1. Về tên gọi Tân Việt cách mạng đảng
Tân Việt cách mạng đảng là một bước phát triển của Hội Phục Việt tương ứng với một giai đoạn trong quá trình chuyển hoá của những người trí thức yêu nước từ Phục Việt (7-1925) đến Đông Dương cộng sản liên đoàn (9-1929), từ lập trường của chủ nghĩa yêu nước sang lập trường cộng sản. Nó là một dấu ấn lịch sử đậm nét xét trên cả hai phương diện cương lĩnh chính trị và cơ cấu tổ chức. Nó đã trở thành tên gọi quen thuộc của những người hoạt động yêu nước và cả những kẻ chống phá cách mạng thời bấy giờ. Vì vậy, nhiều đảng viên laõ thành càng nhớ về cội nguồn của Đảng càng tự hào về Tân Việt cách mạng đảng-tổ chức đầu tiên đã đưa họ tới con đường cách mạng đúng đắn cuả dân tộc. Trong quá trình chuyển hoá không ngừng từ Phục Việt hội, Hưng Nam hội, Việt Nam cách mạng đảng, Việt Nam cách mạng đồng chí hội, Tân Việt cách mạng đảng rồi Đông Dương cộng sản liên đoàn- một bộ phận của Đảng cộng sản Việt Nam, nhiều người trí thức yêu nước đã hoá thân thành những người cộng sản.
Có người cho rằng, với dự án Khối liên hiệp Quốc gia (3-1929), Đào Duy Anh đã đặt dấu chấm hết cho Tân Việt, rằng Tân Việt đã tan rã. Nếu đánh giá như vậy là thiếu một cái nhìn đầy đủ từ Phuc Việt đến Đông Dương cộng sản liên đoàn, không thấy được những khó khăn của người trí thức đương thời và không đánh giá đúng vai trò của họ trong cuộc vận động thành lập Đảng.
2. Từ Phục Việt đến Đông Dương cộng sản liên đoàn là quá trình chuyển hoá mạnh mẽ nhất của một tổ chức yêu nước ở Việt Nam trong những năm 1925 – 1930 mà những ngươì đi tiên phong, đóng vai trò nòng cốt là những trí thức.
Từ nửa cuối thế kỷ XIX, các sỹ phu yêu nước đã xả thân vì nghĩa lớn và cho đến cả gần hết 30 năm đầu thế kỷ XX, với tầm nhìn rộng hơn, lớp tri thức đương thời cũng không vượt qua được thực tế phụ phàng “Trăm lần thất bại mà không một lần thành công”. Rồi vẫn với khát vọng độc lập tự do, từ sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc, từ ngọn lửa tinh thần Việt Nam, những người tù chính trị đầu thế kỷ XX trở về cùng với những thanh niên trí thức tân học mà phần lớn là những cừu gia tử đệ đã không chịu cúi đầu trước gông xiềng nô lệ, họ quyết tâm cùng nhân dân đấu tranh để giành lại độc lập cho Tổ quốc, hạnh phúc cho đồng bào; coi đó là sự sống còn và vinh quang của người trí thức Việt Nam.
Dẫu là, được rọi chiếu gián tiếp nhiều hơn là trực tiếp, nhưng tư tưởng cách mạng của Nguyễn ái Quốc-Hồ Chí Minh đã được Tân Việt đón chào nồng nhiệt. Sau chuyến đi đầu tiên của Lê Duy Điếm và sau đó là Trần Phú tiếp xúc với Việt Nam cách mạng Thanh niên và học tập tại Trường huấn luyện chính trị ở Quảng Châu, hội Phục Việt đã chuyển con đường giải phóng dân tộc theo khuynh hướng cách mạng vô sản. Cùng một tấm lòng yêu nước nhiệt thành, cùng sẵn sàng xả thân vì dân tộc, nhưng khác với Thanh niên Cao vọng đảng và Việt Nam quốc dân đảng, Ban lãnh đạo Tổng bộ, Ban lãnh đạo các kỳ bộ và hầu hết các đảng viên của Tân Việt cách mạng đảng (trừ một số rất ít người không vượt qua được sự mặc cảm do tình trạng kéo dài không hợp nhất được giữa hai tổ chức Thanh niên và Tân Việt) đã chuyển thành Đông Dương cộng sản liên đoàn, cùng với Đông Dương cộng sản Đảng và An Nam cộng sản Đảng hợp thành Đảng cộng sản Việt Nam- chính đảng duy nhất lãnh đạo cách mạng; đó là sự thể hiện đậm nét của việc kết hợp Chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam; là tạo thêm cơ sở để Đảng ta xác định đúng vị trí của người trí thức trong cách mạng và tiền đề cho khối liên minh công-nông-trí thức.
3. Tích cực tìm hiểu các tổ chức yêu nước, kiên trì đấu tranh cho sự thống nhất phong trào giải phóng dân tộc
Tân Việt cách mạng đảng sớm hiểu rõ giá trị của bài học về đoàn kết dân tộc. Họ đấu tranh cho sự thống nhất của phong trào dân tộc với tất cả tâm nguyện là để cứu nước. Ngay từ lúc vừa mới thành lập và trong suốt quá trình phát triển của Tân Việt, cuộc đấu tranh để thống nhất các tổ chức yêu nước không ngừng được đặt ra.
Vừa mới ra đời (7-1925), Phục Việt đã cử Lê Duy Điếm tìm cách liên hệ với những người Việt Nam đang hoạt động ở vùng Đông Bắc của Xiêm (Thái Lan) và Quảng Châu (Trung Quốc). Từ đó vấn đề hợp nhất với Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên luôn luôn được coi là một tiêu chí hoạt động, một yêu cầu bức thiết đối với Tân Việt cách mạng Đảng. Nhiều đại biểu của Tân Việt được cử sang Quảng Châu vận động hợp nhất. Tiếp theo Lê Duy Điếm là Trần Phú, Trần Hậu Toàn, Nguyễn Sĩ Sách và Phan Đăng Lưu đã sang gặp Tổng bộ Việt Nam cách mạng Thanh niên bàn việc hợp nhất.
Trong 4 năm 2 tháng tồn tại, Tân Việt cách mạng Đảng đã có trên 5 lần bàn chuyện hợp nhất với Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Lúc thì bị một vài đồng chí của mình được cử đi học ở Trường huấn luyện chính trị của Thanh niên về gây khó khăn, lúc thì không được Ban lãnh đạo kỳ bộ Thanh niên Trung Kỳ chấp nhận; hoặc cũng có thể do đòi hỏi của phía Tân Việt quá cao muốn đặt “Tổng bộ hợp nhất” tại trong nước, vv.
Tháng 7-1928, vào thời điểm cuộc thương lượng hợp nhất đứng trước nguy cơ bị đổ vỡ hoàn toàn, Tân Việt đã triệu tập Đại hội ở Huế, chuyển đổi đảng danh và tuyên bố hoạt động độc lập với Việt Nam cách mạng Thanh niên. Nhưng khát vọng độc lập tự do và bài học lịch sử về đoàn kết đã nhắc nhở họ không được phép nản lòng dù đã nhiều lần hợp nhất không thành, Tân Việt cách mạng đảng lại quyết định cử đại biểu của họ tiếp tục tới Quảng Châu khẩn thiết trao đổi với lãnh đạo Tổng bộ Thanh niên xúc tiến sớm việc hợp nhất hai tổ chức. Tân Việt cũng đã chuẩn bị cử một đoàn đại biểu sang gặp Ban chấp hành Quốc tế cộng sản ở Matscơva trong trường hợp cuộc thương lượng với Việt Nam cách mạng Thanh niên thất bại một lần nữa. Tất cả những điều đó nói lên tình cảm nồng thắm của Tân Việt đối với con đường mà lãnh tụ Nguyễn ái Quốc đã lựa chọn.
Ở Nam kỳ, Kỳ bộ Tân Việt cách mạng đảng đã có sự liên hệ với Đảng Thanh niên cuả Trần Huy Liệu và Việt Nam Quốc dân đảng. Nghiên cứu những mối quan hệ này, chúng ta càng thấy rõ: tuy sắc thái của chủ nghĩa yêu nước có khác nhau nhưng trách nhiệm lịch sử đối với dân tộc đều là một. Họ đã đến với nhau trong một tình thế đầy khó khăn, nhiều sự kiện xẩy ra sau vụ Bácbiê: Nguyễn Duy Trinh và Đào Xuân Mai bị bắt, một số cán bộ trong đó có Hà Huy Tập phải ra nước ngoài, cụ Nguyễn Đình Kiên Bí thư Kỳ bộ Tân Việt ở Nam kỳ bị khống chế. Mặc dù, lúc bấy giờ các đảng phái đang trong tình trạng “thai nghén về tư tưởng”, hoặcđang hướng theo những phương pháp cách mạng khác nhau; nhưng đều đứng trên nền tảng của chủ nghĩa dân tộc nên đều có một quyết tâm chung là phải đoàn kết đấu tranh giành cho được độc lập, tự do.
Tân Việt cách mạng Đảng đã bỏ qua nhiều điều kiện “ngặt nghèo”mà thời đó những người trí thức khó chấp nhận, để hướng tới sự thống nhất phong trào dân tộc. Sự tiếp nhận nhanh chóng và kiên định con đường cách mạng của lãnh tụ Nguyễn ái Quốc, cũng như sự chỉ đạo sắc bén của Người tại Hội nghị hợp nhất đã mang lại niềm vui và vinh quang cho Tân Việt cách mạng Đảng: Ngày 24-2-1930, Đông Dương cộng sản liên đoàn được Chấp uỷ lâm thời công nhận là một trong ba bộ phận hợp thành Đảng cộng sản Việt Nam.
4. Không ngừng tạo dựng nguồn lực cho sự nghiệp giải phóng dân tộc
Một trong những nét nổi bật của Tân Việt cách mạng đảng là coi trọng nhân tố con người, thường xuyên chăm lo bồi dưỡng rèn luyện đảng viên chuẩn bị nguồn lực cho phong trào.
Những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, người trí thức Việt Nam đã có cách nhìn mới về dân tộc. Vấn đề dân tộc phải gắn kết với vấn đề đồng bào, với sự bình đẳng, bác ái, với độc lập tự do, ấm no và hạnh phúc. Nhưng muốn khơi dậy một phong trào thì trước hết phải có người tổ chức lãnh đạo. Sức lãnh đạo tuỳ thuộc vào cả số lượng và chất lượng của bộ máy điều hành cách mạng. Tân Việt cách mạng đảng đã có những con người hết lòng vì nước vì dân, có những bậc danh nho cống hiến trọn đời cho tổ quốc. Vượt qua súng gươm tù đầy trở về với con cháu; dìu dắt, động viên và cùng thế hệ Thanh niên trí thức mới tiến nhanh trên con Đường kách mệnh của Nguyễn ái Quốc. Từ Phục Việt đến Đông Dương cộng sản liên đoàn không có điểm dừng, không ngắt quãng, mà chỉ có một sự tiến hoá phù hợp với quy luật vận động của xã hội, với xu thế phát triển của thời đại.
Đối sách của nhà cầm quyền thực dân với các cựu chính trị phạm là giám sát, theo dõi, quản thúc chặt chẽ, sẵn sàng bắt giam trở lại; đối với những giáo chức mới, thường tìm cách chuyển đổi nơi làm việc đưa tới “vùng ma thiêng nước độc”để cách ly họ với quần chúng yêu nước, gây khó khăn về đời sống, giết dần, giết mòn họ. Thâm độc hơn chúng còn tìm cách phao tin đồn nhảm gây nghi kỵ trong nội bộ các tổ chức yêu nước và nhằm gây chia rẽ phong trào cách mạng; thực kế sách “không đánh mà tan”. Đồng thời với các biện pháp trên, chúng còn tung mật thám rình rập trên các tuyến đường biên giới để chặn bắt những người xuất dương sang các trung tâm cách mạng của Việt Nam ở nước ngoài. Chính quyền thực dân cho rằng đó là cách nhẹ nhàng nhất mà vẫn dập tắt phong trào giải phóng dân tộc ngay từ khi còn trứng nước. Nhưng các “Quốc sự phạm” vẫn không sờn lòng, vẫn ngày ngày lo quốc sự. Mang chí Phục Việt từ tù ngục Côn Đảo trở về, các cụ càng nhạy cảm hơn với thời cuộc. Lê Văn Huân, Nguyễn Đình Kiên, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Kỳ Phong, Trần Hoành, Lê Đại, vv là những lãnh tụ tinh thần của lớp Thanh niên trí thức trong buổi đầu tạo dựng nguồn lực lãnh đạo. Họ sẵn sàng nhận mọi trách nhiệm chính trị trước toà án thực dân để bảo vệ cho lớp trẻ, bảo vệ những cháu con, những học trò đang nổi nghiệp họ được an toàn trong hoạt động bí mật. Một số đảng viên chủ chốt của Tân Việt như Trần Mộng Bạch (Trần Đình Thanh), Phan Kiêm Huy, Hoàng Đức Thi, Hà Huy Tập, Trần Văn Tăng, vv khi bị chuyển đổi đến nơi khác cũng đều ra sức tuyên truyền, lựa chọn quần chúng phát triển tổ chức, nỗ lực gây dựng cơ sở mới.
Qua nhiều nguồn tư liệu, qua Văn kiện Đảng và qua Hồi ký của các bậc lão thành cách mạng, giúp ta khẳng định Tân Việt cách mạng đảng là một tổ chức khá táo bạo trong việc bồi dưỡng huấn luyện đảng viên. Không chờ đợi hợp nhất một cách thụ động, mà chủ động trong việc tìm hiểu các dòng tư tưởng tiến bộ, các học thuyết cách mạng, nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin qua các nguồn sách báo hợp pháp và bí mật. Tân Việt còn cử nhiều thanh niên trí thức (trong đó có Lê Duy Điếm, Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Sỹ Sách, Phan Đăng Lưu) tới Trường huấn luyện chính trị của Việt Nam cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc) để trực tiếp tiếp nhận những quan điểm cơ bản của lãnh tụ Nguyễn ái Quốc, trên cơ sở đó về nước chọn lựa quần chúng, tổ chức các lớp huấn luyện; và cũng không ỷ lại Trường huấn luyện chính trị của Việt Nam cách mạng Thanh niên, Tân Việt đã tích cực mở các lớp huấn luyện cho đảng viên. Cơ sở xã hội của Tân Việt là nhân dân lao động, trước hết là những đồng nghiệp, bạn bè quen biết những người trong gia tộc, tuyên truyền giác ngộ và đào luyện họ, tạo điều kiện cho việc mở rộng phong trào. Nhờ vậy mà thành phần xã hội của Tân Việt cách mạng đảng rất phong phú: từ những sĩ phu, giáo chức, học sinh, dần dần đã có nhiều công nhân, nông dân trở thành đảng viên hoặc quần chúng tích cực.
Trong một thời gian không dài, có nhiều tổ chức yêu nước (Việt Nam cách mạng Thanh niên, Việt Nam quốc dân đảng, Thanh niên cao vọng đảng, vv) đua tranh vận động, nhưng Tân Việt vẫn có được một số lượng đảng viên không dưới 800 người. Sự có mặt của họ trên cả ba kỳ, đặc biệt là ở nhiều tỉnh thành trên giải đất miền Trung, đã góp phần thúc đẩy giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và các tầng lớp thanh niên học sinh vào trận tuyến đấu tranh của dân tộc.
Với cách làm đó, Tân Việt không chỉ đẩy nhanh cuộc vận động thành lập Đảng cộng sản Việt Nam mà còn góp một phần quan trọng tạo nên nguồn lực lãnh đạo của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân (1930-1975) mà trước mắt là cao trào cách mạng 1930-1931. Đúng như lãnh tụ Nguyễn ái Quốc đã dự báo 10 năm trước đó: “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến”.
5. Dấu ấn lịch sử trong những năm tháng tạo dựng nền dân chủ cộng hoà Việt Nam
Cùng với sự xuất hiện của Đông Dương cộng sản Đảng và An Nam cộng sản Đảng, Tân Việt cách mạng đảng đã hoá thân thành Đông Dương cộng sản liên đoàn. Tiếp đó, tổ chức này đã nắm giữ trọng trách mới của Đảng cộng sản Việt Nam trên địa bàn mà nó đã từng hoạt động và cùng với toàn Đảng, toàn dân bước vào cao trào cách mạng 1930-1931. Dưới ngọn cờ của Đảng cộng sản Việt Nam, nhiều chiến sỹ cộng sản có cội nguồn từ Tân Việt cách mạng đảng như Lê Mao, Lê Viết Thuật, vv đã xả thân trong cuộc đấu tranh chống áp bức và bóc lột của chủ nghĩa thực dân Pháp và phong kiến tay sai. Tổng bí thư Trần Phú trước khi trút hơi thở cuối cùng không quên dặn dò anh em đồng chí “Hãy giữ vững chí khí!”.
Các thể hệ người Việt Nam cũng không thể nào quên những chiến sĩ cộng sản đã lăn lộn trong thời kỳ 1936-1939 để công khai tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng. Lí luận sắc bén của họ trong cuộc đấu tranh vì một mặt trận chung chống phát xít, chống chiến tranh, chống phản động thuộc địa và tay sai đòi dân sinh, dân chủ đã tạo nền tảng cho sự hình thành đạo quân chính trị rộng lớn của cách mạng Việt Nam.
Nhân dân ta không thể nào quên: cùng với khởi nghĩa Nam Kỳ, trước mũi súng của kẻ thù tàn bạo, nhiều người Việt Nam đã ngã xuống trong đó có Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Uỷ viên Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương Phan Đăng Lưu, Bí thư thành uỷ Sài Gòn-Chợ lớn Nguyễn Thị Minh Khai, vv. Đó là những con người “Vững chí bền gan” “kiên tâm giữ dạ” trên con đường cách mạng đầy chông gai, mà “Nếu còn sống còn làm cách mạng!”, là những tấm gương ngời sáng chủ nghĩa yêu nước –chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Nền dân chủ cộng hoà được khai sinh, ta thấy xuất hiện nhiều gương mặt của “một thời Tân Việt” trong Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới. Đó là các ông Võ Nguyên Giáp, Lê Viết Lượng, Chu Văn Biên, Đặng Thai Mai, Nguyễn Duy Trinh, Trần Hữu Duyệt, Lê lộc, Hoàng Văn Diệm, Trần Hữu Dực, Tôn Quang Phiệt và bà Tôn Thị Quế, vv. Ngoài những người tham gia lãnh đạo, điều hành bộ máy Nhà nước còn có nhiều người góp phần đáng kể trong việc tạo dựng nền văn hoá cách mạng như Hải Triều, Đặng Thai Mai, Võ Liêm Sơn, Hoài Thanh, vv. Đặc biệt có cả một danh tướng nổi tiếng trong thời đại chúng ta-Đại tướng Võ Nguyên Giáp!
Nghiên cứu lịch sử một tổ chức cách mạng không nên chỉ giới hạn trong không gian và thời gian nhất định. Bởi, tổ chức được kiến tạo từ con người cho nên cần xem xét cả cội nguồn và sự phát triển của con người trong lịch sử; kể cả khi mà “cái vỏ bọc” của nó đã kết thúc sứ mệnh lịch sử. Con người yêu nước chính là là tế bào của chủ nghĩa yêu nước, là sự toả sáng giá trị của một tổ chức, là cầu nối của các các quan hệ đa chiều trong xã hội, gắn kết các nhân tố tích cực tạo nên phong trào cách mạng, tạo nên truyền thống Việt Nam,. Nhưng một tổ chức cách mạng và những con người cách mạng tên tuổi trong lịch sử được đưa vào trong một công trình nghiên cứu lịch sử cũng chỉ là biểu trưng; bởi chưa thể nói lên hết thảy những gì đã diễn ra trong lịch sử. Trên tinh thần ấy, chúng tôi luôn tự nhận thấy trong mọi công trình của mình đều có những thiếu sót. Mong rằng độc giả yêu mến lịch sử dân tộc chỉ bảo và nếu có thể cung cấp tư liệu để chúng tôi chính sửa hoàn thiện các vấn đề nghiên cứu của mình.