Sự nghiệp làm quan của Nguyễn Quỳnh cũng đầy khó khăn, chật vật. Ông được triều đình bổ nhiệm làm Huấn đạo huyện Thạch Thất, xứ Sơn Tây. Trong giai đoạn chính sự rối ren, xã tắc loạn lạc, chứng kiến lòng dân cơ cực, đau khổ, Nguyễn Quỳnh chọn cách cáo quan về quê. Dù ông đã kinh qua nhiều vị trí, từ Huấn đạo rồi Viên Ngoại lang ở Bộ Lễ, Tu soạn Viện Hàn lâm... thì cuộc sống của ông vẫn rất nghèo.
Tuy nhiên, với tài năng thơ phú và ứng đối xuất chúng, sẵn lòng bênh vực người nghèo, ghét cay ghét đắng bọn tham quan, ô lại, ông được dân gian yêu mến. Ông nổi tiếng với sự trào lộng, hài hước tạo nên nhiều giai thoại nên trong dân gian vẫn thường gọi ông là Trạng Quỳnh (dù ông không đỗ Trạng nguyên).
Tài liệu cuộc đời làm quan, di sản văn chương của Nguyễn Quỳnh để lại khá ít ỏi nhưng cũng đủ khẳng định tài năng thơ phú của Nguyễn Quỳnh. Trong gia phả của dòng họ Nguyễn có ghi lại 6 bài văn bằng chữ Hán của Nguyễn Quỳnh được lưu truyền đến ngày nay. Trong đó, hai bài phú “Kim bạch tài vật phú” và “Tần cung phụ nữ” được liệt vào hàng đầu trong cuốn “Lịch triều danh phú” cho thấy tài năng văn chương của Nguyễn Quỳnh. Hiện nay, trong tiểu sử tóm tắt về Nguyễn Quỳnh tại đền thờ ông vẫn còn ghi: “Trạng Quỳnh là người học vấn kinh luân, tài năng ứng biến. Khi tiếp xúc với xứ thần Trung Quốc, ông ứng đối hùng biện, lưu loát về văn học từ chương, nghi lễ bang giao”.
Chúng tôi ghé thăm Khu di tích danh nhân văn hóa Nguyễn Quỳnh (Trạng Quỳnh) tại xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa vào một buổi chiều mùa Hè rực rỡ nắng vàng. Đền thờ tọa lạc ngay đầu làng Bột Thượng - Cổ Quăng, phía trước là một cái ao rộng, hoa súng nở tím ngát một góc ao. Cổng khu di tích được xây dựng khang trang. Khu di tích gồm 3 dãy nhà được bố trí theo hình chữ U.
Ngay chính giữa là đền thờ Trạng Quỳnh với gian ngoài là nơi trưng bày niên sử của Trạng Quỳnh và phả hệ của dòng họ cùng những công trạng của thế hệ con cháu đời sau, gian trong là tượng thờ Trạng Quỳnh. Bên phải là dãy nhà để các con cháu ở, sinh hoạt và trông giữ nhà thờ. Bên trái là Nhà lưu niệm mang tên “Con Người-sự kiện-tác phẩm” do ông bà Louis Sizaret - nhà hoạt động văn hóa tại Luxembourg tài trợ. Nơi đây lưu giữ những văn bản, hình ảnh tổng hợp những nét cơ bản về con người Trạng Quỳnh; những căn cứ và tư liệu về tài năng của Trạng Quỳnh; những hình ảnh, tài liệu thể hiện lòng ngưỡng mộ của các nhà lãnh đạo đối với bậc danh nhân tiền bối; sự đánh giá cao của các học giả, trí thức trong nước và trên thế giới đối với Nguyễn Quỳnh và truyện Trạng Quỳnh.
Đặc biệt, nhà lưu niệm trưng bày 2 pho sách "Truyện Trạng Quỳnh" song ngữ Việt-Pháp, song ngữ Việt-Anh do nhà văn Nguyễn Đức Hiền biên soạn, mỗi pho nặng hơn 5kg có thể lưu giữ hàng thế kỷ.
Tiếp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Sơn, hơn 70 tuổi, người chắt đời thứ 8 của danh nhân Nguyễn Quỳnh cho biết: “Khu di tích được trùng tu lại khang trang trên nền cũ của đền thờ cụ Nguyễn Quỳnh. Năm 1992, khu di tích được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia. Cũng từ đó, khu di tích được ngành văn hóa - thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), các cấp chính quyền huyện, xã cùng dòng họ tham gia bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích. Vào những ngày tuần tiết, lễ, Tết, hay các cháu đi thi cử thường đến cầu may mắn, đỗ đạt”.
Bà Nguyễn Thị Sơn cũng cho biết, việc giao đền thờ cụ Nguyễn Quỳnh về cho dòng họ trông coi bảo vệ đã nâng cao được trách nhiệm và lòng tự hào của con cháu trong dòng họ, khuyến khích được con cháu học hành. Thông qua các ngày lễ, hội, con cháu trong dòng họ lại có dịp tề tựu đông đủ, ôn lại truyền thống hiếu học của dòng họ. Nơi đây cũng là nơi tôn vinh những tấm gương điển hình của dòng họ.
Hằng năm, có hàng vạn du khách về thăm khu di tích để tưởng nhớ vị danh nhân tài năng, đức độ, trở thành biểu tượng cho sự hiếu học của đất và người Hoằng Hóa. Khu di tích trở thành địa chỉ văn hóa, tâm linh nổi tiếng của đất Hoằng Hóa và tỉnh Thanh Hóa. Khách du lịch có dịp đến biển Hải Tiến có thể ghé qua khu di tích để tham quan, tìm hiểu về Trạng Quỳnh cũng là một trải nghiệm thú vị trong hành trình đến với xứ Thanh.