Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Trình bày một bài văn nghị luận về lối sống chạy theo đồng tiền

Trình bày một bài văn nghị luận về lối sống chạy theo đồng tiền (ngắn khoảng 1 trang giấy thi)
3 trả lời
Hỏi chi tiết
4.311
5
3
Thúy Cẩm
18/11/2017 15:31:19
Bài làm:
Chúng ta thường có những khái niệm thật ngộ nghĩnh về tiền bạc. Chúng ta hay tin rằng có tiền sẽ khiến mình thêm hạnh phúc. Nhưng khi có tiền rồi, mình lại muốn thêm nữa mới làm mình hạnh phúc hơn!

Điều kỳ lạ là, ai cũng hiểu và biết rằng, tiền tài không phải lúc nào cũng mua được hạnh phúc nhưng vì tâm ý mình đã bị nhồi nhét đặc cứng bởi cái văn hóa được quảng cáo khắp nơi rằng “có tiền mua tiên cũng được” nên mình tin rằng đó là sự thật! Tuy nhiên, nghèo khổ quá cũng không phải là một điều tốt. Một đời sống quá thiếu thốn là một đời sống khổ đau. Ngày ngày phải đôn đáo đó đây để kiếm miếng cơm, manh áo mà chẳng được bao nhiêu thì thật là khổ nhọc. Đôi lúc, vì quá nghèo cùng mình bán luôn cả lương tâm đổi lấy đồng tiền dơ bẩn. Chỉ vì mong có một ngày vui mà có người đã làm như vậy!

Nghị luận xã hội câu “Có tiền mua tiên cũng được” hẳn bạn sẽ thấy đó, tự thân đồng tiền không có gì sai quấy cả! Cũng như không có gì sai khi mình có nhiều tài sản, hay làm ăn từ sáng đến chiều. Chúng ta, ai cũng phải ăn, phải sống, và có các nhu cầu của cuộc sống. Điều đáng nói ở đây là khi chúng ta đặt đồng tiền và vật chất lên trên hết thì chúng ta sẽ quên mất mục tiêu quan trọng nhất của đời mình. Vì vậy, mình phải dọn dẹp sạch bớt những thứ bừa bộn, cản trở khiến mình bị tắc nghẽn trên đường hướng đến mục đích quan trọng của đời mình như: sức khỏe, tình thân gia đình, đóng góp phần mình cho một cộng đồng lành mạnh, an vui…

Tiền tài có thể giúp chúng ta nâng cao những lãnh vực quan trọng trên. Nhưng, hầu bao kếch xù của bạn không quan trọng bằng một khi bạn đặt niềm tin vào cái gì là ưu tiên hàng đầu trong đời sống bạn.

Bạn cảm thấy ra sao khi không còn phải lo lắng về tiền bạc. Ở đây tôi không có ý muốn nói là mình nhiều tiền quá nên không còn phải lo lắng về chúng. Đa số chúng ta ai cũng nói rằng khi tôi giàu tôi sẽ sống khác với những kẻ giàu có khác. Tôi sẽ biết bố thí, thương người, và làm thêm nhiều điều phước thiện, không giống như những kẻ giàu sang khác, tiện tặn từng đồng, từng cắc. Hiện tại, tôi chỉ cần hy sinh làm việc cần cù chăm chỉ khoảng vài năm nữa, và sớm muộn gì tôi cũng sẽ thành công, tiền vô như nước! Nếu chúng ta ai cũng đợi giàu rồi mới bố thí, làm phước thì thế giới này đã lụn bại mất rồi! Theo thống kê của Chính phủ Hoa Kỳ năm 2011, những người giàu nhất trên đỉnh 20 phần trăm, bố thí trung bình khoảng 1,3 phần trăm của tổng số lợi tức của họ. Trong khi những người nghèo nhất ở đáy 20 phần trăm, bố thí khoảng 3,2 phần trăm tổng số lợi tức của họ, gần gấp đôi số tiền người giàu nhất bố thí.

Tại sao người giàu lại bố thí ít hơn người nghèo? Nhiều nghiên cứu cho thấy đa số người giàu sống trong những nơi sang trọng, cách xa những người cùng khổ nên sự đồng cảm không có nhiều. Ngược lại, người nghèo thường sống trong những môi trường gần gũi với những người cùng khổ nên họ rất dễ cảm thông, và hay bố thí, giúp đỡ. Một nghiên cứu khác cho thấy, nếu người giàu mà sống trong địa phương gần gũi với người nghèo khổ thì họ cũng bố thí không thua gì những người nghèo!

Làm giàu có gì sai trái hay không? Tất nhiên, làm giàu bằng những phương tiện bất chính là sai. Phần nhiều chúng ta nghĩ rằng làm giàu là sai vì mình nghe quý thầy, cô hay trong các kinh sách dạy rằng “tham dục là nguồn gốc của khổ đau”. Hễ còn tham lam, còn dính mắc đến tiền tài, vật chất là còn đau khổ. Do vậy mà đôi lúc chúng ta ‘sợ’ làm giàu. Hơn nữa, có vị cho rằng giàu có quá sinh khó tu vì tu hành là phải biết ‘khổ hạnh’ chút đỉnh. Đằng này, giàu có quá nên tu khổ hạnh một chút là đã than thở bỏ cuộc dễ dàng!

Nghị luận xã hội câu “Có tiền mua tiên cũng được” theo lẽ Phật dạy: Đức Phật không cho rằng làm giàu là một chuyện xấu. Trong toàn bộ các Kinh tạng, không thấy Đức Phật chê trách sự giàu có. Ngược lại, bạn sẽ tìm thấy trong một số kinh Phật nói về sự giàu có, nhiều tài sản do nhờ bố thí. Như trong kinh Trung bộ (Tiểu kinh nghiệp phân biệt, kinh số 135, HT.Thích Minh Châu dịch), Đức Phật dạy rằng: “…Này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông có bố thí cho Sa-môn hay cho Bà-la-môn các đồ ăn uống… ngọa cụ, nhà cửa, đèn đuốc. Do nghiệp ấy… thiện thú… nhiều tài sản”. Hơn nữa, chúng ta cũng thấy nhiều vị cư sĩ, Phật tử bố thí cúng dường để cầu phước báo được giàu sang. Nếu Phật cho việc làm giàu là sai, tại sao Ngài lại khuyến khích cúng dường, bố thí để được sung sướng, giàu có? (như đã dẫn kinh ở trên).

Tuy nhiên, Phật dạy về sự giàu sang vật chất không giống như những khái niệm về kinh tế quy ước trong thời hiện đại như bây giờ. Theo Phật giáo, con người không nên bỏ hết thời gian cuộc đời của mình để tìm kiếm sự giàu sang về mặt vật chất và tiện nghi. Làm giàu về mặt vật chất phải hài hòa với việc phát triển tâm linh và đạo đức. Vì nếu vật chất và tinh thần được phát triển đồng đều thì hạnh phúc lâu dài sẽ phát sinh. Như chúng ta thấy có những người giàu có nhưng không biết tu tập cho tâm linh, trau giồi đức hạnh, tối ngày chỉ lo kiếm tiền bạc, tiện nghi vật chất cho đời sống. Họ đạp đổ lên tất cả những giá trị đạo đức. Họ lường gạt, biển thủ, bất lương, dùng mọi thủ đoạn để làm giàu. Nhưng thật sự là mình hy sinh tất cả để tích chứa tiền của, vật chất như vậy có mang lại cho mình bình an, gia đình hạnh phúc thật sự hay không?

Theo lời Phật dạy: Tri túc (biết đủ) mới là sự giàu có thật sự chứ không phải nhiều tài sản. Tài sản cá nhân không phải dùng để đo lường sự giàu có của một người. Vấn đề là ở chỗ chúng ta sống trong một xã hội vật chất nên người nào nhiều vật chất thì được cho là giàu sang. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng: Cứ mỗi khi hoàn cảnh thay đổi thì mình lại gặp những thử thách, phiền não mới. Chẳng hạn khi còn nghèo, mình phải lo toan, xoay xở đủ chuyện để có đủ miếng cơm, manh áo. Nhưng khi giàu có rồi, thì cái lo toan, xoay xở lại xoay quanh vấn đề đừng để bị nghèo trở lại, có nghĩa là phải làm giàu thêm nữa! Và phải lo lắng cho sự an toàn của tài sản và gia đình. Cũng vậy, khi chưa có việc làm, mình âu lo chạy Đông, chạy Tây nộp hồ sơ, điền đơn, mỏi cổ chờ gọi đi phỏng vấn. Nhưng khi có việc làm rồi, thì lại phải đương đầu với việc đi làm đúng giờ, công việc ở sở nhiều ít, ông chủ có dễ tính, hay các người làm chung có dễ chịu v.v… Nhìn chung, hoàn cảnh nào có nỗi khổ đó. Nếu mình biết chấp nhận, tri túc dù bất cứ ở hoàn cảnh nào thì an lạc, hạnh phúc sẽ xuất hiện.

Có một câu chuyện cho các cháu thiếu nhi dạy về cách sống biết đủ như sau: Có năm cháu bé được mời chơi trò ao ước, coi ai là người ao ước hay nhất. Bé thứ nhất ước rằng cháu sẽ có kem ăn dài dài, không hết. Cháu thứ hai thấy vậy, nhưng thực tế hơn, ước rằng cháu có một nhà máy sản xuất kem, nên không những ăn không hết mà còn cho người khác ăn nữa! Cháu thứ ba, suy nghĩ giây lát, rồi ước cháu có một nhà máy sản xuất kem, và thêm 50 triệu đô-la. Cháu thứ tư ước lớn lên rằng cháu không ước có nhà máy kem mà ước có 100 triệu để mua kem ăn thả giàn và còn thêm một lời ước nữa, nên tiền ăn kem sẽ không bao giờ hết. Cháu thứ năm chậm rãi chỉ ước rằng cháu được sống thỏa mãn đến độ không còn thèm ăn kem nữa! Như Trang Tử có nói: “Người tri túc không vì lợi mà hại thân”. Đúng vậy, khi mình biết đủ thì tham dục, cám dỗ sẽ không còn sức mạnh xúi giục mình chạy theo những nhu cầu mà mình tưởng sẽ mang đến hạnh phúc thật sự.
Tóm lại, khi nghị luận xã hội câu “Có tiền mua tiên cũng được” ta cần phải được xét lại qua giá trị của “nàng tiên” mà mình muốn mua. Mỗi người có một ao ước khác nhau. Người nghèo hèn có thể sẽ định nghĩa hạnh phúc mà họ ao ước khác hơn là người trung lưu, có chút đỉnh tiền của. Như vậy, hạnh phúc thật sự không phải là thỏa mãn những nhu cầu vật chất bên ngoài, mà là sự mãn nguyện trong tâm, không còn cảm thấy mình thiếu thốn nữa! Tiền tài có thể là một phương tiện tốt nhất để chúng ta tái tạo hạnh phúc, nhưng muốn hạnh phúc lâu bền thì tiền tài chỉ là tạm thời. Chỉ khi nào trong cõi lòng mình biết rằng mình đã có đủ những thứ cần có và không còn ham muốn thêm nữa thì lúc đó mình mới thật sự là: Không tiền nhưng mua tiên vẫn được!

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
2
1
Trịnh Quang Đức
18/11/2017 15:33:24

Có người cho rằng:”Tiền có thể mua được tất cả, trừ hạnh phúc”, nhận định trên đúng hay sai khi trong thời đại hiện nay, con người buộc mình phải gắn vật chất và trở nên thực dụng hơn. Nhưng song song cùng những giá trị vật chất, cuộc sống tinh thần, những tình cảm cảm xúc không thể thiếu đối với con người. Liệu tất cả đều bị chi phối bởi đồng tiền?

Từ lúc được tạo hoá sinh ra, con người phải gắn liền với vật chất, có nhu cầu đòi hỏi về vật chất. Con người cần ăn, uống, mặc… nhưng lúc bấy giờ, tuyệt nhiên chưa xuất hiện, sự có mặt của đồng tiền. Tiến thêm một bước nữa, khi thế giới nguyên thuỷ đã ổn định, đi vào trật tự, vật chất có dư thừa, con người bắt đầu thực hiện trao đổi vật chất, không có tiền - một đơn vị trao đổi nhất định, người ta chỉ đổi thứ này lấy thứ khác. Đến lúc hình thành xã hội thực sự, đơn vị trao đổi đòi hỏi phải xuất hiện, vật chất trao đổi càng nhiều, nhu cầu trao đổi càng cao. Lúc đầu, đơn giản chỉ là những vỏ ốc, những đồng xu, cắc bạc, đơn vị trao đổi lúc ấy còn rất đơn thuần, chưa thống nhất. Dần dần, xã hội kinh tế hoá, tiền ra đời và thực sự thâm nhập, đi sâu vào xã hội, vào mỗi gia đình, mỗi con người.

Nhu cầu vật chất ngày càng tăng, đồng tiền ngày càng có giá trị. Con người như nhận thức được tầm quan trọng của đồng tiền, càng ra sức kiếm tiền, phục vụ cho nhu cầu vật chất của mình. Đồng tiền không những có giá trị thực dụng, đồng tiền chi phối cả yếu tố tinh thần, tình cảm cảm xúc của con người. Đồng tiền là phương tiện đưa con người có được những trò tiêu khiển, giải trí, những món quà đem lại nụ cười… Đồng tiền đem lại vật chất, những gì người ta muốn: nhà lầu, xe hơi, kim cương… hay những gì quý giá hơn nữa. Đồng tiền là công cụ cho con người làm việc: xây dựng cơ sở vật chất, giải quyết các chi phí… Trong xã hội hiện nay, dường như hầu hết mọi vấn đề đều động chạm đến tiền. Đồng tiền đã ăn sâu vào tiềm thức con người, chi phối tư tưởng con người, hể làm việc gì mà không có tiền hoặc không vì tiền, không dễ dàng gì người ta làm. Người ta làm việc hăng say, hứng thú khi treo trên đầu là một khoản tiền lớn nhận được sau khi hoàn thành công việc.

Càng ngày, đồng tiền càng có thế lực, con người không còn coi đồng tiền là phương tiện làm việc, đồng tiền đã hoá thành mục đích. Trong một xã hội kinh tế như hiện nay, quả nhiên, đồng tiền rất có giá trị. Nhưng, đồng tiền có thực sự mua được tất cả, nắm tiền trong tay liệu ta có thể có được những gì muốn. Đồng tiền mua được vật chất vậy có thể mua được hạnh phúc. Đồng tiền mua được nhà lầu, xe hơi… Vậy có thể mua được nụ cười , niềm vui, tình yêu…?

Hạnh phúc là gì? Hạnh phúc là những rung cảm chân thành sâu sắc nhất từ tận đáy lòng, là lúc ta muốn ôm cả thế giới vào lòng , ta thấy ấm ngay ngay giữa trời đông băng giá. Hạnh phúc không bắt nguồn từ những giá trị vật chất mà bắt nguồn từ tâm hồn, trái tim. Hạnh phúc chưa chắc có trong xa hoa tráng lệ nhưng tràn ngập trong nụ cười, niềm vui, tình yêu… Người phụ nữ sống trong nhung lụa vàng son mà cô đơn lạnh lẽo liệu có hạnh phúc? Một cái dạ dày no đủ và một trái tim chết đói liệu có hạnh phúc.

Hạnh phúc đến đơn giản nhẹ nhàng, không cần tiền bạc, không xa hoa phù phiếm. Là một buổi sáng ngắm bình minh trên mặt biển, là nhìn ngắm một bông hoa nở muộn đẫm mình trong sương đêm và nắng sớm, là chiếc hôn nhẹ nhàng của người chồng lên trán vợ để xua đi bao mệt mỏi, toan tính trong ngày… Hạnh phúc tràn ngập quanh ta, nhưng hạnh phúc đến rất khẽ, chỉ cần ta im lặng lắng nghe tiếng gõ cửa của hạnh phúc. Tuyệt nhiên đồng tiền không thể xen vào những khoảnh khắc đó mặc dù đồng tiền đã len lõi đến tận mọi ngóc ngách, ngõ hẻm nhưng đã không thể chạm đến hạnh phúc. Hạnh phúc là những thời khắc con người ta trở nên trong lành, thanh khiết, không toan tính, tính toán chuyện vật chất.

Cuộc sống ngắn ngủi, con người ta lại mãi chạy theo đồng tiền. Vậy đồng tiền có mua được tuổi xuân, nhiệt huyết và sự bất tử? Cho dù y học ngày nay phát triển như thế nào, với đồng tiền ta xây dựng cơ sở vật chất tốt nhất, loại thuốc tốt nhất, điều trị hiện đại nhất cũng không giữ chân được thời gian. Bưa cơm thịt cá ê hề trong căn nhà sang trọng, những thành viên hờ hững với bưa ăn, không có một tiếng nói cười, nếu có chỉ là những lời trách mắng, chửi rủa có sung sướng hơn mâm cơm đạm bạc, gia đình quây quần bên nhau, đầm ấm, hạnh phúc.

Nếu con người ta quay ngược trở lại thời cổ đại nhưng vẫn giữ nếp sống, nếp nghĩ như bây giờ, liệu con người có thể tồn tại không có sự có mặt của đồng tiền. Tổ tiên ta xưa cũng đã tồn tại và phát triển đấy thôi. Nhưng với con người của thời hiện đại có lẽ không dễ dàng , họ đã quá quen với lối sống hiện đại, chạy theo đồng tiền, lối nghĩ “có tiền mua tiên cũng được”, họ đã chạy quá nhanh theo đồng tiền mà ngu ngốc bỏ phí những khoảnh khắc hạnh phúc tuyệt vời, vô giá mà họ không phải tốn một xu nào.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận giá trị của đồng tiền. Chúng ta là con người của thời đại mới, thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Không có phương tiện tiền bạc, ta khó lòng đạt được mục đích. Bản thân những học sinh, để ngồi ở ghế nhà trường, tiếp thu tri thức để sau này nên người phải đóng học phí.

Bệnh nhân muốn khoẻ mạnh phải điều trị, thuốc thang, phải thanh toán viện phí. Doanh nhân muốn phát triển, mở rộng công ty phải đầu tư vốn… Những hoạt động đó không bị đồng tiền chi phối mà sử dụng đồng tiền đúng chức năng giá trị, chuyển tiếp từ thứ này sang một thứ tốt hơn trên phương tiện tiền bạc.

Bởi vậy, vô số các nhà đầu tư, nhà tài trợ, nhà từ thiện đã từ đông tiền biến đồng tiền thành hạnh phúc, đó là những xuất học bổng, những ca mổ không mất chi phí, những khoản tiền đầu tư… Nếu sử dụng đồng tiền đúng cách, ta sẽ mua được hạnh phúc vô giá.

Đã từ rất lâu, đồng tiền thâm nhập vào thế giới con người, giúp đỡ con người nhưng cũng điều khiển con người. Giăng-van-giăng bị bỏ tù chỉ vì ăn trộm một chiếc bánh mì cho cháu. Chị Dậu bán con, bán chó lấy mấy đồng cắc về chuộc chồng… Tất cả chẳng phải đều vì đồng tiền, đồng tiền không sai khiến họ, đồng tiền sai khiếnkẻ khác dồn ép họ, buộc họ vào bước đường cùng.

Đồng tiền là con dao hai lưỡi, mua hạnh phúc và cũng giết chết hạnh phúc. Liệu có hạnh phúc được khi dạ dày lép kẹp, tâm trí chỉ nghĩ đến miếng ăn, và khi nghĩ đến miếng ăn, miếng ăn choán toàn bộ suy nghĩ, không còn chỗ cho điều gọi là hạnh phúc.Gia đình hạnh phúc ấm êm và không bao giờ phải lo nghĩ vấn đề tiền bạc nhưng sẽ sao nếu vấn đề cơm áo gạo tiền xuất hiện thường nhật trong những bưa ăn, cuộc trò chuyện. Sự bon chen, tính toán đời thường, tính thực dụng che đi cái hạnh phúc ngọt ngào mà mỏng manh.

Ta không phủ nhận đồng tiền và cũng không phủ nhận hạnh phúc. Đồng tiền hay những giá trị vật chất, hạnh phúc hay những giá trị tinh thần đều không thể thiếu đối với con người và cuộc sống. Thiếu một trong hai, con người không thể tồn tại hoặc tồn tại không đúng nghĩa.

1
1
Trần Thảo
18/11/2017 17:11:58
“Tiền là tiên là Phật
Là sức bật của tuổi trẻ
Là sức khỏe của tuổi già
Là cái đà của phát triển …”.
Câu nói cửa miệng của giới trẻ hiện nay mang tính hài hước nhưng cũng chất chứa những suy nghĩ đáng lưu ý về đồng tiền. Ý nghĩa của câu nói phần nào toát lên vai trò to lớn của đồng tiền với con người và xã hội.
Thế nào là đồng tiền? “Đồng” (VND) là đơn vị tiền tệ chính thức của Việt Nam, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành. Theo luật pháp hiện hành của Việt Nam, tiền giấy và tiền kim loại là phương tiện thanh toán pháp quy không giới hạn, nghĩa là người ta bắt buộc phải chấp nhận khi nó được dùng để thanh toán cho một khoản nợ xác lập bằng VND với mọi số lượng, mệnh giá. Còn tiền là gì? “Tiền” là một chuẩn mực chung có thể so sánh giá trị của các hàng hóa và dịch vụ, nhằm thỏa mãn bản thân và mang tính dễ thu nhận (nghĩa là mọi người đều sẵn sáng cho nhận sử dụng) và thường được Nhà nước phát hành bảo đảm giá trị bởi các tài sản khác như vàng, kim loại quý, trái phiếu, ngoại tệ … Tóm lại, đồng tiền là vật đúc bằng kim loại hoặc in bằng giấy, dùng làm phương tiện giao dịch, dùng đổi chác, mua bán.
Tại sao đồng tiền lại có vai trò quan trọng trong đời sống con người và xã hội? vì đồng tiền là một phương tiện trao đổi đa năng để đơn giản hóa thương mại. Tiền ra đời từ nhu cầu kinh tế thực tế của loại người khi mà nền sản xuất đạt đến một trình độ nhất định và con người đã có thể tự do đi lại trong một phạm vi lãnh thổ rộng lớn. Khi đó, thay vì phải chuẩn bị hành lý cồng kềnh cho chuyến đi dài ngày, con người chỉ cần mang theo một lượng nhỏ kim loại quý hoặc tiền được ưa chuộng ở nhiều nơi để đổi cho mình những nhu yếu phẩm cần thiết. Từ đó, các hoạt động thương mại đã ra đời, tiền tệ được quy ước và ban hành, quản lý bởi nhà nước. Cũng chính vì thế mà đồng tiền đã trở thành một tài sản với mỗi con người trong xã hội.
“Đồng tiền liền khúc ruột”.
(tục ngữ Việt Nam)
Cũng chính từ đây, đồng tiền thể hiện rõ vai trò của mình mà trước tiên nó đóng vai một “người đầy tớ tốt”, nghĩa là nếu chúng ta coi đồng tiền là phương tiện, thì tiền bạc rất hữu ích, là tên đầy tớ phục vụ chúng ta trong mọi công việc. Nó sẽ giúp cho con người và xã hội đạt tới những điều sung sướng, hạnh phúc … Tiền giúp quyết định được rất nhiều việc – “Có tiền mua tiên cũng được”. Có tiền, con người cảm thấy tự tin, và đôi khi đồng tiền có thể thay đổi cả tính cách của con người và sự đánh giá của người khác đối với cá nhân đó. Tiền giúp đem lại rất nhiều điều tốt đẹp:
“Chẳng gì tươi tốt bằng vàng,
Chẳng gì lịch sử vẻ vang bằng tiền”.
Tuy nhiên tiền cũng là một “ông chủ xấu”. Tiền làm cho ta trở nên tham lam bằng cách tích trữ, thu gom cho riêng mình, lấy của chung bỏ túi riêng mà không phục vụ hay chia sẻ cho ai. Ham tiền là tôn vinh tiền lên làm chủ lòng mình. Tiền sẽ làm mêm hoặc lòng người. Tiền có thể biến con người trở nên bất hiếu, đánh mất nhân cách, giảm đi nhân phẩm, có khi trở thành bất trung và bất nghĩa.
“Tiền có thể mua được mái nhà, nhưng không mua được mái ấm.
Tiền có thể mua được bằng cấp, nhưng không mua được tri thức”.
Lúc đó, đồng tiền sẽ mang lại bất hạnh cho con người và xã hội. Vì đồng tiền, người ta sẵn sàng làm tất cả, bán rẻ lương tri, tán tận lương tâm của mình. Có lẽ chúng ta từng chứng kiến bao cảnh thương tâm, gia đình tan nát, huynh đệ tương tài cũng vì sự tác oai tác quái của đồng tiền.
“Anh em thậm thật là hiền,
Vì một đồng tiền mất cả anh em”.
Hoặc như thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã than thở trong bài Thói đời:
“Còn bạc, còn tiền còn đệ tử
Hết cơm, hết rượu hết ông tôi”.
Tiền còn phá hoại luật lệ “Đa kim ngân phá luật lệ”. Đồng tiền làm người ta thay đổi ý kiến, thay đổi suy nghĩ, thay đổi tình cảm, thay đổi hành đông, thậm chí thay đổi cả lương tâm của con người trong việc ra quyết định các loại văn bản có giá trị pháp lý: “Nén bạc đâm toạc tờ giấy”. Và hơn thế nữa đồng tiền gây ra bao cảnh tang thương: nhà tan cửa nát, đầu rơi máu chảy, giết hại lẫn nhau:
“Động lực của chiến tranh là đồng tiền”.
(Bion)
Vậy chúng ta phải có thái độ như thế nào đối với đồng tiền? Tự bản chất, đồng tiền không có gì xấu. Đồng tiền trở nên xấu hay tốt là do con người sử dụng. Nếu ta làm chủ được đồng tiền, dùng tiền như một phương tiện để đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển của mình thì đó là một điều tốt:
“Tiền bạc là phương tiện của kẻ thông minh, là mục đích của kẻ ngu dốt”.
(O.W. Holmes)
Tốt hơn nữa nếu ta bắt đồng tiền phục vụ cho sự công bằng, lòng nhân ái, cho công thiện, công ích, thì đồng tiền sẽ là người đầy tớ tốt mách bảo cho ta biết phải làm gì với số tiền ta có để đem lại lợi ích cho xã hội, cho cuộc sống của mọi người xung quanh:
“Hiểu biết giá trị của tiền bạc và luôn biết hi sinh tiền bạc vì bổn phận hoặc vì nhân nghĩa, đó là một đức hạnh thực sự”.
(Senancourt)
Chúng ta sẽ sử dụng đồng tiền như thế nào? Đồng tiền đòi hỏi phải có cách sử dụng đặc thù, tùy việc mà tiêu tiều: “Việc to đừng lo tốn”. Có nhiều vấn đề tế nhị, đáng bàn trong việc tiêu tiền. Không phải lúc nào đồng tiền cũng có vai trò như nhau.
Nếu lao động chân chính, con người phải đổ mồ hôi nước mắt mới có được đồng tiền thì không thể tiêu dùng phung phí. Cách sử dụng đồng tiền tốt nhất là phải biết tiết kiệm: “Kiệm tắc thường lúc”.
“Đồng tiền tiết kiệm mới là đồng tiền kiếm được”.
(Tục ngữ Anh)
Tóm lại, đồng tiền đóng một vai trò quan trọng đối với con người và xã hội. Nhưng “tiền bạc chỉ là tiền bạc” vì đồng tiền không phải là tất cả, còn có những thứ quý giá như tình nghĩa, sức khỏe, tri thức, đạo đức … Chính vì thế, học sinh chúng ta cần phải nhận rõ giá trị của đồng tiền và cách tiêu tiền sao cho tiền bạc là một tên đầy tớ tốt, một phương tiện đem lại lợi ích cho bản thân và nhân loại.
“có ba người bạn trung thành: một người vợ tấm cám, một con chó nuôi từ bé và một số tiền dự trữ”.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập Ngữ văn Lớp 9 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư