Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc là danh nhân văn hóa thế giới. Nhắc đến ông, người ta kể đến “Truyện Kiều” - một tác phẩm đã nâng Tiếng Việt lên thành ngôn ngữ dân tộc. Đọc truyện, ta cảm nhận được trái tim nhân hậu, đa cảm đối với con người của nhà thơ. Như Mông Liên Tưởng chủ nhân trong lời tựa Truyện Kiều đã viết “Lời văn tả ra hình như có máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc cũng phải thấm thìa, ngậm ngùi, day dứt đến đứt ruột”. Và có đọc tám câu thơ cuối của đoạn “Kiều ở lầu Ngưng Bích”, ta mới cảm nhận được nét tinh tế, được cái hay, cái đẹp của bút pháp tài ba của Nguyễn Du, đặc biệt là bút pháp tả cảnh ngụ tình.
Có thể nói, tám câu thơ cuối được xem như là kiểu mẫu của lối thơ tả cảnh ngụ tình trong văn chương cổ điển (lấy cảnh sắc thiên nhiên để gửi gắm tâm trạng, cảm xúc). Để diễn tả tâm trạng cô đơn buồn tủi, tuyệt vọng của Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc” - tình trong cảnh ấy cảnh trong tình này” là thực cảnh cũng là tâm cảnh. Mỗi cảnh gợi ra một nỗi buồn khác nhau, để rồi tình buồn tác động đến cảnh buồn khiến cảnh mỗi lúc lại buồn hơn, nỗi buồn càng trở nên ghê gớm mãnh liệt. Đúng như Nguyễn Du từng viết:
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
Những dòng thơ sinh động, dưới cái tài miêu tả nội dung nhân vật của tác giả làm hiện lên một bức tranh vừa gợi tả cảnh thiên nhiên vừa gợi nỗi lòng của nàng Kiều. Một mình bơ vơ, trơ trọi giữa không gian mênh mông, nỗi nhớ nhà quê hương bỗng trỗi dậy trong lòng Kiều.
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng, cánh buồm xa xa
“Cửa bể” là không gian biển khơi mênh mang, rợn ngợp vô cùng, đặt trong thời gian chiều tà, gợi nỗi buồn vắng da diết. Câu thơ của Nguyễn Du khiến người đọc nghĩ tới hình ảnh người con gái lấy chồng xa quê nhìn về quê vào mỗi chiều tà trong câu ca dao:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.
Trong thơ, cảnh chiều hôm giữa không gian bao la ấy có một cánh buồm lẻ loi, lạc lõng lúc ẩn lúc hiện ”thấp thoáng” đã gợi lên cho ta sự lưu lạc tha hương cùng với nỗi buồn da diết về cha mẹ của đứa con nơi ”đất khách quê người”. Câu thơ từ từ ngân lên như một niềm khao khát, hoài bão, ngóng trông, nhưng hiện tại, nơi góc bể chân trời, Kiều vẫn lẻ loi một mình đối đầu với sóng gió cuộc đời, rồi thân phận kiều sẽ lênh đênh, trôi dạt về phương trời nào?
Tâm trạng sợ hãi, lo lắng của Kiều giữa biển trời vô định khiến người đọc phải xót thương, nơi xa kia Kiều nhìn thấy cánh hoa trôi và nghĩ đến thân phận mình:
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
“Ngọn nước mới sa” chứa đựng một sức mạnh của tự nhiên có thể vùi dập, cuốn trôi, hủy diệt những gì nhỏ bé. Giờ đây, không gian không chỉ mênh mông rợn ngợp mà nó còn mạnh mẽ dữ dội, hình ảnh hoa lìa cội, lìa cành nổi trôi trên sóng nước bị dập vùi cũng chính là cuộc đời Kiều trôi nổi giữa dòng đời, Kiều bất lực và mặc thác cho số phận xô đẩy. Đau xót thay khi Kiều giờ đây như một con chim lạc bầy đang bay trong giông tố.
Đọc hai câu thơ tiếp theo, tâm trạng sợ hãi, lo lắng của Kiều đã nâng lên thành tâm trạng tuyệt vọng, bế tắc khi Kiều còn nhìn thấy ngọn cỏ rầu rầu:
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Cảnh khá ấn tượng không phải là “cỏ non xanh tận chân trời” của ngày xuân đầy sức sống mà là “nội cỏ rầu rầu” héo úa, tàn lụi, chết chóc càng làm cho Thúy Kiều thêm chán nản, vô vọng. Màu “xanh xanh” làm cho cả cỏ cây không còn tươi tắn, cảnh vật thêm ảm đạm, như màu cỏ trên mộ Đạm Tiên:
Sè sè nấm đất bên đường
Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh
Hai câu thơ cuối có thể coi là bút pháp tả cảnh ngụ tình đạt đến đỉnh điểm. Sóng gió âm thanh dữ dội duy nhất xuất hiện gắn liền với sự mạnh mẽ tượng trưng cho sức mạnh phong kiến rình rập bủa vây cuộc đời Thúy Kiều:
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi
Chiều đã muộn, cảnh không còn hiện rõ nữa, âm thanh dội lên mạnh hơn. Kiều nhìn thấy “gió cuốn” từng đợt sóng trào dâng, nghe “sóng kêu” vang dội bỗng thấy kinh hãi, lo sợ đến hãi hùng, Kiều chơi vơi như rơi vào vực thẳm một cách bất lực, và cũng chính lúc này, Kiều trở nên tuyệt vọng yếu đuối nhất. Vì thế nàng đã mắc lừa Sở Khanh, để rồi dấn thân vào cuộc đời “thanh lâu hai lượt thanh y hai lần”.
Không chỉ vậy, bốn câu lục bát được liên kết bằng điệp ngữ “buồn trông” gợi nỗi buồn điệp trùng, triền miên, tạo âm hưởng của một bản nhạc buồn với điệp khúc tâm trạng. “Buồn trông” ở đây là buồn mà nhìn xa trông ngóng một cái gì mơ hồ sẽ thay đổi hiện tại nhưng càng trông càng vô vọng. Điệp ngữ “buồn trông” kết hợp với nhiều từ láy “thấp thoáng”, “xa xa”, “man mác”, “rầu rầu”, “xanh xanh”, “ầm ầm” đứng ở cuối câu tạo nên nhịp điệu trầm và đã diễn tả sâu sắc tâm trạng đau thương, buồn thảm của Kiều. Đồng thời với hình ảnh ẩn dụ đặc sắc, cảnh được miêu tả từ xa đến gần, màu sắc từ nhạt đến đậm, âm thanh từ tĩnh đến động và tâm trạng từ tuyệt vọng cô đơn đến lo lắng, hoang mang.
Tóm lại, “Kiều ở Lầu Ngưng Bích” không chỉ là bức tranh thiên nhiên mà còn là bức tranh tâm trạng. Đoạn trích thể hiện tài năng bậc thầy của Nguyễn Du trong tả cảnh ngụ tình, trong đó, tám câu thơ cuối đã gieo vào lòng người nỗi buồn thương cùng Kiều và tình yêu thương, thấu hiểu với thân phận người đàn bà của Nguyễn Du.
Tham gia Cộng đồng Lazi trên các mạng xã hội | |
Fanpage: | https://www.fb.com/lazi.vn |
Group: | https://www.fb.com/groups/lazi.vn |
Kênh FB: | https://m.me/j/AbY8WMG2VhCvgIcB |
LaziGo: | https://go.lazi.vn/join/lazigo |
Discord: | https://discord.gg/4vkBe6wJuU |
Youtube: | https://www.youtube.com/@lazi-vn |
Tiktok: | https://www.tiktok.com/@lazi.vn |
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |