Ca dao là thể loại trữ tình bằng văn vần, diễn tả đời sống nội tâm của con người. Ra đời trong xã hội cũ, ca dao trữ tình là những tiếng hát than thân, lời ca yêu thương, tình nghĩa cất lên từ cuộc đời còn nhiều xót xa, cay đắng nhưng đằm thắm ân tình của người dân Việt Nam sau lũy tre xanh, bên giếng nước, gốc đa, sân đình,… Bên cạnh đó, còn có những bài ca dao hài hước thể hiện tinh thần lạc quan của người lao động. Trong các chủ đề ấy, ca dao than thân vẫn chiếm số lượng nhiều hơn cả.
Ca dao than thân là tiếng nói về thân phận, đặc biệt là thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa. Tiếng nói đó vừa ai oán, xót thương vừa da diết, lắng sâu nhưng cũng không kém phần mãnh liệt. Bởi trong xã hội phong kiến, người phụ nữ phải chịu thân phận nhỏ bé, thấp hèn, bất công. Xã hội nam quyền ấy đã tước đi quyền hành, vị thế của họ. Thái độ trọng nam khinh nữ đi kèm với quan niệm Đàn ông làm nhà đàn bà ở bếp hay Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô… là cách mà xã hội xưa đối xử với người phụ nữ. Nỗi niềm của họ trở thành một chủ đề lớn trong cac dao than thân. Bởi hơn hết ca dao chính là nơi họ tự do giãi bày, gửi gắm nỗi niềm sâu kín của mình . Trong cac dao than thân, ta dễ dàng bắt gặp mô típ những câu cac dao bắt đầu bằng Thân em…, trong đó có những câu quen thuộc như:
- Thân em như dải lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.
- Thân em như giếng giữa đàng
Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.
1. Hai câu ca dao trên đều được mở đầu bằng Thân em. Đó là một lời xưng hô nhỏ nhẹ, mềm mỏng, nữ tính, nhưng cũng có chút rụt rè, khiêm nhường của người ý thức được vị thế thấp hèn của mình trong xã hội. Hai từ thân em cũng gợi cảm hứng về thân phận con người. Ta cũng có thể bắt gặp cảm hứng này trong văn học Việt Nam Trung đại:
- Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non.
(Bánh trôi nước - Hồ Xuân Hương)
- Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
(Thương vợ - Trần Tế Xương)
Điều đó cho thấy, cảm hứng về thân phận, đặc biệt là thân phận người phụ nữ vẫn luôn là một mạch nguồn trong dòng chảy của văn học dân tộc.
2. Thân em là một phạm trù trừu tượng, nhưng trong các câu ca dao than thân, thông qua biện pháp nghệ thuật so sánh, dân gian đã cụ thể hóa nó bằng những hình ảnh vừa gần gũi, giản dị vừa giàu sức gợi. Đằng sau hình ảnh tấm lụa đào và giếng giữa đàng cất dấu những đặc điểm, phẩm chất đẹp đẽ của người phụ nữ.
Hình ảnh tấm lụa đào mang vẻ đẹp từ chất liệu, dáng vẻ đến màu sắc. Lụa là loại vải được dệt từ tơ tằm, là loại vải tốt nhất của người xưa. Trong xã hội cũ, chỉ những người sang trọng, thuộc tầng lớp quí tộc mới có lụa để may mặc. Lụa cũng khoác cho con người vẻ đẹp quí phái. Người xưa có câu Áo mấn vấn cột cầu hay Người đẹp vì lụa là ý chỉ điều này. So sánh nghệ thuật thân em như tấm lụa đã làm nổi bật vai trò của người phụ nữ trong việc làm đẹp cuộc sống, tô điểm cho cuộc đời.
Lụa có dáng mềm mại, nhẹ nhàng, tha thướt. Ẩn dụ sau đặc tính ấy chính là dáng vẻ, tâm hồn, phẩm chất của người phụ nữ.
Một đặc tính của tấm lụa được lấy làm hình ảnh so sánh ở đây còn có thêm sắc đào. Màu đào là màu của mùa xuân, màu gợi sự rực rỡ, gợi cảm giác ấm áp. Đó cũng là sắc màu trên đôi má, trên môi cười của người thiếu nữ, là vẻ đằm thắm nhưng không kém phần tươi mới làm nên mùa xuân cuộc đời.
Đến câu ca dao tiếp theo, ta bắt gặp hình ảnh giếng giữa đàng vốn rất quen thuộc với xóm làng ngày xưa. Nếu tấm lụa đào gợi vẻ đẹp sang trọng, thướt tha, mềm mại và đầy sức sống, thì hình ảnh giếng giữa đàng lại giúp ta hình dung và cảm nhận được vẻ trong lành, mát ngọt nhưng cũng rất kín đáo, thẳm sâu. Đó cũng chính là thế giới tâm hồn người phụ nữ.
Như vậy ở cả hai câu ca dao, sự vật so sánh - tấm lụa đào và giếng giữa đàng, đều đóng vai trò là sự vật so sánh, nhằm khẳng định vẻ đẹp, phẩm chất của người phụ nữ. Dân gian đã lựa chọn được những hình ảnh rất đẹp, rất giản dị và gần gũi trong cuộc sống của con người Việt Nam . Những hình ảnh đó còn thể hiện sự tự ý thức về phẩm chất, phẩm giá của con người. Phải chăng đó cũng là một hình thức đấu tranh đòi khôi phục vị trí xứng đáng trong xã hội? Vẻ đẹp của ca dao nằm trong chính vẻ đẹp của những hình ảnh giàu sức gợi đó
3. Trong mỗi câu ca dao, nếu câu lục là hai vế so sánh thì câu bát lại là tính chất của sự vật so sánh, và nó không nằm ngoài mục đích làm rõ thân phận của thân em.
Tấm lụa đào quí là vậy, đẹp đẽ đến thế nhưng cũng chỉ Phất phơ giữa chợ, biết vào tay ai.
Chợ là nơi mua bán, trao đổi. Tấm lụa đào đặt giữa chợ là đang đặt lên bàn cân định giá giá trị vật chất, giá trị sử dụng của nó. Thật rẻ rúng! Từ láy tượng hình phất phơ, có nghĩa là không có hướng cố định, lại được đảo lên đầu câu, càng nhấn mạnh tính chất mất phương hướng của thân phận. Câu ca dao được kết lại bằng câu hỏi tu từ đầy xót xa Biết vào tay ai. Không tự định đoạt được số phận của mình, nhân vật trữ tình đành cất lên câu hỏi - hỏi mình, hỏi người, hỏi đời…, thực chất đó là những lời than thân ai oán, xót xa.
Cùng kiểu kết cấu, hình ảnh giếng giữa đàng ở câu ca dao thứ hai biểu đạt thân phận may rủi của người phụ nữ. Cái giếng mát lành ấy nằm ở giữa đàng, không thuộc về một ai cả. May thì gặp được người khôn, người thanh lịch, người biết được cái mát lành của giếng, người biết quí trọng giếng, sẽ dùng nước giếng rửa mặt. Nhưng nếu chẳng may gặp phải người phàm, người cộc cằn, thô tục, người vô tình, thô lỗ, thân phân giếng chỉ để rửa chân. Thân phận của giếng giữa đàng cũng giống với thân phận tấm lụa đào, đều không tự quyết định được số phận của mình, đành phó mặc, trao gửi cuộc đời mình tùy vào sự may rủi. Lời than thân thật xót xa, ai oán.
Như vậy, có thể thấy, những câu tám tiếng chính là lời tự ý thức nửa mơ hồ, nửa rõ ràng về thân phận của người phụ nữ. Ngay trong mỗi câu hát đã dồn nén căng thẳng, mâu thuẫn giữa khả năng với hiện thực, giữa tài sắc và số phận, giữa chủ quan và khách quan, giữa hiện tại với tương lai. Đó là biểu hiện của thái độ đấu tranh đòi quyền sống, quyền tự do và bình đẳng. Trong lời than thân bởi thế có cả sự phản kháng. Đằng sau đó là niềm khát khao được quí trọng, được hạnh phúc. Ca dao than thân bởi thế mang giá trị nhân văn sâu sắc.
4. Ca dao có nhiều câu bắt đầu bằng Thân em hoặc so sánh Thân em với các hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống:
- Thân em như miếng cau khô
Người thanh tham mỏng người thô tham dày.
- Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các hạt ra ruộng cày.
- Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen.
- Thân em nhơ cọc bờ rào
Mọt thì anh đổi cớ sao anh phiền.
- Chàng ơi phụ thiếp làm chi
Thiếp như cơn nguội đỡ khi đói lòng.
- Thân em như con hạc đầu đình
Muốn bay không cất nổi mình mà bay.
- Thân em như ớt chín cây
Càng tươi ngoài vỏ càng cay trong lòng.
- Thân em như phận con rùa
Lên đình đội hạc xuống chùa đội bia.
- Thân em như rau muống dưới hồ
Nay chìm mai nổi biết ngày mô cho thành?
- Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu.
Mang những đặc trưng của văn học giân gian, ca dao chính là tác phẩm truyền miệng, lại có tính tập thể. Gặp cảnh ngộ đắng cay, với cách nói cụ thể có hình ảnh, người dân lao động xưa thường liên kết số phận mình với hình ảnh trùng hợp trước mắt, có sẵn mô típ quen thuộc, người sáng tác đem dấu ấn thực tế đang đối diện vào cái có sẵn ấy, từ đó ta có một dị bản mới. Sự xuất hiện nhiều câu ca dao bắt đầu bằng thân em một mặt để tiếng nói than thân, tiếng nói phản kháng trở nên mạnh mẽ hơn, mặt khác nó làm cho kho tàng ca dao nói chung và những câu hát than thân nói riêng thêm phong phú.
Ca dao là sản phẩm tinh thần kết tinh tài năng và tâm hồn của người dân lao động xưa. Đến với những câu ca dao than thân, người đọc càng hiểu, cảm thông với nỗi cay đắng của người phụ nữ xưa, đồng thời trân trọng khát vọng tự do, hạnh phúc của họ, cũng từ đó biết bồi đắp, nâng niu hạnh phúc của chính mình.