Lục Vân Tiên là nhân vật trung tâm của tác phẩm Lục Vân Tiên- một tác phẩm được xem là kiệt tác trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu. Ở Lục Vân Tiên, tác giả đã gửi gắm nhiều ước mơ về công lí bởi vậy hình ảnh Lục Vân Tiên hiện lên đẹp toàn diện , đây không chỉ là chàng trai khôi ngô tuấn tú mà văn võ toàn tài. Trong đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, NGuyễn Đình Chiểu đã xây dựng hình tượng Lục Vân Tiên với nét chính nghĩa, cùng tình thương sâu sắc dành cho những con người bất hạnh.
Mở đầu đoạn trích,tác giả đã miêu tả trực tiếp hành động thể hiện được tinh thần chính nghĩa của Lục Vân Tiên khi bắt gặp cảnh lũ cướp Phong Lai đang tác oai, tác quái gây đai khổ cho dân lành:
“Vân Tiên ghé lại bên đàng
Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô
Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”
Ở đây, Lục Vân Tiên đang trên đường về quê thăm bố mẹ thì bắt gặp cảnh chướng tai gai mắt, sẵn có tinh thần chính nghĩa trong người nên khi nhìn thấy cảnh cướp bóc,Lục Vân Tiên đã ngay lập tức lao vào vòng vây, giải cứu người vô tội, trừng trị lũ cướp bạo tàn. Tinh thần chính nghĩa thể hiện ngay ở hành động có phần gấp gáp,bẻ cây bên đường làm gậy rồi lao thẳng vào giữa toán cướp. Chàng đã hô to lời cảnh cáo đối với lũ cướp “Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”
“Vân Tiên tả đột hữu xông
Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang
Lâu la bốn phía vỡ tan
Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay”
Hành động của Lục Vân Tiên được thể hiện qua những động tác nhanh chóng, dứt khoát “Vân Tiên tả đột hữu xung”. Đây là hành động của con người trọng nghĩa khí cũng là của con người có bản lĩnh hơn người. Tác giả Nguyễn Đình Chiểu đã so sánh hành động nghĩa khí của Lục Vân Tiên với những chiến công anh hùng của người tướng tài ba Triệu Vân của thời Tam Quốc. Toán cướp Phong Lai bị Lục Vân Tiên đánh cho tan tác, sợ hãi nháo nhào tìm đường thoát thân “Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay”. Sau khi dẹp xong toán cướp, Lục Vân Tiên đã hỏi thăm đầy ân cần đối với người bị hại, nghe tiếng khóc vọng ra từ trong xe chàng lo lắng mà gấp gáp hỏi thăm,động viên:
“Dẹp rồi lũ kiến chòm ong
Hỏi ai than khóc ở trong xe này
Thưa rằng: Tôi thiệt người ngay
Sa cơ nên mới lầm tay hung đồ”
Lời hỏi thăm ân cần cùng sự quan tâm đến người bị hại,Vân Tiên đã hỏi thăm đầy chân thành và nhận được lời dãi bày của Kiều Nguyệt Nga- người bị hại. Vì lỡ lọt tay hung đồ mà có cơ sự bị bóc lột giữa đường. Qua cuộc đối thoại,Kiều NGuyệt Nga thể hiện được nhiều phẩm chất tốt đẹp, đó là một tiểu thư khuê các có học hành, có đạo lí, hàm ơn Vân Tiên nên nàng muốn được đáp đền,muốn được quỳ lạy bày tỏ sự biết ơn với chàng:
“Trong xe chật hẹp khôn phô
Cúi đầu trăm lạy cứu cô tôi cùng”
Trước lời yêu cầu chân thành của Kiều Nguyệt Nga, Lục Vân Tiên đã từ chối vì đối với chàng làm việc nghĩa không phải vì mong muốn được người báo đáp, càng cũng là người trọng những đạo đức phong kiến, tư tưởng nam nữ thụ thụ bất thân đã khiến chàng có hành động ngăn Kiều NGuyệt Nga ra khỏi kiệu. Qua đó ta có thể thấy đây là một người anh hùng,một người quân tử thực thụ.
“Khoan khoan ngồi đó chớ ra
Nàng là phận gái ta là phận trai”
Qua đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga ta thấy rõ được phẩm chất anh hùng, con người chính nghĩa giàu lòng yêu thương đối với những người dân lành cũng như thái độ căm ghét cái ác, cái bất công của Lục Vân Tiên, hoàn thiện bước đầu về con người đầy lí tưởng.