Cải cách Minh Trị, hay Cách mạng Minh Trị, hay Minh Trị Duy tân, là một chuỗi các sự kiện cải cách, cách mạng dẫn đến các thay đổi to lớn trong cấu trúc xã hội và chính trị của Nhật Bản. Cuộc cách mạng Minh Trị diễn ra từ năm 1866 đến năm 1869, một thời kỳ 3 năm chuyển đổi thời kỳ hậu Giang Hộ (thường gọi là Hậu Tướng quân Tokugawa) và bắt đầu thời kỳ Minh Trị.
Tháng 12 năm 1867 chế độ Mạc phủ Tokugawa chấm dứt. Ngày 3 tháng 1 năm 1868, chính quyền mới do Thiên hoàng Minh Trị bổ nhiệm được thành lập. Giai cấp tư sản chưa được tham gia chính quyền, nhưng chế độ mới tạo điều kiện cho chủ nghĩa tư bản phát triển, nên họ ủng hộ chính quyền mới. Thời kì Minh Trị (Minh Trị , nghĩa là "sự cai trị sáng suốt") bắt đầu.
Để xóa quyền lực của các đại danh, triều đình đã thực hiện phế phiên, lập huyện, bãi bỏ hệ thống lãnh địa và danh hiệu của các đại danh. Đồng thời, họ tuyên bố "tứ dân bình đẳng", nghĩa là bốn tầng lớp gồm võ sĩ, nông dân, thợ thủ công và thương nhân giờ đây không còn bị phân biệt. Điều này gây bất bình ở tầng lớp võ sĩ, nên triều đình Minh Trị phải vừa đàn áp vừa xoa dịu bằng cách bồi thường bằng tiền. Khoản tiền nhận được từ triều đình cộng với tri thức mà tầng lớp võ sĩ được trang bị đã biến tầng lớp võ sĩ thành giai cấp tư sản. Giai cấp võ sĩ quý tộc tư sản chủ trương xây dựng Nhật Bản theo con đường quân sự là nguyên nhân dẫn đến việc Nhật Bản sau này trở thành đế quốc phong kiến quân phiệt.
Triều đình còn ban bố quyền tự do buôn bán (kể cả ruộng đất) và đi lại, thiết lập chế độ tiền tệ thống nhất (đồng Yên), xây dựng cơ sở hạ tầng (đặc biệt là đường sắt ) và phát triển chủ nghĩa tư bản đến tận các vùng nông thôn.
Nhiều phái đoàn được cử sang phương Tây học hỏi về cách thức quản lý hành chính và về kỹ thuật. Toà án mới (kiểu tư sản) được thành lập. Nhiều cải cách quan trọng về giáo dục được thi hành trong đó có việc thành lập các trường đại học để đào tạo tầng lớp lãnh đạo chính quyền và kinh doanh. Cơ sở hạ tầng bắt đầu được quan tâm phát triển. Nhiều chuyên gia phương Tây được mời tới Nhật Bản để phổ biến kiến thức và kỹ thuật.
Về quân sự, quân đội được tổ chức và huấn luyện theo kiểu phương Tây. Quân đội Nhật Bản áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự thay cho chế độ trưng binh và tăng cường mua và sản xuất vũ khí, đạn dược.
Về giáo dục, đưa những thành tựu khoa học khoa học-kỹ thuật vào giảng dạy và áp dụng chế độ giáo dục bắt buộc. Những học sinh giỏi được cử sang du học ở nước ngoài.
Năm 1889, Hiến pháp mới được ban hành quy định Nhật Bản là một quốc gia quân chủ lập hiến.