Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Hồ Chí Minh không chỉ là một lãnh tụ thiên tài, người anh hùng đã giải phóng dân tộc, đất nước Việt Nam thoát khỏi xiềng xích của nô lệ mà Người còn là một nhà thơ, nhà văn lớn của dân tộc với nhiều tác phẩm đặc sắc trên nhiều thế loại khác nhau. Đặc biệt, trong số những sáng tác của Hồ Chí Minh, bản “Tuyên ngôn độc lập” ra đời vào năm 1945 là một trong số những tác phẩm xuất sắc nhất, tiêu biểu cho phong cách văn chính luận của Người.
Mở đầu tác phẩm “Tuyên ngôn độc lập”, tác giả Hồ Chí Minh đã khéo léo đưa ra những cơ sở pháp lý về quyền con người và quyền dân tộc để làm nền tảng căn cứ vững chắc cho toàn bộ bản tuyên ngôn. Hồ Chí Minh đã khéo léo trích dẫn hai bản tuyên ngôn của Pháp và Mỹ - hai cường quốc hùng mạnh trên thế giới. Bản “Tuyên ngôn Độc lập” của nước Mỹ vào năm 1776 đã chỉ ra rằng “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được: trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Còn trong bản “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” của nước Pháp vào năm 1791 cũng đã viết “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Với việc trích dẫn nguyên văn hai bản tuyên ngôn của Pháp và Mỹ đã có tác dụng, ý nghĩa vô cùng to lớn. Nó không chỉ góp phần đảm bảo tính khách quan của bản tuyên ngôn mà hơn thế nữa nó còn thể hiện thái độ tôn trọng, trân trọng những giá trị tiến bộ được cả nhân loại thừa nhận của tác giả. Thêm vào đó, với cách trích dẫn này, tác giả đã sử dụng thành công nghệ thuật “gậy ông đập lưng ông” để đánh mạnh vào dã tâm xâm lược nước ta của các lực lượng thù địch. Đặc biệt, trong phần mở đầu còn thể hiện một cách rõ nét sự sáng tạo, tài năng và lập luận sắc bén của Hồ Chí Minh khi người từ quyền con người được nhắc đến trong hai bản tuyên ngôn của Pháp và Mỹ để suy ra quyền dân tộc “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Không chỉ nêu lên những cơ sở pháp lý, Hồ Chí Minh đã nêu lên những cơ sở thực tiễn của bản tuyên ngôn. Có thể thấy, từ phần thứ nhất sang phần thứ hai, tác giả đã khéo léo sử dụng quan hệ từ “thế mà’, nó đã phần nào hé mở sự đối lập giữa lí lẽ và hành động của thực dân Pháp. Từ đó, Người đã đi sâu vạch rõ, tố cáo tội ác của thực dân Pháp trên đất nước ta. Bằng việc sử dụng thủ pháp liệt kê, tác giả đã vạch ra một cách rõ nét tội ác man rợ của thực dân Pháp trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế đến chính trị. Trước hết, trong lĩnh vực chính trị, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách ngu dân bằng việc đưa ra hàng loạt các “luật pháp dã man” đã được tác giả liệt kê lại “lập ba chế độ khác nhau ở ba miền Bắc Trung Nam” để ngăn cản dân ta đoàn kết và thống nhất đất nước, “lập nhà tù nhiều hơn trường học”, “ràng buộc dư luận”... Không chỉ dừng lại ở đó, trên lĩnh vực kinh tế, chúng cũng thi hành nhiều chính sách dã man, “bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo đói, thiếu thốn, nước ra xơ xác, tiêu điều’. Để chứng minh cho điều đó, tác giả Nguyễn Ái Quốc đã một lần nữa liệt kê ra cụ thể, chi tiết những chính sách thực dân Pháp đã thi hành như cướp không ruộng đất của nhân dân, “giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng”, đặt ra hàng trăm thứ thuế hết sức vô lý, bóc lột công nhân vô cùng tàn nhẫn… Chính những chính sách ấy của thực dân Pháp đã để lại hậu quả nặng nề cho nhân dân, đất nước ta khi “từ năm ngoái đến đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ có hơn 2 triệu đồng bào chết đói”. Như vậy, có thể thấy, những tội ác của thực dân Pháp trên đất nước ta nhiều không thể nào kể xiết. Đặc biệt với biện pháp điệp cấu trúc, tác giả đã nhấn mạnh tội ác của thực dân Pháp, đó là những hành động trái với chính nghĩa, với lẽ phải mà chúng đã nêu lên. Thêm vào đó, tác giả cũng đã chỉ ra sự thật về chính sách bảo hộ của thực dân Pháp trên đất nước ta như chiêu bài về khai hóa trong kinh tế - chính trị và nhất là chiêu bài bảo hộ khi trong hai năm thực dân Pháp đã hai lần bán nước ta cho Nhật. Cuối cùng trong phần cơ sở thực tiễn, Bác Hồ đã nêu lên sự thật về cách mạng Việt Nam. Cuộc cách mạng của ta là cuộc cách mạng chính nghĩa khi “Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh chống Nhật”. Đặc biệt, chúng ta còn thi hành những chính sách khoan hồng và nhân đạo đối với người Pháp “giúp nhiều người Pháp chạy qua biên thùy”, “cứu nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật”... Như vậy, bằng những dẫn chứng cụ thể, chi tiết, tác giả Hồ Chí Minh đã nêu lên những tội ác man rợ của Pháp cũng như sự thật về cuộc cách mạng của ta. Từ đó, Người đã kết thúc phần hai của tác phẩm bằng lời khẳng định được lặp lại hai lần “Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”, điều đó đã khẳng định thực dân Pháp không có quyền quay lại Việt Nam.
Trên cơ sở pháp lý và thực tiễn đã nêu ra, phần cuối của tác phẩm chính là lời tuyên bố độc lập. Lời tuyên ngôn hết sức ngắn gọn, tác giả khẳng định nước ta, nhân dân ta đã hoàn toàn “thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước, mọi đặc quyền của Pháo trên đất nước Việt Nam”, đồng thời tuyên bố Việt Nam là một nước tự do, độc lập. Lời tuyên ngôn dù ngắn gọn nhưng đã bày tỏ thái độ quyết tâm giữ vững độc lập dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng, nhân dân, đất nước Việt Nam nói chung.
Tóm lại, với lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép cùng những dẫn chứng thuyết phục, bản “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố, đánh dấu một kỉ nguyên mới của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, qua đó cũng giúp chúng ta hiểu vì sao bản “Tuyên ngôn độc lập” lại được xem là “áng văn chính luận mẫu mực của mọi thời đại".
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |