LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Cảm nhận về vẻ đẹp trang nam nhi đời trần

CẢM NHẬN CỦA ANH CHỊ VỀ VẺ ĐẸP TRANG NAM NHI ĐỜI TRẦN .

2 trả lời
Hỏi chi tiết
351
1
1
Đỗ Chí Dũng
06/12/2020 20:49:56
+5đ tặng

Hơn bốn nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã đi qua bao cuộc chiến gian khổ, giành bao chiến thắng hào hùng, oanh liệt. Để có được những chiến công vang dội ấy, cùng với tinh thần đoàn kết dân tộc còn nhờ vào tình yêu nước, tinh thần trách nhiệm của con người, đặc biệt là của các trang nam tử. Viết về tinh thần trách nhiệm, chí của kẻ làm trai, chúng ta không thể không nhắc tới tác phẩm "Thuật hoài" (Tỏ lòng) của Phạm Ngũ Lão. Bài thơ đã tái hiện hình ảnh trang nam nhi thời Trần anh dũng với lòng yêu nước thiết tha và ý thức trách nhiệm, ý chí nghị lực phi thường.

Hình ảnh trang nam nhi thời Trần trước tiên được miêu tả với tấm lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm:

"Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu"
(Múa giáo non sông trải mấy thu)

Họ hiện lên trong tư thế hiên ngang và hành động kỳ vĩ, sánh vai cùng vũ trụ. Trong nguyên văn, đấng nam nhi cầm ngang ngọn giáo chứ không "múa giáo" như ở bản dịch thơ. "Giang sơn" vừa gợi tả không gian mang tầm vũ trụ vừa chỉ cụ thể đất nước. Giang sơn còn gợi nhắc đến "thiên, địa, nhân". Không chỉ có trời và đất, con người cũng vô cùng quan trọng.

Ngọn giáo cầm trên tay chính là biểu tượng cho sức mạnh và lòng yêu nước của nam nhi thời Trần. Nó được đo bởi chiều rộng của đất mẹ, chiều cao của bầu trời, giống như khẳng định chủ quyền dân tộc. Cầm ngang ngọn giáo trên tay, sánh ngang với vũ trụ, trang nam nhi chủ động đứng trong tư thế và tầm nhìn bao quát, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ giang sơn.

Đó là trách nhiệm cũng là sứ mệnh cao cả mà người tráng sĩ cố gắng thực hiện. Bất chấp sự trôi đi của thời gian, sứ mệnh ấy đã trải khắp mấy thu. Chẳng màng nguy hiểm gian nan, thế sự chuyển vần, khát vọng bảo vệ giang sơn vẫn không hề thay đổi. Chỉ một câu thơ ngắn gọn, Phạm Ngũ Lão tái hiện thành công lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm với đất nước của nam nhi thời Trần.

Không những thế, hình ảnh trang nam nhi thời Trần còn hiện lên tuyệt đẹp với ý chí chiến đấu và sức mạnh phi thường:

"Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu"
(Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu)

Lịch sử ghi lại, triều đại nhà Trần, quân đội chia ra thành ba bộ phận: Tiền quân, Trung quân, Hậu quân. Mỗi bộ phận tuy có nhiệm vụ và trách nhiệm riêng. Song tất cả đều khí phách hơn người, được huấn luyện vô cùng nghiêm khắc. Khổ luyện nhiều năm, những đấng nam nhi đầu đội trời chân đạp đất ai cũng mang trong mình sức mạnh cường tráng. Sức mạnh ấy thậm chí có thể dễ dàng nuốt trôi một con trâu lớn. Phạm Ngũ Lão đã sử dụng hình ảnh so sánh cường điệu hóa, khắc họa và làm nổi bật vẻ đẹp sức mạnh của người nam nhi thời Trần.

Họ không chỉ mạnh mẽ về thể chất mà còn sở hữu ý chí chiến đấu ngoan cường. Với những yếu tố đó, đội quân nhà Trần trở nên vô cùng mạnh mẽ. Sự thật là họ đã giành chiến thắng, 3 lần đánh tan giặc Nguyên Mông xâm lược. Họ mang trong mình phẩm chất anh hùng, cùng nhau viết lên bảng vàng lịch sử hào khí Đông A chói lọi của thời đại.

Bên cạnh đó, chúng ta còn có thể nhận ra hoài bão và lý tưởng công danh của trang nam nhi thời Trần:

"Nam nhi vị liễu công danh trái"
(Công danh nam tử còn vương nợ)

Nói như Nguyễn Công Trứ

"Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông"

Công danh vốn là quy luật tất yếu trong cuộc đời đấng nam tử. "Nợ công danh" là món nợ ai cũng phải trả, nam nhi thời Trần cũng không ngoại lệ. Nhưng, với những người tráng sĩ "bình Nguyên" thuở ấy, thời điểm đất nước đang bị giặc lăm le xâm chiếm thì "nợ công danh" mà họ phải trả lại ở một tầm vóc khác. Đó là sự cống hiến hết mình, làm sao sao để bảo vệ độc lập chủ quyền, để nhân dân ấm no, yên ổn.

Có thể nói, quan niệm của Phạm Ngũ Lão trong bài thơ có ý nghĩa vô cùng to lớn. Nó cổ vũ con người, đặc biệt là trang nam tử từ bỏ lối sống tầm thường, ích kỉ, đánh thức trách nhiệm với non sông, Tổ quốc.

Với quan niệm ấy, mặc dù đã hết mực cống hiến hi sinh, người nam nhi thời Trần vẫn cảm thấy chưa đủ và hổ thẹn:

"Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu"
( Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu )

Gợi nhắc câu chuyện cổ về Gia Cát Lượng, Phạm Ngũ Lão thể hiện sự hổ thẹn của mình. Là một trong ba danh tướng tài ba tài ba nhất thời Trần, suốt cuộc đời, Phạm Ngũ Lão không hề làm điều thẹn với dân, với nước, với chính mình. Nói thẹn thực ra là sự khiêm nhường của tác giả. Thể hiện niềm khao khát vươn tới những thứ lớn lao, vĩ đại hơn. Nỗi thẹn ở đây không khiến hình ảnh trang nam nhi trở nên nhỏ bé mà giúp chúng ta thấy được tầm vóc lớn lao và ý chí mãnh liệt của họ.

Có thể nói, chỉ với bốn câu thơ ngắn gọn, lời thơ đanh thép, hào hùng cùng những hình ảnh thơ lớn lao, kì vĩ. Nhịp thơ biến hóa linh hoạt, lúc nhanh mạnh dứt khoát, khi chậm rãi suy tư. "Thuật hoài" đã khắc họa thành công hình ảnh trang nam nhi thời Trần với vẻ đẹp của người anh hùng vệ quốc hiên ngang, có lý tưởng, hoài bão, có ý chí nghị lực và sức mạnh phi thường. Những năm tháng kháng chiến thuở ấy, họ đã hiên ngang bất khuất, chiến đấu và hi sinh cho Tổ Quốc. Cùng viết lên những trang sử vàng cho dân tộc. Đồng thời bài thơ cũng góp phần khẳng định tài năng thi ca và vẻ đẹp nhân cách sáng ngời của vị tướng tài ba Phạm Ngũ Lão.

Hình ảnh trang nam nhi thời Trần trong "Thuật hoài" cùng những bài thơ như "Hịch tướng sĩ" "Bạch Đằng giang phú"... đã dựng lên những tượng đài bất tử về người anh hùng dân tộc trong lòng chúng ta. Để rồi rất nhiều năm qua đi, nhân dân Việt Nam vẫn nghe mãi âm vang của một thời "hào khí Đông A" hào hùng oanh liệt.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
1
0
:((((
06/12/2020 20:50:18
+4đ tặng

Thơ như đôi cánh nâng tôi bay

Thơ là vũ khí trong trận đánh”

(Raxun- Gamzatốp)

     Quả thật vậy, trong hành trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã có không ít những tác phẩm văn học từng đem lại biết bao sức mạnh và niềm tin cho nhiều thế hệ. Và một trong số những tác phẩm đó chính là bài thơ “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão. Khúc tráng ca lẫm liệt ấy luôn khơi dậy trong mỗi tâm hồn Việt Nam niềm tin và tinh thần quyết thắng trước mọi thế lực xâm lăng. Sức mạnh lay động ấy đã ngời toả ngay từ vẻ đẹp người anh hùng thời Trần- kết tinh hùng tâm tráng chí của dân tộc Việt Nam.

     Tác giả của “Tỏ lòng” - Phạm Ngũ Lão là người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, tỉnh Hưng Yên. Ông có công lớn trong cuộc kháng chiến chống đế quốc  Mông Nguyên, từng làm đến chức Điện Súy và được ca ngợi là văn võ toàn tài. Phạm Ngũ Lão chỉ để lại hai bài thơ (“Thuật hoài” và “Vãn Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương”), nhưng tên tuổi của ông vẫn đứng cùng ngang hàng với những tác gia danh tiếng nhất của văn học đời Trần. Và ra đời trong bối cảnh cả dân tộc Đại Việt đang sục sôi khí thế “Sát Thát”, bài thơ “ Thuật hoài” chính là bức chân dung tự họa về vẻ đẹp của con người trong thời đại hào khí Đông A.

     Trước hết, bài thơ “Thuật hoài” đã gợi ra hình ảnh người anh hùng thời Trần với vẻ đẹp đầy hùng tâm, tráng chí. Tác giả đã khắc hoạ hình ảnh kỳ vĩ của người anh hùng cứu nước trên nền hào hùng của thời đại. Người anh hùng ấy thật mạnh mẽ, bền gan vững chí trong hành trình chiến đấu bảo vệ đất nước:

“Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu

(Múa giáo non sông trải mấy thu)”

     Con người hiện lên qua câu thơ đầu mang một tầm vóc, tư thế, hành động lớn lao mạnh mẽ. Câu thơ dựng lên hình ảnh con người cầm ngang ngọn giáo để trấn giữ đất nước. Cây trường giáo ấy dường như được đo bằng chiều ngang của non sông. Nghĩa là chủ nhân cầm cây giáo ấy phải mang kích cỡ, tầm vóc vũ trụ. So với bản phiên âm, phần dịch thơ vẫn chưa diễn tả được hết sức mạnh, vẻ đẹp của tráng sĩ. Trong bản phiên âm, vẻ đẹp hiên ngang, lẫm liệt được thể hiện ở ngay tư thế“Hoành sóc”- cầm ngang ngọn giáo. Còn ở bản dịch thơ mới chỉ dịch là “Múa giáo”, là hành động gợi sự phô diễn, khoa trương... chưa thể hiện được hết sự kì vĩ, vững chắc. Sự kì vĩ ấy càng hiện rõ trong mối quan hệ với không gian và thời gian: không gian mở ra theo chiều rộng sông núi, thời gian được đo đếm bằng mùa, năm (kháp kỷ thu)chứ đâu phải chỉ trong chốc lát

     Hơn nữa, sự kì vĩ, hào hùng của hình tượng người anh hùng càng được nâng lên qua khí thế hào hùng của thời đại:

“Tam quân tì hổ khí thôn ngưu

  (Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu)”

     Hình ảnh “ba quân” là để nói về quân đội nhà Trần nhưng đồng thời còn là hình tượng biểu trưng cho sức mạnh dân tộc. Ở đây nghệ thuật so sánh đã vừa cụ thể hoá sức mạnh vật chất ba quân (mạnh như hổ báo) vừa hướng tới khái quát hoá sức mạnh tinh thần của đội quân mang hào khí Đông A (khí thế át sao trời). Ở câu thơ này, phần dịch thơ với cụm từ “nuốt trôi trâu” cũng chưa diễn tả được hết sức mạnh của quân đội như “khí thôn ngưu” trong bản phiên âm.

     Hình ảnh ba quân với khí thế dũng mãnh này chính là cái nền tôn thêm chất hùng tráng của hình tượng người tráng sĩ “hoành sóc”. Và tự bản thân hình ảnh “Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu” đã khẳng định sự tất thắng của dân tộc trước kẻ thù xâm lăng.

     Như vậy, hai câu thơ đầu đã thể hiện sự gắn kết chặt chẽ, mối quan hệ hữu cơ giữa người anh hùng và thời đại anh hùng, giữa một công dân anh hùng và một dân tộc anh hùng.

     Không chỉ đẹp ở sự kì vĩ, lẫm liệt, hào hùng, hình tượng người anh hùng còn đẹp bởi cái chí, cái tâm cao cả. Đó là con người ôm ấp hoài bão, lí tưởng thật cao đẹp. Với Phạm Ngũ Lão, lí tưởng sống mà ông hướng tới là đánh giặc lập công để đền ơn vua, báo nợ nước. Lý tưởng cao đẹp ấy được thể hiện qua món nợ công danh và nỗi thẹn với vĩ nhân:  

 “Công danh nam tử còn vướng nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”

     Hai câu thơ đã thể hiện hùng tâm, tráng chí của người anh hùng thời Trần. Đó là lí tưởng sống của bao trang nam nhi thời phong kiến.

 “Đã mang tiếng ở trong trời đất

  Phải có danh gì với núi sông”

(Nguyễn Công Trứ)

     Hay ý chí hiên ngang của bậc lão anh hùng trong “Cảm hoài”:

 “Quốc thù chưa trả già sao vội

 Dưới nguyệt mài gươm đã bấy chầy”

(Đặng Dung)

     Câu thơ của Phạm Ngũ Lão đã nói lên khát vọng lập nên công danh sánh ngang với bậc tiền nhân lỗi lạc. Và ý thơ cũng ẩn chứa một lời thề trọn đời cống hiến, xả thân cho vương triều nhà Trần, cho non sông đất nước Đại Việt. Hùng tâm tráng chí của người anh hùng được thể hiện ở ngay nỗi “thẹn”- thẹn chưa có tài mưu lược lớn như Vũ Hầu đời Hán để trừ giặc cứu nước. Đây là cách nói thể hiện khát vọng, hoài bão được đem hết tài trí để cống hiến cho đất nước. Sau này trong văn chương, chúng ta cũng bắt gặp những cái “thẹn” rất cao đẹp như trong thơ Nguyễn Khuyến:

“Nhân hứng cũng vừa toan cất bút

Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào”

(Thu vịnh)

     Với Nguyễn Khuyến đó là cái “thẹn” của một nhà nho – nghệ sĩ. Còn trong “Thuật hoài” là nỗi thẹn của bậc anh hùng – nghệ sĩ. 

     Và vẻ đẹp của người anh hùng “Sát Thát” ấy được Phạm Ngũ Lão khắc họa bằng bút pháp rất đặc sắc: ngôn ngữ tráng lệ, kĩ vĩ, gợi ra dáng vóc của những người anh hùng thần thoại, những người dũng sĩ trong sử thi.... Đặc biệt, là bài thơ tỏ chí, tỏ lòng nhưng không hề khô khan bởi nghệ thuật dựng hình ảnh biểu tượng, hàm súc, giàu ý nghĩa.

     Chính bởi bút pháp nghệ thuật đặc sắc như vậy, tác giả đã sáng tạo nên hình tượng người anh hùng thật giàu ý nghĩa. Bài thơ là bức chân dung tự hoạ của người dũng tướng thời Trần đầy hào hùng, trên cái nền đất nước tràn đầy sức mạnh quật cường. Hơn nữa, hình tượng thơ là kết tinh của tinh thần yêu nước và phẩm chất anh hùng của con người Việt Nam. Bởi vậy cùng với “Hịch tướng sĩ” (Trần Quốc Tuấn), “Tụng giá hoàn kinh sư” (Trần Quang Khải), bài thơ “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão sáng ngời hào khí Đông A.

     Với vẻ đẹp rực sáng ấy, hình tượng người anh hùng đời Trần chính là ngọn đuốc soi sáng cho chúng ta trong cuộc sống hiện nay . Trước hết, vẻ đẹp kì vĩ, lẫm liệt của người tráng sĩ luôn khơi dậy trong mỗi chúng ta ý thức rèn luyện, tu dưỡng về mặt thể chất. Hơn thế, ý chí được thể hiện qua nỗi “thẹn” của người anh hùng chính là kim chỉ nam định hướng lí tưởng sống cho mỗi người. Vậy nỗi ‘thẹn” của Phạm Ngũ Lão có thể hiểu như thế nào? Trước hết, đó có thể là vì lòng yêu nước vô cùng sâu sắc, ý thức trách nhiệm với giang sơn quá lớn lao khiến cho tác giả không hài lòng với công trạng của mình. Cũng có thể đó là vì lòng khiêm tốn rất chân thành mà thấy công trạng của mình không đáng kể. Hoặc vì lý tưởng sống của chàng thanh niên yêu nước này quá hào hùng với khát vọng vươn tới những đỉnh cao chiến công khiến ông không bằng lòng với thành tích của mình.

     Thế nhưng, dù vì lý do gì đi nữa thì sự hổ thẹn của Phạm Ngũ Lão vẫn là sự hổ thẹn cao quý, hữu ích. Bởi nó là nguồn động lực để con người không ngừng vươn tới những đỉnh cao chiến công chứ không ngủ quên trong vinh quang hiện tại. Trong cuộc sống hiện nay, mỗi người cần sống có lý tưởng, hoài bão có mục đích cao đẹp, bởi : “Những khát vọng tốt đẹp chính là cơn gió đẩy con thuyền cuộc đời mặc dù nó vẫn thường gây nên những cơn giông tố” (Safontaine) và “Lý tưởng là ngọn đèn chỉ đường, không có lý tưởng thì không có phương hướng kiên định mà không có phương hướng thì không có cuộc sống” (Leptônxtôi). Chính vì vậy, mỗi người hãy hướng tới lý tưởng sống cao đẹp ngày nay là cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp “Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”. Hãy luôn rèn luyện, phấn đấu làm việc tận tụy và cống hiến hết mình.

     Là thế hệ mùa xuân của đất nước, tuổi trẻ chúng ta càng phải xác định được lý tưởng sống của mình: “Sống là cho chết cũng là cho” (Tố Hữu). Tuổi trẻ cần cảnh giác với tâm lý, hoặc là tự thoả mãn với chút công trạng của mình hoặc đòi hỏi đất nước phải “trả công” cho mình. Hãy xác định đóng góp công sức để xây dựng đất nước là nghĩa vụ thiêng liêng và đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho tổ Quốc” . Đặc biệt giờ đây khi đất nước đang còn nhiều khó khăn, đang phải “neo mình đầu sóng cả”, mỗi người hãy nhận thức được đúng đắn vai trò của mình. Mũi khoan Hải Dương 981 xoáy vào thềm lục địa “Đất nước” nhói đau từ biển lên rừng, buốt tim 90 triệu người dân Việt. Và bởi nước “Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý ấy sẽ không bao giờ thay đổi”. (Hồ Chí Minh). Chính vì vậy, toàn thể dân tộc Việt Nam, nhất là tuổi trẻ trên dưới một lòng, nguyện đem tất cả tính mạng, của cải để giữ vững nền tự do, độc lập đó” (Hồ Chí Minh).

     Bên cạnh đó, cũng cần phải phê phán những con người có lối sống vị kỷ, không có lý tưởng, mục đích sống. Bởi như vậy là họ đang tự huỷ hoại chính bản thân, cuộc sống của họ “đang rỉ đi, đang mòn ra, đang nổi váng”.

     Như vậy mỗi người chúng ta hãy luôn sống có lý tưởng, khát vọng, nhân cách cao đẹp. Và hình tượng người anh hùng thời Trần với vẻ đẹp kỳ vĩ, lẫm liệt, với lý tưởng sống cống hiến sẽ luôn cháy sáng trong mỗi tâm hồn Việt Nam. Đó cũng là hành trang quý giá nâng bước cho mỗi chúng ta trên con đường xây dựng và bảo vệ tổ Quốc. Tiếp bước truyền thống của cha ông, giờ đây khi “Tổ quốc đang bão giông từ biển”, nêu cao tư tưởng nhân nghĩa chúng ta nguyện giữ vẹn nguyên hình hài tổ quốc bằng tinh thần hòa hiếu nhất. Song , vì sự toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta cũng sẵn sàng chấp nhận những mất mát, những hy sinh một khi không còn con đường nào khác. Và khắc ghi lời dặn của cha ông, chúng ta nguyện đưa con tàu tổ quốc vượt qua mọi phong ba bão tố:

 “Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất

Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi”.

 (Nguyễn Việt Chiến)



 

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập Ngữ văn Lớp 10 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư