mảnh sành
Sành văng vào cổ
Nó đổ máu ra
Tôi làm một cỗ
Được ba mâm đầy
Ông thầy ăn một
] Bà cốt ăn hai
Cái thủ cái tai
Tôi đem biếu chúa
Chúa hỏi thịt gì?
(trở lại câu đầu, và tiếp tục nói, mệt nghỉ ..những chữ nghiêng là có khác biệt)
Đây là một câu chuyện khó tin nhưng có thể là có thật theo thời gian phát xuất ra dã sử thời vua Lê chúa Trịnh. Năm câu đầu nghe có lý, không có gì đáng bàn tán, sang câu thứ sáu là đã nói theo lối thậm xưng, đã thấy vô lý. Con chim nhỏ xíu làm sao làm thành một cỗ lại được những ba mâm đầy? Thời vua quan nhưng năm đó cho thấy uy quyền của ông thày cúng và bà cốt, những người lợi dụng lòng tin của dân thực thà chất phác để kiếm miếng ăn, doạ nạt dân lành. Có ba mâm ngon xơi, giới bói toán, đồng cốt lẻm hết rồi. Con chim tí xiú không gọi là cái thủ, không có hai vành tai, chỉ con lợn mới có thủ có tai (trong Nam gọi là lỗ tai heo) tức là chỉ có cái đầu con chim để biếu Chúa. Sao không dâng vua, lại đem biếu chúa? Bởi Chúa Trịnh mới có thực quyền sinh sát, vua Lê chỉ ngồi làm vì thôi. Đây có thể là lời than van của dân quê. Ngoài ra còn ngụ ý chê chúa Trịnh ngồi trên cao chẳng hiểu dân tình gì cả, có cái đầu con chim trên đĩa mà còn hỏi thịt gì!!
Tôi chỉ tán dóc vậy thôi , đừng cho tôi là ngồi viết sử, viết triết...gì ráo trọi.
Tiện đây cũng nói vui với ông Nguyễn Phước Đáng. Tôi và nhiều người chưa bao giờ biết con chim manh manh ra sao cả. lại thêm “vác miểng sành” e mảnh sành đó quá nặng. Làm cỗ được 7 mâm, cho đi một mâm và một đĩa vậy 6 mâm, có một mâm hụt đi một đĩa, vậy thì biếu những ai nữa cho hết? Do đó, chúng ta cũng tạm cho rằng ca dao nhiều khi chỉ truyền lại những gì thực tế, phê bình , chỉ dẫn, nhưng đôi khi vô lý, cũng chỉ là lời ru con trẻ, bài thơ đọc lên cho vui, giải trí chẳng mang ý nghĩa gì sâu xa cả.
Con cò có bao giờ đi ăn đêm? nó bay giỏi dễ gì bị lộn cổ xuống nước? Hái hoa bưởi thì việc gì phải trèo lên cây bưởi mới hái đựơc( Trèo lên cây bưởi hái hoa); cởi áo tặng người tình, về nhà mẹ hỏi đổ thừa cho gió lột mất áo? để quên cái áo trên cành hoa sen? sen làm gì có cành. Chẳng qua chỉ là cách diễn tả thậm xưng, hoặc, ép vận cho xuôi thôi...