Nêu sự kiện và kết quả tháng 2 năm 1848
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Những năm 30 của thế kỷ XIX, phong trào công nhân các nước châu Âu phát triển rất nhanh, tuy vậy chưa hình thành một khối thống nhất, chưa có sự lãnh đạo của một chính đảng cách mạng. Giai cấp vô sản chưa hiểu rõ lý thuyết khoa học về bản chất của chủ nghĩa tư bản, về nguồn gốc bị bóc lột, về sứ mệnh lịch sử và về con đường tự giải phóng cho mình. Do đó, các cuộc đấu tranh của họ luôn bị thất bại. Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm của phong trào công nhân, Các Mác và Phiđơrich Ăngghen đã tiến hành nghiên cứu lý luận khoa học và xây dựng mối liên hệ rộng rãi với những đoàn thể công nhân của các nước. C. Mác và Ph. Ăngghen đặc biệt chú trọng đến một đoàn thể cách mạng bí mật của những công nhân thủ công Đức sống lưu vong ở Pari có tên còn gọi là “Đồng minh những người chính nghĩa”. Sau khi Pari trở thành trung tâm, đoàn thể bí mật này mở rộng sang Luân Đôn, sau đó phát triển ở Thụy Sĩ, Đức và Pháp, bắt đầu trở thành một tổ chức công nhân mang tính chất quốc tế.
Nhân vật tiêu biểu của đồng minh này là Vaitơlin, người Đức, từ lâu ông đã vô cùng căm ghét chủ nghĩa tư bản, muốn thực hiện một “chủ nghĩa cộng sản bình quân” và hy vọng có thể dựa vào âm mưu bí mật bạo động của một số ít người để thực hiện điều đó. Tư tưởng này có ảnh hưởng rất lớn trong phong trào công nhân thời bấy giờ. Mác và Ăngghen thấy rằng, muốn làm cho “Đồng minh những người chính nghĩa” phù hợp với yêu cầu cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản, cần phải từ bỏ quan điểm về chủ nghĩa cộng sản không tưởng của Vaitơlin.
Mùa xuân 1846, Vaitơlin đến Brucxen, thủ đô nước Bỉ gặp Mác và trình bày quan điểm của mình: “Tôi cho rằng sự tự do tương ái của con người là cơ sở của xã hội cộng sản, chỉ cần chúng ta có một phương án như vậy để mọi người làm theo là được”.
Mác nghe Vaitơlin nói vậy đã trả lời: “Vậy làm thế nào để đánh đổ chế độ xã hội cũ? Ông không chủ trương dùng bạo lực sao?” Vaitơlin điềm nhiên trả lời: “Chuyện đó để bọn ăn mày, bọn kẻ cướp và bọn tội phạm làm, còn công nhân chỉ cần tổ chức các cơ cấu phúc lơi và nhà ăn chung, xây dựng công xã tự do tương ái, khiến mọi người đều bình đẳng. Theo quan điểm đó cho nên ngọn cờ của “Đồng minh những người chính nghĩa” mới mang khẩu hiệu: “Mọi người đều là anh em””.
Mác nói: “Tôi biết rất nhiều người trong “Đồng minh những người chính nghĩa” tin vào chủ nghĩa cộng sản bình quân của ông, nhưng ông không thể thuyết phục giai cấp tư sản đem tài sản và quyền lực của mình phân phối đều cho mọi người. Xin nói ngay rằng đó là ảo tưởng. Hiện nay, cái mà công nhân cần là lý luận và đường lối chính xác chứ không phải là tình cảm và nguyện vọng. Chỉ có tiến hành cách mạng vô sản mới lật đổ được chế độ tư bản. Đây là con đường duy nhất đúng đắn”.
Mác và Vaitơlin không thể đi đến thống nhất khi hai bên hoàn toàn khác nhau về tư tưởng lý luận.
Mấy tháng sau, Mác và Ăngghen thành lập ở Brucxen “Uỷ ban thông tấn cộng sản”. Ngay sau đó, Uỷ ban đã liên lạc với nhiều chi bộ của “Đồng minh những người chính nghĩa”. Trong một cuộc họp của Uỷ ban, Mác và Vaitơlin đã tranh luận công khai. Khai mạc cuộc họp, Ăngghen tuyên bố: “Cần phải có một luận điểm chung làm căn cứ cho hành động của những người cộng sản”. Vaitơlin nghe xong lập tức phát biểu, cho rằng phải động viên công nhân còn tuyên truyền lý luận không phải là chuyện quan trọng”. Mác chất vấn: “Vaitơlin, ông luôn mồm nói phải động viên, vậy thử hỏi, ông căn cứ vào đâu để chứng minh hoạt động đó là đúng, và căn cứ vào đâu để xác định các hoạt động sau này?”
Trước hàng loạt câu hỏi của Mác, Vaitơlin tỏ ra lúng túng và không thể trả lời được. Lúc bấy giờ Mác mới nói một cách nghiêm túc: “Cái mà giai cấp vô sản cần là lý luận khoa học, chứ không phải là tình cảm ngây thơ”. Ông nhắc nhở mọi người rằng công tác quan trọng nhất là dùng lý luận đúng đắn, khoa học để vũ trang cho công nhân. Chỉ có như vậy mới làm cho họ nhận rõ những chủ trương sai lầm, kể cả cái “chủ nghĩa cộng sản bình quân” của Vaitơlin. Cả hội trường vỗ tay nhiệt liệt, biểu thị sự đồng tình với quan điểm của Mác.
Mùa xuân năm 1847, Mác và Ăngghen gia nhập “Đồng minh những người chính nghĩa” ở Luân Đôn và tiến hành cải tổ tổ chức này. Ít lâu sau, Đồng minh triệu tập Đại hội đại biểu lần thứ nhất.
Tại Đại hội này, căn cứ vào đề nghị của Mác và Ăngghen, “Đồng minh những người chính nghĩa” đổi tên thành “Liên đoàn nhũng người cộng sản” và thông qua cương lĩnh mới, lấy khẩu hiệu “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại” thay thế cho khẩu hiệu mơ hồ: “Mọi người đều là anh em”.
Mùa thu năm đó, Liên đoàn những người cộng sản triệu tập Đại hội đại biểu lần thứ hai. Các đại biểu đều thấy cần phải có một tuyên ngôn làm cương lĩnh cho hoạt động của Liên đoàn. Mác và Ăngghen đã bắt tay vào viết bản Tuyên ngôn. Tháng 2 năm 1848, “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” chính thức được công bố tại Luân Đôn.
“Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” gồm lời mở đầu và bốn chương nêu lên những luận điểm cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học; sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất và sức sản xuất tất yếu sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản và thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Đấu tranh giai cấp là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội loài người. Sứ mạng lịch sử của giai cấp vô sản là “người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản” và “người xây chủ nghĩa xã hội”. Tuyên ngôn nhấn mạnh vai trò của giai cấp vô sản và bộ tham mưu là Đảng Cộng sản. Muốn giải phóng mình, phải dùng bạo lực cách mạng để giành và nắm chính quyền, thiết lập sự đoàn kết quốc tế theo khẩu hiệu “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại”. “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” là văn kiện có tính chất cương lĩnh, lần đầu tiên nêu ra những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học. Trong Tuyên ngôn, Mác và Ăngghen đã phân tích và kết luận bản chất lập trường quan điểm của các tầng lớp, các giai cấp trong xã hội, những kết luận đó vận dụng trong công tác phát triển đảng, công tác cán bộ sẽ tránh được chủ nghĩa thành phần.
Sự ra đời của “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” đã gây chấn động toàn thế giới. Đây là tác phẩm kinh điển rất quan trọng của chủ nghĩa xã hội khoa học. Những nguyên lý C. Mác và Ph. Ăngghen trình bày trong tác phẩm này là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho toàn bộ hoạt động phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trải qua mọi thử thách, hơn một thế kỷ qua, trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, nhiều vấn đề mới đặt ra đòi hỏi giải quyết, nhưng chủ nghĩa Mác vẫn là kim chỉ nam dẫn đường.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |