Cuộc sống trên hành tinh xanh này hàng ngày, hàng giờ đang có biết bao thay đổi. Trải qua hàng ngàn năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã khám phá ra biết bao điều bí ẩn của thiên nhiên. Làm thế nào để chúng ta có thể biết được điều đó? Chỉ có sách mới giúp chúng ta giải quyết băn khoăn trên. Sách như mở rộng ra trước mắt chúng ta những chân trời mới. Đối với tôi, sách quá đỗi quen thuộc, chúng dường như đã trở thành người bạn tri kỉ, người thầy kính yêu. “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ ” - Cuốn sách tâm đắc nhất đã gợi lên trong tôi những cảm xúc khó tả về mọi thứ xung quanh.
"Bạn có thể trở về thăm lại thời thơ ấu của mình bất cứ lúc nào, hay nói khác đi lúc nào mà bạn nhận ra rằng thỉnh thoảng tắm mình trong dòng sông trong trẻo của tuổi thơ sẽ giúp bạn gột rửa những bụi bặm của thế giới người lớn một cách diệu kỳ".
"Tình yêu là một cuộc rượt bắt nhưng trong nhiều trường hợp ta cố rượt theo người này nhưng rốt cuộc lại bắt được người khác".
"Khi một cuộc tình vừa đổ vỡ thì ngay sau đó người ta không thể nào hào hứng bắt đầu một cuộc tình mới nếu vết thương lòng chưa kịp lành miệng. Cũng như người ta không thể tiến hành tốt một cuộc chiến tranh trên đống đổ nát của cuộc chiến tranh trước đó nếu không có thời gian để hồi phục".
Nhắc đến Nguyễn Nhật Ánh thì người ta đã quá đỗi quen thuộc với biết bao nhiêu mĩ từ: hoàng tử của tuổi thơ, nhà văn cho thiếu nhi , nhà văn viết về tuổi thơ hay nhất hay thậm chí còn là nhà văn bạc tỉ. Đối với tôi, “chú Ánh” chỉ đơn thuần là “chú Ánh” thôi, một nhà văn giản dị và tận tuỵ với thế giới tuổi thơ, bao nhiêu năm vẫn mải mê trong khung trời hoa mộng ấy. Nếu như “ Mắt biếc” viết về câu chuyện tình yêu lãng mạng của đôi thiếu niên trẻ Ngạn - Lan thì “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” sẽ đưa độc giả ngược về năm tháng tuổi thơ tình bạn trong sáng của bốn đứa trẻ sống cùng xóm. Trong tuổi thơ của chúng ta đều có một khu vườn, nơi chốn của sự quyến rũ – nơi màu sắc tươi thắm hơn. Tiếng cười lẫn nước mắt đều đọng lại trong tâm hồn người đọc một cách hòa quyện sau khi đọc xong tác phẩm này. Ai cũng đã đi qua rồi một thời hồn nhiên chẳng biết hãm hại người khác là gì, một thời vô tư với bao ước mơ ngây thơ. Quyển sách này chính là chiếc vé đưa bạn đọc ngược thời gian về với khoảnh khắc tuổi thơ của mình, về với thời tự tung tự tác, thời mà bạn cảm thấy thế giới này vui vẻ bao nhiêu.. Sự ngây thơ này khiến chúng ta được vô tư tận hưởng những điều thú vị quanh mình, điều mà sau này chỉ ít người trưởng thành có thể làm được. Ngày chúng ta biết bắt đầu lo lắng về tương lai là ngày chúng ta đã bỏ tuổi thơ ở lại. Vì vậy ai lớn lên mà chẳng có tuổi thơ, dù là ngọt ngào hay cay đắng thì nó vẫn là những hồi ức trong quá khứ chẳng bao giờ có lại lần thứ hai trong cái vòng quay đầy ngắn ngủi của cuộc đời con người. “ Cho tôi một vé đi tuổi thơ ” là một tuyệt phẩm truyện dài của cây bút viết văn Nguyễn Nhật Ánh và là một trong những sáng tác thành công nhất của ông và nhận được Giải thưởng Văn học ASEAN của năm 2010. Cầm cuốn sách “Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ” trên tay, tức là bạn đang được cầm một tấm vé đi chuyến tàu đưa bạn về với tuổi thơ của chính bản thân mình. Bạn sẽ được trở về với những trò chơi thuở bé, những suy nghĩ non nớt ngây dại của mình ngày ấy. Cách viết Nguyễn Nhật Ánh nó cứ lôi cuốn người đọc một cách kì lạ, làm cho bạn đọc cảm thấy thực sự thoải mái và bình yên sau mỗi giờ làm việc, học tập căng thẳng. Vì vậy, ông đã chiếm trọn được trái tim của những người yêu văn học. Được mệnh danh là cây bút viết truyện cho thiếu nhi và lứa tuổi mới lớn, Nguyễn Nhật Ánh để lại dấu ấn đặc sắc khó phai với tác phẩm " Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ ”. Sách Nguyễn Nhật Ánh rất được các bạn trẻ yêu văn học “ săn tìm” bởi không chỉ có tính giải trí cao mà những quyển sách ấy còn mang giá trị thẩm mĩ, giá trị nhân văn cao đẹp. Nhà văn đã tạo được một mánh khóe riêng đó là: những câu chuyện tự sự và đối thoại nội tâm trong thế giới tuổi thơ của mỗi người. Mang nặng tình yêu và nỗi nhớ với quê nhà Quảng Nam, chú Ánh đem niềm thương và kỉ niệm thơ bé ủ vào từng con chữ, từng nhân vật, nếp nhà trong trang sách của mình. Đọc văn của ông là cả một niềm vui thích hồn nhiên - như trẻ thơ đợi mẹ đi chợ về tay khệ nệ xách mang những thức quà quê và nhiều con giống đủ màu sắc. Không chỉ thế, câu chữ của nhà văn cũng có thể dễ dàng đưa chúng ta - những người lớn khô khan phút chốc lại được tắm mát dưới cơn mưa đầy ắp kỷ niệm. Đúng như lời “chú Ánh” từng khẳng định: “Truyện của tôi viết không phải dành cho trẻ em mà là cho những ai đã từng là trẻ em”.
Tác phẩm gồm 12 chương tương ứng với 12 mẫu chuyện khác nhau, mỗi một chương là mỗi kỷ niệm đẹp đẽ, không kém phần dí dỏm, duyên dáng về hồi ức tuổi thơ Câu chuyện xoay quanh nhóm bạn bốn người với “ông cụ, bà cụ non” khoác trên mình hình hài trẻ con gồm: cu Mùi, con Tí sún, thằng Hải cò và Tủn. Trên chuyến tàu đặc biệt được làm bằng kỷ niệm ấy, một người đàn ông như được quay trở lại thời thơ ấu của mình, những trò tinh nghịch, những suy nghĩ rất trẻ thơ được kể lại với giọng văn trong trẻo, nhẹ nhàng. “Một ngày, tôi chợt nhận thấy cuộc sống thật là buồn chán và tẻ nhạt. Năm đó tôi tám tuổi… Đó là cái ngày không hiểu sao tôi lại có ý nghĩ rằng cuộc sống không có gì để mà chờ đợi nữa… Vẫn ánh mặt trời đó chiếu rọi mỗi ngày. Vẫn bức màn đen đó buông xuống mỗi đêm… Nói tóm lại, cuộc sống thật là cũ kỹ. Cuộc sống của tôi còn cũ kỹ hơn nữa..”. Đó là đoạn trích trong chương đầu tiên của tác phẩm có tiêu đề: Tóm lại là đã hết một ngày. Một ngày của cu Mùi - nhân vật chính là cố thức dậy vào buổi sáng, đánh răng, rửa mặt và đi học. Là bữa ăn và giấc ngủ bị ép buộc vào buổi trưa. Là việc vệ sinh thân thể và ngồi vào bàn học bài đến khi ngủ gục trên bàn vào buổi tối. Không chỉ với cu Mùi, mà với Hải cò, con Tý sún, con Tủn mà có lẽ với nhiều đứa trẻ khác vào năm chúng tám tuổi ngày nào cũng trôi qua như thế. Lời mở đầu khiến bao bạn đọc ngạc nhiên, tự hỏi, tuổi thơ bây giờ có lẽ đã già đi mất rồi? Cuốn sách thực sự là một người bạn tinh thần rất tuyệt diệu đối với con người, thấu hiểu tâm tư trẻ nhỏ.
Quyển sách đã khắc sâu các khía cạnh của cuộc sống trong tâm hồn những đứa trẻ để qua đó cho độc giả cái nhìn sâu sắc hơn về thế giới mình đang sống. Trước những suy nghĩ của tuổi mới lớn chưa hiểu gì về ý nghĩa của cuộc sống và cách nhận xét về cuộc sống “thật buồn chán và tẻ nhạt” của những đứa trẻ khơi gợi bao suy nghĩ mông lung trong chúng ta. Những trò quấy phá tinh nghịch của chúng nó thật đáng yêu làm sao! Bên cạnh cái tuổi hồn nhiên đó lại chính là những bài học quý giá về triết lí suy ngẫm về cuộc đời. Để rồi cuối cùng tác giả đã kết thúc truyện bằng câu “Vì vậy, để sống tốt hơn đôi khi chúng ta phải học làm trẻ con trước khi học làm người lớn, tôi đã nghĩ như vậy khi ngồi cặm cụi gõ cuốn sách này. Dù bạn có dám thừa nhận hay không thì ở cái tuổi ham chơi, hiếu động ấy thì việc học như một nghĩa vụ giam cầm ta trước bao nhiêu trò chơi hấp dẫn, trước bao nhiêu khung trời mới mẻ và giờ ra chơi chính là thời gian thần tiên để những chú chim non sổ lồng đi tìm chút niềm vui ngắn ngủi. Có lẽ tôi và rất nhiều “bạn nhỏ” khác cũng đã hoặc đang đánh mất rất nhiều năm học tập quý giá, đánh mất rất nhiều kiến thức bổ ích nhưng tôi sẽ chẳng chối bỏ tuổi thơ đó, chẳng chối bỏ lỗi lầm đó vì con người không ai có thể luôn hoàn hảo, nếu ta không đủ can đảm nhìn nhận quá khứ, nhìn nhận những thiếu sót của bản thân thì ta chỉ đang tự lừa dối chính mình bởi vỏ bọc hoàn thiện giả tạo.
Khép lại khung trời tuổi thơ đầy trong sáng với lời văn hồn nhiên Nguyễn Nhật Ánh đã dẫn dắt độc giả đi theo dòng hồi tưởng của mình, trở về cái thời khi còn là cậu bé tám tuổi. Diễn biến câu chuyện khiến cho người đọc ai nấy không khỏi bồi hồi thổn thức. Tác phẩm thực sự đã chạm đến từng góc nhỏ trong tâm hồn của độc giả. Cuốn sách như là một cách cửa mở ra cả một thế giới tâm hồn mà mỗi người đã đi qua. Cũng như Nguyễn Nhật Ánh một cái tên khá quen thuộc đối với độc giả yêu văn học. Chắc hẳn đối với mỗi chúng ta tác phẩm “Cho tôi một vé đi tuổi thơ” của tác giả đã để lại dấu ấn sâu sắc khó phai trong tâm trí người đọc về sự hoài niệm trở về cái tuổi thơ tinh nghịch, hồn nhiên, trong sáng của một thời đã trôi qua.