Những năm qua mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song công tác quản lý bảo vệ rừng đã có nhiều chuyển biến tích cực, được cộng đồng xã hội quan tâm sâu sắc hơn; chủ trương xã hội hóa nghề rừng được hiện thực, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng. Cùng với đó, việc Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại song phương và đa phương đã có tác động tích cực trong việc tăng giá gỗ rừng trồng; tạo động lực cho đầu tư, phát triển rừng trồng để thay thế gỗ rừng tự nhiên. Cơ chế, chính sách từng bước được sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới, thu hút các thành phần kinh tế tham gia bảo vệ và phát triển rừng.
Kết quả thống kê cho thấy, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc tăng từ 40,84% năm 2015 lên 41,89% năm 2019, ước năm 2020 đạt khoảng 42%, đạt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Đến cuối năm 2019, tổng diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững toàn quốc đạt 269,1 nghìn ha trên địa bàn 24 tỉnh (trong đó, diện tích được cấp chứng chỉ rừng theo Hệ thống chứng chỉ rừng của Việt Nam là 10 nghìn ha). Diện tích được cấp mới chứng chỉ quản lý rừng bền vững trong năm 2019 là gần 43 nghìn ha. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 2,0 triệu m3.